Kích hoạt cho trưng bày trực tuyến

Minh Quân 19/01/2022 07:16

Trong 10 năm trở lại đây, trưng bày trực tuyến đang được các bảo tàng ở Việt Nam tiếp cận và đang là xu hướng phát triển của nhiều đơn vị trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để tạo ra những chương trình hấp dẫn thì vẫn còn nhiều thách thức.

Trưng bày trực tuyến trên website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Những lợi thế trước mắt

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các bảo tàng hay triển lãm trực tuyến đang đem đến một giải pháp có tính khả thi, hiệu quả và khắc phục những hạn chế của trưng bày trực tiếp. Việc trưng bày theo hình thức này đã xoá bỏ những giới hạn về thời gian, khoảng cách và không gian.

Thay vì mở cửa cho công chúng vào những thời điểm nhất định trong ngày, trưng bày trực tuyến có sẵn suốt ngày đêm, thông qua nền tảng Internet.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những cuộc trưng bày trực tuyến và thử nghiệm bảo tàng ảo mà các bảo tàng thực hiện bước đầu đã được công chúng và đồng nghiệp đón nhận với những đánh giá tích cực. Trong đó có thể kể đến sự đầu tư công nghệ tham quan 3D của một số bảo tàng như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ…

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, hệ thống bảo tàng thế giới trong đó có Việt Nam buộc phải chuyển mình mạnh mẽ bằng việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày để giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với những tài liệu, hiện vật quý mà không cần đến bảo tàng.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam chỉ khi dịch Covid-19 xuất hiện thì dường như việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực trưng bày mới thực sự được quan tâm hơn và ứng dụng mạnh mẽ. Đối với các trưng bày trực tuyến, bảo tàng ảo thì phần tương tác đã thỏa mãn được nhu cầu quan sát hiện vật đa chiều hay tìm hiểu sâu về nội dung hiện vật của khách tham quan…

Cũng theo ông Huy, xu hướng sử dụng những công nghệ hiện đại như công nghệ hình ảnh, Web3D, VR, AR, MR, và các thiết bị cầm tay, các bảo tàng có thể khai thác tất cả các khả năng của phương tiện mới, phân tích và trả lời theo nhiều cách khác nhau cho nhu cầu của công chúng, cho phép tương tác trực quan với nội dung được hiển thị và cung cấp trải nghiệm giải trí và giáo dục.

Trưng bày trực tuyến trên website của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Khó khăn bủa vây

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, sức hấp dẫn mạnh mẽ và tiềm năng to lớn thì trưng bày trực tuyến hay bảo tàng ảo vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử, đây không phải là trải nghiệm bảo tàng thực sự. Bởi trưng bày trực tuyến không cho phép các thao tác chân thực nhất, điều này rất quan trọng đối với người học về động lực học, họ không cảm nhận được thực sự điều gì đang xảy ra. Các giác quan trải nghiệm mãnh mẽ như sờ thấy, nhìn thấy khi đi qua hiện vật… không còn khi tham quan trưng bày trực tuyến, khiến các trải nghiệm online rất nhanh sẽ bị lãng quên.

Bởi khi hiển thị trên web hình ảnh hiện vật không hiển thị được kết cấu một cách hoàn chỉnh, các chi tiết nhỏ, khối lượng và màu sắc cũng không hoàn toàn chính xác và trung thực.

Chưa kể, những hình ảnh điện tử của các bức ảnh lịch sử chắc chắn kém hơn so với các hiện vật thực tế, do yêu cầu về kích thước nhỏ hơn để xem trực tuyến. Chất lượng hình ảnh vẫn còn khá kém khi so sánh với các hiện vật nghệ thuật thật.

Ngoài ra, trưng bày trực tuyến cũng được đánh giá là tốn kém và tốn thời gian để thực hiện. Người dùng phải được kết nối với Internet (đối với trưng bày trên nền web). Tốc độ kết nối Internet cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách truy cập khi người dùng có kết nối chậm sẽ không có chuyến thăm thú vị, đặc biệt nếu trang web chứa nhiều tài nguyên đa phương tiện, cần nhiều thời gian để tải xuống và hiển thị.

Đặc biệt, những tài liệu, hiện vật rất có giá trị về mặt nội dung lịch sử, văn hóa nhưng lại không đảm bảo hoặc ít giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, nhất là loại hiện vật dưới dạng văn bản giấy, do đó khi ứng dụng công nghệ ảo 3D, 4D… sẽ khó tạo được sự hấp dẫn.

Cùng với đó, phần lớn các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải những hạn chế về nguồn lực, bao gồm việc cơ sở hạ tầng xuống cấp, kinh phí đầu tư cho việc chuyển đổi số, duy trì và bảo dưỡng quá lớn, nguồn nhân lực tại chỗ thiếu và yếu - đặc biệt là nhân lực về công nghệ cao, thêm vào đó những chuyên gia công nghệ cũng ít am hiểu chuyên sâu về các hoạt động của bảo tàng…

Để giải quyết vấn đề này, theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan, nếu mỗi ngành, đơn vị đứng riêng rẽ thì khó thực hiện, bởi sẽ gặp những vấn đề hoặc là về nghiên cứu, xây dựng nội dung, hoặc là về ứng dụng công nghệ, vận hành, khai thác, phát huy…

Giải pháp hợp tác, chia sẻ cùng nhau sẽ khai thác tối đa được điểm mạnh, tiềm lực, tính chuyên nghiệp của mỗi bên, chuyên ngành để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh mà cụ thể ở đây là giữa bảo tàng với đơn vị chuyên môn về công nghệ và dịch vụ kết nối công chúng (ví dụ bảo tàng + công nghệ + du lịch/nhà trường...).

Đây đang và sẽ là xu hướng tích cực để các bảo tàng nỗ lực ứng dụng công nghệ, hấp dẫn thu hút khách tham quan.

Có thể nói, trên cơ sở xác định hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ trong trưng bày, giới thiệu là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại, nhiều triển lãm, bộ sưu tập đã được bảo tàng đưa đến với công chúng dưới hình thức ảo. Hiện đại hóa trưng bày hay giới thiệu trưng bày không chỉ là phương thức online, mà còn là các phương thức số hóa các hoạt động. Tất cả đều hướng tới xây dựng một di sản số cho di sản văn hóa Việt Nam.

Minh Quân