Hành trình Tinh hoa Việt
Trong mái nhà chung Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, có một ấn phẩm mang tên Tinh hoa Việt, đều đặn phát hành tháng 2 kỳ vào ngày 10 và 25 hàng tháng. Bạn đọc và không ít đồng nghiệp báo chí đã cảm thấy thân thiết với Tinh hoa Việt, bởi sự không ngừng đổi mới, vươn lên…
1.Cơn sóng cuồn cuộn của thông tin thời sự ngày nay đang đánh cắp thói quen đọc báo in của không ít độc giả. Thế nhưng, các thế hệ lãnh đạo của Báo Đại Đoàn Kết vẫn quyết định duy trì ấn phẩm Tinh hoa Việt.
Bây giờ, không ít bạn đọc, bạn viết, thậm chí cả một số đồng nghiệp mới về Đại Đoàn Kết vẫn đinh ninh rằng, Tinh hoa Việt mới “trình làng” dăm bảy năm nay, và từ đó đến giờ vẫn khổ giấy A3, vẫn in hai màu đen trắng, vẫn 32 trang… Nhưng thực tế không phải như vậy. Hành trình của Tinh hoa Việt bắt đầu sớm hơn như thế…
Nhà báo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết nhớ lại: Những năm 1990, báo in có sự phát triển rực rỡ. Các tòa soạn báo ngoài ấn phẩm chính, thường có thêm các ấn phẩm cuối tuần, cuối tháng. Báo Đại Đoàn Kết cũng xin giấy phép để ra báo tháng, bên cạnh tờ Đại Đoàn Kết khi đó phát hành hàng tuần. “Tháng 4/1991, Báo Đại Đoàn Kết có giấy phép xuất bản Đại Đoàn Kết nguyệt san. Ban Biên tập khi đó giao cho Ban đại diện TP Hồ Chí Minh thực hiện tờ Nguyệt san này. Khi đó, Đại Đoàn Kết nguyệt san bìa in 4 màu, ruột in 2 màu, khổ A4”, nhà báo Nguyễn Quốc Khánh kể.
Nhà báo Nguyễn Quốc Khánh lục lại những tờ Đại Đoàn Kết nguyệt san đượm màu thời gian, bảo rằng thời điểm ra tờ Nguyệt san này, ông đang là phóng viên. Khi đó, mỗi số, Đại Đoàn Kết nguyệt san phát hành trên dưới vạn bản, được bạn đọc chờ đón. “Để thực hiện tờ Đại Đoàn Kết nguyệt san, Ban biên tập đã cử nhà báo Lê Văn Ba - khi đó là Ủy viên Ban biên tập, vào làm Trưởng ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh, đồng thực hiện ấn phẩm này”, ông Khánh kể tiếp.
Trong dòng ký ức cuồn cuộn, nhà báo Nguyễn Quốc Khánh còn nhắc tới nhiều cái tên tham gia gây dựng, duy trì và phát triển tờ Nguyệt san này, như nhà báo Đăng Ngọc, rồi tiếp đó là nhà báo Trần Thanh Phương, nhà báo Lý Tiến Dũng, nhà báo Hữu Nguyên… Mỗi người, qua những năm tháng đoạn đường, đều để lại những dấu ấn nghề nghiệp của mình trên Đại Đoàn Kết nguyệt san.
Nhưng cơn cớ nào xuất hiện Tinh hoa Việt?
Bạn đọc lúc này hẳn sẽ vang lên câu hỏi ấy. Tôi, khi ngồi trò chuyện với nhà báo Nguyễn Quốc Khánh, cũng đã bật ra câu hỏi ấy. Ký ức loáng thoáng nhắc tôi hình như đó là quãng năm 2009, 2010, đã thích khi cầm tờ Tinh hoa Việt số 1, khổ nhỉnh hơn tờ A4, được trình bày rất đẹp, nhiều trang in 4 màu với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà báo - toàn những cây bút nổi tiếng thời đó. Hồi đó, nhà báo Đinh Đức Lập làm Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết.
“Chính xác là năm 2010, tháng 7, Tinh hoa Việt số 1 ra mắt bạn đọc”, nhà báo Nguyễn Quốc Khánh khẳng định. “Tổng Biên tập Đinh Đức Lập khi đó họp bàn trong Ban Biên tập đề ra yêu cầu kiện toàn bộ máy tại trụ sở tòa soạn, nên quyết định chuyển Đại Đoàn Kết nguyệt san ra Hà Nội, và giao cho Ban Chuyên đề thực hiện. Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Ban Biên tập đã xin đổi tên Đại Đoàn Kết nguyệt san thành Tinh hoa Việt, tháng ra 1 số, dày 68 trang, khổ nhỉnh hơn trước một chút”.
