Những ngày đầu làm báo giữa Sài Gòn
Khuya ngày 5/5/1975, Báo Sài Gòn Giải Phóng số 1 với 4 trang khổ lớn, in offset, 460.000 tờ ra đời. Tiền bán báo gom về đựng trong nhiều bao tải khiến nhân viên văn phòng, tài vụ phải mất mấy ngày đêm đếm lộn tới lộn lui. Ngày 19/5/1975, Tòa soạn Báo Giải Phóng làm xong số 15 Báo Sài Gòn Giải Phóng thì có lịch bàn giao ngay cho Thành ủy Sài Gòn, kể cả nhà in, để xuất bản Báo Giải Phóng như kế hoạch. Báo ra hàng ngày, 4 trang khổ lớn với manchette được họa sĩ Dũng Tiến vẽ đi vẽ lại trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975.
Ít lâu sau ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975, lệnh trên triệu hồi những phóng viên Báo Giải Phóng đi công tác xa về nhận nhiệm vụ mới: Chuẩn bị ra báo tại Sài Gòn!
Khi về đến Tòa soạn, Thủ trưởng Nguyễn Huy Khánh - Hai Khuynh cho tôi xem Đề án Công tác của bộ phận trọng điểm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Văn bản đánh máy, góc trái đóng khung hai chữ “Tuyệt mật”, góc phải đề ngày 6/4/1975. Đề án là kế hoạch hành động cụ thể, cho thấy sắp có thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh giữ nước lần thứ hai.
Đề án quy định những nội dung, nhiệm vụ rất cụ thể, trong đó phải xuất bản ngay Báo Giải Phóng giữa Sài Gòn.
Để thực hiện đề án, cả Tòa soạn khẩn trương tập trung vào những việc được phân công. Họa sĩ Dũng Tiến chịu trách nhiệm vẽ hàng chục kiểu manchette để cấp trên chọn, với yêu cầu cũng là chữ “Giải Phóng” nhưng khác hoàn toàn với manchette đang dùng.
Chúng tôi phác thảo nội dung, hình thức mấy trang ruột cho 3 số báo đầu tiên, có nghị luận, phóng sự, chân dung với đề tài hòa giải, hòa hợp dân tộc, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất. Hai trang ngoài sẽ là tin, bài thời sự nóng nhất, trong đó có thể có Thông cáo số 1 của Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn.
Làm bản kẽm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát. Phân công bộ phận tiền phương theo các cánh quân tiến về Sài Gòn, bộ phận ở lại căn cứ ra những số báo cuối cùng giữa chiến khu. Bộ phận tiền phương gồm bộ khung lãnh đạo là Hai Khuynh, Tô Quyên, Vũ Tuất Việt, các biên tập viên, họa sĩ, nhiếp ảnh Nguyễn Hồ, Minh Hiền, Trí Việt, Dũng Tiến, Nguyễn Đặng, Huỳnh Đức, Ngọc Loát, Khắc Điệp và một tổ nhà in.
Ban Biên tập lắp ghép ngay một tòa soạn tiền phương, trong đó có nhóm cán bộ Thành đoàn từ Sài Gòn lên dự lớp huấn luyện ở chiến khu, như Hải Nam, Mai Hương, Phương Bích, Chinh Văn, Công Vĩnh, Tám Hùng, Năm Luận, Sáu Nhiệm đã được điều về Báo Giải Phóng trước đó vài tuần. Đây là số anh chị em hiểu biết về đô thị Sài Gòn. Duy nhất có một phóng viên Báo Thống Nhất ở Hà Nội gia nhập đội ngũ, đó là Huỳnh Tám - người Sài Gòn gốc tập kết ra Bắc vừa theo đại quân trở về.
Tất cả chúng tôi đặt niềm tin vào Thủ trưởng Hai Khuynh bởi tầm nhìn và tài tổ chức của ông, bởi các mối quan hệ trong nội thành Sài Gòn mà chỉ ông mới có, chỉ mình ông biết.
Sáng 29/4/1975, bộ phận tiền phương Báo Giải Phóng hành quân và tập kết tại ngã ba Đồng Pan, Bắc Tây Ninh cùng các bộ phận tiền phương của các tiểu ban Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Cả nghìn người, nữ mặc áo bà ba đen, khăn rằn, nón sáu múi, nam quân phục màu cỏ úa, dép râu, nón tai bèo xếp hàng chờ lệnh xuất phát. Thật cảm động khi hai bên đường, nhiều bà má đứng lau nước mắt tiễn đưa những đứa con Giải phóng.
Đêm 29/4 ngủ ở đồn điền cao su Bến Củi, nghe tin qua radio Biên Hòa, Hậu Nghĩa giải phóng. Sáng 30/4, từ Bến Củi, đoàn xe rùng rùng chạy về hướng quốc lộ 22 rồi dừng lại giữa cánh đồng ngoại vi thị trấn Trảng Bàng chờ lệnh. Bất ngờ được tin qua radio: Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi Quân lực Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng. Không có ngôn từ nào diễn tả nỗi niềm hân hoan trong lòng chúng tôi trong giây phút ấy.
