Báo Đại Đoàn Kết với vấn đề ‘khoán chui’
Xuyên suốt chặng đường 80 năm ra đời và phát triển, Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết luôn là cơ quan ngôn luận của các hình thái tổ chức Mặt trận. Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Báo Cứu Quốc, Giải Phóng luôn đi đầu trong việc cổ vũ, tập hợp đồng bào đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thống nhất, Báo Đại Đoàn Kết là tờ báo tiên phong trong các vấn đề xây dựng phát triển đất nước, nhất là với vai trò phản biện xã hội đã góp phần giúp Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách đổi mới. Một trong những vấn đề phản biện lớn nhất là hàng trăm bài báo xuyên suốt hàng chục năm ủng hộ “khoán chui” trong nông nghiệp.
Nỗi lòng cây đại bút
Trong một bài viết trên Báo Nhân dân năm 2013, nhà báo Hữu Thọ nhận xét về một số nhà báo đã từng cùng mình viết nhiều bài báo ủng hộ “khoán chui” trong nông nghiệp như: Hồng Giao ở tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông tấn xã Việt Nam, Đắc Hữu ở Báo Hà Sơn Bình… Nhưng nổi bật nhất vẫn là nhà báo Thái Duy - phóng viên của Báo Đại Đoàn Kết.
Nhà báo Thái Duy sinh năm 1926, làm báo Cứu Quốc từ năm 1949. Đầu năm 1964, ông cùng Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc Trần Phong, Thư ký tòa soạn Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) vào miền Nam để xây dựng và ra báo Giải Phóng (số 1 ngày 20/12/1964) thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Ngày 4/2/1977, ba tổ chức Mặt trận được thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo Cứu Quốc, Giải Phóng được sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết và ra số đầu tiên ngày 5/2/1977. Ông tiếp tục làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu. Là cây bút chủ lực của Báo Đại Đoàn Kết viết về "khoán chui" từ năm 1979 đến 1986, những bài báo của ông đã được tập hợp lại thành cuốn sách “Khoán chui hay là chết” và được NXB Trẻ xuất bản năm 2013.
Là người viết chuyên và sâu về “khoán chui”, nhưng để các bài báo đó đăng được trên Đại Đoàn Kết phải nói đến bản lĩnh của Tổng Biên tập Lê Điền. Trong lần trò chuyện mới đây với cây đại bút Thái Duy, người viết được ông tâm sự: Tháng 9/1979, Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa IV) họp, lúc đầu dự kiến bàn về hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương nhưng do kinh tế lâm vào khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng, nạn đói đang lan nhanh trong các hợp tác xã công nghiệp, nên hội nghị đã bàn và ra Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 20/9/1979 “Về tình hình và nhiệm vụ cấp bách”. Đây là một nghị quyết có ý nghĩa lịch sử mở đầu cho quá trình đổi mới khi "khoán chui" không còn là cá biệt, đang trở thành một xu thế không thể đảo được. Nghị quyết và bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá trong thời gian qua nhiều chủ trương đề ra còn mang tính chủ quan, nóng vội, thiếu căn cứ thực tiễn, không phù hợp với cuộc sống và điều chỉnh lại một số chủ trương, giải pháp từ năm 1979 về trước là những điều cấm kỵ như thừa nhận sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế, cho phép các hộ xã viên bỏ vốn, sức lao động đầu tư thâm canh để vượt khoán trên ruộng đất hợp tác xã, được làm chủ hoàn toàn phần vượt khoán. Các hợp tác xã quy mô xã, liên xã điều hành không nổi được phép chia nhỏ hơn. Tổng Biên tập Lê Điền đã ví “rất bốc” Nghị quyết 6 này là thắng lợi chỉ đứng sau Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Tưởng rằng Nghị quyết 6 có rồi thì sẽ giải quyết được vấn đề cho “khoán chui”. Nhưng không, Ban Nông nghiệp trung ương, cơ quan tham mưu của Đảng về nông nghiệp hoàn toàn không đồng tình với Nghị quyết 6 muốn nới lỏng với khoán hộ, Ban đổ tội cho "khoán chui" đang phá hoại phong trào hợp tác hóa ở khắp nơi. Một số lãnh đạo đòi hỏi chặn đứng đà lan rộng của "khoán chui" là vấn đề sống còn của nền kinh tế...
