Gìn giữ rối nước Đào Thục
Đã hơn 300 năm, phường rối nước dân gian Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) là một trong những làng rối nước có lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Nơi đây đã sản sinh ra những nghệ nhân múa rối tài ba. Tuy đang phải đối mặt với những gian nan do dịch bệnh nhưng những nghệ nhân đã giữ nghề bằng cách quảng bá và phát triển.
Tự hào nghệ thuật truyền thống
Theo lời người dân sinh sống ở làng Đào Thục, phường múa rối nước dân gian Đào Thục ra đời từ thế kỷ 18, vào đời Vua Lê Dụ Tông (1706 - 1729). Nghệ thuật múa rối nước nơi đây đã có hơn 300 năm tồn tại và phát triển, là sự kết tinh từ cuộc sống sinh hoạt và lao động của người nông dân, gắn liền với nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua bao thăng trầm, nghệ thuật truyền thống này đã có chỗ đứng nhất định trong đời sống văn hóa của người Việt.
Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều tích trò cổ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gửi gắm khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, có thể kể đến như: Tễu bắt ác; Đánh cáo bắt vịt; Lên võng xuống ngựa…
Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục mang lại sự khác biệt và hấp dẫn. Trước khi có dịch Covid-19, thì lượng khách đến làng Đào Thục khá đều đặn, lịch diễn dày đặc phục vụ bà con và du khách gần xa. Đây chính là một động lực để phường thu hút được nhiều thanh niên trẻ trong làng theo nghề, yêu và gắn bó giữ gìn nghề của cha ông.
Phường múa rối làng Đào Thục ngoài nhận biểu diễn qua đặt hàng còn nhận diễn từ các tour du lịch, đặc biệt là tour có du khách nước ngoài. Du khách nước ngoài đến với Đào Thục đều tò mò khám phá về loại hình nghệ thuật dân gian này.
Hiện nay, những nghệ nhân thôn Đào Thục trân trọng, gìn giữ nghề tổ là vì sự đam mê, tình yêu với nghệ thuật dân gian. Bao nhiêu đời cứ tiếp diễn truyền nối cho nhau và phát huy nghề tổ thành thú chơi tao nhã. Hàng năm, làng Đào Thục có 3 lễ hội chính, trên mặt nước Thủy đình của làng, những chú rối thỏa mình phô diễn hòa vui: Ngày 10 tháng Giêng (ngày Tết lại của làng); 24/2 (âm lịch - ngày Giỗ cụ tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh); 13/11 (âm lịch - lễ hội vào Đám).
Với những nỗ lực giữ lửa nghề truyền thống cha ông, hiện nay rối nước nơi đây đã thu hút được lớp nghệ nhân trẻ tham gia vào phường. Cùng với đó là mở lớp dạy cho lớp trẻ trong làng.
Nghệ nhân tạo hình Nguyễn Văn Phi - người con sinh ra và lớn lên tại làng tâm sự, con rối chính là khối sống, khối cử động được, còn tượng đơn thuần là khối chết, có khuôn mẫu nhân vật. Để tạo hình con rối, bước đầu tiên là phải chọn gỗ.
Tại Phường múa rối nước Đào Thục thì toàn bộ con rối đều được tạo hình bằng gỗ sung. Bởi vì, gỗ sung vừa đảm bảo được chất lượng và mang ý nghĩa là sung túc, sung mãnh. Từ đời xưa, các cụ đã truyền lại kinh nghiệm: Gỗ sung nhẹ, thẩm thấu hạn chế vì con rối được biểu diễn ở dưới nước và gỗ sung giảm được nứt, vỡ…
Giữ nghề bằng quảng bá và phát triển
Gần 2 năm nay, sự ồn ào, tấp nập của làng nghề múa rối nước đã bị cơn bão Covid-19 quét qua khiến cho nghệ nhân Đào Thục gặp muôn vàn gian nan. Một làng quê vốn nhiều du khách ghé thăm nay lại vắng vẻ.
Ghé thăm khu nhà truyền thống của phường rối nước dân gian Đào Thục, nhiều con rối như tiều phu, nông dân, lính,… đang nằm im lìm chưa biết khi nào lại được mang ra biểu diễn thường xuyên. Nhưng tình yêu, sự đam mê với nghề của những nghệ nhân nông dân, những người thợ thủ công… thôn Đào Thục vẫn tràn đầy.
Ông Đặng Minh Hưng - Trưởng Phường múa rối nước Đào Thục chia sẻ: Nghề này làm là vì tình yêu và sự đam mê, gần như không phải là vì kiếm tiền. Cả làng có khoảng 50 nghệ nhân, trong đó người nhiều tuổi nhất là cụ Nguyễn Văn Mạnh, đã ngoài 90 tuổi. Bên cạnh đó, hàng năm phường đều mở lớp truyền dạy lại nghề cho lớp trẻ, mỗi lớp đào tạo có khoảng 20 người.
Mỗi buổi biểu diễn thường có 15 người, trong đó có 7 nhạc công, 8 diễn viên dưới nước. Mùa lạnh, nghệ nhân trước khi trầm dưới nước phải mặc áo ngăn thấm nước, nhiều khi lạnh quá phải uống cả nước mắm để cho ấm người.
Không chỉ tập trung đào tạo, thu hút lớp trẻ đam mê với nghề truyền thống cha ông mà người dân làng Đào Thục còn tích cực quảng bá nghệ thuật truyền thống qua mạng xã hội.
Chỉ cần gõ từ khóa “múa rối Đào Thục” trên mạng xã hội Facebook thì ngay lập tức những hình ảnh, video clip “cây nhà lá vườn” do chính người phường múa rối ghi lại để giới thiệu tới khán giả và du khách sẽ hiện ra. Việc cung cấp thông tin thường xuyên trên mạng xã hội thu hút nhiều bạn trẻ tìm hiểu và biết về làng nghề truyền thống hơn.
Chia sẻ những hình ảnh, video clip về hoạt động của phường múa rối là một cách quảng bá hiệu quả, gần gũi, sinh động hơn đối với người tiếp nhận thông tin.
Có thể nhận thấy, việc quảng bá thông tin trên mạng xã hội, qua internet để thu hút khán giả của phường rối nước Đào Thục thực sự là cách hay và bắt kịp với những thay đổi của thời kỳ kỷ nguyên số để giữ gìn bản sắc nghề truyền thống.
Nghệ nhân tạo hình Nguyễn Văn Phi chia sẻ: Việc tạo hình con rối không có một trường lớp nào đào tạo được, bởi cái hồn của nhân vật không phải là khuôn mẫu có sẵn. Còn với những nghệ nhân biểu diễn rối nước thì cần phải được đào tạo bài bản, từ lúc mới vào nghề đến khi biểu diễn được thường mất cả vài năm…