Lao động đi Rumani qua Cty TAMAX cầu cứu vì bị nợ lương

Đức Sơn 24/01/2022 11:00

Bị nợ lương nhiều tháng liền khiến cuộc sống rơi vào cảnh bần cùng ở “đất khách, quê người”, hàng chục người lao động đang làm việc tại Rumani gửi các cơ quan chức năng cầu cứu.

Một hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Rumani của Công ty Tamax ký với người lao động.

Theo Đơn cầu cứu gửi đến Báo Đại Đoàn Kết và các ngành chức năng, hàng chục người đi xuất khẩu lao động, làm việc ở Công ty SC HIDROCONS TRUTIA S.A tại Rumani phản ánh, theo lời quảng cáo của Công ty cổ phần Xây dựng, cung ứng nhân lực và Xuất nhập khẩu Thiên Ân (Viết tắt là Công ty Tamax - trụ sở tại số 172 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty này có đơn hàng xuất khẩu lao động sang Rumani với chi phí thấp mà lương cao.

Tin lời giới thiệu của Công ty Tamax và với hi vọng đổi đời, nhiều người lao động nghèo đã chạy vạy, thế chấp tài sản, vay mượn tiền ngân hàng để nộp các khoản chi phí cho Công ty Tamax và các đơn vị liên quan để được xuất khẩu sang Rumani. Tuy nhiên, khi sang Rumani, nhiều người lao động đã “vỡ mộng” khi công việc “phập phù” thu nhập bấp bênh.

Đặc biệt, từ tháng 11/2021 đến nay, nhiều người lao động không được bố trí việc làm, không nhận được lương khiến người lao động rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Không lương, không việc làm, nhiều lao động không chỉ khó khăn trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, mà còn đối mặt với các khoản nợ lãi ngân hàng không có tiền trả.

Theo phản ánh cho biết, trước khi xuất cảnh sang Rumani làm việc, người lao động phải nộp số tiền không nhỏ cho đơn vị môi giới là Công ty Tamax để được xuất cảnh. Hiện nay, Công ty phía Rumani không trả lương nên người lao động không có tiền gửi về trả lãi cho ngân hàng và chi phí sinh hoạt cho gia đình, con cái học hành nên vô cùng khó khăn và bức xúc, nhất là dịp Tết đang cận kề.

Tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, thời gian qua, đã có hàng trăm lao động tại Việt Nam đi làm việc tại Rumani theo Hợp đồng đưa người đi lao động đi làm việc ở Rumani đã ký giữa người lao động và Công ty Tamax và Hợp đồng lao động giữa người lao động và chủ sử dụng lao động tại Rumani.

Điển hình, tại Hợp đồng đưa người đi lao động, làm việc ở Rumani giữa Công ty Tamax và ông N.G.L. (quê ở Nghệ An) thì thời hạn của hợp đồng lao động là 2 năm tính từ thời điểm người lao động nhập cảnh vào Rumani thực hiện hợp đồng với công việc phụ lắp ống nước. Người lao động phải trả khoản phí dịch vụ, môi giới cho Công ty Tamax khá lớn trong khi đó tiền lương cơ bản chỉ là 500 USD/tháng. Còn tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp do người lao động và chủ sở hữu lao động thỏa thuận.

Trong hợp đồng có điều khoản quy định, Công ty Tamax có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài. Bồi thường cho người lao động, người bảo lãnh về những thiệt hại do bên đưa đi gây ra (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, người lao động cho rằng, nhiều tháng nay, họ không nhận được đồng lương nào từ chủ sở hữu lao động ở Rumani nhưng Công ty Tamax không có một động thái nào để hỗ trợ cũng như liên hệ với người sử dụng tại Ramani để giải quyết quyền lợi cho người lao động.

“Chúng tôi hết sức hoang mang và lo lắng bơ vơ nơi xứ người, quá trình làm việc, chúng tôi rất nghiêm túc tuân thủ đúng quy định pháp luật lao động ở nước sở tại, tuy nhiên nay không có việc, không được nhận lương, chúng tôi không có tiền chi trả sinh hoạt hàng ngày và không có tiền gửi về quê để trả nợ ngân hàng. Công ty môi giới lại không có biện pháp đòi quyền lợi cho chúng tôi, chả khác gì việc “đem con bỏ chợ”, mong ngành chức năng vào cuộc để cứu những người lao động chúng tôi…” - một lao động chia sẻ.

Được biết, trước đó vào năm 2019, Công ty Tamax đã từng dính lùm xùm khi 30 lao động ký hợp đồng với Công ty Tamax sang Rumani làm việc đã bị nước sở tại trục xuất trong khi vẫn đang trong thời hạn hợp đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Công ty Tamax được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động ở nước ngoài từ ngày 10/4/2014. Đại diện Pháp luật là ông Nguyễn Quốc Hán. Ông Hán còn đại diện cho Văn phòng đại diện Công ty Tamax tại Nghệ An, Thanh Hóa, Hà tĩnh, TP Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Tập đoàn cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ đặt lịch làm việc với Công ty Tamax, tuy nhiên một đại diện Công ty Tamax cho rằng, phía chủ sử dụng lao động tại Rumani trực tiếp trả lương cho lao động chứ không phải Công ty Tamax trả lương. Tiếp đó, đại diện Công ty Tamax lấy lý do dịch bệnh đang phức tạp nên chưa làm việc ngay mà sẽ bố trí làm việc sau.

Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi nhận được phản hồi của Công ty Tamax.

Đức Sơn