Giảm thuế giá trị gia tăng về 8%: Kích cầu tiêu dùng nội địa?

T.Hằng 21/01/2022 13:30

Kích cầu tiêu dùng là một yếu tố rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế đã chậm lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Giới chuyên gia cho rằng, kích cầu thông qua giảm thuế suất Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) cho người tiêu dùng và giãn thời gian nộp thuế GTGT với doanh nghiệp (DN) sẽ phát huy tốt nhất các lợi ích khi nền kinh tế khôi phục.

Việc giảm thuế GTGT sẽ giảm chi phí cho người tiêu dùng, qua đó kích cầu tiêu dùng.

Gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã thực hiện hướng dẫn cụ thể về chính sách giảm thuế GTGT.

Theo dự thảo, từ ngày 1/ 2 đến hết ngày 31/12/2022, sẽ thực hiện giảm 2% thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Như vậy thuế suất thuế GTGT từ 10% lùi về 8% trừ nhóm hàng dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…

Bộ Tài chính ước tính ngân sách năm 2022 sẽ giảm cho phần thuế GTGT là 49.400 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp DN, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ sẽ bám sát các nội dung quy định của Nghị quyết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan, đồng thời cũng đảm bảo nguyên tắc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân, qua đó khuyến khích các DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; phù hợp với xu thế chung của thế giới trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

Bộ Tài chính cho biết, để khắc phục và bù đắp các tác động ngân sách trong ngắn hạn cũng như chủ động trong dự toán ngân sách, Bộ sẽ phối hợp các bộ ngành và địa phương chú trọng triển khai hiệu quả các Luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết liệt quản lý thu, chống thất thu thuế...

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2020 - 2021, do tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025. Tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô; chi phi đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội...

Trước tình hình đó, nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ trong đó có các giải pháp về miễn, giảm thuế đã được ban hành, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, chính sách tổng thể để nhanh chóng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới.

Kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất

Để hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, biện pháp giảm thuế GTGT đã được nhiều chuyên gia kiến nghị từ giữa năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam phân tích, chính sách giảm thuế GTGT sẽ góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Song để người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này cần phải có giải pháp phải đảm bảo hàng hóa, dịch vụ phải có mức giảm bằng với mức giảm thuế GTGT. Cùng với đó, khi mua hàng hóa, dịch vụ ở siêu thị hay những đơn vị có xuất hóa đơn, người tiêu dùng sẽ được giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn mua hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế GTGT sẽ mang lại những tác động tích cực ngay trong ngắn hạn. Với người tiêu dùng, tác dụng kích cầu xuất hiện rõ rệt khi giá cả hàng hóa giảm nhờ giảm thuế suất. Giá cả quyết định tâm lý và hành vi tiêu dùng. Giá giảm giúp đẩy tăng mức độ sẵn lòng chi tiêu của người tiêu dùng, thoát dần tâm lý chi tiêu dè dặt. Còn với DN, giảm thuế suất giúp tăng doanh số bán hàng.

Ông Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho rằng, thuế GTGT là do người tiêu dùng đóng nên thuế giảm đồng nghĩa họ phải được hưởng lợi. Đối với những đơn vị sổ sách kế toán rõ ràng thì việc tuân thủ tốt hơn, người tiêu dùng trả ít tiền hơn khi thuế giảm.

Còn đối với những đơn vị bán hàng không cần phải xuất hóa đơn, nhiều khi phần giảm này họ “lờ” đi nên giá bán ra cũng không được điều chỉnh giảm xuống.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ ra tác dụng phụ của việc giảm thuế GTGT, mà hệ lụy rõ nhất là thu ngân sách bị giảm đi một lượng đáng kể, nhiều áp lực cho ngân sách địa phương. Thuế GTGT đóng góp gần một phần tư tổng thu ngân sách nhà nước.

Hơn nữa tác dụng của cắt giảm thuế suất chỉ tồn tại trong ngắn hạn và giảm dần theo thời gian. Chưa kể thuế luôn là công cụ khó sử dụng, phải cân nhắc kỹ, khi đã giảm thuế rồi thì nâng thuế suất trở lại mức cũ rất khó.

T.Hằng