Sân khấu ngày Tết: Hồi hộp đợi sáng đèn

Minh Quân 21/01/2022 13:00

Dịp Tết chính là thời điểm để các sân khấu biểu diễn “trình làng” hàng loạt vở diễn mới phục vụ công chúng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến thời điểm này nhiều đơn vị sân khấu, đặc biệt là ở Hà Nội đang phải “nín thở” đợi quyết định của các cơ quan chức năng.

Một tiết mục phục vụ Tết của Nhà hát múa rối.

Tâm tư người nghệ sĩ

Nằm trong kế hoạch công diễn phục vụ khán giả vào dịp Tết, ngay từ những ngày cuối năm 2021 nhiều đơn vị sân khấu đã “rục rịch” dàn dựng hàng loạt vở diễn mới. Thế nhưng, khác hẳn với mọi năm việc dàn dựng các vở diễn đang phải đối mặt với hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.

Thực tế thấy, thời gian qua, sân khấu Thủ đô không còn những buổi diễn nô nức người đến xem, thậm chí ngay cả tập vở các nghệ sĩ cũng phải chia thành nhóm nhỏ để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Rồi khi vở diễn đã dàn dựng xong thì biểu diễn trực tiếp phục vụ cho khán giả cũng là thách thức không hề nhỏ. Bởi nếu tổ chức biểu diễn tại rạp thì phải xét nghiệm cho từng khán giả, vừa mất nhiều thời gian lại cần một lượng kinh phí không nhỏ…

Nhìn chung, tâm tư từ các lãnh đạo nhà hát cho đến các nghệ sĩ đều vô cùng lo lắng khi không có quyền chủ động trước bối cảnh dịch bệnh có diễn biến ngày càng khó lường. Nhiều chương trình dù được dàn dựng công phu, giàu âm sắc Xuân, tính bản địa, tính văn hóa rất được giới phê bình ủng hộ thì… vẫn đang “thấp thỏm” đợi quyết định cuối cùng của các cơ quan chức năng.

Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam bày tỏ, nghệ thuật Cải lương vốn đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn khán giả. Tết chính là cơ hội “vàng” để các nghệ sĩ có cơ hội được đi công diễn phục vụ khán giả nhưng giờ dịch bệnh thì hầu như mọi kế hoạch đều đang bỏ ngỏ.

Các địa điểm biểu diễn chính tại các lễ hội đầu Xuân của Nhà hát ở Bắc Ninh, Bắc Giang đều đã bị huỷ. Giờ đây Nhà hát chỉ hy vọng có đơn vị nào tài trợ xét nghiệm cho vài trăm khán giả để Nhà hát có cơ hội được biểu diễn một vài đêm trong dịp Tết.

NSND Triệu Trung Kiên cũng chia sẻ thêm, thời gian qua gần như đơn vị không tổ chức một đêm diễn nào. Chủ yếu là phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” và xây dựng một số vở diễn xã hội hoá để chuẩn bị tham gia các Liên hoan, Hội diễn trong thời gian tới.

Cùng tâm trạng, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, dịp tết năm nay Nhà hát chỉ tham gia Gala sân khấu truyền thống vào ngày 26 Tết và chương trình “Thời trang nghệ thuật Tuồng”. Còn các chương trình được biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả thì vẫn đang bỏ ngỏ.

Đơn cử như chương trình biểu diễn tại Lễ hội gò Đống Đa vào mùng 5 Tết mặc dù được Ban quản lý Lễ hội mời nhưng giờ các diễn viên chỉ tập trung luyện tập, còn được trình diễn hay không vẫn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, Nhà hát vẫn đang nỗ lực để có thể tổ chức các hoạt động biểu diễn nhỏ lẻ trong dịp Tết ở phạm vi cho phép.

Nỗ lực bền bỉ

Trước bối cảnh dịch bệnh, thời gian qua hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều cố gắng tìm hướng đi để giữ lửa nghề, tiếp tục được biểu diễn duy trì không khí nghệ thuật. Mới đây, fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, tương tác của khán giả đam mê nghệ thuật chèo truyền thống với chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê”. Vào mỗi tối Chủ nhật hằng tuần, các nghệ sĩ chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam đã livestream để biểu diễn phục vụ khán giả.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các chương trình biểu diễn của Nhà hát không tổ chức được, nghệ sĩ không có cơ hội biểu diễn, tương tác với khán giả trực tiếp, thì đây là một hoạt động ý nghĩa và đáng khích lệ...

Qua các chương trình, Nhà hát cũng đã giới thiệu được những gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng của mình qua những vai diễn mẫu trong chèo, giúp khán giả tiếp cận gần gũi hơn, hiểu hơn về nghệ thuật chèo truyền thống. Nhà hát còn tổ chức các cuộc thi hát chèo online thu hút các câu lạc bộ hát chèo và giọng ca hay trên toàn quốc và cả nước ngoài.

Nằm trong kế hoạch biểu diễn phục vụ khán giả trong dịp Tết, NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi đơn vị sân khấu đều nỗ lực dàn dựng các vở diễn mới để kịp ra mắt khán giả trong dịp Tết. Trong đó, có rất nhiều các chương trình nghệ thuật sáng tạo chất lượng. Các vở diễn không chỉ mang đến không khí vui tươi của ngày Tết, mùa Xuân mà còn gửi đến thông điệp phòng, chống dịch Covid-19.

NSND Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết thêm, Nhà hát mới ra mắt vở diễn trong dịp Tết được lấy chủ đề điểm nhấn là Xuân. Đây cũng là một trong những chương trình thường niên của nhà hát để diễn vào dịp Tết và tại các hội làng, chương trình đầu Xuân của các địa phương.

Còn theo NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn giờ đây không chỉ diễn trên các nền tảng số mà phải đưa tác phẩm đến với công chúng trực tiếp bởi chỉ có vậy, sân khấu mới đích thực là sân khấu.

“Chúng tôi hy vọng có được sự bứt phá táo bạo nếu đơn vị quản lý cho phép sân khấu hoạt động trở lại, như trong TP Hồ Chí Minh, các sàn diễn cháy vé khi diễn lại cho thấy, sự khát khao của khán giả đến xem là có thật”.

Thực tế cho thấy, hơn bao giờ hết các nghệ sĩ đang mong ngóng sớm được đứng dưới ánh đèn màu sân khấu, đối diện với hàng ngàn đôi mắt của công chúng mà thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của mình.

NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: “Dịp Tết năm nay nếu được cho phép, chúng tôi dự kiến sẽ diễn vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” vào các ngày mùng 6, 7, 8 Tết với khoảng 200 đến 300 khán giả trong quy mô 1.200 chỗ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Mùng 2 Tết chúng tôi sẽ vẫn tổ chức một buổi diễn khai Xuân, với màn chào mừng, đưa ra ngoài rạp xiếc trung ương có múa lân, hổ…

Minh Quân