Đa dạng các phương thức tuyển sinh: Không lo bất bình đẳng
Sau khi một số trường đại học (ĐH) công bố phương án tuyển sinh năm 2022, nhiều thí sinh bày tỏ lo lắng liệu cơ hội vào ĐH có sụt giảm khi các trường tiến hành đa dạng các phương thức tuyển sinh.
Xu hướng tuyển sinh 2022 không thay đổi nhiều
Trước băn khoăn của người học về tính công bằng giữa các phương thức tuyển sinh đang ngày một đa dạng, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, các thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 cũng sẽ không thay đổi quá nhiều, phương án tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định tương đối so với năm 2020, 2021.
Năm 2021, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hầu như các trường ĐH đều sử dụng 2 phương thức tuyển sinh cơ bản, trong đó, tỉ lệ các trường ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là hơn 92%, trong khi hơn 77% các trường sử dụng kết quả học tập bậc THPT (học bạ).
Thống kê tổng chỉ tiêu mà các trường xác định cũng như con số nhập học thực tế trong năm 2021 cũng cho thấy, 90% thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học bạ. Thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác chưa đến 10%.
Theo bà Thủy, 2 năm vừa qua, xu thế đó gần như không có thay đổi nhiều. Có thể nói, tỉ trọng xét tuyển bằng các phương thức khác là không cao so với tổng thể. Sang năm 2022, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa đủ điều kiện thuận lợi để các trường tổ chức thi riêng và thi đánh giá năng lực một cách phổ biến. Do đó, xu hướng tuyển sinh đối với các phương thức vẫn có thể tương tự và ổn định như năm 2020-2021.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tuyển sinh luôn tuân thủ nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp theo các ngành nghề lĩnh vực và phương thức tuyển sinh mà các trường áp dụng, và quan trọng tùy thuộc nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào các phương thức. Do vậy, nếu thí sinh không trúng tuyển ở phương thức này, vẫn có cơ hội trúng tuyển bằng phương thức khác theo đúng năng lực, trong bối cảnh cạnh tranh với các thí sinh khác có cùng nguyện vọng.
Đảm bảo chất lượng đầu vào
Trước những lo ngại có sự bất bình đẳng khi xét tuyển ĐH bằng một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL…, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết đa phần các trường sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Một số cơ sở giáo dục ĐH thuộc “top” đầu - các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh - thì việc sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, bởi có tính hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, tiêu chí về IELTS, TOEFL… không phải là tiêu chí duy nhất, thông thường, các trường còn căn cứ cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Chưa kể, cũng chỉ một phần chỉ tiêu được xác định tuyển sinh bằng phương thức này.
Bà Thủy cho rằng, với xu hướng quốc tế hóa giáo dục ĐH hiện nay, với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công dân toàn cầu, thì việc các trường ĐH (nhất là các trường “top” đầu) sử dụng các tiêu chí chuẩn hóa quốc tế, được công nhận rộng rãi trên thế giới (như SAT, ACT, IELTS…) để tuyển sinh cũng là điều dễ hiểu và đáng được ghi nhận. Điều này cũng thực hiện đúng theo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH.
Về kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), mùa tuyển sinh 2022 cả hai ĐH quốc gia là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM đều tổ chức kỳ thi ĐGNL. Theo thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, đến nay, số lượng các trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả từ kỳ thi này để tuyển sinh đến thời điểm hiện tại là gần 50 trường. Ngoài ra, một số trường ĐH khác cũng dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để chọn được thí sinh như mong muốn.
Trước đó trong năm 2021, kỳ thi ĐGNL được đón nhận với số lượng đáng kể thí sinh dự thi trong điều kiện giãn cách xã hội. Phổ điểm thi ĐGNL năm 2021 có độ phân hóa cao, đặc biệt thích hợp cho công tác xét tuyển vào các chương trình đào tạo đại học đòi hỏi đầu vào cao. Đa dạng hóa các nguồn tuyển, ĐGNL người học một cách toàn diện là xu thế chung trong bối cảnh các nhà trường tăng cường tự chủ tuyển sinh. Bài thi ĐGNL đã thể hiện tính ưu việt đáp ứng tốt các yêu cầu chất lượng đặt ra nên được nhiều trường lựa chọn.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Xu hướng các trường ĐH trong thời gian tới sẽ sử dụng các phương thức khác nhau để tuyển được thí sinh chất lượng là điều có thể dự báo trước.
Kỳ thi ĐGNL năm 2022 sẽ được nhà trường ứng dụng kỹ thuật kiểm tra đánh giá hiện đại và tối ưu hóa quá trình tổ chức thi trên máy tính, bổ sung 20% câu hỏi mới được thử nghiệm trên thí sinh đã dự thi vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi chuyên nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, ĐH Quốc gia Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch tổ chức thi trên diện rộng tại nhiều điểm thi trên cả nước. Việc tổ chức thi năm nay có sự kết hợp với một số trường ĐH tại nhiều điểm thi ở Hà Nội, các tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Đà Nẵng và TP HCM.
Mùa tuyển sinh năm 2022 ghi nhận sự đổi mới trong phương thức tuyển sinh của hầu hết các trường ĐH. Tính đến thời điểm hiện tại, có đến hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng.
Các phương thức gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của trường, xét tuyển học sinh giỏi; xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi ĐGNL, kỳ thi đánh giá tư duy, xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) theo tổ hợp môn, xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn; xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ, xét tuyển bằng học bạ kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu… Trong đó không ít trường đồng thời áp dụng đến 6, 7 phương thức bằng xét tuyển và tổ chức thi tuyển riêng.