Vườn đào Nhật Tân: Trăm người bán, một người mua
“Năm nay, tôi trồng 300 cây cho 2 thửa vườn, thế nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ bán được khoảng 50 cây. Tình hình mua bán nhìn chung rất ảm đảm, có đến trăm người bán thế nhưng chỉ có một người hỏi mua”, anh Đỗ Tiến Đạt, chủ vườn đào tại Nhật Tân, Hà Nội thở dài ngán ngẩm.
Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thế nhưng lượng khách đổ tới “thủ phủ” làng đào năm nay ảm đảm lạ thường. Nhiều chủ vườn tại làng đào Nhật Tân vẫn đang trong tình trạng ngóng chờ khách đến…
Giám sát một tốp thợ chăm sóc đào, thi thoảng anh Đỗ Tiến Đạt đi ra đi vào ngóng khách mua đào chơi Tết, anh cho biết, thời tiết năm nay rất thích hợp để đào phát triển nụ và nảy lộc.
“Năm nay đào có xu hướng nở non”, anh Đạt nói.
“Để đào ra hoa vào đúng ngày Tết, những ngày nay các chủ vườn đẩy mạnh việc tưới nước, chúng tôi đã dừng việc bón phân cách đây 1 tháng bởi có những du khách đổ về đây tham quan, chụp ảnh”, anh Đạt nêu giải pháp.
Anh Tiến Đạt cho hay, năm nay do ảnh hưởng của Covid-19, sức mua của tiểu thương cũng như khách lẻ đều giảm đi nhiều. Chưa kể nguồn đào cung cấp thì vẫn đều như mọi năm nhưng lượng bán ra chỉ bằng 1/3 so với những năm trước.
“Nhà tôi trồng 300 cây mà đến giờ mới chỉ bán được 50 cây. Giá bán đào Tết năm nay không có nhiều biến động, thậm chí còn giảm 30% so với năm ngoái. Những cành đào vừa và nhỏ chỉ có giá từ 100.000 - 300.000 đồng, cây đào thì có giá dao động từ 1 - 3 triệu đồng/cây.
Đối với các gốc đào thế thì sẽ có giá cao hơn, khoảng từ 10-30 triệu đồng, có cây lên tới hơn 100 triệu đồng tùy vào chiều cao của cây và tuổi thọ của gốc. Tuy nhiên, đối với những loại cây lâu năm thì chủ vườn sẽ cho thuê nhiều hơn bán để tiện thu lại gốc và tiếp tục chăm sóc cho các năm sau”, anh Đạt thông tin.
Số lượng đào Tết không thể tiêu thụ, bởi tình cảnh “trăm người bán nhưng chỉ có một người mua”. Vấn đề nan giải này là tình cảnh chung đối với những người trồng và buôn bán đào năm nay. Dịch Covid -19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu sắm đào chơi Tết giảm sút nghiêm trọng.
Chung tình trạng, chị Dương Thị Huệ (40 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội), nhân viên chăm sóc đào lâu năm bật mí, cách chăm sóc đào phụ thuộc vào thời tiết từng năm. Nếu như năm ngoái, nắng nhiều đào có xu hướng nở nhanh, vì thế cần phải ngưng tưới nước để hãm lại.
“Còn năm nay thời tiết lạnh hơn nên chỉ cần tưới nước và bón phân loãng, hoa nở lác đác thì khách sẽ chơi được lâu”, chị Huế nhấn mạnh.
“Năm nay được mùa đào, thời tiết thuận lợi cho đào nở đẹp, đúng vụ mà người trồng đào lại cảm thấy buồn vì dịch bệnh nên nhu cầu của người dân cũng giảm hẳn so với mọi năm. Tầm này năm ngoái khách tới đông lắm, tôi không có thời gian nói chuyện với ai, không như năm nay, khung cảnh ảm đảm".
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc người dân đi xem và mua đào Tết ảm đạm hơn mọi năm là điều dễ hiểu.
Cùng với đó là sự mới lạ đến từ những cây có dáng vẻ bề thế, đồ sộ hơn như: bưởi cảnh, đào thất thốn, cam canh… hay những loại cây nhỏ hơn như: nhất chi mai, hoa lê trắng… đã thu hút những người “sành chơi” đất Hà thành.
Tuy nhiên, đào bích, đào phai vẫn rất được lòng khách đến xem bởi nó mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng mà tươi mát để chào đón năm mới.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà vườn đã ngừng tưới nước và bón phân cho cây để giữ cây được lâu hơn. Họ cũng mong khách hàng đến xem và mua để cái Tết của người nông dân được tròn vẹn. Covid-19 hoành hành trong cả năm qua khiến cho kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng bị ngưng trệ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Dù thị trường hoa Tết năm nay không được sôi động, nhưng người nông dân vẫn tích cực chăm sóc, tạo những thế cây độc đáo để thu hút khách hàng. Có một giải pháp được các nhà vườn đặt ra nếu năm nay không bán được thì có thể chăm chờ năm sau đào sẽ được tiêu thụ.
“Tôi mong dịch nhanh chóng ổn định, để những cây đào có thể tìm được chủ nhân mới, những chủ vườn như chúng tôi cũng thu lại được một chút thu nhập, lấy vốn để còn có động lực, tiếp tục làm ăn”, anh Đạt bày tỏ.