Cảnh báo khi tự điều trị Covid-19
Người mắc Covid-19 nên cách ly trong bao lâu và cách điều trị bệnh nhân Covid-19 có gì mới trong điều kiện hiện nay là những vấn đề nhận được nhiều quan tâm. Bất chấp biến thể Omicron tiếp tục lan rộng thì nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly cũng như cho phép người dương tính với SARS-CoV-2 tự điều trị tại nhà.
Sau Pháp, tới nay Mỹ và một số quốc gia đã cho phép nhân viên y tế mắc Covid-19 tiếp tục đi làm, tất nhiên là có biện pháp bảo vệ chu đáo hơn để tránh phát tán mầm bệnh. “Đây là điều cần thiết một mặt để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện, mặt khác cũng phù hợp khi mà số người đã tiêm vaccine tăng cao” - Marine Landon, chuyên gia y tế tiểu bang Chicago (Mỹ) nói đồng thời cũng cho rằng nhân viên y tế là những người hiểu về cơ chế bệnh tật nhất nên họ tự lo được sức khỏe của bản thân lẫn những người họ tiếp xúc.
Vì sao được rút ngắn thời gian cách ly?
Khi Omicron lan truyền, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy biến thể này gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Đây là một tin tốt lành vì những người nhiễm virus ít phải nhập viện hoặc tử vong. Chính vì thế, nhiều quốc gia đã ứng phó bằng cách đánh giá lại thời gian cách ly cần thiết.
“Chúng ta không thể “đánh mất” hàng triệu lao động trong khi mức độ rủi ro ngày một ít đi” – vẫn theo tiến sĩ Marine Landon.
Đầu năm 2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã giảm một nửa thời gian phải tự cách ly với người mắc Covid-19 từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Chính phủ Anh cũng giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày với những trường hợp có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp trong thời gian cách ly. Đồng thời quy định mới của Anh cho phép những người có 2 xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính được kết thúc cách ly sớm.
Tương tự, tại Đức - quốc gia được cho là rất chặt chẽ trong phòng ngừa dịch thì cũng đã có động thái tương tự khi cắt giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tờ The Economist trích dẫn đánh giá của các nghiên cứu thống kê cho rằng các biến thể đời đầu có thời gian ủ bệnh trung bình là 6 ngày. Khả năng lây lan của mầm bệnh lên đến đỉnh điểm ngay trước khi các triệu chứng xuất hiện và biến mất trong 7 ngày sau đó. Tại New Zealand, chính quyền yêu cầu người chưa tiêm vaccine cách ly trong vòng 14 ngày, còn đối với người đã tiêm vaccine thì cách ly 10 ngày. Trong khi đó, đối với những bệnh nhân có triệu chứng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cách ly ít nhất 10 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng, và tiếp tục cách ly 3 ngày sau khi các triệu chứng biến mất.
Về thời gian ủ bệnh nếu bị Omicron tấn công, các nghiên cứu cho rằng đó là 3 ngày so với 5 ngày của biến thể Delta. Điều này cho thấy nếu dương tính với Omicron thì sẽ sớm phát hiện hơn và thời gian điều trị cũng nhanh hơn, thời gian “được trả về với cuộc sống tự do” cũng sớm hơn.
Thêm phương pháp điều trị Covid-19 mới và cảnh báo khi tự điều trị
Trong khuyến cáo được đăng trên Tạp chí Y khoa Anh BMJ mới đây, các chuyên gia WHO cho biết loại thuốc trị viêm khớp Baricitinib được sử dụng cùng với Corticosteroid để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng hoặc nguy kịch đưa đến tỷ lệ sống cao hơn và giảm nhu cầu sử dụng máy thở.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị điều trị bằng kháng thể tổng hợp Sotrovimab cho người mắc Covid-19 nguy cơ nhập viện cao nhất, như người già, người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường. Lợi ích của Sotrovimab với người không có nguy cơ nhập viện được coi là không đáng kể và hiệu quả của nó đối với các biến chủng mới như Omicron “vẫn chưa chắc chắn”.
“Khi cả hai đều có sẵn, hãy chọn một loại dựa trên các vấn đề bao gồm chi phí và kinh nghiệm của bác sĩ lâm sàng” - hướng dẫn của WHO cho biết.
WHO trước đó đã phê duyệt 3 phương pháp điều trị Covid-19, bắt đầu là thuốc kháng viêm Corticosteroid cho bệnh nhân nặng. Corticosteroid không đắt, có sẵn phổ biến và chống lại chứng viêm thường đi kèm trường hợp nghiêm trọng. Tiếp đó là thuốc trị viêm khớp Tocilizumab và Sarilumab, được WHO, giúp ngăn chặn phản ứng quá mức nguy hiểm của hệ miễn dịch đối với SARS-CoV-2. Còn Baricitinib nằm trong một nhóm thuốc khác được gọi là chất ức chế Janus kinase. Điều trị bằng kháng thể tổng hợp Regeneron cũng được WHO phê duyệt cho biết có thể được sử dụng cho nhiều nhóm bệnh nhân.
Thực tế thì tới nay các phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 được áp dụng là khá khác nhau giữa các quốc gia. Chủ yếu là ở các loại thuốc được cho là đặc trị, hoặc là phối hợp giữa các loại thuốc. Chính vì nhu cầu điều trị tăng cao nên thị trường thuốc bỗng chốc trở nên “nguy hiểm” khi xuất hiện tràn lan những lời khuyên dùng thuốc gì và các loại thuốc cũng ồ ạt xuất hiện. Theo giới chuyên gia y tế, việc người dân tự mua thuốc điều trị tại nhà là khá nguy hiểm, vì bản thân các viên thuốc đó không chắc đã được phê duyệt, chưa nói đó còn là thuốc giả.
“Thuốc điều trị Covid-19 là mơ ước của tất cả mọi người, nhưng nó phải được kiểm nghiệm nghiêm túc. Trong lúc số người mắc Covid-19 nhưng vẫn khỏe mạnh thì người ta có thể tự điều trị tại nhà, nhưng nhất thiết phải theo hướng dẫn y tế. Chúng ta không thể tự làm bác sĩ cho mình hay người thân của mình khi mà ngay cả các chuyên gia y tế cũng vẫn không thể thật tường minh về những loại thuốc đặc hiệu chống Covid-19” - đại diện WHO đưa ra khuyến cáo.