Chúng tôi làm Kỷ yếu Báo Đại Đoàn Kết
Kỷ niệm về những ngày làm Báo Đại Đoàn Kết có nhiều. Nhân dịp 80 năm, ngày truyền thống của báo, xin kể lại câu chuyện làm kỷ yếu báo, cách đây 20 năm.
Đó là những ngày giữa năm 2001, báo chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Phải làm gì đây để lễ kỷ niệm thực sự có ý nghĩa? Dịp kỷ niệm 50 năm, báo đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tuy nhiên, một tờ báo có bề dày truyền thống như vậy nhưng lại chưa có một cuốn kỷ yếu để ghi lại hoạt động qua các thời kỳ. Càng để lâu, các nhân chứng tuổi ngày một cao, các tư liệu sẽ bị mai một, thất lạc. Việc biên soạn cuốn kỷ yếu là điều cần thiết cũng là dịp để giới thiệu những người làm báo Mặt trận hôm qua và hôm nay.
Ngày 3/7/2001, Ban Biên tập đã ra quyết định thành lập Ban biên soạn kỷ yếu Báo Đại Đoàn Kết gồm ba người. Phó Tổng biên tập Trần Thanh Phương là trưởng ban, chịu trách nhiệm chính về nội dung, biên tập, trình bày và in ấn. Phó Tổng biên tập Bùi Thượng Toản là phó ban, chịu trách nhiệm về tài chính và các công tác đảm bảo khác. Tôi là ủy viên, được phân công giúp trưởng ban thực hiện một số nội dung, biên tập và tổ chức sưu tầm tư liệu.
Nhận được quyết định, chúng tôi mừng ít, lo nhiều. Công việc nặng nề, thời gian lại eo hẹp và tài chính thì hầu như chưa có gì. Anh Trần Thanh Phương, người chịu trách nhiệm chính lại ở trong TP Hồ Chí Minh, việc hội ý thường xuyên của 3 anh em chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Từ TP Hồ Chí Minh, anh Trần Thanh Phương viết thư cho tôi và anh Bùi Thượng Toản. Thư có đoạn: Kỷ yếu, nghĩa là ghi chép lại điều cốt yếu của tờ báo Đại Đoàn Kết mà Đại Đoàn Kết thì có cả 3 tờ báo, tờ báo đầu tiên ra đời lúc mình vừa sinh ra, còn anh Toản và Quốc Khánh chưa chào đời. Tài liệu còn lại thì quá ít; người trong cuộc thì người còn, người mất, người còn sống thì tuổi đã cao, có cái nhớ, cái quên, hoặc ngại không muốn tham gia. Chỉ có mỗi cái thuận lợi là ta có tấm lòng nhiệt tình để lao vào cuộc này. Không biết như vậy đã đủ chưa? Thôi thì cứ phải bắt tay làm. Đáng tiếc, là mình đề xướng việc này từ lâu nhưng bây giờ mới có quyết định. Tất nhiên cuối cùng cũng xong, nhưng giá như chuẩn bị sớm,chu đáo hơn, kết quả sẽ tốt hơn.
Sau này, trong quá trình làm, anh Phương thường nhắc chúng tôi, đáng lý ra, làm cuốn kỷ yếu thế này phải có một bộ phận biên tập và thường xuyên họp lại, trao đổi với nhau. Nhưng hoàn cảnh của ta không cho phép nên đành phải làm kiểu này. Cuốn kỷ yếu có làm tốt đến đâu cũng sẽ có khiếm khuyết vì không bao giờ đủ, lại càng khó hay vì câu chuyện 60 năm của ba tờ báo kéo dài trong hai cuộc kháng chiến và mấy chục năm hòa bình cũng chỉ có ba người làm. Còn nếu làm thiếu trách nhiệm, làm hỏng, sai, thiếu sót nhiều thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Cho nên một trong những điều quan trọng là luôn xin ý kiến của các vị kỳ cựu của ba tờ báo hiện đang còn sống và hỏi ý kiến của anh chị em trong cơ quan và đồng nghiệp.
Cuốn kỷ yếu sẽ có 3 phần: Cứu Quốc, Giải Phóng và Đại Đoàn Kết. Có thể nói,việc sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Báo Cứu Quốc là vất vả nhất. Trong thư viện Báo Đại đoàn kết, các số báo Cứu Quốc được lưu giữ không đầy đủ.Tiếc nhất là tờ Báo Cứu Quốc số 1, ra ngày 25/1/1942, lấy được trong hồ sơ của sở mật thám Pháp, có cả dấu sở liêm phóng được nhà báo Nguyễn Tiêu lưu giữ cẩn thận mấy chục năm, lúc về hưu trao lại cho thư viện nhưng rồi bị thất lạc.
Chúng tôi phải tìm đến Thư viện Quốc gia, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam để tìm tư liệu về các số Báo Cứu Quốc thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 và trong kháng chiến chống Pháp. Tất cả các nơi này đều không giữ được đầy đủ các số báo từng năm, năm nào cũng thiếu vài số, thiếu nhất là năm 1947 và quá nửa năm 1948. Báo của các chi nhánh Cứu Quốc ở các khu càng thiếu nhiều. Không ở đâu còn Báo Cứu Quốc số 1. Chúng tôi chỉ có thể được xem bản micro phim và chụp lại.
