Sông nước miền Tây
Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh, thành phố. Từ lâu miền Tây Nam bộ đã nổi tiếng là vùng đất phì nhiêu, là vùng đất của nghệ thuật Tài tử - Cải lương, vùng đất của những con người mộc mạc, chân chất và cũng là vùng đất của. kênh rạch, sông nước. Những năm qua, du lịch miền Tây, còn được gọi với cái tên dân dã thân thuộc là “du lịch miệt vườn” đã như một điều gì đó thôi thúc.
Hơn hai năm qua, dịch Covid-19 kéo dài, cũng như các lĩnh vực kinh tế khác, du lịch miền Tây trầm lắng. Du khách nước ngoài không có, khách trong nước cũng “đếm trên đầu ngón tay”. Doanh nghiệp du lịch, chính quyền các địa phương cũng như người dân tại các điểm du lịch chờ từng ngày hoạt động du lịch khởi sắc trở lại.
Tới nay, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở một số địa phương, nhưng “vùng xanh” tại Đồng bằng sông Cửu Long đã chiếm ưu thế.
Cũng chính vì vậy, cùng các lĩnh vực kinh tế khác, “du lịch miệt vườn” đang dần lấy lại phong độ.
Đồng bằng sông Cửu Long có các nhánh sông của dòng sông Mê Kông đổ ra biển như một bức tranh tuyệt tác. Nơi đây khí hậu ôn hòa, có hệ sinh thái đa dạng và độc đáo, từ hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ đến hệ sinh thái biển, đảo, cửa biển, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới như: Rừng nguyên sinh Phú Quốc (Kiên Giang), Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau), Mũi Cà Mau, Tràm Chim (Đồng Tháp)… Đó chính là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch sinh thái, khu dự trữ sinh quyển quốc gia.
Miền Tây gạo trắng nước trong. Miền Tây hoa thơm trái ngọt. Miền Tây với những điệu hò, điệu lý trên mênh mang sông nước. Những con sông chở nặng phù sa. Những con sông cũng là nơi bà con họp chợ - hình thành những chợ nổi vô cùng độc đáo. Mùa xuân về, trên những dòng sông là những thuyền hoa xuôi ngược.
Có thể nói, du lịch sông nước là lợi thế trời cho miền Tây Nam bộ. Nắm bắt lợi thế, ngay khi dịch Covid-19 lắng xuống, các địa phương trong vùng đã lập tức khởi động các hoạt động du lịch, trong đó du lịch sông nước được tập trung phát triển.
Các tuyến du lịch đường sông nối liền những điểm tham quan là nét đặc sắc, là tiềm năng rất lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, ở Cần Thơ là tuyến bến Ninh Kiều - chợ nổi Cái Răng - rạch Cái Sơn - Bình Thủy - sông Hậu - bến Ninh Kiều được du khách nhận xét là rất thú vị. Du khách không chỉ được thưởng lãm cảnh quan hai bên bờ sông với lúp xúp những khóm nhà, mà còn được tận hưởng hơi nước mát lành từ mặt nước; được thưởng thức các món ăn theo kiểu miệt vườn, không chế biến cầu kỳ mà vẫn giữ lại gần như nguyên vẹn hương vị của đặc sản chỉ có ở miền Tay Nam bộ.
Đến Hậu Giang, du khách thích thú với chợ nổi Phụng Hiệp và cũng rất thú vị khi ghé lại các làng nghề đan thúng, làng nghề đóng ghe xuồng, hoặc là ghé lại những vườn chim ven sông. Tuyến du lịch đường sông này đã và đang được kết hợp tiếp tục theo tuyến chợ nổi Phụng Hiệp - lung Ngọc Hoàng (vùng sinh thái đất ngập nước)...
Tiềm năng du lịch của miền Tây là rất lớn, nhưng vẫn còn đó những vấn đề cần phải vượt qua. Trước hết, đó là dù dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn đó với những âu lo. Và, làm gì để sản phẩm du lịch trong vùng phong phú hơn, đa dạng hơn, “ra chất hơn” vẫn là trăn trở của người làm du lịch nơi đây. Quan trọng hơn, với tầm nhìn xa hơn, miền Tây Nam bộ cần có sự hợp tác, gắn kết giữa các địa phương để phát huy lợi thế các tuyến sông. Để làm sao những dòng sông không chỉ là những tuyến giao thông đường thủy mà còn phải là những con đường du lịch, đem lại ấm no cho vùng đất này.