GS.TS Nguyễn Anh Trí: Tôi luôn biết sợ, nhất là biết sợ sai
Mặc dù rời khỏi cương vị Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương gần 5 năm nhưng GS.TS, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí vẫn “ngập” trong công việc. Ông tiếp tục vai trò của một đại biểu Quốc hội. Đặc biệt là việc hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Trung tâm Di sản và Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam mà ông coi đó là đích đến của cuộc đời. Trong cuộc trò chuyện với Tinh hoa Việt, ông chia sẻ: Trên con đường dẫn đến thành công của mình, tôi chiêm nghiệm có một “bí quyết”, ấy là tôi luôn biết sợ, nhất là biết sợ sai.
PV:Thưa GS, ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về 1 năm chống dịch Covid-19 của Việt Nam?
GS.TS NGUYỄN ANH TRÍ: Phải nói rằng một thế kỷ qua thế giới mới gặp trận dịch bệnh kinh khủng như hiện nay. Hầu hết các quốc gia đều đã có dịch và số lượng người tử vong không ít. Tôi cho rằng Việt Nam đã rất thành công trong chiến lược phòng chống dịch bệnh 3 đợt đầu. Tôi đánh giá rất cao.
Tuy nhiên đến giai đoạn thứ 4, phải nhận định rằng dịch quá dữ dội, quá ác liệt, chúng ta đã ngăn chặn rất quyết liệt. Công bằng mà nói người dân rất có ý thức trong phòng chống, nhưng vì dịch quá lớn cho nên đã dẫn đến những thiệt hại nặng nề trong những tháng vừa qua. Mốc là từ 30/4/2021, dữ dội đến hết tháng 9 và tiếp tục kéo dài cho tới nay.
Nhìn chung các giải pháp chống dịch từ chiến lược cho đến chính sách, các biện pháp của mình như vậy là ổn. Cũng có ý kiến chưa tốt ở điều này điều kia. Tôi không đánh giá những ý kiến đó là hồ đồ. Mình nhìn ở góc độ nào mới là quan trọng. Như đợt dịch vừa qua đã đánh trúng vào những nơi trọng điểm như khu công nghiệp và các thành phố lớn nhất, đông dân cư nhất và mạnh nhất về kinh tế, nơi đầu mối của tất cả các hoạt động.
Dưới góc độ y khoa tôi thấy Đảng và Chính phủ có một sự điều hành rất linh hoạt và quyết liệt. Tất nhiên cũng có lúc một quyết định của tỉnh thành nào đó, kể cả Hà Nội, thậm chí cả Chính phủ đôi khi chưa hợp lý. Nhưng điều quan trọng là đã được điều chỉnh sau đó. Vấn đề ở chỗ, đây là việc chưa có tiền lệ, cho nên kết quả đến hôm nay với tư cách là một nhà khoa học y khoa, tôi cho rằng như vậy là tốt.
Đến thời điểm này, tôi lại thấy số lượng người nhiễm rất nhiều. Nhưng có điều mình đừng hoảng sợ, đừng lo lắng. Trước thành phố Hà Nội chỉ cần 2- 3 ca thôi đã khác. Còn bây giờ số lượng đã gần chạm mức 3.000 ca/ngày. Nhưng hãy nhớ rằng bên Mỹ mỗi ngày có 1 triệu người mắc, các nước khác cỡ 20-30 ngàn người, đến 50-60 ngàn người. Tôi nói vậy không để ta chủ quan. Mà là dịch đợt này người mắc nhiều hơn, nhưng tỉ lệ thành bệnh ít hơn. Trước có 30-40% ca mắc chuyển thành bệnh, nhưng giờ chỉ khoảng từ 2-10% chuyển thành bệnh. Rồi chuyển nặng phải tới bệnh viện lại còn thấp hơn nữa. Vào bệnh viện chuyển nặng và bệnh nặng tỉ lệ còn lại rất thấp. Mà tỉ lệ tử vong cũng ít. Người tử vong ở Hà Nội tuổi bình quân tử vong là 78, như vậy là ở những người già và bệnh nền. Tôi cho rằng, mình thấy vậy để bình tĩnh hơn.
Từ góc độ khoa học, hẳn ông có lý do khi nói “đừng hoảng loạn, lo lắng” khi số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tăng cao?