Làm phóng viên đi khắp chiến trường chống Pháp, chống Mỹ, sang cả Lào, vậy mà đến khi tuổi ngoài 50, nhà báo Thái Duy vẫn còn hăng hái đi nhiều tỉnh, thành ngoài Bắc trong Nam để tìm hiểu và viết ủng hộ cho "khoán chui". Ông coi đó là là bổn phận người làm báo. Ông coi Cách mạng Tháng Tám là chống giặc ngoại xâm còn "khoán chui" là cuộc cách mạng chống lại cái cũ, bảo thủ, chậm tiến.
Đốm lửa khoán hộ
Năm 1958, chủ trương tập thể hóa là mục tiêu phát triển nông thôn được đề ra. Từ tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 16 đã ra Nghị quyết về “Hợp tác hóa trong nông nghiệp” với mô hình xây dựng trên ba yếu tố là hình thức sở hữu tập thể, hình thức lao động tập thể, phân phối theo lao động. Và bắt đầu từ năm 1960, các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập với cơ chế quản lý là khoán việc.
Chỉ sau vài vụ lúa, khoán việc đã bộc lộ khuyết điểm. Năng suất, chất lượng giảm dần, đời sống người dân ngày một khó khăn, hiện tượng tiêu cực nảy nở trong hợp tác xã. Nhưng đáng tiếc là các cán bộ của các ban, ngành lại coi chỉ có khoán việc là duy nhất đúng, mới đưa nông thôn lên chủ nghĩa xã hội. Các đảng viên ở địa phương mà dính líu đến cách làm ăn nào khác ngoài khoán việc đều bị coi là “mất lập trường” hoặc đưa nông thôn đi theo chủ nghĩa tư bản…
Giữa khi đó thì tỉnh Vĩnh Phú xuất hiện “khoán chui”, khoán hộ. Từ thí điểm mà thành chủ trương, nghị quyết của tỉnh ủy. Công lao đó chủ yếu thuộc về Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Sau vài năm nghiền ngẫm và một năm chỉ đạo, tổ chức, điều tra, khảo sát, thí điểm ở một số địa phương trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã khởi xướng, chủ trì thảo luận, tranh luận trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU ngày 10/9/1966 “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”.
Phần mở đầu Nghị quyết thể hiện quan điểm của Tỉnh ủy về vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của lao động: “Lao động là một trong ba điều kiện cơ bản để tiến hành sản xuất, là vốn quý không thể thiếu được. Điều kiện quyết định cơ bản nhất để tăng năng suất lao động là con người lao động có kĩ năng, sử dụng được thành thạo các công cụ sản xuất tiên tiến”. Đây là quan điểm thể hiện một cách nhìn mới, cách nghĩ mới về lao động và người lao động. Nghị quyết cũng cụ thể bằng 6 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ thứ hai nêu rõ: “kiên quyết thực hiện bằng được đúng và tốt chế độ ba khoán: Khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ”. Người ta gọi Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là “cha đẻ của khoán hộ” chính là ở câu này.
Thế nhưng, ngay sau đó Bí thư Kim Ngọc bị phê bình. Ông chấp nhận viết phê bình thừa nhận sai lầm. Tuy nhiên, trên thực tế, ông giả vờ không biết, tạo điều kiện cho bên dưới tiếp tục “khoán hộ”.
Thời gian thực hiện Nghị quyết 68 của Vĩnh Phú không dài nhưng những kết quả mà “khoán hộ” tạo ra là vô cùng to lớn, đem lại hiệu suất lao động ngày càng cao. Tính đến cuối năm 1967, Vĩnh Phúc có 160 hợp tác xã (chiếm 70% số hợp tác xã) đạt năng suất bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha; sản lượng lương thực quy thóc đạt 222.000 tấn, tăng hơn năm trước 4.000 tấn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi diện mạo của nông thôn Vĩnh Phúc giữa những năm 60 của thế kỷ XX.
