Xuất khẩu trực tuyến: Mở cánh cửa lớn cho doanh nghiệp
Theo nhận định của giới chuyên gia, kênh thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra cánh cửa lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hàng hóa, đưa thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng quốc tế.
Nhiều cơ hội
Dịch Covid-19 đã khiến thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ với mức tăng 53% so với năm 2020 và đang trở thành phương tiện giao dịch phổ biến, lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp và người dân. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử, năm 2021 ghi nhận thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng đến 25,7% so với năm 2020. Thực tế, nhiều DN đã khá thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến.
Trước đó, Amazon Global Selling ghi nhận từ ngày 1/9/2020 đến 31/8/2021, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã bán tổng cộng 7,2 triệu sản phẩm cho khách hàng trên thế giới. Năm 2021, số lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ trên Amazon cũng tăng 34% so với 2020.
Đáng chú ý, bên cạnh khai thác các sàn TMĐT xuyên biên giới quy mô lớn và nổi tiếng như Amazon.com, Ebay.com (Mỹ), Lazada.com (Đức)… trong năm 2021, có thêm 2 sàn TMĐT quy mô nhất, nhì Trung Quốc là Alibaba.com và JD.com được Bộ Công thương kết nối vào thị trường Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng tới người tiêu dùng thế giới hoặc qua các sàn để quảng bá, tiếp cận đối tác nhập khẩu.
Hiện quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã đạt 17 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 46% và dự báo sẽ đạt 29 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng 34%, cao hơn các ngành khác như vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và thực phẩm.
Còn theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Nói về tiềm năng xuất khẩu trực tuyến, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương cho biết, mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mới được thực thi trong thời gian ngắn, nhưng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Điều đó được thể hiện qua thương mại song phương đạt hơn 6 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đều tăng ở 2 con số; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng 16,4%.
Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam khá thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến. Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (tỉnh Yên Bái) Đỗ Tuấn Lương cho biết, nhờ đẩy mạnh quảng bá và xuất khẩu hàng hóa bằng hình thức trực tuyến, đến nay sản phẩm chè của doanh nghiệp đã có mặt tại thị trường Bắc Mỹ, Trung Đông, doanh thu đạt 1 triệu USD/năm.
“Nếu như trước đây, 70% doanh thu của HTX là bán ở trong nước, phần còn lại mới đến từ xuất khẩu. Tuy nhiên, sau khi gia nhập Alibaba.com, sàn thương mại điện tử này đã giúp doanh thu xuất khẩu của HTX tăng lên đến 80%. Đến nay, HTX đã có lượng khách hàng tương đối ổn định trên sàn Alibaba. Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử này để gia tăng lượng hàng xuất khẩu cũng như giúp nâng cao thu nhập” - ông Đỗ Tuấn Lương cho biết.
Cũng theo ông Lương, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến quốc tế là giải pháp hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn ra thị trường nước ngoài không chỉ trong thời điểm đại dịch Covid-19.
Cần nhiều yếu tố để thành công
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, đánh giá TMĐT Việt Nam những năm gần đây đã có bước phát triển ấn tượng nhờ sự thay đổi trong tư duy của nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu. “DN từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng bán hàng trực tuyến. Đó là thay đổi lớn về mặt nhận thức, tư duy của DN khi đưa sản phẩm ra thế giới” - ông Đặng Hoàng Hải nhận xét.
Nhận thấy tiềm năng từ TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã triển khai “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc.
Đây là gian hàng quốc gia đầu tiên của Việt Nam được mở trên nền tảng trực tuyến quốc tế, hoạt động này sẽ tạo “luồng xanh” để đưa hàng Việt mở rộng thị trường tại Trung Quốc và vươn tới một số quốc gia như Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan… Đây là giải pháp cần thiết nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận với TMĐT.