-Theo tôi chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống Covid-19 hơn trước rất nhiều, ngay cả người dân cũng đã có kinh nghiệm. Kể cả những việc rất bình thường trong đời sống như tự đeo khẩu trang, tự sát khuẩn, uống nước, giữ gìn... và kinh nghiệm ngay từ vấn đề tổ chức khám chữa bệnh, tiêm phòng, xét nghiệm.
Điều rất quan trọng là tỉ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam rất cao (Đến ngày 6/1, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 206 triệu liều vaccine phòng Covid-19, hiện đã tiêm gần 157 triệu liều, 57 tỉnh, thành phố tiêm vaccine mũi 3 cho người đủ điều kiện tiêm theo hướng dẫn, với hơn 6,1 triệu liều...). Đặc điểm của các bệnh nhiễm virus nên hiểu số lượng người nhiễm càng nhiều, miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng càng cao. Điều này là khoa học của y tế. Các bệnh virus nói chung tự nó khống chế nó. Tóm lại là giai đoạn này, phòng và chống phải tập trung cả 4 khâu. Thứ nhất là phòng không để bị nhiễm. Thứ hai nếu bị nhiễm thì phải tự bảo vệ để không phát ra bệnh như xúc miệng, tự cách ly, uống thuốc, xông…Thứ ba, nếu chuyển thành bệnh thì đừng để trở nặng và rất nặng, các bệnh viện hiện đã có kinh nghiệm điều trị. Còn nếu bị nặng thì phải giảm tỉ lệ tử vong.
Bước vào năm 2022 dịch bệnh sẽ ra sao, đó là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy theo giáo sư, Covid-19 có kết thúc trong năm 2022?
-Với tiên lượng của nhà khoa học, tôi cho rằng dịch do virus thì mình phòng và chống để đừng bị nhiễm và đừng bị nặng, đừng bị tử vong thôi, chứ mình không thể diệt được con virus, vì đã có thuốc đâu mà diệt. Nhưng virus sẽ tự rút lui.
Nhìn lại lịch sử ngành y tế, dịch SARS xảy ra ở Việt Nam năm 2003. Việt Nam trở thành nước chống dịch vào loại giỏi nhất thế giới. Nhưng chúng ta cũng không biết dịch SARS rút khi nào, mà nó tự rút, rút cũng rất nhanh. Cho nên, tôi nghĩ trong năm 2022 diễn biến của Covid-19 có lẽ cũng như vậy, nhưng mà ngày nào, tháng nào, quý nào thì tôi chưa dám chắc chắn.
Tuy nhiên, tôi tin kịch bản sẽ diễn ra như vậy. Tức là sẽ xuất hiện biến chủng, mà biến chủng ấy nhẹ không gây ra bệnh, giống như bệnh cúm và tự nhiên Covid-19 sẽ hết, thậm chí nó biến mất lúc nào mình cũng không biết. Như tôi vừa nghe thông báo ở hòn đảo Bali của Indonesia, Covid-19 tự nhiên không còn nữa…
Như ông đã chia sẻ, một người về hưu mà vẫn được cử tri Hà Nội “chọn mặt gửi vàng” bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XV. Đó là một vinh dự?
-Tôi hết sức vinh dự và tự hào khi trở thành đại biểu quốc hội. Nhất là đại biểu Quốc hội tự ứng cử, lại là khóa thứ hai. Trong 499 đại biểu, chỉ có 3 người tự ứng cử, và ứng cử lần thứ hai trúng cử thì có lẽ tôi là người duy nhất. Nhưng tôi luôn cảm thấy vinh dự và tự hào vì được thay mặt cử tri đến một diễn đàn quan trọng vào loại bậc nhất trong xã hội để được thể hiện chứng kiến, được nói lên tâm tư nguyện vọng của cử tri. Điều đó là quá tự hào. Quan trọng là mỗi đại biểu Quốc hội phải ý thức được điều đó. Một khi thực thi bất cứ nhiệm vụ gì của quốc hội, ví dụ như đi giám sát, đi họp, đặc biệt là ở các phiên họp chính thức các kỳ họp thì tất cả những việc đó tôi đều cảm thấy lâng lâng hạnh phúc.