Đấu tranh giữa mới và cũ
Nhà báo Thái Duy đi nhiều, chứng kiến cảnh nông dân chịu khổ cực hàng chục năm với niềm tin sau chiến tranh sẽ không phải làm theo khoán việc. Hoàn toàn không ngờ đến Đại hội Đảng lần thứ IV (1976), khoán việc vẫn được coi là duy nhất đúng đắn và nông thôn hợp tác hóa cả nước chỉ làm theo khoán việc. Hợp tác xã Tân Hội (Tiền Giang), quy mô toàn xã đầu tiên ở Nam Bộ làm khoán việc, coi như thí điểm để nhân rộng. Nơi nào cũng giải thích “Chỉ có khoán việc mới đưa nông thôn ta lên chủ nghĩa xã hội”.
Dân đói nên nhiều đảng viên ở cơ sở lặng lẽ lãnh đạo quần chúng bỏ khoán việc, chuyển sang “khoán sản phẩm”, trong Nam gọi là “khoán lén”. Không ai gọi là khoán hộ nữa vì từ này đã bị thành kiến nặng. Một số đảng viên bị kỷ luật vì khoán sản phẩm nhưng “khoán chui hay là chết” được truyền miệng, không gì đe dọa được nữa. "Khoán chui" là cách làm ăn mới đạt hiệu quả kinh tế hơn hẳn khoán cũ. "Khoán chui" như mũi tên trúng mấy đích, trước hết khoán ruộng cho xã viên, phần nhận khoán do mỗi hộ làm, đầu tư nhiều thì hưởng nhiều nên không có phân biệt đối xử giữa đất 5% và đất 95%, tất cả 100% đều được xã viên chăm sóc hết lòng. Ba khâu gieo cấy, chăm sóc thu hoạch đều do xã viên chịu trách nhiệm, chủ nhiệm, đội trưởng không còn phải đôn đốc, kèm cặp, không còn tiếng kẻng nữa. Ở đây không có phép màu nào cả mà chỉ là thay đổi cách làm ăn, từ chỗ kẻ lười và người chăm hưởng như nhau, ngược đời hơn phổ biến là kẻ lười lại hưởng hơn người chăm đến chỗ làm ăn sáng tạo từ cơ sở theo hướng “Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả”, không còn “cha chung không ai khóc”.
"Khoán chui" như vết dầu loang mặc dù dễ bị lộ, nơi nào “chui” lúa cũng tốt hơn nơi còn làm theo khoán việc. Ngoài đồng không đông người vì nhà nào làm phần đất nhà ấy, sáng chưa rõ mặt người đã ra đồng, đảng viên cơ sở sợ nhất là cấp trên về, dễ phát hiện là đã “sai đường lối”. Hợp tác xã Sơn Công ở huyện Ứng Hòa (trước thuộc tỉnh Hà Sơn Bình) "khoán chui" từ năm 1978, lối vào Sơn Công phải qua một chiếc cầu bắc trên con ngòi, ô tô lãnh đạo huyện, tỉnh về thăm hợp tác xã đều qua cầu này. Chủ nhiệm hợp tác xã đã nghe dân, dỡ bỏ một số ván cầu lấy cớ là đã quá ọp ẹp, ô tô qua không an toàn, chỉ đủ để lối cho xe cải tiến, để tránh cấp trên đi ô tô về gây khó khăn.
Khoán việc gây ra tình trạng mất mùa. Đến vựa thóc Đồng bằng sông Cửu Long dân cũng đói vì làm theo khoán việc.
"Khoán chui" âm thầm lan rộng ra nhiều tỉnh. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Bùi Quang Tạo ủng hộ và chủ trương cho "khoán chui". Chính điều đó làm cho Hải Phòng nổi bật nhất về "khoán chui". Huyện An Thụy có xã Minh Tân "khoán chui" từ năm 1972, thị xã Kiến An có xã Bắc Hà, huyện Đồ Sơn có xã Đoàn Xá "khoán chui" từ năm 1977. Đáng chú ý là xã Đoàn Xá, một xã rất nghèo, nhiều người phải đi ăn xin nhưng nay không còn phải nhận gạo cứu tế của Nhà nước và năm nào cũng đóng góp đầy đủ thóc và lương thực.
