Báo Cứu Quốc với mục tiêu đấu tranh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc
Sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào. Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Khuổi Nặm, Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Trung ương Đảng đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm giành độc lập với khẩu hiệu: Độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết.
“Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” .(1)
Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập tổ chức Mặt trận: Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) (19/5/1941) nhằm tập hợp đoàn kết toàn dân tộc. Các tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh đều mang tên Cứu quốc (Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Văn hóa cứu quốc,...). Chương trình Việt Minh nêu rõ các nhiệm vụ đấu tranh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao.
Để tuyên truyền giáo dục đường lối cứu nước của Đảng và Chương trình Việt Minh, ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc, cơ quan cổ động của Mặt trận Việt Minh ra số đầu tiên, tại làng Xuân Kỳ, nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tờ báo được sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh và từ năm 1944 là đồng chí Xuân Thủy.
Báo Cứu Quốc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc. Tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Việt Minh. Cổ vũ, hướng dẫn xây dựng tổ chức Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc ở địa phương, cơ sở, nhà máy, xí nghiệp. Nêu gương các phong trào đấu tranh, tuyên truyền về các đội Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Giới thiệu bản Đề cương về văn hóa Việt Nam và hội văn hóa cứu quốc để tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa tham gia cách mạng.
Khi Nhật đảo chính gạt Pháp khỏi Đông Dương, Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Báo Cứu Quốc động viên toàn dân tham gia sắm vũ khí đuổi thù chung, phá kho thóc của Nhật để cứu đói, hưởng ứng chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh. Đóng góp tài chính cho Việt Minh với phong trào Đồng tiền cứu nước. Hành động theo thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của lãnh tụ Hồ Chí Minh (8/1945) và nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng, Quốc dân đại hội Tân Trào.
Trong hoàn cảnh bí mật, số báo ra rất hạn chế. Từ đầu năm 1942 đến Tổng khởi nghĩa thành công tháng 8/1945, Báo Cứu Quốc ra được 30 số (năm 1942-1943: 9 số, năm 1944: 9 số, năm 1945: 12 số). Báo Cứu Quốc kiên cường, những người làm báo mang hết trí tuệ, nhiệt tình, trách nhiệm, tinh thần dũng cảm cùng toàn dân chiến đấu cứu nước.
Báo Cứu Quốc song hành cùng Báo Việt Nam độc lập (Việt Lập) ra số đầu tiên ngày 1/8/1941, ở Cao Bằng do lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo và sau đó đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách; Báo Cờ giải phóng của Trung ương Đảng ra số đầu ngày 10/10/1942 do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách, trụ sở ở làng Viên Nội, Đông Anh, Hà Nội, thuộc An toàn khu (ATK1) vùng ngoại thành Hà Nội.
Báo Cứu Quốc, Việt Nam độc lập, Cờ giải phóng là những tờ báo lớn ở cấp Trung ương, có ảnh hưởng và góp phần quan trọng trong tuyên truyền và tổ chức phong trào cách mạng, dẫn đến thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền. V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Tờ báo không những chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể” (2). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ: “Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi. Tức là cách mệnh chóng thành công”. (3)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Báo Cứu Quốc chuyển vào nội thành Hà Nội, đặt trụ sở tại nhà số 114 phố Hàng Trống (nay là số 14 Lê Thái Tổ).
Ngày 24/8/1945, Báo Cứu Quốc xuất bản công khai tại Hà Nội góp phần tuyên truyền thắng lợi của cách mạng, ổn định tình hình chính trị, xã hội, công bố danh sách Chính phủ lâm thời (28/8/1945) và chuẩn bị cho ngày lễ tuyên bố độc lập 2/9/1945.
Báo Cứu Quốc có trách nhiệm và vinh dự đặc biệt là đăng toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại số báo 36 ra ngày 5/9/1945. Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại Ba Đình, Hà Nội, đã tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới về quyền độc lập và là mốc son lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Báo Cứu Quốc đăng văn kiện đặc biệt đó có ý nghĩa lớn lao về chính trị, lịch sử và khoa học. Sau này, nhiều công trình nghiên cứu đều đọc lại Tuyên ngôn đã được đăng trên Báo Cứu Quốc như tài liệu gốc đặc biệt quan trọng.
Đất nước mới độc lập, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, quân Pháp đánh Sài Gòn ngày 23/9/1945 và mở rộng ra cả Nam Bộ. Các thế lực phản động trong nước ra sức chống phá hòng lật đổ chính quyền cách mạng. Cách mạng Việt Nam trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Nêu cao lợi ích quốc gia, dân tộc, gạt mũi nhọn tiến công của kẻ thù và giữ gìn lực lượng, lãnh đạo khôn khéo, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán ngày 11/11/1945, thực chất là rút vào bí mật. Bộ phận công khai có tên là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương với tờ báo Sự thật.
Mặt trận Việt Minh trở thành lực lượng chính trị có uy tín và vị thế lớn, là cơ sở của chính quyền nhân dân, có vai trò trong đối nội và đối ngoại. Từ tháng 5/1946, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) ra đời cùng Việt Minh đoàn kết, cứu nước. Báo Cứu Quốc, tờ báo chính trị có uy tín tuyên truyền, hướng dẫn chủ trương, chính sách của Chính phủ, Mặt trận và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo Cứu Quốc số 45, ngày 17/9/1945, có Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ vàng”. Người khẳng định, muốn củng cố nền tự do, độc lập cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, nhưng cũng “rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”.
Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư Gửi đồng bào Nam Bộ, đăng Báo Cứu Quốc số 54, ngày 29/9/1945, động viên nhân dân và chiến sĩ Nam Bộ anh dũng kháng chiến. “Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh”.