Chúng tôi cũng may mắn tìm được bút tích của Bác Hồ : "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công" đăng trên trang nhất số báo ra ngày 2/4/1951, sau đại hội thành lập Mặt trận Liên Việt. Bức ảnh Bác Hồ đọc Báo Cứu Quốc rất đẹp trưng bày trong Bảo tàng cách mạng Việt Nam được chụp lại. Chúng tôi lựa chọn trong tập bản thảo “Những chặng đường Báo Cứu Quốc”- tập hợp bài viết của một số nhà báo lão thành từng công tác tại Báo Cứu Quốc như Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Văn Hải, Hồng Hà, Nguyễn Tiêu...một vài bài tiêu biểu để sử dụng trong kỷ yếu.
Cũng rất may mắn là ông Nguyễn Văn Hải, một người phụ trách trị sự Báo Cứu Quốc những năm kháng chiến chống Pháp sau này là Cục trưởng Cục xuất bản, sau khi nghỉ hưu cũng đã bỏ khá nhiều công sưu tầm tư liệu và nguồn tư liệu này đã giúp chúng tôi khá nhiều.
Còn nhà báo Nguyễn Tiêu, nguyên quyền Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc cũng lưu giữ được khá nhiều bức ảnh quý hiếm về Báo Cứu Quốc thời kỳ kháng chiến chống Pháp như ảnh nhà báo Xuân Thủy làm việc tại Đèo Bụt (Bắc Giang) năm 1948, ảnh nhà báo Leo Figuere, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng cộng sản Pháp, Chủ nhiệm Báo Tiền phong, cơ quan của Đoàn Thanh niên cộng sản Pháp thăm tòa soạn Báo Cứu Quốc năm 1950 và nhiều ảnh làm việc, sinh hoạt đời thường của cán bộ, phóng viên Báo Cứu Quốc.
Về Báo Giải Phóng, chúng tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà báo Đinh Phong, nhiều năm công tác tại Báo Giải Phóng, sau này là Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam. Ông vừa viết bài chung giới thiệu Báo Giải Phóng, đồng thời cung cấp rất nhiều hình ảnh quý để sử dụng trong kỷ yếu như ảnh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với cán bộ phóng viên Báo Giải Phóng, ảnh phóng viên Báo Giải Phóng theo các cánh quân tiến về Sài Gòn năm 1975.
Trong kỷ yếu, chúng tôi cố gắng đưa nhiều hình ảnh các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam thăm và làm việc với báo, ảnh tác nghiệp của các phóng viên, cả ở trong nước và nước ngoài, ảnh các hoạt động xã hội của báo như Liên hoan đại biểu con cháu hiếu thảo toàn quốc, Cuộc thi bình chọn hàng Việt Nam được ưa thích nhất, Hội thi bơi người cao tuổi toàn quốc…
Để làm kỷ yếu, chúng tôi mời nhà báo Thái Duy viết bài ‘Làm báo Mặt trận”. Đây là người cả cuộc đời chỉ làm tờ báo của Mặt trận. Ông vào Báo Cứu Quốc năm 1949, đến năm 1964 được cử vào Nam làm Báo Giải Phóng sau khi thống nhất đất nước hai tờ báo hợp nhất thì làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cho đến khi nghỉ hưu. Bài viết của ông trong kỷ yếu gần như xâu chuỗi lại lịch sử của cả 3 tờ báo. Cho đến nay, ở tuổi 96, ông vẫn là cộng tác viên thân thiết của báo.
Chúng tôi cũng quyết định giới thiệu tất cả các cán bộ, phóng viên, nhân viên đang công tác bằng ảnh chân dung và một hai dòng trích ngang. Đối với phóng viên, từ những cây bút đã thành danh đến các phóng viên mới vào nghề, mỗi người đều được dành một trang để chọn đăng một bài viết tâm đắc của mình.
Cuốn kỷ yếu được trình bày, chế bản tại TP Hồ Chí Minh và in xong ngày 10/1/2002. Anh chị em trong văn phòng đại diện đóng gói, gửi gấp ra Hà Nội để kịp lễ kỷ niệm 60 năm của báo. Dịp kỷ niệm này, báo còn tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam được ưa thích tại Cung văn hóa Việt Xô. Tại Hội chợ và lễ kỷ niệm, cuốn kỷ yếu được các đại biểu nồng nhiệt đón nhận. Ban biên soạn rất mừng nhưng cũng thấy do nhiều khó khăn khách quan các tư liệu thu thập còn chưa đầy đủ. Nhiều hình ảnh có giá trị chưa sưu tầm được, nhiều cán bộ, phóng viên của tờ báo trong 3 thời kỳ còn chưa có mặt, có tên. Kỷ yếu chắc chắn cũng chưa nói hết được những gì mà tờ báo Mặt trận đã cống hiến…
Sau này, năm 2012, vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập báo, cùng với việc ra báo hàng ngày, Ban biên tập cũng đã tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách Lịch sử xây dựng và phát triển Báo Đại Đoàn Kết (1942-2012). Tuy vậy, những kỷ niệm khó quên trong lần làm Kỷ yếu Đại Đoàn Kết cách đây 20 năm vẫn còn nguyên trong tôi. Kể lại câu chuyện này, tôi muốn tri ân những nhà báo lớp trước, người còn, người mất, tri ân những đồng nghiệp quý mến đã góp phần xây nên thương hiệu Đại Đoàn Kết. Hy vọng những lần tái bản tới đây, cuốn Kỷ yếu Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung để thêm hoàn chỉnh. Và truyền thống hào hùng của Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết sẽ liên tục được tiếp nối, hôm nay và mãi mãi.
Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:
1/Tập Đoàn Novaland
2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam
4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt
5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank
6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank
7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV
8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam
9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.
10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi