Giám định tài sản trong các vụ án tham nhũng còn chậm
Đã không ít lần, vấn đề giám định tư pháp đã được đề cập tại nghị trường Quốc hội. Thậm chí đã được chất vấn đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành để tháo gỡ. Song vấn đề trên vẫn khá nan giải.
Giám định và định giá tài sản trong tố tụng hình sự là một trong những hoạt động để làm rõ có tội hay không có tội, thậm chí là tội gì. Giám định và định giá không thay thế cho các hoạt động điều tra khác nhưng có những loại hoạt động, những loại tội phạm nếu không định giá chính xác, không trưng cầu giám định chính xác thì không kết tội được.
Cách đây mấy ngày, tại Hội nghị công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức, ông Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thông tin: Ban Chỉ đạo đang theo dõi, chỉ đạo 47 vụ án, 46 vụ việc, trong đó có nhiều vụ án, vụ việc phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá. Hiện nay còn 60 quyết định trưng cầu, yêu cầu, trong đó, 40 quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá thực hiện chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc.
Ông Trạc cũng cho rằng: “Từ việc chậm, khó khăn đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Nhiều vụ án, vụ việc hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định, định giá phải tạm đình chỉ. Hiện nay có 1 vụ án, 12 vụ việc phải tạm đình chỉ do hết thời hạn nhưng chưa có kết luận giám định, định giá tài sản. Còn các vụ việc khác phải chờ kết luận định giá, kết luận giám định”.
Tại hội nghị này, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng chỉ rõ, việc kết luận giám định, định giá nói chung còn nhiều vấn đề chậm, chưa đạt yêu cầu về tiến độ. Một số cơ quan về trưng cầu còn chậm trễ trong việc phân công giám định viên, thành lập Hội đồng đánh giá, phân công không đúng quy định pháp luật, thậm chí còn có biểu hiện e ngại, né tránh, đùn đẩy, hoặc ra kết luận chung chung không rõ vấn đề đúng - sai.
Do đó, để thực hiện tốt hơn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, ông Thưởng cho rằng: Việc chậm trễ, né tránh, đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm, không công tâm, khách quan, kể cả yêu cầu, trưng cầu không đúng, có tính đánh đố, không cung cấp hồ sơ phục vụ việc thẩm định, “cần được xem là biểu hiện lừng khừng trong thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương, trong thực hiện chủ trương chung của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Như vậy, yếu tố “chậm trễ”, “né tránh”, “đùn đẩy” được Thường trực Ban Bí thư nhắc đến phải được làm rõ gắn với vấn đề trách nhiệm? Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Hữu Danh - Hội đồng Tư vấn về dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, có vụ việc từ lúc cơ quan công an khởi tố vụ án đến khi tòa xử mất 2-3 năm nên giá trị tài sản bị chênh lệch. Tuy nhiên có một thực tế là trong giám định thường có sự “né tránh” của các cơ quan. Bởi nhiều khi chính bản thân họ cũng không nắm được giá trị tài sản. Như trong vấn đề bất động sản, về nguyên tắc phải định được giá thị trường, nhưng giá thị trường có ai định được chính xác. Các quy định hiện nay về bồi thường cũng phải theo giá thị trường nhưng cuối cùng lại lấy theo bảng giá đất công bố hàng năm. Nhiều khi tính các yếu tố trượt giá phải 5 năm mới định giá lại. Cho nên ngay bản thân giá đó cũng không phù hợp với giá thị trường.
“Đặc biệt giám định tài sản trong các vụ án tham nhũng phải chịu trách nhiệm rất lớn vì vậy thường có sự né tránh, kết luận chung chung. Một căn nhà có giá trị 10 tỷ đồng, nhưng chỉ một biến động có thể khiến giá tăng lên hoặc giảm xuống, trong khi theo quy định là phải định giá theo giá thị trường, do đó nhiều khi trong định giá vì sợ trách nhiệm nên kết luận mang tính chung chung”-ông Danh nhìn nhận.
Ông Nguyễn Mai Bộ - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cho rằng, trong các vụ án tham nhũng vừa qua không bị vướng bởi yếu tố pháp luật, chủ yếu do yếu tố con người.
Theo ông Bộ, chuyện chậm trễ trong giám định tài sản trong từng vụ án cụ thể có thể có nhưng cái đó không phải do luật. “Giám định, định giá tài sản có những tài sản mà giá trên thị trường không có, vậy lấy vật chuẩn gì để định giá nó? Ví dụ như giám định sừng tê giác Nam Phi chẳng hạn. Thị trường có mua bán đâu mà biết giá trị của nó. Khi không có tài sản chuẩn để giám định, tại sao không lấy chính giá trị họ mua bán với nhau để định giá. Cho nên vướng là do trong quá trình tổ chức thực hiện của chúng ta chứ không phải tất cả do hệ thống pháp luật” - ông Bộ cho hay.