Ngày 17/10/1945, trên Báo Cứu Quốc số 69, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp, khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Chính phủ là công bộc của dân, gánh việc chung cho dân “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Trong đấu tranh quân sự cũng như ngoại giao đều cần sức mạnh, thực lực mới có thể thắng lợi. Báo Cứu Quốc số 128, ngày 28/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. (4)
Kẻ thù xâm lược âm mưu chia cắt đất nước, tách Nam Bộ khỏi nước Việt Nam. Khát vọng độc lập thống nhất trở thành ý chí đấu tranh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Ngày 1/6/1946, trong thư Gửi đồng bào Nam Bộ, đăng trên báo Cứu Quốc số 255, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!” .(5)
Sự nghiệp đấu tranh vì độc lập và hoàn thành thống nhất Tổ quốc phải kéo dài 30 năm mới đi tới ngày toàn thắng. Báo Cứu Quốc kiên cường đấu tranh trên mặt trận báo chí suốt chặng đường dài đó. Cuối năm 1946, chuẩn bị cuộc toàn quốc kháng chiến, Báo Cứu Quốc chuyển qua nhiều địa điểm quanh Hà Nội; tháng 6/1947 chuyển lên Bắc Kạn. Ở các khu 3, 12, 2, 5 thành lập các chi nhánh của Báo Cứu Quốc.
Năm 1950, chuyển đến Thái Nguyên. Đồng chí Xuân Thủy Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của Báo từ năm 1944 đến 1950. Năm 1951, đồng chí Nguyễn Thành Lê làm Chủ bút. Báo tập trung tuyên truyền đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính của Đảng, chính sách, chủ trương của Chính phủ, Mặt trận, động viên toàn dân kháng chiến, chú trọng vận động trí thức.
Trên Báo Cứu Quốc từ số 36 (5/9/1945) đến số 434 ngày 13/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 149 bài viết quan trọng, có ý nghĩa chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Điều đó cho thấy vị thế và ảnh hưởng của Báo Cứu Quốc.
Tháng 2/1951, Đại hội II của Đảng họp ở Tuyên Quang, Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội Đảng phát triển đường lối kháng chiến bảo đảm đi tới thắng lợi và tổng kết lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 3/1951, Mặt trận Việt Minh thống nhất với Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam thành Mặt trận Liên Việt, nêu cao tư tưởng đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo Cứu Quốc thành cơ quan của Mặt trận Liên Việt. Năm 1950, Báo Quân đội nhân dân ra số đầu. Ngày 11/3/1951, Báo Nhân Dân, cơ quan của Trung ương Đảng chính thức xuất bản. Báo Cứu Quốc phối hợp cùng các tờ báo lớn tuyên truyền, giới thiệu quan điểm Đại hội II của Đảng, chính sách của Chính phủ và Mặt trận, góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) dẫn đến ký kết Hiệp định Geneve (7/1954) kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Ngọc Kha làm Chủ bút. Ngày 16/10/1954, Báo Cứu Quốc ra số mừng Ngày giải phóng Thủ đô và Báo chuyển vào số 66 Bà Triệu, Hà Nội.
Tháng 9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp đổi tên Mặt trận Liên Việt thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo Cứu Quốc thành cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí Trần Phong làm Tổng biên tập Báo Cứu Quốc.
Suốt 21 năm (1954-1975), Cách mạng Việt Nam thực hiện đồng thời 2 chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng giải phóng miền Nam, chống Mỹ cứu nước để thống nhất đất nước. Báo Cứu Quốc tuyên truyền đường lối chiến lược đó, những nội dung Đại hội III của Đảng (9/1960); ý chí giải phóng miền Nam tại Hội nghị chính trị đặc biệt (3/1964), mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt; thực hiện lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Bác Hồ (17/7/1966), Không có gì quý hơn độc lập tự do và Di chúc thiêng liêng của Người (9/1969) với quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời tập hợp, đoàn kết toàn dân đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1964, Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc Trần Phong (tức Kỳ Phương) cùng một số đồng chí vào miền Nam xây dựng Báo Giải phóng. Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng tuyên truyền rộng rãi Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và song hành hoạt động đi đến giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975. Ngày 2/5/1975, báo Cứu Quốc ra số đặc biệt 3.744 mừng sự toàn thắng của dân tộc Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước, tổ chức Mặt trận được thống nhất trên cả nước với tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2/1977). Báo Cứu Quốc hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và ra số báo cuối cùng 3835, ngày 28/1/1977. Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng hợp nhất thành Báo Đại Đoàn Kết. Báo Đại Đoàn Kết do đồng chí Lê Điền làm Tổng Biên tập và Báo ra số đầu tiên ngày 5/2/1977.
Trải qua 35 năm liên tục hoạt động (1942-1977), Báo Cứu Quốc đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của một tờ báo chính trị, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, Mặt trận và dân tộc, đấu tranh giành độc lập, thống nhất hoàn toàn của Tổ quốc. Tờ báo luôn luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ được đề ra, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và ngày càng phát triển.
Trưởng thành trong thực tiễn, Báo Cứu Quốc có được các đồng chí lãnh đạo, đội ngũ nhà báo có uy tín lớn, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm cao vì nước, vì dân. Báo Cứu Quốc góp phần làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn, lý luận của báo chí cách mạng Việt Nam - nền báo chí chiến đấu và sáng tạo do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. n
(1)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 7, trang 113.
(2)V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1975, tập 5, trang 12.
(3)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 3, trang 279.
(4)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, trang 147.
(5)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, trang 280.