Gỡ ‘rào cản’ về quê ăn Tết
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, nhu cầu người dân về quê ăn Tết tăng cao. Hiện một số địa phương đang dần nới lỏng nhằm tháo gỡ các quy định gây khó khăn, để người dân làm ăn xa quê có thể trở về đón một cái tết đầm ấm bên gia đình. Đồng thời các bến xe, ga tàu đang triển khai kế hoạch phục vụ cao điểm tết. Cùng với lượt xe khách, tàu hỏa, máy bay được chuẩn bị tăng cường cho dịp này. Đại diện một số bến xe, nhà ga cũng cam kết, giá cước vận tải không tăng.
Nới lỏng quy định
Trước tình trạng có một số nơi khóa cửa nhà dân hay làm khó người dân về quê ăn tết, mới đây Chính phủ đã “tuýt còi” các địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về. Giới chuyên gia cho rằng, các tỉnh thành cần linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo đó, với Hà Nội, ngày 21/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Chủ tịch thành phố yêu cầu không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội (Viện Social Life):
Những địa phương ra quy định hay viết tâm thư “động viên” người dân không về quê đón Tết trong mấy ngày qua không tạo cảm xúc tích cực cho xã hội, còn có thể gây tâm lý kỳ thị người ở xa về với cộng đồng tại địa phương. Điều đó có thể khiến người dân bức xúc khi chính quyền vô cảm với nỗi nhọc nhằn của lao động xa quê. Mặt khác, Chính phủ không ngăn cản, không vận động kiều bào không về quê hương dịp tết thì can cớ gì các địa phương lại có thể hành xử như vậy. Đó là một cách hành xử làm tổn thương chính những người dân quê mình.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân, tỉnh Quảng Ninh, từ bắt buộc cách ly tập trung 7 ngày người về từ vùng cam, đỏ, từ ngày 20/1, tỉnh này ra quy định sẽ cách ly tại nhà với người có nguy cơ cao. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, người dân từ vùng cam (trường hợp nguy cơ cao) và vùng đỏ khi về tỉnh sẽ cách ly tại nhà 7 ngày, nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine.
Người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine sẽ cách ly 14 ngày tại nhà. Kết thúc cách ly, y tế địa phương sẽ test nhanh hoặc người dân có thể tự xét nghiệm và báo kết quả cho trạm y tế xã để xác nhận. “Tỉnh không hạn chế người dân về quê ăn Tết, song khuyến khích xét nghiệm trước khi về để giữ an toàn cho bản thân và người nhà”, ông Tuấn lưu ý người về cần khai báo trung thực, bởi ý thức tự giác cực kỳ quan trọng ở giai đoạn này.
Cùng với đó, Yên Bái cũng đã nới lỏng quy định, tạo điều kiện cho nhân dân về ăn Tết. Trong hai ngày 17 - 18/1, Sở Y tế Yên Bái liên tiếp ban hành, thay đổi quy định theo hướng nới lỏng điều kiện với người đến địa bàn, về quê ăn tết. Người về sẽ không phải trình phiếu xét nghiệm âm tính, chỉ cần khai báo y tế tại trạm xá xã. Người tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh) hoặc đã khỏi bệnh tự theo dõi sức khỏe, thực hiện 5K. Người tiêm chưa đủ liều (thẻ vàng) thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày; nếu chưa tiêm vaccine cách ly tại nhà 7 ngày. So với quy định cũ, ngành y tế Yên Bái bỏ phân loại người về theo 4 vùng cấp độ dịch, chỉ dựa vào việc đã tiêm mấy mũi vaccine. Thời gian cách ly lẫn theo dõi sức khỏe với người chưa tiêm vaccine cũng rút ngắn từ 28 ngày xuống còn 7 ngày.
Hiện Bắc Giang đã gỡ một số chốt kiểm soát vào thành phố và không bắt buộc xét nghiệm âm tính với người dân về quê ăn tết. Ông Mai Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết hiện địa phương đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người dân; độ phủ mũi 3 đạt 58% và từ nay đến trước khi nghỉ tết, tỉnh phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 3 cho những người đủ điều kiện. Địa phương chuyển sang quản lý rủi ro, tạo điều kiện cho nhân dân về quê ăn tết.
