Những phận người trong dịch bệnh

HẠNH NGUYÊN 23/01/2022 10:09

Một ngày giá rét cuối đông, chúng tôi tìm về chốn thâm sơn cùng cốc xã Lâm Hợp - địa bàn khó khăn bậc nhất ở vùng thượng Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Giữa núi rừng điệp trùng, những ngôi nhà nhỏ lẩn khuất sau những rặng cây chót vót.

Anh Lê Văn Tập và con gái trong căn phòng ở tạm.

“Hoàn cảnh anh Lê Văn Tập ở thôn Bắc Hà rất đáng thương. Anh Tập là công nhân từ TP HCM về quê tránh dịch nhưng nhà không có ở, con mắc bệnh hiểm nghèo, tết nhất đến nơi rồi nhưng 3 bố con chưa có gì đón tết…”, Chủ tịch UBND xã Lâm Hợp Phạm Thái Hoa vẻ mặt đượm buồn khi dẫn chúng tôi đến nhà anh Tập.

Anh Lê Văn Tập (SN 1985) học đến lớp 9 rồi nghỉ học đi làm thuê kiếm sống. Năm 2008, anh Tập kết hôn rồi đưa vợ vào Thủ Đức, TP HCM làm công nhân giày da. Đứa con đầu của hai vợ chồng sinh ra ở đất khách quê người nhưng khi mới được 3 tháng tuổi, đứa bé đã mất vì bệnh tim bẩm sinh.

Năm 2011, con gái Lê Thị Tường Vy chào đời khi được 18 tháng tuổi, vợ chồng anh Tập đưa đi kiểm tra thì phát hiện cháu mắc bệnh máu trắng. Từ đó, hàng tháng, hai vợ chồng đưa con đến bệnh viện truyền máu, chữa trị. Tiền thuốc nhiều hơn tiền lương hai vợ chồng làm ra nên anh cứ vay chỗ này đập chỗ kia chữa bệnh cho con.

Hai năm sau (2013) vợ chồng anh sinh thêm đứa con trai là Lê Tuấn Duy. Đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát ở TP HCM, 2 vợ chồng mất việc làm, cả 4 người sống vật vờ ở căn gác trọ nhỏ nhoi. Anh Tập phải đi phụ hồ để trang trải tiền ăn cho cả nhà.

Sau 3 tháng, vợ chồng anh về quê, những tưởng cuộc sống của cả gia đình anh sẽ bình yên. Nhưng, ngôi nhà cũ của mẹ để lại bị sập, 3 bố con anh Tập quây bạt ở tạm trên nền đất cũ. Vợ anh lấy lý do quay lại công ty để chuyển bảo hiểm về nhưng đã hơn 4 tháng trôi qua, chị vẫn chưa quay lại.

“Do hoàn cảnh quá khó khăn, MTTQ xã trích Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ anh Tập 50 triệu đồng để xây nhà”, Chủ tịch UBND xã Lâm Hợp Phạm Thái Hoa thông tin.

Nhận được tiền, anh Tập đi mua xi măng, đá, cát…mỗi thứ một ít về thuê thợ bỏ móng, xây nhà. Vật liệu ngày có, ngày không, thiếu hết cái này đến cái kia nên xây mãi không xong, đến tết này bố con cũng chưa có nhà để ở. Để có tiền ăn, hằng ngày anh Tập đi khai thác tràm thuê trên rừng, mỗi ngày được chừng 200 nghìn đồng.

“Không có tiền chữa bệnh cho con gái nên tôi vay khắp nơi, giờ đang nợ ngân hàng và anh em gần 300 triệu đồng. Con trai thứ học lớp 1 rồi nhưng sức khỏe yếu, chỉ lo cháu bệnh giống chị”, nước mắt ngân ngấn trên khóe mắt anh Tập.

Rời hoàn cảnh của anh Lê Văn Tập, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Hồng Lam (SN 1987), vợ là Nguyễn Thị Hằng (SN 1989). Ngôi nhà nhỏ mới xây thô, chưa được hoàn thiện của vợ chồng anh Lam, chị Hằng mới bị bão tốc mái. Mới từ vùng dịch Bình Dương trở về, hai vợ chồng được chính quyền xã Lâm Hợp hỗ trợ 3 triệu đồng rồi vay mượn thêm lợp lại mái nhà.

Chị Hằng bị bệnh tim, thiếu máu não, còn đứa con trai út bị động kinh. Cuộc sống của gia đình 5 người chỉ dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi nhưng cả năm nay, dịch Covid-19 hoành hành, hai vợ chồng không có thu nhập. “Năm ngoái, tôi phát bệnh, không có tiền đi viện nên vay công ty tài chính FE – Credit 10 triệu đồng. Mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi 643 nghìn đồng, phải sau 36 tháng mới hết. Cộng với lãi ngân hàng chính sách 50 triệu nữa, giờ lo tiền lãi ngân hàng đã quá sức rồi”, chị Hằng chia sẻ.

Xã Lâm Hợp có hơn 500 người từ các vùng dịch trở về, trong đó chủ yếu tự đi xe máy. Về quê với hai bàn tay trắng, chỉ số ít lao động đi bóc keo thuê, còn lại không có việc làm.

Theo Chủ tịch UBND xã Lâm Hợp Phạm Thái Hoa, trong số những người từ vùng dịch trở về xã năm nay, có khoảng 50-60 lao động nhàn rỗi, không có việc làm, lại là lứa tuổi thanh niên nên dễ sa đà vào các tệ nạn. Giải quyết việc làm cho số lao động về quê tránh dịch đang là vấn đề nan giải với địa phương.

Thống kê của Phòng LĐTBXH huyện Kỳ Anh, toàn huyện có gần 2.400 người trở về từ các vùng dịch ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Sau khi rà soát, có hơn 400 người có nhu cầu tìm việc làm tại Hà Tĩnh, 12 người có nhu cầu xuất khẩu lao động, 64 người muốn được học nghề… Trưởng phòng LĐTBXH huyện Kỳ Anh Võ Xuân Bằng cho biết, huyện đã có một số đợt tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối với các doanh nghiệp trong, ngoài huyện, qua đó giải quyết được một số việc làm phù hợp cho lao động trở về từ vùng dịch.

Được biết, sau các làn sóng Covid-19, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 55.000 người trở về từ các vùng dịch, trong đó hơn một nửa là các lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.

HẠNH NGUYÊN