Trạm y tế online: Giảm tải cho y tế cơ sở
“Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn tập thể Trạm Y tế phường Trúc Bạch đã trợ giúp gia đình tôi” - Đó là một trong rất nhiều lời cảm ơn của người mắc Covid-19 đang được điều trị tại nhà gửi lên fanpage của Trạm Y tế online phường Trúc Bạch (quận Ba Đình – Hà Nội), dù mới chỉ đi vào hoạt động từ ngày 15/1 tới nay.
Linh hoạt phòng, chống dịch
Trước tình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, để đáp ứng kịp thời phòng, chống dịch và truyền tải nhanh nhất thông tin y tế đến người dân, trạm y tế online đã được ra mắt tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) với đường dây nóng: 039.885.6892.
Trạm y tế online kết nối với Tổ chăm sóc sức khỏe người mắc Covid-19 cộng đồng, Tổ y tế tự quản trong hộ kinh doanh và Đội phản ứng nhanh các tổ dân phố thực hiện chăm sóc, thăm khám F0 tại nhà. Thành viên của trạm gồm cán bộ phường, trạm y tế phường trên địa bàn, các y bác sĩ tình nguyện... Trạm y tế online cung cấp các bài luyện tập thể chất, tinh thần, các hướng dẫn chăm sóc người bệnh, cũng như hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19. Người dân và các trường hợp F0, F1 nếu có bất cứ thắc mắc hoặc cần sự hỗ trợ về thông tin, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm, các nhu cầu khác trong cuộc sống chỉ cần thông tin đến trạm y tế online và sẽ được hỗ trợ ngay.
Dành cho chúng tôi một chút thời gian sau khi bận rộn tiếp nhận, phân loại câu hỏi của người bệnh F0 điều trị tại nhà, Nguyễn Nhật Anh (20 tuổi, tình nguyện viên Trạm Y tế online phường Trúc Bạch) chia sẻ: “Đây không phải lần đầu em làm công tác tình nguyện trên địa bàn phường Trúc Bạch, trước đó em tham gia hỗ trợ tại điểm tiêm vaccine, phát thực phẩm cho người dân tại khu phong tỏa, cách ly. Còn hiện tại, công việc hàng ngày của em là tìm những thông tin hữu ích liên quan tới người bệnh điều trị Covid-19 tại nhà để đăng lên fanpage Trạm Y tế Online - Phường Trúc Bạch. Khi có câu hỏi thắc mắc của F0 thì em sẽ gửi câu hỏi cho các bộ phận liên quan. Đồng thời, trao đổi, động viên tinh thần đối với những người dân có tâm lý hoang mang, e ngại khi đang là F0”.
Nhật Anh tâm sự, mặc dù có hơi bận đôi chút vì cần cân bằng giữa việc học và công tác tình nguyện, nhưng không hề vất vả, vì đây là việc làm vô cùng có ý nghĩa.
“Sản phụ này đang là F1 và bé con nhà chị mới được 2 tháng tuổi vừa được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2” - nói về trường hợp người dân đang tâm sự với mình, Nhật Anh kể: Lúc đầu, chị ấy rất hoang mang, lo lắng, nhưng qua thời gian được các y bác sĩ giải đáp thắc mắc, cũng như được lực lượng nhân viên của Trạm Y tế online phường Trúc Bạch chia sẻ, động viên tinh thần, hiện tại tinh thần của chị đã khá hơn rất nhiều. Chị đã có niềm tin để cùng con mình chiến thắng dịch bệnh. Khi nhận được những lời cảm ơn của chị và những người dân khác, em cảm thấy rất vui và tự hào về công việc mình đang làm.
Chi sẻ gánh nặng với trạm y tế phường
Là mô hình trạm y tế online đầu tiên tại Hà Nội, Trạm Y tế online phường Trúc Bạch đi vào hoạt động từ ngày 15/1/2022 với nhân lực gồm cán bộ UBND phường, trạm y tế phường, các y bác sĩ tình nguyện và lực lượng thanh niên được chia làm 4 tổ, tổ chăm sóc điều trị; tổ hỗ trợ nhu yếu phẩm và các nhu cầu khác; tổ hỗ trợ sau khi F0 khỏi bệnh như thăm khám, giảm triệu chứng hậu Covid-19 hoặc giấy tờ, bảo hiểm,... Tùy thuộc vào điều kiện thực tế, trạm có phương án huy động và mời thêm bác sĩ tham gia tư vấn, hướng dẫn cho người dân ở phường Trúc Bạch và các phường khác trên địa bàn. Đến nay, sau 2 ngày thành lập, trạm y tế đã giải quyết thắc mắc, nhu cầu cho hơn 20 trường hợp người dân điều trị Covid-19 tại nhà trên địa bàn.
Sáng 17/1, tại UBND quận Ba Đình, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận đã ký kết với Bệnh viện Phổi trung ương về chương trình phối hợp, quản lý chăm sóc, theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà trên địa bàn quận Ba Đình.
Chương trình kết hợp này nhằm xây dựng mô hình quản lý người mắc Covid-19 tại cộng đồng (tại nhà và trạm y tế cơ động) tại các phường của quận Ba Đình để hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng, giảm thiểu các ca bệnh chuyển biến nặng và không để người mắc Covid-19 tử vong tại nhà.
