Ân tình ngôi nhà số 66
80 năm là cả một chặng đường dài. Từ số báo đầu tiên ra đời ở thôn Xuân Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (ngày 25/1/1942), trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ngày 1/2/1977 Cứu Quốc “kết duyên” cùng với Giải Phóng thành Đại Đoàn Kết, và ngôi nhà số 66 phố Bà Triệu (Hà Nội) đã là tổ ấm thực sự của những người làm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết cùng bao thế hệ bạn đọc và cộng tác viên.
Hướng về một mái nhà chung
Chuyện vào những năm đổi mới cuối 80, đầu 90 thế kỷ trước, dù là tuần báo, nhưng ngôi nhà số 66 Bà Triệu ngày nào cũng vậy, luôn tấp nập. Mỗi một ngày, Ban Bạn đọc của báo, Ban Biên tập đều tiếp hơn chục đoàn khách. Từ bà con Việt kiều ở nước ngoài, các cộng tác viên về đến thăm Tòa soạn cho đến bạn đọc, các công dân đến chia sẻ, tâm tình, xin giúp đỡ.
Cũng mỗi ngày, Báo nhận được gần trăm lá thư gửi từ khắp mọi miền Tổ quốc, cả nước ngoài. Tin, bài cộng tác, thư trao đổi, cho đến đơn kiến nghị, khiếu nại; thông tin hồi âm từ các cơ quan chức năng, của các địa phương. Máy điện thoại văn phòng, máy điện thoại ở các phòng, ban luôn réo không ngừng…
Vui nhất là những ngày ra báo. Khoảng 4, 5 giờ sáng, khi báo về, đội ngũ phát hành của Tòa soạn, đội ngũ phát hành ở Thủ đô tụ hội về 66 - Bà Triệu phân chia, chờ lấy báo. Nhiều bạn đọc ngóng chờ ở các sạp bán báo. Ngày báo phát hành, điện thoại cơ quan réo không ngừng với những lời chia sẻ, khích lệ, động viên.
Thời ấy những phóng viên trẻ chúng tôi mới về Tòa soạn còn rất bỡ ngỡ, nhưng rất vui vì thường xuyên được gặp các bậc đàn anh, lão thành trong làng báo, của báo nhà, cùng các cán bộ lão thành Cách mạng, các nhân sĩ, trí thức, Việt kiều... Những câu chuyện về thời cuộc, những kỷ niệm về thời làm Báo Cứu Quốc, Giải Phóng…các thời chủ bút, chủ nhiệm từ Tổng Bí thư Trường Chinh, Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Ngọc Kha…cho đến Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sau này. Chuyện nghề, chuyện đời, đủ chuyện. Vui với các nhà báo trẻ, nhà báo Hoàng Phong chỉ chiếc bàn lim to anh em phóng viên vừa làm việc, vừa để thư ký tòa soạn dàn trang mà rằng: “Ngày xưa tớ thường ngủ qua đêm trên chiếc bàn này”.
Cứu Quốc - Đại Đoàn Kết cũng đã là cái nôi, nơi chia sẻ tâm tình của các văn nghệ sĩ một thời, từ trên chiến khu Việt Bắc cho đến khi về Hà Nội. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã từng có nhiều đóng góp cho Báo Cứu Quốc từ thuở ban đầu như nhà văn Nam Cao, Tô Hoài…Cho đến sau này, các nhà thơ Cù Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ,…vẫn thường xuyên cộng tác, đến thăm báo. Nhà thơ Trần Lê Văn vừa là cộng tác viên, vừa phụ trách cả chuyên mục Thơ Đường.
Hàng ngày đến với báo nhiều nhất vẫn là người dân từ mọi miền đất nước. Bởi báo đã phát hiện, phanh phui nhiều tiêu cực, đấu tranh với quan tham, thói hư tật xấu ở mọi cấp ngành. Nhiều oan khuất nơi hang cùng, ngõ hẻm, người dân thấp cổ bé họng kêu không thấu, được báo lên tiếng, đảm bảo quyền lợi, lẽ công bằng. Có những cụ già từ trong Nam, từ Nghệ An, Hà Tĩnh lặn lội tàu xe ra Hà Nội. Xuống xe, xuống ga tàu là tìm đến báo. Có cụ còn xin ngủ nhờ qua đêm. Có người hết cả lộ phí đi đường, anh em phóng viên phải cùng tương trợ.
Tâm tình trên những con tem
Có thể nói, mỗi chuyên mục, mỗi vấn đề báo đưa ra đều được bạn đọc quan tâm, đón nhận, chia sẻ. Từ những bài chính luận “Chuyện thời sự”, những “Phóng sự đời thường”, cho đến những mục tâm tình, hỏi đáp chính sách, sức khỏe, xướng họa thơ ca…Những hoạt động xã hội như Liên hoan con cháu hiếu thảo, Hội thi bơi người cao tuổi; Thi bình chọn hàng Việt Nam được yêu thích nhất…đều được chính quyền các địa phương nhiệt tình hưởng ứng, được bạn đọc quan tâm, cổ vũ.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đất nước ta còn nghèo, kinh tế khó khăn. Người dân nhà nào có được chiếc điện thoại bàn đã là khá giả. Viết bài, gửi bài, liên lạc với Tòa soạn, bạn đọc, cộng tác viên ở gần đến trực tiếp, còn hầu hết đều gửi qua những phong thư.