Nhìn lại nhiệm kỳ XIV vừa qua đại biểu Nguyễn Anh Trí được đánh giá là một “ông nghị” rất trách nhiệm, rất chính trực, rất thẳng thắn và những đóng góp trí tuệ mang tính xây dựng, từ chất vấn đến tranh luận đều toát lên sự chân thành?
-Tôi nhận thấy cách để đại biểu thể hiện ở cơ quan quyền lực cao nhất ấy là nói. Mà muốn phát biểu được thì phải nghiên cứu, tìm hiểu. Mà số một là phải nắm chắc ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri, của nhân dân. Tôi cho rằng ý kiến của cử tri và nhân dân là nền tảng để cho các đại biểu quốc hội tham gia tất cả các hoạt động cao nhất trong diễn đàn quốc hội. Nhờ đó tôi bám sát vào thực tiễn của cuộc sống. Ví dụ như vấn đề BOT, tôi là người chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT nhiều nhất. Vấn đề đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Rồi xây dựng, ô nhiễm môi trường của Hà Nội. Rồi vấn đề giáo dục và đào tạo tôi cũng góp ý “ác liệt”. Đặc biệt là bảo vệ môi trường trong việc hỏa táng...
Ở tầm nhìn xa, trong nghị trường tôi đề nghị phải xây dựng quy hoạch đất ngầm ở thành phố, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM. Có thể thấy bây giờ còn khó khăn, chưa có điều kiện để xây dựng, nhưng chúng ta phải có quy hoạch để con cháu mình làm. Để có thể 40-50 năm nữa chúng ta sẽ có một thành phố ngầm. Đầu tư như vậy còn rẻ hơn, đáng làm hơn việc mở rộng thành phố theo kiểu dàn hàng ngang như hiện nay. Giờ phải tính tàu điện ngầm chui lên chui xuống ở đâu, rồi đường ngầm lên ở đâu để quy hoạch. Phải nói là khoá XIV là một nhiệm kỳ đầy nhiệt huyết của tôi.
Còn việc bỏ cả trăm tỉ đồng ra xây dựng Trung tâm Di sản và Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ý tưởng này xuất phát từ đâu, thưa giáo sư?
-Vì sao có Trung tâm Di sản và Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, và công viên di sản các Nhà khoa học Việt Nam, mà được gọi chung tên là Meddom. Rất đơn giản thôi, ngày xưa khi làm luận án Phó Tiến sĩ, tôi mang luận án cho các thầy sửa. Tôi đặc biệt trân trọng những lời thầy sửa cho mình. Đó không chỉ đơn giản là những lời sửa luận án, mà quan trọng hơn, những lời chỉ bảo đó sẽ đi suốt cuộc đời mình.
Tôi băn khoăn làm sao cất được những thứ này mãi. Tôi đi hỏi người này người kia ai cũng bảo photo lại rồi ép plastic, nhưng cách này một thời gian cũng hỏng. Sau đó tôi nghĩ phải làm cách nào để cất cho được không chỉ lời của thầy mình mà cho tất cả các lĩnh vực khoa học. Tôi tin các thế hệ học trò phần lớn ai cũng chung cảm nghĩ chân chính như vậy. Tôi thề trong cuộc đời nếu có tiền thì phải làm cho được việc “cất giữ” những giá trị đó.
Năm 1993 -1994 tôi đi học ở Nhật. Năm 1995 tôi về Việt Nam. Năm 1996, theo lời mời của anh Nguyễn Thế Hùng - người thành lập Bệnh viện đa khoa Tràng An, lúc đó chỉ là phòng khám nhỏ ở Cầu Giấy, rồi chuyển qua Hàng Quạt, Hà Nội. Anh Hùng mời tôi tham gia thành lập lĩnh vực Labo xét nghiệm của bệnh viện. Tôi đến làm giúp anh Hùng và gọi anh em bạn bè tới cùng làm. Và cuối cùng hình thành nên câu chuyện của Tập đoàn Medlatec ngày hôm nay.