Ông Bùi Quang Tạo nhắc đi nhắc lại nông dân ít được học, hầu hết mới đọc thông viết thạo nhưng lại nhìn ra cái mới rất sớm và kiên trì bảo vệ cái mới. Đoàn Xá “chui” từ năm 1976, bị lộ, bị kỉ luật thế rồi lại “chui” tiếp. Trong khi đó một số người được học rất đầy đủ, trong nước ngoài nước lại rất sợ cái mới, ý trên như thế nào là cứ cúc cung làm theo như thế dù ý trên đã cũ kỹ, lạc hậu. Hậu Giang là tỉnh lúa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là lớn nhất cả nước. Hậu Giang “chui” cũng khá sớm. Khoảng giữa năm 1980, ông Tư Bình (Vũ Đình Liệu), Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã về Hải Phòng tìm hiểu tại chỗ khoán sản phẩm. Thậm chí ngọn cờ đầu như ở Thiệu Yên (Thanh Hóa), nơi có HTX Định Công nổi tiếng toàn quốc về khoán việc vẫn “lén” cử cán bộ về Đoàn Xá (Hải Phòng) học tập kinh nghiệm.
Trước làn sóng khoán chui, giữa năm 1981, Ban quản lý HTX Trung ương đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Nông Nghiệp thảo luận nhất trí và đề nghị lên Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho tất cả các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc ngay trong vụ chiêm tới được áp dụng hình thức khoán sản phẩm đến xã viên đối với các loại cây trồng kể cả cây lúa và chăn nuôi lợn. Mọi việc sẽ được quyết định tại hội nghị được tổ chức ở Hải Phòng.
Tại hội nghị ở Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) Võ Chí Công và ông Lê Thanh Nghị - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước (Phó Chủ tịch nước) chủ trì. Ông Võ Chí Công có phát biểu: Khoán mới ra đời, khoán sản phẩm từ trong nông dân mà ra, chính quần chúng đã sáng tạo, thay đổi, cải tiến cơ chế quản lý, ở đâu làm theo khoán mới cũng no ấm hơn khoán cũ. Nông dân bảo vệ khoán mới bằng mọi giá, có nơi đảng viên cơ sở mất thẻ đảng viên vẫn lãnh đạo quần chúng làm theo "khoán chui". Rồi ông Võ Chí Công nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Lợi ích lao động trước thì mới có lợi ích tập thể”. Phải tôn trọng quyền kinh tế của người lao động, người ta có quyền kinh doanh cái này, cái nọ, để người ta chọn hình thức kinh doanh. Đừng có trói đến mức không cựa được”. Ông Võ Chí Công nêu câu hỏi: “Tại sao với công nông lại trói buộc chặt, trói buộc chính chỗ dựa của mình và lại nới lỏng bọn lưu manh, phá hoại”? Tại sao lại trói buộc công nông, gò người ta, gò nông dân. Trói buộc công nông mới là sai đường lối…”.
Nhà báo Thái Duy cho biết: Ông rất hồ hởi viết về bài phát biểu của ông Võ Chí Công.
Ngày 13/01/1981, trên cơ sở tổng kết thực tiễn làm thử khoán sản phẩm ở các địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Tuy đổi mới nửa chừng, đến nhóm, chứ chưa đến cá nhân xã viên, nhưng đây cũng là một bước tiến để “khoán chui” dần từng bước được “ra chỗ sáng”.
Tiếp đó, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là “Khoán 10”). Chính sách “Khoán 10” với những quy định mới, có tiếp thu những tinh thần cốt yếu của “Khoán hộ” và những điều chỉnh phù hợp cho một chính sách quy mô toàn quốc đã đánh thức tính năng động của người nông dân; khuyến khích nông dân chủ động sản xuất và làm giàu. Dân có giàu thì nước mới mạnh. “Khoán 10” cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ của Đảng đã đưa nông nghiệp nước ta vào một thời kỳ phát triển bứt phá ấn tượng đầu tiên trong lịch sử. Từ một nước thiếu lương thực triền miên đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện "Khoán 10") sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo…