Phạt nặng để tránh nhờn luật
Theo quy định của Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022), người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách sẽ bị phạt tiền 400-600 nghìn đồng. Như vậy, mức xử phạt hành chính cho lỗi vi phạm giao thông này tăng gần gấp đôi so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong ý thức của người tham gia giao thông. Từ đó kéo giảm số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết và bị thương. Thực tế chỉ ra rằng, những người không đội mũ bảo hiểm khi xảy ra TNGT sẽ dễ bị chấn thương sọ não, tử vong.
Tính đến nay, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ đã được thực hiện được hơn 14 năm (từ 25/12/2007 theo Nghị quyết 32/2007/NĐ-CP của Chính phủ). Việc chấp hành quy định này đã dần đi vào nề nếp, hầu hết người dân đều có thói quen đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân biết luật nhưng vẫn nhờn luật, không chịu chấp hành nghiêm chỉnh quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Khi bị lực lượng chức năng chặn hỏi thì vin ra đủ lý do, nào là vội quên không mang theo, nào là chỉ “chạy ù” ra chợ mua mớ rau, con cá... để xin xỏ.
Đáng tiếc, việc không chấp hành đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông lại đang có xu hướng trẻ hóa, thường ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Hậu quả ở đây có thể là bị tước mất mạng sống quý giá khi đang ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp, tương lai rộng mở trước mắt. Khi xảy ra TNGT, chỉ cần một cú đập đầu xuống đường, thành xe cơ giới, hay đơn giản là cột mốc bên lề... cũng đủ cướp đi mạng sống của người không đội mũ bảo hiểm. Vậy thì tại sao lại không đội mũ bảo hiểm?
Ngay cả với một cú va chạm mạnh vào đầu, rất có thể người không đội mũ bảo hiểm sẽ bị chấn thương sọ não. Khi đó, người bị TNGT không chỉ bỏ phí cả quãng đời còn lại, mà trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều đó liệu có quá đáng tiếc hay không?
Rõ ràng nhìn thấy trước hậu quả, nhưng vẫn có một số người, chủ yếu là thanh thiếu niên vẫn bất chấp quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy rồi phóng bạt mạng trên đường. Chỉ khi nhập viện cấp cứu nhiều người mới hối hận.
Vì thế, việc Nghị định 123 tăng mức xử phạt hành chính lên gần gấp đôi so với Nghị định 100 là để răn đe, trấn áp những người cố tình nhờn luật. Có một lý thuyết đơn giản mà ai cũng hiểu, đó là cứ xử phạt thật nặng thì người ta sẽ sợ mà không dám vi phạm. Đơn giản là bởi không ai thừa tiền để mang đi nộp phạt mãi.
Quy định mới được kỳ vọng là sẽ giảm thiểu con số tử vong trong các vụ TNGT, đặc biệt là những ca chấn thương sọ não để giảm tải gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì thế, dư luận xã hội hết sức đồng tình, ủng hộ chế tài nghiêm khắc được quy định tại Nghị định 123 của Chính phủ. Hy vọng, với mức xử phạt rất nặng như vậy, nhiều người sẽ biết cân nhắc thiệt hơn trước khi vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.