Nhưng lúc đó tôi nói với 2 người, một là vợ tôi, cô ấy người Huế, rất hiền và nói tùy anh, làm được việc gì tốt thì anh cứ làm. Nếu cô ấy ngăn cản thì có lẽ không có ngày hôm nay đâu. Người thứ hai là một người bạn, khi tôi nói ý tưởng anh ấy ủng hộ ngay, vậy là chúng tôi bắt tay ngày vào công việc. Như vậy đồng hành với sự phát triển của Medlatec, tôi đã thành lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Hà Nội, và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Hòa Bình.
Cho đến bây giờ dự án đó là ý tưởng của tôi, có sự đóng góp của cá nhân tôi và gia đình tôi. Nhưng nên nhớ không riêng gì gia đình tôi, càng không phải của riêng tôi. Vì đến mấy trăm tỉ đồng thì làm sao một mình tôi đầu tư nổi. Rất may Meddom là thực thể của Medlatec Group, cho nên được đầu tư như vậy. Điều đó rất quan trọng. Vì rất nhiều người hỏi tôi lấy tiền đâu để đầu tư những dự án đó.
Hiện đã có trên 1 triệu hiện vật đang được lưu giữ tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Công viên đã được cấp phép trở thành Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Chúng tôi đã hoàn thiện bảo tàng, khu du lịch, đặc biệt nơi đó được cấp phép để trở thành Trung tâm đào tạo kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh các cấp. Và đây mới là đích đến, nói cách khác Meddom là đích đến của cuộc đời tôi.
Bên cạnh đó, GS Nguyễn Anh Trí cũng nổi tiếng với các dự án từ thiện vì cộng đồng. Giáo sư có thể chia sẻ về điều này…
- Đầu tiên tôi muốn nói tới các dự án từ thiện cộng đồng. Tôi thích làm việc đó, khi còn đang công tác tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tôi đã làm thiện nguyện rồi. Điển hình là các chương trình hiến máu nhân đạo.
Bên cạnh đó tôi vận động xây nhà tình nghĩa tặng người nghèo, ngay cả ngôi nhà 2 tầng khang trang trong quê ở gần chợ ai cũng tìm cách mua nhưng tôi không bán và đã tặng lại cho Hội người mù. Việc lớn hơn nữa là tôi tư vấn cho Tập đoàn Medlatec hỗ trợ cho các nơi để làm Labo, xét nghiệm miễn phí, mỗi năm riêng tiền xét nghiệm miễn phí vào khoảng 30 - 40 tỉ đồng…
Còn có một cách làm thiện nguyện không phải là vật chất, mà thiện nguyện làm cho người ta ấm lòng, gắn bó. Thậm chí các nơi coi tôi là công dân trong tỉnh của họ. Như Thanh Hoá, Hà Giang, Hòa Bình, Bạc Liêu…
Tất cả những gì cần nói, hỗ trợ, đứng bên cạnh thì tôi đều có mặt. Có những việc địa phương rất khó xử lý, nhưng tôi đã tìm các tháo gỡ. Như sáng kiến về Lễ hội Cam Cao Phong của Hòa Bình. Hay du lịch vườn cam chính tôi là người đưa về. Vì hồi du học ở Nhật tôi đã tham gia du lịch vườn cam. Ngày làm ở Viện, có lần tôi đưa cán bộ nhân viên lên Hòa Bình du lịch, nhìn thấy vườn cam chín rất đẹp, nhưng người dân không cho vào, họ nói vào làm hỏng vườn cam. Tôi rất buồn, sau có cơ hội tôi tìm gặp Chủ tịch huyện Cao Phong lúc đó gợi ý câu chuyện làm du lịch.
Vậy là anh Chủ tịch huyện về thuyết phục được lãnh đạo tỉnh. Sau đó lãnh đạo huyện cũng như tỉnh đã vận động nhân dân. Người dân nghe ngay. Bây giờ thì du lịch vườn cam ở Hòa Bình được rất nhiều du khách biết tới. Tôi tiến tới tư vấn tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ hội Cam. Tôi đã mời Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đến tận nơi. Giờ mỗi kỳ lễ hội, Hòa Bình bán được khoảng 500 tấn cam. Vùng cam Cao Phong đã trở nên khác biệt, nhiều gia đình có tiền tỉ là chuyện rất bình thường.
