Lạm dụng đốt vàng mã: Làm mất đi giá trị tốt đẹp

Phạm Sỹ 24/01/2022 13:45

Nhiều năm trở lại đây, việc đốt các loại tiền vàng mã, đồ mã trong thực hành nghi lễ của người Việt đang có xu hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Việc lạm dụng vàng mã hiện nay bộc lộ những vấn đề tiêu cực, làm mất đi giá trị đích thực tốt đẹp của thực hành tín ngưỡng.

Lạm dụng đốt vàng mã gây lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.

Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

PV: Bà có thể nói rõ về nguồn gốc cũng như giá trị của phong tục đốt vàng mã?

GS.TS Từ Thị Loan: Lịch sử xuất hiện vàng mã ở Việt Nam có từ cách đây hàng trăm năm và có sự gắn kết chặt chẽ với quan niệm tín ngưỡng cho rằng có sự tồn tại của thế giới bên kia: Thế giới thần linh và thế giới linh hồn của người đã khuất. Nhiều người dân tin rằng thần linh và người đã khuất khi được nhận vàng mã thông qua cách đốt hóa sẽ trở nên hài lòng và sẽ phù hộ, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sống.

Các nghi lễ có sử dụng vàng mã trong đời sống tín ngưỡng là một phong tục truyền thống hàm chứa một số ý nghĩa tốt đẹp. Chúng không chỉ phản ánh cách con người ứng xử với thế giới thần linh mà còn thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn của mỗi cộng đồng, gia đình, dòng họ, cá nhân người Việt Nam đối với tổ tiên, người có công đối với đất nước; góp phần tái hiện nguồn gốc lịch sử của dòng họ, cộng đồng, dân tộc; qua đó hình thành ý thức đoàn kết xã hội. Về mặt kinh tế, nhu cầu sử dụng vàng mã mạnh mẽ kéo theo thị trường vàng mã phát triển, tạo công ăn việc làm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho không ít hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vàng mã.

Bên cạnh những mặt tích cực thì việc lạm dụng vàng mã đã bộc lộ những vấn đề tiêu cực, làm mất đi giá trị đích thực tốt đẹp, bà có suy nghĩ gì?

- Trước hết, đốt vàng mã gây ra sự lãng phí công sức, tiền của. Theo số liệu ước tính, trung bình mỗi năm có hơn 20 triệu hộ gia đình ở Việt Nam thường xuyên mua sắm, đốt vàng mã. Nếu mỗi hộ chi tối thiểu khoảng 200.000 đồng/năm mua sắm đồ vàng mã thì số tiền chi cho việc đốt vàng mã của cả nước ước khoảng 4.000 tỷ đồng. Nếu mỗi gia đình sử dụng khoảng 2,0 kg vàng mã/năm thì số lượng vàng mã bị đốt sẽ đạt khoảng 40.000 tấn. Đây là một con số rất lớn.

Tiếp đến, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ra ô nhiễm môi trường, có hại cho sức khỏe con người. Có nhiều loại vàng mã sử dụng giấy tái chế, chứa chất rắn và hóa chất độc hại. Khi vàng mã bị nung đốt sẽ tạo ra lượng lớn khói bụi và các chất có hại cho môi trường cũng như cho sức khỏe của con người. Vào dịp lễ tết, đặc biệt là những ngày Tết Nguyên đán, tháng lễ hội đầu Xuân, rằm tháng Bảy (lễ xá tội vong nhân), gia đình nào cũng đốt vàng mã cho ông bà, tổ tiên, thần linh dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Năm nào, báo chí cũng đề cập đến tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt vàng mã gây nên vào dịp lễ tết, đặc biệt là ở địa bàn các thành phố.

Bên cạnh đó, đốt vàng mã còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ hỏa hoạn tại khu dân cư và di tích. Theo số liệu thống kê của các Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, mỗi năm có hàng trăm vụ hỏa hoạn do việc đốt vàng mã gây ra. Các vụ hỏa hoạn không chỉ hủy hoại hàng trăm tỷ đồng tài sản, hiện vật quý mà còn tước đi sinh mạng của nhiều người.

Việc lạm dụng vàng mã trong nghi lễ đã góp phần tạo cơ hội cho mê tín dị đoan phát triển. Do hám lợi hoặc quá mê tín, nhiều người đã tuyên truyền hoặc tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng, chèn ép người đi lễ, khiến cho họ phải bỏ ra nhiều tiền để mua vàng mã sử dụng cho nghi lễ...

GS.TS Từ Thị Loan. Anh: Đức Tiến

Theo bà, vì sao đã có những chỉ đạo, quy định, hướng dẫn đối với vấn đề đốt vàng mã nhưng vẫn không thể kiểm soát?

- Để tăng cường quản lý việc đốt vàng mã, hạn chế tối đa sự tác động tiêu cực do việc lạm dụng đốt vàng mã gây ra, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy định, hướng dẫn đối với vấn đề đốt vàng mã. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc quản lý đốt vàng mã chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Chủ yếu là do người dân chưa nghiêm túc thực hiện các quy định chung, các ban quản lý tại các cơ sở thờ tự chưa cương quyết xử lý các vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa sát sao... Do vậy, hiện tượng đốt vàng mã ở các khu di tích lịch sử - văn hóa vẫn có xu hướng gia tăng và khó kiểm soát, nhất là trong mùa lễ hội.

Có giải pháp nào để hạn chế việc đốt vàng mã tràn lan như hiện nay không, thưa bà?

- Tiếp tục sử dụng phương án cho phép người đi lễ được sử dụng vàng mã trong nghi lễ nhưng ban hành quy định, tuyên truyền khuyến khích người đi lễ chỉ đốt một phần lễ tượng trưng, chủ yếu thể hiện sự thành tâm. Ban hành và thực hiện quy định không cho các loại vàng mã kích thước lớn vào trong đền, chùa; không đốt vàng mã tràn lan trong khuôn viên di tích.

Thành lập đội vận chuyển vàng mã, thu gom và tập trung hóa vàng mã ở một địa điểm an toàn, có bố trí các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuyên truyền và khuyến khích người đi lễ thay vì bỏ tiền mua sắm vàng mã để đốt hóa chuyển sang hình thức đóng góp vào quỹ từ thiện, phúc lợi xã hội của nhà đền nhằm thể hiện niềm tin tâm linh theo cách khác có ích hơn. Xem xét việc đánh thuế sản xuất, kinh doanh vàng mã như một loại hàng hóa đặc biệt, để nâng cao giá trị vàng mã, khiến cho người sử dụng thấy quý trọng và chỉ đốt một phần nào mang tính tượng trưng.

Trân trọng cảm ơn bà!

Phạm Sỹ