Thủy sản với cú 'lội ngược dòng'
Mặc dù dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, song xuất khẩu thủy sản 2021 vẫn cán đích ngoạn mục, thậm chí nhiều mặt hàng còn vượt chỉ tiêu. Giới chuyên gia dự báo, ngành Thủy sản sẽ có sự bứt phá trong năm 2022 này.
Đầu năm, đơn hàng đã lấp đầy
Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cho biết, nhờ cú “lội ngược dòng” những tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã vượt mục tiêu với trên 8,9 tỷ USD. Xuất khẩu thuỷ sản năm qua tăng 6% so với năm 2020, được Vasep đánh giá là kết quả ngoài mong đợi.
Dịch Covid-19 đã khiến cho ngành Thủy sản lao đao vào quý II và III năm 2021. Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu là 3 địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và sản xuất tôm.
Thời điểm đó cả 3 tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội nên việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng mà việc mua bán con giống, thu hoạch tôm cũng gặp nhiều khó khăn. Các nhà máy đã phải giảm công suất chế biến 60 - 70%. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao…
Nhưng nhờ có Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà ngành thuỷ sản đã bứt phá mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, sau khi xuất khẩu tăng mạnh 23% trong tháng 11, xuất khẩu thủy sản tháng 12 tiếp tục tăng 29%, đạt trên 940 triệu USD. Trong tháng cuối năm, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực đều tăng mạnh.
Năm qua, Mỹ vẫn là bạn hàng tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% kim ngạch, với trên 2 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước đó. Riêng tháng 12/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 176 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2020.
Thị trường EU chiếm 12% tổng kim ngạch, với trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Trong khi xuất khẩu sang các nước thuộc khối hiệp định CPTPP thu về khoảng 2,2 tỷ USD, gần tương đương năm 2020.
Xét về mặt hàng, nhờ tăng đột phá trong tháng 12, với mức tăng trưởng khoảng 80%, xuất khẩu cá tra cả năm 2021 về đích vượt xa dự đoán, với trên 1,6 tỷ USD, tăng 10%.
Xuất khẩu tôm năm qua cũng đạt 3,88 tỷ USD, tăng 4%. Xuất khẩu cá ngừ đạt 757 triệu USD; mực, bạch tuộc đạt trên 600 triệu USD. Các chuyên gia nhận định, sản phẩm tôm vẫn là “át chủ bài” của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm tới.
Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta – doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm lớn của tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2021 DN này đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử 26 năm hình thành và phát triển, với doanh số đạt 213 triệu USD, tăng hơn 12%; lợi nhuận đạt trên 280 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cùng kỳ. Với đà tăng trưởng này, ngay từ đầu năm 2022 Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta đã mở rộng quy mô, tăng công nhân cho khâu chế biến, xuất khẩu.
Ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu tôm năm 2021 của tỉnh đạt hơn 1 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Đây là năm thứ hai liên tiếp Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm.
Còn Sở Công thương tỉnh An Giang đưa ra con số về tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1,12 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020, đạt 116% kế hoạch năm. Trong đó, dù được đánh giá là năm cực kỳ khó khăn của ngành thủy sản khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh nhưng xuất khẩu thủy sản đã có cú “lội ngược dòng” khi kim ngạch xuất khẩu tăng 26,91%.
Sở Công thương An Giang đánh giá, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid - 19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để tạo nền tảng, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2022.
Nhiều DN trong ngành xuất khẩu thuỷ sản còn cho biết đang hình thành các đơn hàng năm 2022. Cụ thể trong tháng 1/2022, Công ty Cổ phần Nam Việt dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 8.000 tấn thành phẩm cá tra các loại, với tổng giá trị 20 triệu USD, tăng từ 60-70% so cùng kỳ năm 2021.
Cùng với việc gia tăng mạnh về sản lượng xuất khẩu, giá cá tra xuất khẩu đợt này cũng tăng lên mức bình quân từ 2,6 -2,7 USD/kg, cao hơn giá bình quân của năm 2021 là 2,3 - 2,4 USD/kg.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Nam Việt, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thế giới đang tăng, bởi thời gian qua, các DN chưa thể xuất khẩu mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, cộng với việc vận chuyển khó khăn…
Hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất khá ổn định nhờ vùng nuôi rộng tới 1.000 ha; cùng với lực lượng công nhân trở lại làm việc đầy đủ, tất cả đều được tiêm vaccine ngừa Covid-19, nên tập đoàn đẩy mạnh chế biến xuất khẩu. Đơn hàng xuất khẩu của công ty đã lấp đầy công suất đến quý I/2022 và tất cả đơn hàng đều được ký với giá cao.