Người dân đang rất bức xúc trước vụ việc Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit test Covid-19. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên cả nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đang phải dốc toàn lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Là một giáo sư trong ngành y, ông nhìn nhận vụ việc này như thế nào?
- Tôi làm Viện trưởng gần 15 năm, thời điểm làm Viện trưởng tôi còn là giám đốc của 5 dự án và một chương trình An toàn truyền máu quốc gia. Bằng linh cảm nghề nghiệp, và linh cảm của người đã từng làm công tác quản lý, tôi cho rằng Công ty Việt Á có sai phạm lớn. Sai đến đâu thì tôi chưa biết, nhưng tôi cam đoan là có sai, mà cái sai đó xảy ra một chuỗi mang tính hệ thống. Xin lỗi là tôi không thể phân tích sâu.
Nhưng tôi nhận ra một điều có lẽ những người sai phạm là những người không biết sợ. Tôi cho rằng biết sợ là quan trọng. Ngày làm giám đốc các dự án, tôi nhận thấy nghề làm dự án vừa cám dỗ, vừa cạm bẫy. Cả hai việc đó người làm phải biết được mà tránh. Tôi đã làm các dự án thành công và được phong anh hùng. Té ra bí quyết nằm chỗ này, một là mình phải vượt qua được những cám dỗ của vật chất. Thứ nữa là mình phải biết sợ. Bí quyết là phải biết sợ. Đây không phải lần đầu tiên tôi thú nhận với các nhà báo, mà tôi còn thú nhận với cả nhân viên của tôi. Tôi rất khác với mọi người khi cho rằng giám đốc là phải thế nọ, thế kia. Nhưng ngày hôm nay mình làm đúng, có thể ngày mai mình làm sai, có thể là vô tình, có thể là do chủ quan của mình. Nhưng cái sai thường xảy ra với người tham lam.
Tôi đánh giá rất cao Chính phủ đã chỉ đạo vụ Việt Á rất quyết liệt. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để làm đến nơi đến chốn, nhưng phải đảm bảo: đúng người đúng tội, ổn định xã hội và duy trì hoạt động chống dịch tốt và hiệu quả.
Trên con đường dẫn đến thành công của mình, tôi chiêm nghiệm có một “bí quyết”, ấy là tôi luôn biết sợ, nhất là biết sợ sai. Làm viện trưởng gần 15 năm, tôi luôn sống mẫu mực để là tấm gương cho thế hệ bác sĩ của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Lúc tôi về hưu Viện có 922 người. Trong 3 nhiệm kỳ đó, tôi tuyển gần 900 cán bộ nhân viên, họ cảm ơn tôi bằng cách này cách kia nhưng tôi luôn tìm cách trả lại. Tôi cũng rất tự tin rằng mình đã xây dựng được một nếp văn hoá rất đẹp của Viện về cách ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân, giữa cán bộ với nhân viên, để biến nơi đó thành một môi trường vừa công bằng, vừa chuyên nghiệp mà không thiếu tình người.
Có lẽ vì vậy mà đến nay người ta vẫn còn nhớ hình ảnh cán bộ công nhân viên và bệnh nhân của bệnh viện nghẹn ngào trong ngày chia tay tôi nghỉ hưu. Dù tôi đã từng có những giải thưởng rất lớn về khoa học, về quản lý, về cống hiến… nhưng một phần thưởng tự nguyện, tự phát, tự đáy lòng mọi người như vậy là vô giá với tôi.
Từ một cậu bé lớn lên ở vùng đất Quảng Bình khắc nghiệt, rồi trở thành một thầy thuốc nổi tiếng. Có thể thấy ông đã trải qua hành trình gắn với ý chí và nghị lực...
- Tôi rất yêu cuộc sống, yêu đất nước này. Cũng có những điều làm tôi buồn, nhưng điều quan trọng bao trùm là mình phải rất yêu cuộc sống. Trước đây, tôi có không ít cơ hội ở nước ngoài để trở nên giàu có, như hồi học ở Nhật, sau khi học họ mời tôi ở lại ký hợp đồng làm việc nhưng tôi đã từ chối. Tôi nghĩ mình phải đóng góp, xây dựng cho quê hương đất nước chứ. Và tôi đã chọn sự trở về.
Trân trọng cảm ơn ông!