Hành trình đưa vaccine đến vùng núi tuyết Kashmir, Ấn Độ

Mai Nguyễn (Theo AP) 20/01/2022 14:00

Những nhân viên y tế Ấn Độ đã đối diện với vô số thử thách, từ thiên nhiên đến con người, để mang vaccine đến những ngôi làng hẻo lánh trên vùng núi tuyết Kashmir.

Tại một ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya ở vùng núi tuyết Kashmir, Ấn Độ, cô nhân viên y tế trẻ Masrat Farid đã đóng gói những lô vaccine để mang tới cho dân làng vào một buổi sáng lạnh cóng của tháng Giêng, khi bầu trời thổi những cơn gió tuyết buốt giá bay khắp trong không khí.

Cô là một thành viên thuộc nhóm nhân viên y tế thực hiện chiến dịch tiêm chủng tận nhà để tiêm, hoàn thành đủ mũi tiêm vaccine tối thiểu cho thanh thiếu niên, đồng thời tiêm mũi tăng cường cho người lớn tuổi ở các ngôi làng vùng núi xa xôi hẻo lánh.

“Chúng tôi phải chiến đấu với đại dịch. Chúng tôi phải tiếp tục đi”, Farid tự hào nói trong khi đang băng qua lớp tuyết trắng xóa cao tới đầu gối ở Gagangeer, một ngôi làng nằm giữa rừng.

Fozia, bên phải và Tasleema, nhân viên y tế vùng Kashmiri, mang theo vaccine đến quận Budgam, phía tây nam Srinagar, vùng núi Kashmir, Ấn Độ. Ảnh AP / Dar Yasin.

Farid và các đồng nghiệp của cô đã tiêm chủng cho hàng nghìn cư dân trong năm 2021, chủ yếu ở những ngôi làng mà họ chỉ có thể đến được bằng cách đi bộ đường dài qua những vùng nông thôn hiểm trở.

Nhưng cái lạnh thấu xương và địa hình khắc nghiệt đầy tuyết không phải là trở ngại duy nhất. Sự do dự về vaccine của một số cư dân và cuộc chiến giành được sự tin tưởng của họ còn khó hơn nhiều so với chặng đường vượt qua mùa đông trên dãy Himalaya gai góc.

Thời tiết khắc nghiệt không phải là thử thách duy nhất của các nhân viên y tế. Ảnh AP / Dar Yasin.

“Hầu hết các cô gái trẻ đều do dự, họ bị thúc đẩy bởi những thông tin sai lệch và sự không tin tưởng”, Farid thở dài trong đợt tiêm chủng gần đây tại một ngôi làng trên núi phủ đầy tuyết trắng. Farid đang đề cập đến niềm tin sai lầmcủa những cô gái trẻ rằng vaccine sẽ tác động tiêu cực hoặc thậm chí ngăn ngừa phụ nữ mang thai.

Một cô gái trẻ đang được tiêm vaccine ở làng Gagangeer nằm ở phía đông bắc Srinagar, vùng núi Kashmir, Ấn Độ. Ảnh AP / Dar Yasin.

Cô nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân mà còn phải giáo dục về lợi ích của vaccine cũng như tạo được sự tin tưởng trong tâm trí họ”.

Trong một đợt tiêm chủng mới bắt đầu vào tháng 1/2022, các nhân viên y tế sẽ tiêm chủng cho thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 và tiêm mũi nhắc lại cho những người trên 60 tuổi có vấn đề về sức khỏe.

Masrat Farid chuẩn bị tiêm mũi tăng cường vaccine Covishield cho người dân trên một con đường phủ đầy tuyết ở làng Gagangeer, phía đông bắc Srinagar, vùng núi Kashmir, Ấn Độ. Ảnh AP / Dar Yasin.

Các mũi tiêm tăng cường, mà các quan chức y tế Ấn Độ gọi là liều “phòng ngừa”, đang được tiêm cho người dân thuộc các nhóm nguy cơ cao, những người nằm trong danh sách đầu tiên được nhận vaccine vào năm ngoái và khả năng miễn dịch của họ có thể đang suy yếu.

Jaffar Ali, một quan chức y tế, khẳng định thách thức hàng đầu cho đến thời điểm hiện tại trong năm nay chính là thời tiết khắc nghiệt. Trái ngược hoàn toàn so với những thử thách của năm ngoái, khi một số đồng nghiệp của ông phải giải quyết những ‘sự bất hợp tác’ của người dân địa phương trong chiến dịch tiêm chủng, vì nhiều họ tin rằng các mũi tiêm sẽ gây ra tình trạng ốm yếu, đem lại những tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc thậm chí có thể làm chết người.

Cho đến nay, theo số liệu chính thức, các nhân viên y tế đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 72% dân số đủ điều kiện trong số 14 triệu dân số của khu vực Kashmir.

Nhân viên y tế mang theo những lô vaccine trên những con đường phủ đầy tuyết trắng đến với người dân. Ảnh: AP / Dar Yasin.

Các quan chức y tế gần đây đã đi bộ một chặng đường dài để đến một số ngôi làng bị chia cắt khỏi các thị trấn gần nhất do tuyết rơi dày. Người dân tại những ngôi làng này hầu hết đã được tiêm chủng – bao gồm cả Khag, một ngôi làng phía sâu trong rừng nơi cư dân chủ yếu là bộ tộc và sống trong những ngôi nhà làm từ bùn, đá hoặc gỗ.

Arsha Begum, một phụ nữ mù lớn tuổi, đã bày tỏ lòng biết ơn khi đội ngũ y tế đến thăm nhà và tiêm mũi tăng cường cho bà tại nhà.

Bà Arsha Begum đang tiêm mũi tăng cường tại nhà. Ảnh: AP / Dar Yasin.

“Tôi đã không thể đến bệnh viện trong thời tiết khắc nghiệt này. Tôi vô cùng biết ơn những nhân viên y tế này”, bà cảm động nói.

Thời tiết khắc nghiệt không phải là thử thách duy nhất của các nhân viên y tế. Ảnh AP / Dar Yasin.

Mai Nguyễn (Theo AP)