Báo Đại Đoàn Kết - khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Đất nước thống nhất, nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta lúc này, cũng là đòi hỏi tất yếu của cách mạng là sớm thống nhất các tổ chức Mặt trận ở cả hai miền Nam - Bắc. Đáp ứng nguyện vọng đó, từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận họp tại thành phố mang tên Bác đã quyết định thống nhất 3 Mặt trận: Tổ quốc Việt Nam, Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và sáp nhập Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng thành Báo Đại Đoàn Kết - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Báo Đại Đoàn Kết có nhiệm vụ: “Tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, chủ yếu là các tầng lớp tiểu tư sản, tư sản, trí thức, các nhân sĩ yêu nước và tiến bộ, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trong cả nước, các nhà công thương nghiệp ở Việt Nam, tăng cường đoàn kết với giai cấp công nhân và liên minh công nông, phát huy lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất, ra sức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Mặt trận nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa” (1).
Báo Đại Đoàn Kết ra số đầu tiên là ngày 5/2/1977 và ra hàng tuần vào ngày thứ Bảy. Đã 45 năm qua, kể từ số báo đầu tiên, Báo Đại Đoàn Kết hoạt động với những nhiệm vụ khác nhau, cùng những khó khăn, thuận lợi đan xen. Có thể tạm phân chia: Ở thời kỳ đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (1977-1986) với nhiệm vụ chủ yếu là khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định đời sống...
Từ năm 1979 cùng với khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhân dân ta một mặt phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, mặt khác phải giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Pôn-Pốt, đồng thời, phải đấu tranh chống lại sự bao vây, cấm vận của các nước đế quốc, sự phá hoại của các thế lực phản động trong nước. Báo Đại Đoàn Kết đã góp phần tích cực động viên, cổ vũ, phát huy sức mạnh của nhân dân cả nước nhằm bảo vệ Tổ quốc, làm thất bại mọi âm mưu và các hành động thù địch, góp phần thực hiện có kết quả chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo với tinh thần hòa hợp dân tộc, ổn định tình hình đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp từ ngày 15 đến 18/12/1986 - mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, Báo Đại Đoàn Kết ra số đặc biệt nêu rõ: “Đây là Đại hội lịch sử quyết định đường lối đổi mới của Đảng. Đổi mới tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đổi mới chính sách kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, hành chính bao cấp, từng bước chuyển sang cơ chế thị trường, thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần…”.
Là cơ quan của Mặt trận, tiếng nói của nhân dân, bằng những bài “Ngọn gió Hải Phòng”, “Từ Hải Phòng đến vùng lúa đồng bằng”, phát hiện và giới thiệu, biểu dương các điển hình làm ăn có hiệu quả như: “Quốc doanh đánh cá Côn Đảo” và một số cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp”; “Thị trường và vấn đề quản lý”… Báo Đại Đoàn Kết có quyền tự hào là đã góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng.
Trong những năm tháng đầu tiên của công cuộc đổi mới (1986 - 1990), đất nước vẫn còn trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội”, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn lại thêm những thách thức mới do khủng hoảng trầm trọng của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Một vấn đề lớn được đặt ra lúc đó là: Làm thế nào để thực hiện hóa đường lối đổi mới?
Báo Đại Đoàn Kết mở chuyên mục “Những việc cần làm ngay” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng. Nội dung các bài đăng trên Báo Đại Đoàn Kết hướng vào những công việc cụ thể, cổ vũ mặt tích cực, đồng thời phê phán những mặt tiêu cực, khơi dậy không khí dân chủ, cởi mở trên mọi mặt của đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng và tan rã đã tác động lớn đến Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đảng đã kịp thời đề ra 5 nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, trong đó nguyên tắc quan trọng hàng đầu là kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Triển khai Cương lĩnh, ngày 17/11/1993 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 NQ/TƯ “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất” với tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt là: Mở rộng tối đa khối đại đoàn kết dân tộc, đưa sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân lên tầm cao mới, chiều sâu mới, biến sức mạnh dân tộc thực sự trở thành động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Báo Đại Đoàn Kết số 50 ngày 29/11/1993 mở đầu đợt tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết trên bằng bài giới thiệu Nghị quyết của Chủ tịch Mặt trận Lê Quang Đạo cho cán bộ chủ chốt của Mặt trận, các đoàn thể và các đại biểu Quốc hội. Hàng loạt bài của các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong các dân tộc được đăng trong các số tiếp theo nhằm làm sáng tỏ nội dung của Nghị quyết.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng diễn ra vào tháng 1/2001 mở đầu cho thế kỷ XXI của đất nước (2001 - 2020) với chủ đề: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiếp đến Đại hội X của Đảng tổng kết 20 năm đổi mới, làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới ở nước ta.
Đại hội XI của Đảng đã bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991.
Đại hội XII của Đảng, trên cơ sở Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) và những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Công cuộc đổi mới được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đòi hỏi phải phát huy cao độ nội lực, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh của toàn dân tộc. Tình hình đó cũng thúc đẩy và tạo điều kiện để Báo Đại Đoàn Kết mở rộng quy mô tờ báo, phát huy ảnh hưởng, Báo đề cập đến mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đối nội, đối ngoại.
Báo Đại Đoàn Kết đặc biệt quan tâm đến những vấn đề xã hội, chính sách xã hội. Báo thường xuyên tuyên truyền, cổ động Chiến lược xóa đói, giảm nghèo, hướng dẫn, cổ vũ những điển hình trong cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong phong trào thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Đặc biệt, trong những năm 2016 - 2020, Báo Đại Đoàn Kết đặc biệt quan tâm đến Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Những bài đăng trên Báo Đại Đoàn Kết được các cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước, Mặt trận đánh giá cao, được bạn đọc hoan nghênh và được sự đồng tình cao trong dư luận xã hội.
Báo Cứu Quốc, Giải Phóng trước đây và Đại Đoàn Kết ngày nay luôn luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Mặt trận quan tâm chỉ đạo, động viên, cổ vũ và trực tiếp viết bài. Mặt trận cử những cán bộ ưu tú, có nghiệp vụ phụ trách và tạo điều kiện về mọi mặt để suốt 80 năm qua, tờ báo không ngừng phát triển. Là một trong số rất ít những tờ báo có bề dày lịch sử trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết luôn hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích đề ra.
Bước vào giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Báo Đại Đoàn Kết quyết tâm phấn đấu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng để góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, của toàn dân vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
(1) Quyết định số 1812 QĐ/TƯ ngày 12/10/1976 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tờ báo chung của Mặt trận dân tộc thống nhất