Viết bài, đi mua phong bì, tem, bỏ vào thùng thư và chờ đợi hồi âm. Không ít bạn đọc, cộng tác viên đã phải đi bộ hàng chục km để gửi thư đi. Hiểu nỗi niềm của bạn đọc, các phóng viên, biên tập viên luôn luôn trân trọng từng bài viết, từng lá thư để biên tập, trao đổi. Tuy nhiên thư từ, bài vở nhiều. Hộp thư cũng không thể đăng tải, hồi âm hết. Bởi vậy luôn luôn Tòa soạn phải “mong bạn đọc lượng thứ”.
Chuyện nhà thơ Đoàn Văn Cừ, một trong những cây đại thụ trong Phong trào thơ mới viết về thôn quê chia sẻ: “Hồi những năm 60, Đoàn Văn Cừ còn là biên tập viên Nhà xuất bản Phổ thông, thường có dịp đến đây liên hệ cộng tác và sáng tác”.
Và rồi vào những năm cuối 90, ở tuổi ngoài 80, từ vùng quê Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, ông vẫn gửi thơ về tòa soạn. Có một bài thơ, lỗi do đánh máy, sắp chữ nhầm từ “mùa thu” thành “mùa xuân”, ông vẫn ý nhị: “Cừ không dám kêu ca, buồn phiền, to chuyện gì đâu”. Đương nhiên, Tòa soạn sau đó đã phải nghiêm túc xem xét, đính chính, cáo lỗi cùng nhà thơ và bạn đọc...
Có thời gian, đi đâu bạn đọc cứ hỏi bác Lương Hữu là ai? Người ta mong chờ, trao đổi, bàn luận về những vấn đề bác Lương Hữu đưa ra, giải đáp rất sâu sắc, rất gần gũi với các gia đình, đã cởi bỏ những tình huống éo le, phức tạp đời thường. Có biết đâu bác Lương Hữu khi ấy lại là cô phóng viên Thu Phương xinh đẹp và còn rất trẻ. Rồi chuyên mục Thơ xướng họa có đến hơn 500 hội viên Câu lạc bộ Thơ Đường giao lưu. Nhiều bài thơ hóc búa, niêm luật khắt khe được các cụ tâm đắc. Nhiều bức thư nhắn gửi, tâm tình xướng họa của các cụ cao tuổi chia sẻ, trao đổi cùng các “cụ” phụ trách. Ai biết đâu có “cụ phụ trách” cũng lại là một phóng viên trẻ, còn chưa lập gia đình.
Niềm vui của những người làm Báo Đại Đoàn Kết, ngoài được cùng các cộng tác viên, bạn đọc coi như tình thân trong nhà là niềm vui từ những bài viết, những vấn đề đưa ra có được tiếng vang, hiệu ứng xã hội. Không chỉ những vụ việc điều tra, đưa ra ánh sáng công lý như vụ án cầu Chương Dương thay đổi cả một cái nhìn, sự phân xử của các cơ quan pháp luật, đem lại công bằng cho công dân, mà những bài viết xã hội, như chỉ một bài viết phản biện trên mục “Nước mắt chảy xuôi” cũng có hàng trăm bài viết hồi âm. Sự lan tỏa của chuyên mục, đến cả một số nhà nghiên cứu từ bên Mỹ cũng đến xin tài liệu, trao đổi, nghiên cứu.
Tiếng lòng thời hiện đại
Như một cơ thể con người, ai rồi cũng có lúc ốm đau. Báo Đại Đoàn Kết đôi lúc cũng có chuyện nọ, chuyện kia. Cái buồn của người trong cuộc, cũng là cái buồn của bạn đọc gần xa. Nhưng một vài ổ gà, ổ vịt đâu có là gì với cả một con đường dài vẻ vang.
Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, tờ báo có bề dày lịch sử, có truyền thống vẻ vang, đã liên tục đi lên, phát triển cùng nền báo chí nước nhà. Tờ tuần báo tiếp tục trở lại báo ngày. Bên cạnh đó là báo điện tử, chuyên san Tinh hoa Việt, Dân tộc và Miền núi, Tôn giáo và Tín ngưỡng…Cùng với các chuyên mục, chuyên đề trên báo giấy, báo in, những bài điều tra, những cuộc tọa đàm trực tuyến trên báo điện tử ngày nay đã đi vào những vấn đề nổi cộm đang được xã hội quan tâm, tiếp tục thu hút hàng vạn, hàng triệu người theo dõi.
Thời hiện đại, tương tác với tờ báo, bạn đọc đã không còn phải nhờ những cánh thư, con tem. Tại Tòa soạn cũng không ồn ào người vào, người ra như xưa. Giờ đây, ai ai hầu như cũng có điện thoại thông minh, máy tính. Cần liên lạc, tương tác với Tòa soạn, gửi tin, bài, cộng tác viên, bạn đọc chỉ cần một vài thao tác nhỏ. Bạn đọc ngồi nhà ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, trên đỉnh Lũng Cú (Hà Giang), hay ở mũi Cà Mau, thậm chí ở nước ngoài cũng như đang ngồi trước mặt trò chuyện với các phóng viên, biên tập viên. Bất cứ lúc nào bạn đọc cũng có thể chia sẻ, tâm tình.
Nhưng rồi, với bất cứ ai, từ những người làm báo, cộng tác viên cho đến bạn đọc, nhất là bạn đọc cao tuổi đã từng đến Tòa soạn vẫn sẽ nhớ mãi về tòa nhà cổ bên phố Bà Triệu với những cây sấu già cổ thụ - mái ấm Cứu Quốc - Giải phóng - Đại Đoàn kết một thời và mãi mãi.
Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:
1/Tập Đoàn Novaland
2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam
4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt
5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank
6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank
7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV
8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam
9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.
10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi