Lập lại trật tự thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán đang bộc lộ những điểm bất cập được điều chỉnh, nhất là việc thao túng giá.
Củng cố niềm tin
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), năm 2021, Ủy ban đã ban hành hơn 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, tăng hơn 80 vụ so với năm 2020. Số tiền thu được từ xử phạt năm 2021 tăng 5,6%, xấp xỉ 21 tỷ đồng, trong khi năm 2020 gần 19,8 tỷ đồng. Các vi phạm phổ biến nhất là báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch, không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch hay không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Có thể điểm danh các vụ việc điển hình trong năm 2021 là ông Phạm Hoành Sơn (Tập đoàn Hoành Sơn) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao su Sao Vàng (HoSE: SRC) đã thực hiện mua 6.886.150 cổ phiếu SRC từ 30/6 đến ngày 2/7/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu.
Thời điểm đó, gần 6,9 triệu cổ phiếu SRC của Tập đoàn Hoành Sơn ước tính lãi khoảng 53 tỷ đồng. Số tiền mà UBCKNN xử phạt đối với Tập đoàn Hoành Sơn là 110 triệu đồng. Tương tự, cổ đông lớn nhất của Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS) là ông Phạm Ngọc Quân đã mua 8.642.000 cổ phiếu HBS nhưng không thực hiện chào mua công khai theo quy định. Sau đó, ông Quân đã bán 642.000 cổ phiếu HBS, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ xuống 8.000.010 cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 24,24%). So sánh với lúc mua vào, lượng cổ phiếu HBS do ông Quân bán đã tăng hơn 119 tỷ đồng - gấp 7 lần. Tuy nhiên, mức phạt dành cho ông Quân cũng chỉ là 125 triệu đồng.
Theo quy định tại Luật Chứng khoán, khi các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp (DN) muốn bán cổ phiếu phải đăng ký với UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán. Điều này xuất phát từ việc những người này nắm được thông tin của DN nên rất có thể dẫn tới hành vi bán để trục lợi. Vì tính chất nhạy cảm này, giao dịch cổ phiếu của thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành DN đại chúng bị hạn chế chứ không giống cổ phiếu do các cổ đông thông thường nắm giữ.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hoàng Hải - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Vafi nói, về luật pháp, các chế tài xử phạt các hành vi phạm quy định về giao dịch (của cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu của công ty đại chúng...) đã được quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các hành động bán chui, hay thao túng giá tạo ra những tiền lệ xấu trên thị trường, ảnh hưởng tới hàng trăm DN niêm yết trên thị trường, ảnh hưởng niềm tin của nhà đầu tư.
Ông Hải cũng cho rằng, trên thị trường vẫn còn nhiều cổ phiếu kém chất lượng sử dụng đủ chiêu trò thổi giá. Những cổ phiếu rác này có hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ bị dụ giao dịch và rồi, những chủ DN này có cơ hội “bán giấy” thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Vafi, cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết. Có như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam mới ổn định.
Tăng hiệu quả quản lý, giám sát
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Đoàn luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, cũng cho rằng, chế tài xử phạt các hành vi trong lĩnh vực chứng khoán rõ ràng đang có những bất cập. Sự bất cập này do cách tiến hành xây dựng các quy phạm pháp luật ở nước ta có những hạn chế.
Trong thông cáo phát đi ngày 28/12/2021, UBCKNN cho biết đã phát hiện trong số đó có hội nhóm tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật để lôi kéo và xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán.
UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng.
Hiện nay chứng khoán là kênh dẫn vốn khá hiệu quả. Tuy nhiên, các hành động thao túng giá, bán chui cổ phiếu vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Việc thiết lập lại kỷ cương trên thị trường chứng khoán là điều bắt buộc phải làm.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, năm 2022 sẽ tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia.