Trà Vinh về 'đích' mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
Năm 2008, toàn tỉnh Trà Vinh chỉ với 60 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng đến nay toàn tỉnh đã có 19.433 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ lệ hơn 3,86% lực lượng lao động của tỉnh.
Vượt chỉ tiêu
Có được kết quả trên theo Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh Bùi Quang Huy đó là sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành, địa phương đoàn thể quyết tâm xây dựng lưới an sinh xã hội thông qua việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ của mình, ngành BHXH đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHXH, BHYT, trong đó có BHXH tự nguyện; phối hợp với các Sở, Ban ngành, Đoàn thể xây dựng và triển khai các kế hoạch phối hợp tuyên truyền; ra mắt và nhân rộng nhiều mô hình tham gia BHXH tự nguyện trong hội viên các Hội - Đoàn thể …. Điển hình là phối hợp với Hội phụ nữ tỉnh, huyện, xã triển khai mô hình “Nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện”.
“Để đưa chính sách đến với người dân, BHXH phối hợp với Hội phụ nữ tỉnh, cơ sở tổ chức phong trào “Nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện” theo đó, mỗi người tham gia sẽ tiết kiệm một ít tiền từ việc kinh doanh, buôn bán nhỏ hay từ tiền đi chợ để bỏ vào con heo đất.
Số tiền tích lũy có được, hàng tháng đến kỳ sinh hoạt của Chi hội sẽ dùng để đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân hoặc cho cả người thân theo từng mức đóng tương thích với mức thu nhập có được”, ông Bùi Quang Huy cho biết.
Tính đến nay, Hội LHPN đã triển khai được 40 tổ mô hình“Tiết kiệm nuôi heo đất mua BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” với 688 thành viên. Việc triển khai mô hình thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” giúp chị em có điều kiện tích lũy tham gia BHXH tự nguyện để được nhận lương hưu, đảm bảo cuộc sống vui khỏe, an nhàn, không là gánh nặng cho con cháu khi tuổi già.
Cùng với phong trào nuôi heo đất, BHXH tỉnh Trà Vinh cũng vận dụng kết hợp nhiều mô hình nhằm triển khai hiệu quả chính sách. Nhất là trong 2 năm gần đây, dưới tác động của dịch Covid, khiến việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với quyết tâm, nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh uỷ đề ra cũng như nhiệm vụ BHXH Việt Nam giao toàn ngành đã bám sát hệ thống đại lý thu, theo dõi số người đang tham gia do mỗi đại lý thu quản lý, quyết liệt đôn đốc các đại lý thực hiện tốt công tác thu tái tục; trường hợp cần thiết cán bộ BHXH trực tiếp liên hệ với người tham gia để thuyết phục, vận động đóng tiền, hạn chế tối đa số người tham gia BHXH tự nguyện giảm do không được đôn đốc đóng tiền kịp thời.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể, trọng tâm là các nhân viên đại lý thu để đánh giá và xác định các nhóm có tiềm năng, từ đó đưa ra phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động hiệu quả mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Với việc triển khai các giải pháp đồng bộ trên từ chỗ chỉ có 60 người tham gia BHXH (năm 2008 – pv) đến nay toàn tỉnh đã có19.433 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ lệ hơn 3,86% lực lượng lao động của tỉnh. Đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy Trà Vinh giao về số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021 theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 19/01/2021 (3% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Đẩy mạnh truyền thông nhóm nhỏ
Mặc dù đạt được mục tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 19/01/2021 của Tỉnh uỷ đề ra, nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống, kinh tế người dân; đây cũng là một trong những mối lo ngại về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương.
Trước khó khăn trên, ông Bùi Quang Huy cho biết, năm 2022 ngành sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng đến từng nhóm đối tượng cụ thể. Ngoài tập trung vào nhóm người lao động tự do, tiểu thương có thu nhập ổn định; hội viên các Hội - Đoàn thể; nhóm người lao động bị tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 đã nghỉ việc chờ nhận BHXH một lần.
Đồng thời tuyên truyền phải cho người lao động thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH, tiếp tục bảo lưu quá trình đóng BHXH bắt buộc để sau thời gian dịch bệnh tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc khi có việc làm mới, hoặc đối với người lao động không có nhu cầu đi tìm việc làm thì tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian, đủ điều kiện về số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để được chăm sóc sức khỏe với mức hưởng lên đến 95%.
Từ ngày 01/01/2022, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu sẽ tăng theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Việc tăng mức đóng BHXH không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia mà theo đó, mức đóng càng cao thì người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng quyền lợi càng cao.
Việc nhận BHXH một lần chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng sẽ là gánh nặng cho tuổi già khi không có lương hưu… Bên cạnh đó, việc truyên truyền cần gắn với hoạt động nêu gương điển hình những cá nhân tham gia BHXH tự nguyện, lợi ích của tham gia BHXH tự nguyện để người lao động không nhận BHXH một lần nhằm tránh nuối tiếc khi không còn cơ hội được nhận lương hưu khi đã nhận BHXH một lần.
Tuy nhiên để người dân hiểu được lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, rất cần sự vào cuộc của của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền; là cầu nối, niềm tin để người dân tin tưởng tham gia BHXH tự nguyện.