Kết nối cung cầu để đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng
Chiều 19/1, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2022.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động cho biết, năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh nhưng ban chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác tuyên truyền phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức thực hiện cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.
Các ngành, các thành viên Ban chỉ đạo có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương bị ảnh hướng trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội do phòng dịch; các doanh nghiệp phân phối bán lẻ chủ động lựa chọn các điểm bán hàng mở cửa trở lại phục vụ nhân dân dịp trong và sau Tết, hạn chế tình trạng lợi dụng đẩy giá bán lên cao tại các chợ truyền thống. Giá bán tương đối ổn định, không có tình trạng tăng giá đột biến…
Tham luận tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2021, thực hiện cuộc vận động, Sở Công Thương đã làm tốt chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại; bình ổn thị trường hàng hóa ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Sở cũng chủ trì phối hợp với các quận, huyện khai trương, đưa vào vận hành thêm nhiều điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; thực hiện Tháng khuyến mại Hà Nội…
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ, năm 2021 Sở đã triển khai, bám sát Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động. Qua đó tập trung phát triển du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đồng thời triển khai cuộc vận động đến điểm cơ sở lưu trú, điểm du lịch trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng điểm đến, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch Thủ đô.
Các doanh nghiệp du lịch mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng đã có giải pháp cơ cấu lại sản phẩm du lịch; có 4 đơn vị trên các lĩnh vực lữ hành, điểm đến, lưu trú,… được công nhận sản phẩm tiêu biểu của cuộc bình chọn hàng Việt Nam. Hà Nội vinh dự đứng thứ 2 trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á và đứng thứ 6 trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới. Tất cả những kết quả này cũng là nhờ thực hiện tốt Cuộc vận động.
Năm 2022, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện cuộc vận động; lấy khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi; xây dựng sản phẩm du lịch bảo đảm chất lượng, phong phú như du lịch di sản, du lịch đêm, du lịch trải nghiệm; tham mưu Thành phố có Nghị quyết về phát triển các sản phẩm du lịch; tham mưu tổ chức các chuỗi sự kiện du lịch Thủ đô…
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động Nguyễn Lan Hương đề nghị các đơn vị thành viên tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới phương thức tuyên truyền cuộc vận động; chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt chất lượng cao, nhất là các sản phẩm được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, vận động doanh nghiệp triển khai bán hàng lưu động, đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, khu vực ngoại thành, cũng như các chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở nước ngoài…
Bên cạnh đó, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn.
Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm… góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội.
“Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông về cuộc vận động tới người tiêu dùng trong nước và nước ngoài, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo các quận, huyện đẩy mạnh triển khai cuộc vận động, không phụ thuộc vào một Sở, ngành nhất định”, bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, 10 tập thể và 8 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội; 28 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động.