Với một số tỉnh miền Tây, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết đối với công dân của tỉnh đang làm ăn ở các tỉnh, thành trở về quê Cần Thơ ăn tết. Người dân chỉ cần thực hiện 5K và báo với y tế địa phương. Khi về thì thực hiện test nhanh, không cần test PCR.
Trường hợp nếu là F0 mà đủ điều kiện thì thực hiện cách ly tại nhà, không đủ điều kiện thì cách ly tập trung. Còn F1 thì cho cách ly tại nhà. Tại Cà Mau, người dân ngoài tỉnh về quê dịp tết nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 được đi lại và tham gia các hoạt động công cộng, không hạn chế việc di chuyển giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau (trừ khu vực phong tỏa).
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu:
Năm nay, có một khó khăn là thưởng Tết có thể bị giảm, lương tối thiểu không tăng. Do vậy, khó khăn đối với người lao động tăng thêm. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình “Tết sum vầy – Xuân bình an” và một số các hoạt động tập trung ở cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở; tổ chức phương tiện đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa đoàn viên, người lao động có nhu cầu về quê ăn tết, quay trở lại làm việc bảo đảm an toàn, thuận lợi, chu đáo và thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, người từ các tỉnh khác về Vĩnh Long đón tết không cần thực hiện cách ly y tế. Tỉnh cũng không phân biệt người về từ vùng đỏ, vùng xanh. Tương tự An Giang và Đồng Tháp, người từ các tỉnh, thành khác về quê bình thường. Tuy nhiên, cần thực nghiêm quy định 5K, khai báo y tế cho địa phương nếu trở về từ vùng đỏ, vùng cam.
Trong công điện hôm 19/1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh thành không đặt ra quy định phòng dịch gây khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là dịp về quê ăn Tết Nhâm Dần. Địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 và những hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc áp dụng biện pháp cách ly, xét nghiệm, đi lại.
Tăng chuyến, không tăng giá vé
Cùng với việc “hạ nhiệt” các quy định ở trên, các bến xe, ga tàu tại các địa phương cũng đang triển khai kế hoạch phục vụ cao điểm Tết Nhâm Dần. Cụ thể lượt xe khách và tàu hỏa được chuẩn bị tăng cường cho dịp này, các bến xe, nhà ga cũng cho biết, giá cước vận tải không tăng.
Là một trong 3 bến xe lớn nhất Hà Nội, bình thường mỗi ngày bến xe Giáp Bát có 800 đến 1.000 lượt xe xuất bến, vận chuyển trên 1,5 vạn hành khách từ Hà Nội đi các tỉnh, thành trên cả nước. Với dịp cao điểm tết như mọi năm lượng khách tăng thêm 50% đến 100%.
Tuy nhiên, thời điểm này, giám đốc bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện mỗi ngày bến xe chỉ có 150 - 200 lượt xe xuất bến, vận chuyển khoảng 500 lượt hành khách rời bến. Lượng xe xuất bến hiện nay chỉ bằng 20%, với lượng khách chỉ bằng 3,3 % thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, thậm chí nhiều xe xuất bến 1, 2 hành khách.
Tình trạng này cũng xảy ra với các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm. Mặc dù hành khách và lượng xe xuất bến giảm sâu, tuy nhiên trong kế hoạch cao điểm tết, lãnh đạo Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội cho biết, bến xe vẫn phải lên kế hoạch huy động xe tăng cường cao hơn so với ngày thường đề phòng quá tải, khách ra bến thiếu xe. Lãnh đạo các bến xe Hà Nội cũng cho biết, bến xe không ghi nhận nhà xe, doanh nghiệp vận tải nào gửi văn bản hoặc thông báo xin điều chỉnh giá vé.
Với đường sắt, giá vé tàu tết vẫn giữ nguyên giá như ngày bình thường. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thời gian qua ngành đường sắt Hà Nội chỉ duy trì chạy 2 đôi tàu Thống Nhất trên hành trình Bắc Nam. Dịp Tết Nhâm Dần, theo bà Hà, HRT đã triển khai kế hoạch cao điểm trong đó có huy động thêm 5 đôi tàu chạy để phục vụ người dân trên các tuyến Hà Nội - TP HCM và Hà Nội - Vinh.
