Đấu thầu dễ thế sao?

Bắc Phong 19/01/2022 00:15

Bằng văn bản số 37, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã yêu cầu Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo trước ngày 25/1 toàn bộ quá trình tổ chức đấu giá khu đất ở Thủ Thiêm liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây ồn ào dư luận suốt thời gian qua. Văn bản của Cục Bổ trợ tư pháp được ban hành sau khi ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, có tâm thư gửi đến lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước.

Lô 3-12 và 3-8 tại khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM). Ảnh: Chí Hùng.

Trong tâm thư (ngày 10/1), ông Dũng bày tỏ việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) có diện tích 10.060m2, với mức giá trúng đấu giá là 24.500 tỉ đồng.

Về việc này, theo ông Dũng, sau khi đấu giá trúng, ông và tập đoàn nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt, đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua. Nếu việc chấm dứt hợp đồng hoàn tất, Tập đoàn Tân Hoàng Minh mất khoản đặt cọc khoảng 588,4 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 10/12/2021, Công ty TNHH đầu tư Ngôi Sao Việt thuộc Tân Hoàng Minh trúng đấu giá trong phiên đấu giá lô đất 3-12 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đáng chú ý, khi vụ việc vẫn lùm xùm thì Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị nhiều sở, ngành, UBND thành phố Hà Nội cung cấp tài liệu để xác minh 11 dự án bất động sản của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về lý do mua đấu giá lô đất với giá cực cao, ông Đỗ Anh Dũng cho biết quyết tâm tham gia đấu giá với mong muốn vừa tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TPHCM vừa xây dựng một công trình điểm nhấn đẹp - văn minh - hiện đại và góp phần cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị của Thủ Thiêm. Vì thế, ở thời điểm đấu giá ông đã trả cao hơn công ty trả giá cao thứ nhì (là công ty nước ngoài) đến 700 tỉ đồng.

Cũng cần nhắc lại, lô đất 3-12, có diện tích 10.059,7m2, giá khởi điểm hơn 2.942 tỉ đồng đã được Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh mua trúng đấu giá với giá chốt là 24.500 tỉ đồng.

Việc đấu giá là theo quy định của pháp luật, cũng là “thuận mua vừa bán”, đơn vị nào trả giá cao hơn sẽ trúng thầu. Nhưng việc Tân Hoàng Minh bỏ ra số tiền cực lớn để thắng thầu nhưng rồi lại bỏ thầu (chấp nhận mất tiền đặt cọc) khiến dư luận rất bất ngờ. Không lẽ cứ trả giá cao để thắng thầu rồi lại bỗng chốc hủy bỏ.

Không lẽ đấu giá “cho oai” còn thì muốn ra sao thì ra. Đó phải coi là hành vi bất thường, cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa phía sau là gì, để không chỉ xử lý đối với trường hợp Tân Hoàng Minh mà còn có “án lệ” để áp vào với những cuộc bỏ thầu khác khi vi phạm.

Việc Tân Hoàng Minh bỏ thầu (lô đất 3-13, Thủ Thiêm) không trái luật nhưng tác động rất lớn tới thị trường bất động sản khi gây ra xáo trộn trên diện rộng, tạo những cơn “sóng ảo” bất động sản. Nếu đơn vị nào tham gia đấu thầu, trúng thầu rồi lại bỏ thầu như Tân Hoàng Minh thì cơ sự sẽ ra sao. Chắc chắn sẽ tạo ra sự hỗn độn.

Rồi đây cơ quan chức năng sẽ có phán quyết đối với vụ việc, nhưng đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) có lý khi cho rằng Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu cần phải có điều chỉnh. Trong đó, cần có quy định chặt chẽ, rạch ròi để những đơn vị trúng thầu ngoài bỏ cọc ra thì cần chịu thêm một phần chế tài khác, mà cụ thể là bỏ cọc như Tân Hoàng Minh thì phải bị phạt.

Ngoài số tiền đặt cọc 20% vẫn cần phải phạt thêm, có thể phải rút giấy phép hành nghề không cho doanh nghiệp bỏ cọc hoạt động.

“Việc họ bỏ cọc như vậy gây hoang mang cho dư luận, tạo ra biến động lớn đối với thị trường bất động sản. Đây là hành vi không thể chấp nhận được đối với một tập đoàn lớn” - ông Hòa nói.

Bắc Phong