Tuy nhiên, đánh giá từ giới chuyên gia cho thấy, bên cạnh những ưu điểm vượt trội của kênh thương mại trực tuyến, phương thức này cũng tồn tại hạn chế khi DN xuất nhập khẩu Việt Nam ít có cơ hội tìm hiểu về đối tác. Chính vì vậy, để hạn chế rủi ro, khi triển khai xúc tiến thương mại trực tuyến rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và DN.
Cụ thể, các DN cần sự hỗ trợ từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hay sự hỗ trợ của sở Công thương các tỉnh, thành phố.
Đề cập về vấn đề này, bà Trần Thị Yến Phi, CEO Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW - một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trực tuyến cho biết, kinh doanh trực tuyến đầu tư trang thiết bị thì rất đơn giản, chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh kết nối internet là có thể hoạt động, nhưng để tiếp cận, giao dịch với khách hàng quốc tế, cần phải giỏi ngoại ngữ, có kiến thức về thương mại quốc tế và thương mại điện tử, thông thạo nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa... thì mới hoạt động tốt.
“Ngay với DSW, khi mở DN trực tuyến năm 2019, sau 7 tháng thì thất bại. Thế nhưng nhờ quyết tâm, tự tìm kiếm các hướng dẫn và thông tin về thương mại điện tử, tìm hiểu cách thức thực hiện, sản phẩm có thế mạnh, thị trường có thể khai thác, trau dồi kỹ năng vận hành gian hàng trực tuyến…, nên đến nay, DSW cũng đã khá thành công” - bà Trần Thị Phi Yến thông tin.
Có thể khẳng định, kênh TMĐT xuyên biên giới đang mở ra cánh cửa lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hàng hóa, đưa thương hiệu Việt đến người tiêu dùng quốc tế. Để không tụt hậu so với thế giới, ngay từ bây giờ, Việt Nam tập trung cho TMĐT xuyên biên giới để hỗ trợ xuất khẩu là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Cùng với sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, điều quan trọng là chính các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi, khai thác triệt để lợi thế của TMĐT xuyên biên giới vào quảng bá, xúc tiến thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương:
Doanh nghiệp cần phải nắm bắt cơ hội
Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số giúp DN xuất khẩu tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng. Lợi thế rất lớn nhưng hoạt động xúc tiến xuất khẩu hiện tại vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là năng lực cung ứng sản phẩm của DN nhỏ và vừa, hợp tác xã còn yếu.
Bên cạnh đó có một thực tế là dù cơ chế tài chính hỗ trợ DN về xúc tiến xuất khẩu đã có nhưng thực tế luôn đi nhanh hơn chính sách nên cũng khiến xúc tiến thương mại chậm nhịp hơn yêu cầu thực tiễn.
Do đó, các doanh nghiệp cần phải đổi mới, đầu tư năng lực để thích ứng trong điều kiện mới. Trong năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại sẽ chú trọng vào các chương trình trung - dài hạn với những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA), kết nối giao thương trực tuyến.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội:
Chất lượng sản phẩm là “chìa khóa” giữ chân khách hàng
Hiện 95% DN Việt Nam quy mô vừa và nhỏ, nên để có thể xuất khẩu hàng Việt ra thế giới thông qua hình thức trực tuyến đòi hỏi doanh nghiệp bên cạnh việc khắc phục hạn chế về nhân lực số cần thay đổi tư duy về quản trị, thương mại quốc tế.
Bởi thực tế các DN nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế về tài chính, nhân lực và tư duy quản trị, thương mại quốc tế, công nghệ còn chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ còn manh mún. Các khâu kiểm soát chất lượng vẫn hạn chế nhiều mặt.
Do đó phải quan tâm đến chất lượng mới giữ chân được khách hàng trên các sàn thương mại điện tử. Trên nền tảng trực tuyến, các dịch vụ về bán hàng, trang thông tin của vùng trồng phải được cập nhật, thay đổi giao diện bắt mắt, thanh toán phải nhanh hơn. DN cũng cần đào tạo năng lực cho người lao động. Khâu quảng bá, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ cần được quan tâm hơn. Đặc biệt, DN nên đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số.