Trong bức “Thư tòa soạn - Kết nối tinh hoa Việt” in ở trang 4, có đoạn: “Trên tay quý vị đang là ấn phẩm đầu tiên của Bộ mới Đại Đoàn Kết nguyệt san mà chúng tôi thay cho lời cảm ơn trân trọng gửi đến những bạn đọc yêu quý đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt 20 năm qua. Không có lời tri ân nào thiết thực hơn là chuyển tới bạn đọc một ấn phẩm đẹp hơn, hay hơn, sâu sắc hơn. Nỗ lực không ngừng tự đổi mới, tự hoàn thiện, tự vươn lên, tâm nguyện ấy của chúng tôi đang hiện hữu trong số báo quý vị cầm trên tay”.
Xuất phát từ tâm nguyện ấy, Ban Chuyên đề khi đó vừa được thành lập, do nhà báo Nguyễn Thị Cẩm Thúy phụ trách đã tổ chức thực hiện tờ Tinh hoa Việt với nội dung phong phú, phát hành đều đặn vào ngày 15 hàng tháng. Những chuyên mục như “Điểm nhấn”, “Bàn tròn”, “Kiều bào”, “Sức mạnh Việt”, “Theo dòng lịch sử”… đã định hình ngay từ những số báo đầu tiên. Đi cùng với các chuyên mục, có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cùng các nhà văn, nhà thơ... Còn nhớ khi đó, mục “Sáng tác” trên Tinh hoa Việt thường giới thiệu được nhiều truyện ngắn hay của các nhà văn nổi tiếng như Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Y Ban, Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… với minh họa của họa sĩ Nguyễn Khánh Toàn.
Cùng tạo nên dấu ấn trong những số Tinh hoa Việt “khổ nhỏ”, là phần trình bày ấn tượng do các họa sĩ - kỹ thuật viên của Báo Đại Đoàn Kết thực hiện, mà người trực tiếp quán xuyến phần mỹ thuật là họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Dũng Choai).
Cứ đều đặn như thế trong gần 5 năm. Mỗi tháng 1 số, nguyệt san Tinh hoa Việt được phát hành rộng rãi, mang tới cho độc giả, những người làm Mặt trận một ấn phẩm sang trọng, đọc chậm bên cạnh những tờ nhật báo Đại Đoàn Kết.
2.Tháng 4/2015, Tinh hoa Việt bước sang một hành trình mới. Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết khi đó, đã quyết định xin phép chuyển Tinh hoa Việt từ mỗi tháng 1 số sang mỗi tháng 2 số, từ “khổ bé” thành “khổ lớn”, từ 68 trang thành 32 trang; từ in nhiều màu thành in đen trắng.
Sự chuyển đổi này được nhiều người nhớ. Song, cũng có thể bởi trên số Tinh hoa Việt số 1 phát hành ngày 10/4/2015 thiếu dòng chữ “Bộ mới” nên nhiều người không biết về một hành trình đã qua.
Có thể nói, dấu ấn, cũng như phong cách báo chí của nhà báo Hồng Thanh Quang để lại khá đậm nét trên ấn phẩm Tinh hoa Việt (khổ lớn) này. Lật mỗi trang báo, thấy dấu vân tay của ông, thấy sự tài hoa lấp lánh. Nhiều chuyên mục đã khiến độc giả say mê, như “Muôn mặt chính trường”, “Góc nhìn trí thức”, “Nhớ lại và suy ngẫm”... Đặc biệt, những cuộc trò chuyện của nhà báo Hồng Thanh Quang với các nhân vật khách mời khi là nhà sử học Dương Trung Quốc, lúc là nhà báo Hữu Thọ, hay nhà phê bình Nguyễn Hòa… đều có sức cuốn hút, nêu ra được những vấn đề thời cuộc, hoặc chạm tới, luận bàn và gợi mở những câu chuyện nhiều người quan tâm…
3.Nếu ví lịch sử như một dòng chảy, thì mỗi thời kỳ, Tinh hoa Việt đều để lại những ấn tượng riêng trong lòng bạn đọc, bạn viết. Trong ngôi nhà phủ rợp bóng mát từ truyền thống 80 năm của Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, chuyên đề Tinh hoa Việt đã có sự kế thừa, tiếp nối và tiếp tục hành trình tự đổi mới, tự vươn lên để kết nối, khẳng định bản sắc Việt; vì một mục đích cuối cùng là phụng sự bạn đọc được tốt hơn. Bởi, bây giờ, những người thực hiện Tinh hoa Việt thấu hiểu, bạn đọc hôm nay đã khác xưa rồi…