An Thái
Thông tin từ Trạm Y tế online phường Trúc Bạch cho biết, tối muộn 15/1, một cụ ông hơn 80 tuổi, sống tại phố Cửa Bắc, là F0 điều trị tại nhà bất ngờ có dấu hiệu khó thở, chỉ số SpO2 giảm xuống chỉ còn 89%. Sau khi nhận tin báo từ con trai F0, cán bộ trực của trạm y tế online đã cấp tốc liên hệ bệnh viện đưa F0 đi cấp cứu. Song song với đó, một cán bộ khác chuẩn bị sẵn bình oxy, dự phòng nếu xe cấp cứu chưa đến kịp sẽ trợ thở cho bệnh nhân. Chỉ 15 phút sau, xe cấp cứu có mặt kịp thời đưa cụ ông đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Đến nay, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.
Là người đưa ra ý tưởng thành lập trạm y tế online và biến nó thành hiện thực, ông Nguyễn Huy Dân - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch chia sẻ: Ý tưởng này bắt nguồn từ thực trạng trạm y tế trên địa bàn phường đang bị quá tải. Chỉ với 6 nhân sự trong khi lượng công việc cần làm là quá nhiều, các nhân viên y tế vừa hỗ trợ, chăm sóc, theo dõi F0 điều trị tại nhà, vừa thực hiện tiêm vaccine cho người dân và làm công tác xét nghiệm. Bởi vậy, tôi đã nỗ lực để nghiên cứu, xây dựng quy trình và đưa Trạm Y tế online phường Trúc Bạch đi vào hoạt động với mong muốn có thể san sẻ phần nào công việc của các nhân viên y tế. Quan trọng hơn cả là nhờ sự phát triển của mạng xã hội, những câu hỏi, thắc mắc, nhu cầu của F0 điều trị tại nhà luôn được lực lượng nhân viên trạm y tế online trả lời 24/7, từ đó tạo được niềm tin cho người bệnh rằng họ luôn có sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền cơ sở và nhân viên y tế”.
Thực tế cho thấy, với đặc tính dễ sử dụng, phổ biến và vượt qua giới hạn về không gian, mạng xã hội đang là cầu nối hữu hiệu trong việc tiếp cận, hỗ trợ, chăm sóc, động viên tinh thần và giải đáp thắc mắc cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.
Theo BS Chu Thị Hợp - thành viên Trạm Y tế online phường Trúc Bạch, mô hình này sẽ chia sẻ áp lực với trạm y tế phường trong tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp; đảm bảo F0, F1 được chăm sóc chu đáo, kịp thời 24/7; rút ngắn khoảng cách về không gian, thời gian giữa người dân, bệnh nhân mắc Covid-19 với cán bộ y tế, cán bộ UBND phường.
TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác chia sẻ: “Khi số ca F0 tăng nhanh, người dân không tránh khỏi lo lắng, bối rối nhất định khi tự phát hiện mình là F0 mà chưa được tiếp cận dịch vụ y tế. Một số người tự tìm kiếm và làm theo hướng dẫn trên mạng theo kiểu “truyền miệng, truyền tai”, tự ý điều trị sai cách, dẫn đến nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, việc các nhóm hỗ trợ người bệnh online do các bác sĩ thành lập, cũng như Trạm Y tế online phường Trúc Bạch xuất hiện rất kịp thời để đồng hành cùng người bệnh, giúp đỡ F0 sớm khỏi bệnh”.
Được biết, nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà do BS Tuấn cùng các đồng nghiệp thành lập đến nay đã có gần 100.000 thành viên, mỗi bác sĩ trong nhóm giải đáp từ 30-70 câu hỏi một ngày.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương:
Giúp người bệnh điều trị tại nhà tốt nhất
Hỗ trợ online là người bệnh cần hỏi thì có người trả lời, người bệnh có nhu cầu gì thì có người đáp ứng. Hình thức này đảm bảo về mặt thực hành y khoa cũng như thực hành thông thường cho người mắc Covid-19. Đồng thời cũng có nhiều phương pháp khác nhau dựa trên nền tảng online và hình thức Trạm Y tế online phường Trúc Bạch đang hoạt động cũng là một trong số đó. Đây là một hình thức rất tốt, có thể đồng hành cùng với người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà một cách thân thiện nhất.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại tại đó, cần phát huy hơn nữa vai trò để trạm y tế online có thể hỗ trợ người dân được tốt hơn, như đảm bảo thuốc cung ứng, đảm bảo về oxy, máy đo Sp02….
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):
Hợp lý và kịp thời
Mô hình Trạm y tế online mà phường Trúc Bạch triển khai là rất hợp và kịp thời. Theo tôi, không chỉ các phường, quận mà cả các cơ sở y tế công lập hay tư nhân đều nên thành lập mô hình tương tự. Với sự hỗ trợ, tư vấn, đồng hành từ những bác sĩ có kinh nghiệm, người dân có thể được giải đáp thắc mắc kịp thời bằng những thông tin chính xác, tránh tình trạng vì hoang mang, lo sợ mà đi tin vào những thông tin truyền miệng, vô căn cứ khiến “tiền mất, tật mang”. Bên cạnh đó, hình thức này không chỉ áp dụng trong công tác phòng, chống Covid-19 mà có thể tiếp tục phát triển, khai thác để hỗ trợ online cho người bệnh nói chung.
Đ.Trân - P.Sỹ(ghi)