Đoàn xe đến Củ Chi. Lính Sài Gòn vừa mới tháo chạy qua đây, súng đạn, quân phục, nón sắt, giày đinh quăng bừa bãi suốt một đoạn đường dài. Về gần đến Sài Gòn, xe và người ùn ứ. Người Sài Gòn hiếu kỳ đứng nhìn những người lính đội nón vải, mang dép râu với ánh mắt thân thiện. Thủ trưởng Hai Khuynh quyết định chia bộ phận tiền phương Báo Giải Phóng làm hai cánh, một cánh vẫn ngồi xe tải vào nội thành, một cánh ngồi sau xe Honda của anh em bảo vệ để cơ động.
Khi kiếm được chiếc xe Jeep đối phương bỏ lại, tôi cùng sếp Hai Khuynh và anh Năm Cảnh đi ngay vào trung tâm thành phố. Cậu Thạch - cận vệ của Thủ trưởng Hai Khuynh chỉ quen chạy Honda vẫn lái chiếc Jeep ngon lành, chỉ có “nhược điểm” là không biết cài số de, ngược chiều, đèn đỏ, vẫn cứ tiến!
Đến bây giờ, tôi không sao nhớ hết Thủ trưởng Hai Khuynh đưa chúng tôi đi đến phố nào, gặp ai. Tất cả như một chuyến ngao du bất tận, chỉ trừ một lần ghé thăm nhà văn Phúc Vân, tác giả Đồng Nọc Nạn trên đường Đinh Tiên Hoàng. Sau hai ngày hành quân tôi mới được rửa mặt lần đầu, bụi đất nhuộm đỏ chậu lavabo trắng tinh. Hàn huyên qua nhanh, nhường lại cho công việc rất mới mẻ và khẩn trương. Ông Hai Khuynh hỏi nhà văn Phúc Vân đường đến 174 Hiền Vương - trụ sở Đảng Dân chủ và Báo Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu, cũng là nơi được cấp trên chỉ định đặt Tòa soạn Báo Giải Phóng.
Chúng tôi đến trụ sở Đảng Dân chủ - một biệt thự kiểu Pháp đã xuống cấp - lúc quá nửa đêm. Lúc ấy, bộ phận tiền phương Báo Giải Phóng đi xe tải đang ngủ mê mệt trong rạp Long Vân. Thủ trưởng Hai Khuynh đưa ra quyết định ngay: Ngày mai, tất cả gặp nhau tại 174 Hiền Vương.
Trụ sở 174 Hiền Vương trở thành nơi hội tụ bạn bè đồng nghiệp, rất đông vui, ngoài các học giả, nhà văn, nhà báo tìm gặp bạn cũ Nguyễn Huy Khánh, còn có giới phát hành của mấy chục tờ báo đối lập chính phủ Thiệu, như Tin sáng, Điện tín, Đại Dân tộc… Điều đáng nói là họ rất nhạy bén với chuyện ra báo và bán báo, kể cả một tờ báo chưa biết hình thù ra sao nhưng chắn chắn sẽ là “best seller”.
Trong khi khẩn trương chuẩn bị ra Báo Giải Phóng theo kế hoạch từ chiến khu thì cấp trên yêu cầu phải có ngay tờ báo mang tên Sài Gòn Giải Phóng. Thủ trưởng Hai Khuynh cùng họa sĩ Dũng Tiến lên ý tưởng và vẽ manchette Sài Gòn Giải Phóng tại 174 Hiền Vương, tôi được giao phụ trách nội dung, đã góp ý nên thêm vào dưới manchette tiêu đề “Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”. Theo tôi biết thì manchette ấy không phải trình cấp trên duyệt.
Khuya ngày 5/5/1975, Báo Sài Gòn Giải Phóng số 1 với 4 trang khổ lớn, in offset, 460.000 tờ ra đời. Tiền lẻ bán báo gom về đựng trong bao tải khiến nhân viên văn phòng, tài vụ phải mất mấy ngày đêm đếm lộn tới lộn lui.
Trong 5 ngày đêm chuẩn bị ra số Báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên và 14 số báo tiếp theo, mỗi đêm chúng tôi ngủ trên những tờ Báo Dân chủ trải ra sàn nhà, nhiều nhất cũng chỉ vài tiếng đồng hồ, đến bữa ăn, chị nuôi đem cơm nấu bằng chảo gang quân dụng mang từ rừng ra đến tận bàn làm việc, nhưng bù lại, không khí làm báo chưa bao giờ sôi nổi đến vậy. Chúng tôi càng được khích lệ khi có nhiều nhà báo trong số 23 nhật báo đối lập với chính quyền Sài Gòn và sinh viên, học sinh yêu nước tìm đến Tòa soạn tự nguyện nhận viết tin, bài, chụp ảnh và dẫn đường; chủ nhà in và anh chị em công nhân Tân Minh Ấn quán ở 432 đường Hồng Thập Tự nhiệt tình hợp tác in Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Ngày 19/5/1975, Tòa soạn Báo Giải Phóng làm xong số 15 số Báo Sài Gòn Giải Phóng thì có lệnh bàn giao ngay cho Thành ủy Sài Gòn, kể cả nhà in, để xuất bản Báo Giải Phóng, vẫn là Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Báo ra hàng ngày, 4 trang khổ lớn với manchette được họa sĩ Dũng Tiến vẽ đi vẽ lại trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975.