Tập trung vào hai sản phẩm chủ lực
Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau là tâm trạng chung của các ông chủ DN ngành thuỷ sản năm 2021. Trong khi đó giới chuyên gia cho rằng ngành thủy sản và các DN cần tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu của toàn cầu tăng mạnh trở lại ở hai “át chủ bài” là mặt hàng tôm và cá tra.
Để làm được điều này phải nâng cao khả năng cạnh tranh, do đó, cần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để duy trì sản xuất, qua đó giành lợi thế trong mở rộng thị phần xuất khẩu. Năm 2022, ngành thuỷ sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 9 tỷ USD.
Đại điện Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta dự kiến, ngay sau Tết, trại tôm sẽ bắt đầu thả giống, khởi đầu cho mùa vụ mới, trong đó diện tích nuôi tăng 52ha. Năm 2022, DN sẽ đưa vào hoạt động Nhà máy thủy sản Sao Ta với công suất 15.000 tấn/năm và Nhà máy chế biến tôm Tam An, công suất 5.000 tấn/năm vào hoạt động. Từ đó, nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm. Đại diện DN này cho biết, DN kỳ vọng sẽ gia tăng được sản lượng đáng kể để đón đầu xu thế tăng trưởng khi bắt đầu ở giai đoạn “bình thường mới”.
Theo phân tích từ giới chuyên gia, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm. Thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ, lao động trong khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng…
Về sự thay đổi trong quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm.
Một số thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.
Điển hình như Hàn Quốc, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên sản phẩm tôm theo quy định của Hàn Quốc dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến:
Nỗ lực tiếp cận nhiều thị trường
Sang năm 2022, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản rất rõ ràng bởi đã có Chiến lược thủy sản, 10 đề án thực hiện Chiến lược, trong đó có cả về khai thác và nuôi trồng thủy sản. Về giá trị xuất khẩu thủy sản, năm 2022 phấn đấu đạt 9 tỷ USD.
Đây là mục tiêu mà Tổng cục Thủy sản đưa ra, tuy nhiên Bộ NN&PTNT sẽ cân nhắc trên cơ sở chỉ tiêu của Chính phủ giao.
WHO dự báo năm 2022 là năm mà dịch bệnh sẽ được khống chế. Và khi dịch bệnh được khống chế, tốc độ phát triển kinh tế của châu Âu sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chúng ta phải bắt nhịp được với sự tăng trưởng này, phải có sự thay đổi trong chỉ đạo sản xuất, cũng như thực hiện các cơ chế chính sách. Đặc biệt, với thị trường Mỹ, đây là thị trường nhiều năm nay đã công nhận sản xuất cá tra của Việt Nam tương đương với họ, đây là một thuận lợi chúng ta cần duy trì.
Tiếp nữa, chúng ta phải tập trung nguồn lực và triển khai một cách đồng bộ các giải pháp để gỡ được thẻ vàng tạo điều kiện cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu với sản lượng và giá trị lớn hơn.
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Lê Triệu Dũng:
Chủ động ứng phó rào cản phòng vệ thương mại
Ngành thủy sản trong giai đoạn vừa qua đã có những kết quả rất tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, để có thể ứng phó với các thách thức, rào cản của thị trường xuất khẩu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại thì các DN xuất khẩu thủy sản, Vasep, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để có thể ứng phó hiệu quả với các rào cản phòng vệ thương mại.
Cụ thể, tiếp tục theo dõi sát nhưng diễn biến tại các thị trường xuất khẩu lớn, đặc biệt là Mỹ để có thể chủ động với các rào cản phòng vệ thương mại, do đây là thị trường thường xuyên sử dụng rào cản kỹ thuật với sản phẩm của chúng ta. Thứ nữa, phải phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Trong đó cần coi những bài học của các ngành thủy sản, thép… về ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại là kinh nghiệp quý giá.. Cuối cùng, nên tập trung định hướng nâng cấp quản lý và phát triển nguồn nguyên liệu để chúng ta có thể khai thác hiệu quả các cam kết về hội nhập.
T.Hằng(ghi)