Những năm đầu làm Báo Đại Đoàn Kết
Ba năm rưỡi ở TP Hồ Chí Minh, dù lúc ấy chưa có nền kinh tế thị trường, nhưng Báo Đại Đoàn Kết đã phải cạnh tranh từ nội dung đến hình thức với không ít tờ báo khác. Nhờ cạnh tranh mà Báo Đại Đoàn Kết ngày càng đông độc giả, lại không “mắc lỗi” để phải “nhắc nhở”.
Giữa tháng 5/1980, những phóng viên như tôi nghe tin cuối tháng sau Báo Đại Đoàn Kết sẽ chuyển ra Hà Nội. Chúng tôi không ngạc nhiên cũng không bất ngờ vì Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại TP Hồ Chí Minh đã thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam - Bắc thành một tổ chức duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì việc hợp nhất Báo Cứu Quốc và Báo Đại Đoàn Kết là lẽ đương nhiên, và lẽ đương nhiên tờ báo của một tổ chức quan trọng của Trung ương thì trụ sở phải ở Thủ đô.
Dù vậy, chúng tôi không tránh khỏi nỗi buồn chia xa, bởi từ khi chuẩn bị ra số 1 (ngày 5/2/1977), anh chị em Báo Giải Phóng từ chiến khu về, nhiều nhà báo ở Báo Thống Nhất, Báo Cứu Quốc, Báo Nhân Dân ở Hà Nội vào, nhiều nhất là anh chị em Nam Bộ tập kết ra Bắc, đã gắn bó cùng nhau tại 176 Võ Thị Sáu làm nên tờ Đại Đoàn Kết tại Sài Gòn suốt ba năm rưỡi, bây giờ chuyển trụ sở thì chỉ có mươi người ở lại văn phòng đại diện tại các tỉnh phía Nam. Nhưng công việc là công việc, ai ở ai đi do Ban Biên tập quyết định, chỉ có vài ba người do mối quan hệ, tự xin việc ở cơ quan khác, có người từ giã nghề làm báo.
Cho đến nay, sau 45 năm, nhiều người từng hay đang làm việc ở Báo Đại Đoàn Kết không biết manchette này do ai đặt, tại sao lại không phải tên khác mà là Đại Đoàn Kết. Nhân kỷ niệm 80 năm Báo Mặt trận, xin ghi lại “tiểu sử” tên của tờ báo mà tôi là phóng viên trong nhiều năm, qua lời kể của Quyền Tổng Biên tập Nguyễn Tiêu (Báo Cứu Quốc), Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lê, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Khuynh, Ủy viên Ban Biên tập Nguyễn Chánh Sắc, Huỳnh Hùng Lý, Đặng Ngọc Nam (Báo Giải Phóng).
Ngày 12/10/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định 1812/QĐ-TW về việc xuất bản tờ báo chung của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trước Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất (Đại hội lần thứ I), lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo khẩn trương hợp nhất Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng.
Ở Hà Nội, ông Xuân Thủy - Bí thư Đảng đoàn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã bàn với Quyền Tổng Biên tập Nguyễn Tiêu tìm tên cho báo Mặt trận thống nhất. Hai ông đưa ra những tên như “Tổ quốc”, “Tổ quốc Việt Nam”, “Việt Nam”… Nhưng bàn đi tính lại vẫn không ổn, vì tên này đã có trước đó. Cuối cùng hai ông nhất trí lấy tên Đại Đoàn Kết, theo tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong Đại hội hợp nhất Việt Minh - Liên Việt năm 1951 và Người nhắc lại khi nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 25/4/1961. Ông Xuân Thủy dặn ông Nguyễn Tiêu bàn bạc kỹ với Ban Biên tập Báo Giải Phóng để đi đến thống nhất tên tờ báo của Mặt trận.
Tại TP Hồ Chí Minh, Ban Biên tập Báo Giải Phóng họp cùng ông Nguyễn Tiêu đã đề xuất một số tên cho báo Mặt trận thống nhất nhưng cuối cùng đồng ý lấy tên Đại Đoàn Kết và giao cho Ủy viên Ban Biên tập Hùng Lý ra Hà Nội báo cáo với Chủ tịch Hoàng Quốc Việt, Bí thư Đảng đoàn Xuân Thủy, Tổng Thư ký Nguyễn Văn Tiến về kết quả cuộc họp ấy.
Sau khi có “Giấy phép xuất bản báo chí” của Phủ Thủ tướng, trước trụ sở Báo Giải Phóng treo tấm băng rôn phủ từ tầng thượng xuống lầu 1 dán manchette Đại Đoàn Kết màu trắng trên nền đỏ, viết dọc theo kiểu câu đối, do họa sĩ Chi Lăng vẽ. Chỉ hai ngày sau khi có tấm băng rôn “quảng cáo” ấy, ngày 5/2/1977, tuần Báo Đại Đoàn Kết ra số 1, khổ 29x42 cm, 16 trang, 4 màu.
Có một số phóng viên trẻ sau này hỏi, tại sao trụ sở 1 ở Hà Nội mà Báo Đại Đoàn Kết lại xuất bản tại TP Hồ Chí Minh đến ba năm rưỡi mới chuyển ra Thủ đô, phát hành số đầu tiên vào ngày 2/7/1980.
Xin thưa, Báo Đại Đoàn Kết ra đời trong hoàn cảnh đất nước thống nhất chưa bao lâu, nhiều công việc còn bộn bề, giặc dã đang xâm lấn biên giới phía Tây và phía Bắc, do đó, là một tờ báo chính trị - xã hội phải có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ yếu là các tầng lớp tư sản, tiểu tư sản, trí thức, nhân sĩ, đồng bào các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, các nhà công thương nghiệp ở miền Nam phát huy lòng yêu nước, đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Với nhiệm vụ ấy, những năm đầu, lãnh đạo Mặt trận chủ trương Báo Đại Đoàn Kết xuất bản tại TP Hồ Chí Minh là đúng đắn.