Tình yêu Tinh hoa Việt

TRẦN HỮU THĂNG 20/01/2022 16:34

LTS: Trong mái nhà chung của Cứu Quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn Kết có ấn phẩm Tinh hoa Việt. Bắt đầu xuất hiện từ tháng 7/2010, Tinh hoa Việt đã thực hiện một hành trình kết nối – kiến tạo và tự đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Bán nguyệt san Tinh hoa Việt đã trở nên quen thuộc với độc giả. Ảnh: Thư Hoàng.

Khởi đầu từ hình thức tạp chí, đóng quyển, in khổ nhỏ, phát hành ngày 15 hằng tháng, đến tháng 5/2015, Tinh hoa Việt chuyển sang phát hành tháng 2 số, khổ như hiện nay. Trong dòng chảy 80 năm. Tinh hoa Việt đã đồng hành với bạn đọc bước sang năm thứ 22. Trong hành trình đó, có những cộng tác viên gắn bó với Tinh hoa Việt suốt một thời gian dài, đều đặn viết bài cho mỗi số. Đó là tác giả Trần Hữu Thăng. Ông cũng là người tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam các khóa VI, khóa VII và khóa VIII. Tinh hoa Việt số đầu tiên của năm mới 2022, xin giới thiệu những tâm sự của tác giả Trần Hữu Thăng.

Tháng 4 năm 2015, nhà thơ - nhà báo Hồng Thanh Quang- Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết khi đó gặp tôi ở trụ sở Tổng Hội ngay cạnh báo Đại Đoàn Kết ở phố Bà Triệu (Hà Nội). Anh Quang thông báo sẽ có Tinh hoa Việt bộ mới, bán nguyệt san, ra khổ lớn và mời tôi tham gia viết bài. Tôi viết thăm dò bài “Triết học bình dân”, gửi báo Tinh hoa Việt số đầu tiên của bộ mới phát hành tháng 5 năm 2015.

Khi báo Tinh hoa Việt bộ mới ra đời, bài của tôi được đăng trong mục “Góc nhìn trí thức”, trang 12 của tờ báo và trong suốt 7 năm đã trôi qua, vẫn ở trang 12, ở mục “Góc nhìn trí thức” ấy vẫn có bài của tôi.

Trong thời gian thay đổi Tổng Biên tập, thay đổi người tổ chức thực hiện Tinh hoa Việt, tôi vẫn trung thành với cách viết “Ôn cố tri tân” (lấy cái cũ để soi sáng cái mới) mà tôi cho là đúng đắn và chính xác.

Khi cầm trong tay các cuốn “Từ điển danh ngôn thế giới” dù bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng La Tinh, dù đã được dịch phần nào sang tiếng Việt, ta vẫn thấy yên tâm, đáng tin cậy khi trích dẫn các danh ngôn của các triết gia ở các thế kỷ trước. Vì sao yên tâm? Vì độ lùi của thời gian sau hàng trăm năm, các danh ngôn ấy vẫn tỏa sáng. Thế làm cách nào để sử dụng các danh ngôn ấy cho có hiệu quả? Có nhiều cách:

- In các câu danh ngôn vào các tờ lịch hàng ngày. Khi ta mua một blốc lịch có 365 tờ, tức là có 365 lời dạy bảo khôn ngoan rồi đấy. Nhưng phải là những lời dịch đúng từ nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài và tốt hơn nữa là có năm sinh, năm mất của người viết. Rất tiếc vẫn có những thiếu sót: dịch không đúng tinh thần của câu danh ngôn nguyên gốc, tên tác giả cũng nhầm lẫn. Hiện nay có hiện tượng không tìm được tác giả, người ta viết dưới là “khuyết danh”. Nhưng những câu nói để khuyên nhủ, để giáo dục, để răn đe những thói hư tật xấu mà đề dưới là “khuyết danh” thì không ổn. Nên có tên người cụ thể để chịu trách nhiệm về câu nói ấy.

- Trong trang đầu của những cuốn tiểu thuyết, sách giáo khoa, sách dạy làm người, sách dạy kinh doanh buôn bán, người ta thường in đậm một câu danh ngôn ngắn gọn nhưng hết sức giá trị để minh họa cho cả một tác phẩm. Có người coi câu danh ngôn ấy là từ khóa (key words) cho cả cuốn sách. Vì chỉ cần hiểu sâu sắc cái từ khóa ấy là hiểu được tinh thần chủ đạo mà cuốn sách ấy định nói.

