Nước Mỹ liên tiếp gặp bão
Ngay đầu năm mới 2022, ngày 3/1, bão tuyết lớn đã xảy ra ở thủ đô Washington (Mỹ) khiến Tổng thống Joe Biden và đoàn tùy tùng bị mắc kẹt trên chuyên cơ C-32A, sau khi hạ cánh xuống căn cứ liên hợp Andrews.
Chiếc xe thang đã bị sa lầy do tuyết quá dày trong lúc tiếp cận chuyên cơ, buộc binh sĩ tại căn cứ không quân Andrews phải cùng nhau góp sức đẩy để xe tiếp tục di chuyển. Ông Biden sau đó phải rời chuyên cơ trở về Nhà Trắng trên ô tô, thay vì sử dụng trực thăng Marine One như thông lệ.
Chưa hết, ngày 16/1, các hãng hàng không đi/đến Mỹ đã buộc phải hủy hơn 2.700 chuyến bay khi một cơn bão mùa đông kết hợp gió lớn và băng giá đổ bộ vào Bờ Đông nước này. Truyền thông Mỹ gọi trận bão tuyết này là “quái vật mùa đông”, khi mà gần 95% các chuyến bay từ sân bay quốc tế Charlotte Douglas ở Bắc Carolina phải dừng bay.
Theo cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), dù chỉ trong 2 ngày nhưng “quái vật mùa đông” đã trút xuống một lượng tuyết khổng lồ che kín dọc theo các ngọn núi thuộc dãy Appalachian cũng như vùng trũng thấp tại khu vực Ngũ Đại Hồ (nhóm hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới). Khu vực Carolinas (các bang Bắc Carolina và Nam Carolina của Mỹ) với khoảng 75 triệu người đã phải “chôn chân” trong nhà. Thống đốc bang Georgia Brian Kemp đã kêu gọi người dân không nên ra đường.
Các chuyên gia của NWS cho rằng, đó là dấu hiệu cho thấy năm nay nước Mỹ sẽ chịu đựng nhiều cơn bão tấn công trực tiếp hơn năm trước (năm 2021 có 6 cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào nước Mỹ). “Điều này cho thấy chúng ta ngày càng phải đương đầu với thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu”, thông báo của NWS.
Ngày 14/9 năm ngoái, bão Nicholas tấn công vùng duyên hải vịnh Mexico, gió giật cùng những trận mưa như trút nước. Sức gió 130km/h khiến cư dân nơi nó đi qua khiếp đảm, ngay cả những “thợ săn bão” cũng không dám ra đường. 13h ngày 14/9, bão Nicholas quét qua thành phố Houston theo hướng Đông - Đông Bắc. Cho dù đã vào đất liền nhưng sức gió vẫn không suy giảm trước khi nó chuyển hướng Đông đi vào các bang Louisiana, Mississippi và Florida.
Thống đốc bang Louisiana John Bel Edwards kêu gọi “mọi người hãy sẵn sàng” khi hàng loạt khu vực bị mất điện. Còn Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã phái ban bố tình trạng khẩn cấp tại 17 quận và 3 thành phố của bang này, yêu cầu các đội cứu hộ với thuyền và trực thăng ở chế độ chờ và sẵn sàng ứng phó.
Trước đó ít ngày, bão Ida đã gây thiệt hại lớn tới hệ thống nhà máy lọc dầu ở vùng duyên hải vịnh Mexico vào đầu tháng 9. Các nhà khí tượng Mỹ mô tả, siêu bão Ida đổ bộ vào Mỹ có sức gió mạnh hơn cả bão Katrina, khiến cho nước dòng sông Mississippi bị chảy ngược. Bang Lousina là tâm bão.
Giới chức phụ trách kiểm soát lũ lụt ở Mỹ cho hay, siêu bão Ida đã làm nước biển dâng cao tràn lên bờ và khiến đoạn sông Mississippi ở khu vực đông nam của bang Louisiana bị chảy ngược - dòng sông này vốn chảy theo hướng bắc - nam. Còn theo Trung tâm Bão nhiệt đới Quốc gia Mỹ thì bão Ida đạt đến cấp độ 4 (trong thang xếp hạng của Mỹ) và có sức gió cực đại khi đổ bộ lên tới 240km/h (mạnh hơn siêu bão Katrina lúc đổ bộ). Đúng 16 năm trước, siêu bão Katrina đổ bộ vào khu vực này, làm hơn 1.800 người thiệt mạng và gây ra nhiều tổn thất về vật chất.
“Bão Ida đã khiến mực nước biển ở khu vực này dâng cao tới 4,9m. Nơi đi qua, nó xé toạc rất nhiều mái nhà”- chuyên gia khí tượng Jim Rouiller cho biết và cho rằng nó đã tạo ra trận lũ lụt lịch sử. Siêu bão Ida phá hủy 1 triệu ngôi nhà dọc theo bờ biển và gây thiệt hại vật chất vượt quá 40 tỉ USD. Tất cả các cánh đồng trồng bông, ngô, đậu nành, và mía đường bị nước nhấn chìm.
Giới nghiên cứu thời tiết cho rằng, việc trong năm 2021 nước Mỹ liên tục bị các siêu bão tấn công, cũng như ngày vào đầu năm đã có 2 trận bão tuyết (ngày 3 và 16/1/2022) cho “người ta cảm giác” nước Mỹ ngày càng phải hứng chịu nhiều trận bão hơn. Nó có thể do nguyên nhân dòng hải lưu đang đổi chiều tạo ra những áp thấp trên biển, từ đó mạnh dần lên thành bão.
“Không thể thờ ơ với hiện tượng này, vì nó sẽ tàn phá rất lớn những thành quả mà chúng ta xây dựng trong nhiều năm”, tiến sĩ Jim Rouiller cảnh báo.