Cận Tết, các bến xe vẫn 'ngóng' khách từng ngày
Nếu như mọi năm thời điển này, lượng khách đặt vé ở các bến xe tăng cao thì năm nay, không khí ngày cận Tết vắng vẻ hơn hẳn.
Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, lượng khách khá vắng vẻ, không còn cảnh chen lấn, xếp hàng mua vé như mọi năm. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho người dân ở các bến xe không vì thế mà lơ là.
Nhà xe hoạt động cầm chừng
Những ngày cuối năm Tân Sửu, lượng khách tại các bến xe trên địa bàn Thủ đô giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm. Ghi nhận của phóng viên tại một số bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, khách khá thưa thớt. Khu bán vé của các nhà xe không còn cảnh chờ đợi, xếp hàng dài để mua vé. Ngay cả những tuyến xe trước đây vốn thường xuyên “cháy vé” như tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, thời điểm này vé vẫn còn.
Nguyên nhân của sự vắng vẻ này theo các nhân viên bán vé, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên tâm lý người dân vẫn còn lo ngại khi di chuyển bằng các phương tiện vận tải công cộng.
Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người lao động tự do mất việc làm đã về quê từ những lần giãn cách trước đó. Cộng thêm, sinh viên chưa quay lại trường học trực tiếp. Vì thế, lượng khách năm nay giảm hơn nhiều so với mọi năm.
Ngoài ra, trước các quy định phòng, chống dịch khác nhau của các địa phương, không ít người dân có tâm trạng rối bời, phân vân giữa việc ở lại thành phố hay về quê ăn Tết.
Cả năm nay, do dịch bệnh nên chị Nguyễn Phương Nhung (38 tuổi, quê Thanh Hóa) chưa về quê lần nào. Khi hay tin năm nay được nghỉ Tết 9 ngày chị rất vui nhưng trước quy định phòng chống dịch của địa phương, chị Nhung trăn trở không biết có nên về quê hay không.
Sau nhiều lần đắn đo, chị Nhung mới quyết tâm mua vé về quê ăn Tết cùng bố mẹ. Chị Nhung cho hay: “Khu nhà trọ của tôi, có một số người năm nay quyết định không về quê ăn Tết vì lo ngại về quê phải cách ly dài ngày. Tôi cũng suy nghĩ lắm nhưng lao động vất vả nơi đất khách cả năm trời rồi, tôi chỉ mong được về quê, sum họp gia đình dịp đầu năm”.
Không riêng khu bán vé, tại khu vực xe đỗ của các nhà xe, quang cảnh những ngày cuối năm vẫn như ngày thường. Theo quan sát, nhiều xe phải xuất bến trong tình trạng chưa đầy khách.
Anh Đào Ngọc Anh, lái xe chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An cho biết, đến giờ phút này các doanh nghiệp vận tải hoạt động cầm chừng, duy trì chạy xe mà không có lãi. Thậm chí có doanh nghiệp không thể cho xe hoạt động được vì không thể bù lỗ.
“Năm nay, dân lái xe chúng tôi thất nghiệp nhiều tháng trời. Giờ Tết đến nơi rồi mà lượng khách vẫn không có, nhiều ngày chạy không đủ tiền xăng. Với tình hình như này, tôi chỉ mong Tết không bị đói là may rồi”, anh Ngọc Anh tâm sự.
Không lơ là phòng, chống dịch
Ông Đinh Xuân Trường, Trưởng Bến xe Yên Nghĩa cho biết, hiện nay lượng hành khách đi lại tương đối hạn chế. Sản lượng khai thác tại Bến xe Yên Nghĩa so với trước thời điểm có dịch thì còn giữ ở mức dưới 20%, hoạt động thực tế chỉ còn từ 15 - 17%.
“Hiện khách thưa vắng, một số doanh nghiệp vận tải nghỉ, một số khác ở các địa phương còn hạn chế lưu thông về Hà Nội nên công suất hoạt động khá thấp” – ông Đinh Xuân Trường thông tin.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cũng cho biết, rất khó để các bến xe đạt được mốc sản lượng khai thác như thời điểm trước dịch. Như dịp Tết Dương lịch, tại Bến xe Giáp Bát, lượt khách/ngày chỉ bằng bằng 10% so với tết Dương lịch 2021. Khách ít, các nhà xe đăng ký với bến chỉ chạy để giữ “nốt”, duy trì tuyến.
Lượng hành khách dù chưa đạt như mong muốn song theo lãnh đạo các Bến xe Giáp Bát, Nước ngầm, Yên Nghĩa… thì đều đã có kế hoạch dự phòng tăng chuyến Tết cũng như chuẩn bị cho cao điểm Tết, nỗ lực cao nhất để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Cùng đó, các bến xe cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để duy trì, đảm bảo trật tự quanh khu vực bến.
Trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch tại các bến xe lớn của Hà Nội càng được tăng cường. Dù lượng khách vắng nhưng việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho người dân ở các bến xe không vì thế mà lơ là.
Ông Trịnh Hoài Lam, Phó Giám đốc Bến xe Nước ngầm cho biết, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bến xe Nước ngầm đã tăng cường nhân viên túc trực, yêu cầu 100% hành khách đến bến đeo khẩu trang, khai báo y tế, sát khuẩn tay. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh để nhắc nhở hành khách đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện đúng thông điệp 5K.
Ngoài việc thường xuyên thông tin trên loa phát thanh về công tác phòng, chống dịch bệnh, tại Bến xe Yên nghĩa, các cửa ra vào quanh khu vực đều được trang bị các bình xịt khử khuẩn tay. Nhân viên thường xuyên lau chùi khử khuẩn tay nắm cửa, lan can cầu thang những khu vực có nhiều người qua lại, khu vực bán vé sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo khoảng cách theo quy định. Bến cũng yêu cầu nhà xe lau khử khuẩn xe và khai báo y tế đối với hành khách.
Đại diện Bến xe Yên Nghĩa thông tin: “Chúng tôi thực hiện nghiêm việc kiểm soát, phòng, chống dịch đối với hành khách đi đến bến xe. Yêu cầu toàn bộ hành khách đến bến phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, tổ chức phát trên loa các khuyến cáo của Bộ Y tế để mỗi hành khách đều có ý thức và kiến thức phòng dịch…”