Vậy thì khi chọn cách viết dùng các danh ngôn thế giới và các ca dao, tục ngữ, thành ngữ, phong dao trong nước để minh họa cho các bài viết ngắn cho báo “Tinh hoa Việt”, tôi đã suy nghĩ rất kỹ từng câu, từng chữ sao cho vừa vặn với trình độ của mình, vừa đủ ngắn cho người đọc đỡ nhàm chán, vừa dễ hiểu để có thể phục vụ cho đông đảo đối tượng người đọc.

Mong muốn ấy của tôi đã được Tinh hoa Việt giúp đỡ, nâng đỡ và biên tập lại cho chuẩn. Và như thế, hơn 150 số báo mà tôi cố gắng, nỗ lực đã được ra mắt bạn đọc. Hơn 150 bài bài viết trong hơn 7 năm trời đã vun đắp tình yêu của tôi với Tinh hoa Việt. Được vinh dự sinh hoạt trong UBTƯ MTTQ Việt Nam trong 3 khóa, tôi đã được giao lưu, được học hỏi để có thể tự đào tạo được bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm sống, nay tôi có dịp trả lại cái “Ơn tri ngộ” ấy cũng là một niềm vui đối với tôi.

Nhớ mãi buổi ra mắt Tinh hoa Việt bộ mới, thế mà đã 7 năm trôi qua. Trong 7 năm ấy biết bao cây bút sắc sảo đã viết nên những bài báo giá trị, vừa có tính thời sự nóng hổi, vừa có tính phổ biến khoa học và tuyên truyền giáo dục chính trị quần chúng sâu rộng. Nhờ đọc những bài báo ấy mà những bài viết của tôi cũng có những tiến bộ. Tôi xin cảm ơn các tác giả ấy, có người tôi biết mặt, có người tôi chỉ nghe tên, chưa được gặp mặt.

Rất ước mong bước sang năm thứ 8, Tinh hoa Việt sẽ luôn được bạn đọc yêu mến về tính nghiêm túc và những đóng góp rất cụ thể của tờ báo.

Từ khi có bán nguyệt san Tinh hoa Việt khổ lớn ra đời, trong khu tôi ở các vị cao niên có thêm tài liệu để tham khảo, để tranh luận. Có một dạo, trong mục Tư liệu quốc tế có nhiều bài rất mới lạ nói về Liên Xô cũ rất hấp dẫn, rất chi tiết. Những bài viết nói về tâm tư của các vị nguyên soái, anh hùng chống phát xít đến khi gặp phải những biến đổi thời cuộc cũng là những bài học thực tế cho nhiều thế hệ con người sống ở trên đời.

Phần biên dịch tài liệu nước ngoài trong các mục Hồ sơ - tư liệu của Tinh hoa Việt rất cập nhật, rất thời sự, như vấn đề phòng chống dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua cũng thật bổ ích cho bạn đọc về các kiến thức khoa học cũng như về phòng bệnh và chữa bệnh.

Phần các bài viết trong nước của “Tinh hoa Việt” từ trang 2 đến trang 11 phần lớn là những bài bình luận, phỏng vấn... Các bài viết đều rất nghiêm túc và hiệu quả, nhưng nếu các phóng viên chịu khó đi sâu, tìm hiểu những khó khăn, những mặt trái, những điều không thuận của vấn đề sẽ giúp người đọc dễ hiểu, dễ cập nhật cũng như dễ thích nghi hơn trong những tình hình mới. Cần chú ý đưa thêm tin hoạt động của các vị Ủy viên của Mặt trận từ xã, huyện, tỉnh, thành phố và Trung ương trong những năm gần đây, đặc biệt là sau năm 2000 để thấy rõ được sức sống của Mặt trận ta là liên tục, là kế thừa và các thế hệ sau hơn các thế hệ trước.

Còn các bài viết về cách lĩnh vực văn chương, y học, thể dục thể thao, gia đình và hôn nhân, khoa học phổ thông đại chúng, hoặc các bài viết trong mục Kiều bào đều đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc phổ thông. Nhưng theo tôi, cần chú ý mời thêm các nhà văn, nhà bình luận, phê bình có nhiều kinh nghiệm viết những bài đinh, bài sắc nét để giúp bạn đọc có những kinh nghiệm sống và trải nghiệm văn chương thú vị hơn nữa.

Về phần vẽ minh họa cho các bài viết, có giai đoạn minh họa rất đẹp, rất hấp dẫn, song không đều. Nên nhớ rằng hình minh họa sẽ làm người đọc nhớ ngay, liên hệ ngay đến bài viết nếu nó khớp và biết thổi hồn vào nét vẽ minh họa.

TRẦN HỮU THĂNG