Ở phía Nam, ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng thông tin, lượng khách mua vé tàu tết mới đạt 50% của năm 2021. Ngành đường sắt vẫn còn nhiều vé chặng Bắc - Nam. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu người dân đi các chặng ngắn, ngành đường sắt tổ chức chạy thêm nhiều đôi tàu, chuyến tàu các chặng TP HCM - Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn...
Khác với đường bộ, đường sắt, thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nhu cầu hành khách đi trên đường bay TP HCM - Hà Nội và từ TP HCM đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc trong giai đoạn này tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đều đạt trên 70%. Các hãng cũng đã khai thác hết số lượng chuyến bay được phân bổ.
Đến ngày 22/1, giá vé máy bay Tết từ TP HCM đi các tỉnh, thành phố bắt đầu tăng, thậm chí nhích lên từng ngày. Một khách hàng vừa mua vé chặng TP HCM - Vinh ngày 26/1 cho biết, chị thanh toán hơn 13 triệu đồng cho 4 vé máy bay lượt đi gồm 2 người lớn và 2 trẻ em dưới 11 tuổi. Tính ra hơn 3 triệu đồng/khách, mức giá này cao hơn nhiều so với cuối tuần trước. Một số hãng hàng không thông tin nhu cầu của khách đặt vé về tết các chặng TP HCM đi Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An… đang tăng; nhu cầu đi du lịch tới các điểm đến như Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang cũng tăng.
Với hàng không, theo Bộ GTVT, từ ngày 22/1, hành khách bay nội địa sẽ không còn phải xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước chuyến bay nếu tiêm chưa đủ liều vaccine, hoặc chưa tiêm vaccine, bao gồm cả trẻ em, trừ khách đi từ vùng 4 (vùng đỏ), vùng phong tỏa. Thay đổi này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới, và sau một số phát sinh liên quan tới yêu cầu xét nghiệm, dẫn tới những khó khăn khi trẻ em cũng phải xét nghiệm.
Nâng cao ý thức
Trước thực tế các tỉnh thành cũng như ngành chức năng đang dần gỡ “rào cản” để người dân về quê đón tết, ở góc nhìn của chuyên gia y tế, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định: Việc di chuyển giữa các tỉnh không thể làm bùng dịch, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng ngừa.
Chúng ta cũng không sợ tình trạng dịch lan truyền từ tỉnh này sang tỉnh kia bởi giờ tỉnh nào cũng có dịch. Điều cốt lõi là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới và nâng cao thói quen phòng ngừa, giúp người dân được về quê đón tết an toàn, thay vì tạo thêm khó dễ và gây tâm lý kỳ thị người ở xa về địa phương.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, vừa phải tuyên truyền, vừa phải giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Địa phương phải quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về địa bàn, phải thông tin tới từng gia đình về dịp tết không được tụ tập đông người bởi đang có dịch. Phải quán triệt tinh thần như vậy. Không cấm nhưng thuyết phục, khuyến cáo và quán triệt.
Ai từ đâu về cũng phải thông báo với chính quyền địa phương, hạn chế đi lại chúc tụng nhà này, nhà kia. “Chính quyền địa phương nên khuyến cáo người dân hạn chế tiếp những người về từ vùng có dịch. Còn cơ hội gặp được người thân, gia đình là mừng rồi, nên bó hẹp trong phạm vi gia đình. Đừng để sau một cái tết lại chạy đôn chạy đáo vì dịch bệnh”, ông Nga lưu ý.
Người dân về quê ăn Tết không phải cách ly y tế
Trong công văn ngày 22/1, theo Bộ Y tế, việc tạo điều kiện cho người dân trong nước về quê ăn tết và không phải cách ly y tế được thực hiện trên cơ sở việc tiêm chủng vaccine đạt tỷ lệ cao; mũi một với người trên 18 tuổi đạt 100%, hai mũi 95,6%, mũi ba 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi một đạt 94,1%, mũi hai 82,2%.
Bộ Y tế cũng nêu rõ nếu người dân có biểu hiện mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì phải hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và xử lý theo quy định. Các trường hợp khác thực hiện 5K và tự theo dõi sức khỏe. Địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp không phù hợp.