Ở nhà quá lâu, học sinh ngại đến trường: Phải làm sao?

Nguyễn Hoài 23/01/2022 10:27

Sau thời gian dài học trực tuyến, nhiều học sinh có tâm lý ngại đến trường, giáo viên ngại dạy học trực tiếp, ngay cả khi trường học được phép mở cửa trở lại.

Theo kế hoạch của Sở GDĐT Hà Nội, từ nay tới trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, các phòng GDĐT trực thuộc sẽ triển khai công tác diễn tập, sẵn sàng các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường học khi có thông báo.

Thông tin này thu hút sự quan tâm của học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh tâm lý phấn khởi, một bộ phận học sinh đang có tâm lý ngại đến trường học trực tiếp do thời gian học trực tuyến kéo dài.

Vừa mừng lại vừa ngại

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, để bảo đảm an toàn nhất cho học sinh trở lại trường học, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GDĐT, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã, các nhà trường trên địa bàn thành phố tổ chức công tác diễn tập với nhiều tình huống.

Từ nay tới trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các phòng GDĐT trực thuộc Sở GDĐT Hà Nội sẽ tổ chức diễn tập công tác đón học sinh trở lại trường.

Theo kế hoạch của Sở GDĐT Hà Nội, từ nay tới trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, các phòng GDĐT trực thuộc sẽ triển khai công tác diễn tập, sẵn sàng các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường học khi có thông báo.

Về phương án cho học sinh trở lại trường trực tiếp, ông Cương cho biết, Sở GDĐT Hà Nội đã xây dựng phương án tổ chức đón học sinh trở lại trường học, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định, sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp.

Tuy nhiên, theo ông Cương, việc tổ chức dạy học trực tiếp còn căn cứ vào diễn biến thực tế của dịch bệnh. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỷ lệ học sinh tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt mức quy định, Sở GDĐT Hà Nội dự kiến đề xuất cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học vào sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Hình ảnh diễn tập công tác đón học sinh tới trường tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình).

Thông tin trường học mở cửa trở lại thu hút sự quan tâm của học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh tâm lý phấn khởi, một bộ phận học sinh đang có tâm lý ngại đến trường học trực tiếp do thời gian học trực tuyến kéo dài.

Em Lưu Thảo Trang, học sinh lớp 7, Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) chia sẻ: “Khi nghe thông tin chúng em có thể được trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, em rất mừng vì sắp được gặp thầy cô và các bạn. Tuy nhiên, nghĩ tới việc phải dậy sớm để đến trường, em lại ngại. Học trực tuyến kéo dài, em đã dần quen với phương thức học tập này. Em không phải mất thời gian tới trường mà chỉ việc ngủ dậy sát giờ học, bật máy tính là vào lớp ngay”.

Tương tự như Trang, em Trần Gia Hưng, học sinh lớp 10 một trường THPT trên địa bàn quận Ba Đình cho biết, ở nhà quá lâu nên Hưng được tự do làm các việc riêng. Ngoài giờ học online, em có nhiều thời gian xem các chương trình giải trí, chơi game. Khi trở lại học trực tiếp em sẽ phải thay đổi lại thời gian biểu, ngủ dậy sớm hơn, sắp xếp lịch học khoa học hơn.

“Nếu trường học được mở cửa, em sẽ lại bước vào những ngày “chạy sô” hết học ở lớp rồi lại đến lớp học thêm. Nghĩ đến thôi em đã thấy ngại rồi”, Hưng tâm sự.

Tạo tâm lý hứng thú cho học sinh khi trở lại trường

Không phủ nhận, việc học trực tuyến kéo dài đang hình thành nhiều thói quen, tác phong học tập mới cho học sinh. Các em không phải mất thời gian tới trường, cũng do học ở nhà nên các em được thoải mái trong việc mặc trang phục, có nhiều thời gian sử dụng mạng internet, chơi game. Bên cạnh đó, có em còn chia sẻ rằng, việc kiểm tra trực tuyến cũng dễ hơn trực tiếp; chương trình học cũng được giảm tải.

Các trường học chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường học an toàn.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, học trực tuyến quá lâu khiến hiện nay có tình trạng giáo viên và học sinh lười đến trường dạy và học trực tiếp hơn là lo sợ dịch bệnh; vô hình chung tạo ra một sức ỳ lớn.

Vì vậy, theo ông Nga, hiện nay, học sinh đã tiêm vaccine Covid-19, cũng như người lớn đã tiêm và đã đi làm trở lại. Chúng ta cần linh hoạt, đổi mới để thích ứng với dịch bệnh trong điều kiện mới, chấp nhận sống chung và không e ngại trước dịch bệnh, tạo tâm lý ổn định cho giáo viên và học sinh.

Hình ảnh diễn tập học sinh được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại trường.

Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học, bà Võ Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, tính đến nay, nhà trường đã hoàn thành việc xếp thời khóa biểu cho từng khối lớp và xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho từng đối tượng học sinh, nhất là học sinh khối lớp 9.

Bên cạnh đó, nhà trường chuẩn bị 3 phòng học đáp ứng việc dạy học trực tuyến dành cho những học sinh không thể đến trường học trực tiếp vì các lý do như cha mẹ chưa sẵn sàng cho con học trực tiếp hoặc học sinh gặp vấn đề về sức khỏe, bảo đảm để các em không bị chậm tiến độ chương trình.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhìn nhận, sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp.

Do đó, trước khi học sinh quay trở lại trường, theo Bộ trưởng, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh; cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp.

Trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GDĐT lưu ý, khi học sinh trở lại, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả cho học sinh.

Trước ý kiến bày tỏ lo lắng về việc một số học sinh chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì có được đến trường học trực tiếp hay không, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định: Quyết định tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh là hoàn toàn tự nguyện. Ngành GDĐT Hà Nội luôn mong muốn các em được sớm trở lại trường học an toàn.

Công tác chuẩn bị đã và đang nỗ lực được triển khai nhằm bảo đảm đầy đủ điều kiện tốt nhất, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học an toàn khi được phép. Trong trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến trường học, các nhà trường cũng đã có đầy đủ phương tiện, thiết bị dạy học để tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, bảo đảm để học sinh không bị gián đoạn chương trình học tập.

Nguyễn Hoài