Những cuộc tọa đàm ‘nóng bỏng’ trên Báo điện tử Đại Đoàn Kết: Sức mạnh của báo chí là sức mạnh của ánh sáng
“Cái nào còn u minh, còn tối thì chúng tôi phải đưa ra ánh sáng. Sức mạnh báo chí là sức mạnh của ánh sáng”, đó là khẳng định của Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt tại cuộc tọa đàm có chủ đề "Trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín dị đoan” – một trong những cuộc tọa đàm trực tuyến thu hút hàng trăm nghìn lượt bạn đọc tiếp cận.
Năm 2021, là năm báo điện tử Đại Đoàn Kết đã tạo tiếng vang với những cuộc tọa đàm sôi nổi, sâu sắc và nhân văn, trực diện và đa chiều.
Tấn công trực diện vào tệ nạn, tiêu cực
Xuất phát từ phản ánh của những nạn nhân câu lạc bộ (CLB) Tình Người – những người bị trục lợi cả về danh tính, uy tín, vật chất và công sức lao động, Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt đã quyết định thực hiện tuyến bài điều tra. Các phóng viên đã thâm nhập, tìm hiểu thực tế CLB, xác minh lại thông tin. Tuyến bài được thực hiện trên tinh thần muốn viết nên sự thật thì phải tiếp cận sự thật.
Ngôn ngữ của đạo Phật, nhấn rất kỹ đến chữ Tuệ. Đó là tuệ giác, tuệ tâm, thậm chí là nhìn cũng phải là tuệ nhãn. Tôi rất mong mọi người hãy theo lời dạy của Phật, đề cao và nhắc nhở mình, tự rèn luyện chữ Tuệ trong tất cả các lĩnh vực, từ tâm cho đến sự hiểu biết" - GS Sử học Lê Văn Lan
Sau nhiều loạt bài trên báo giấy, báo điện tử, Đại Đoàn Kết tổ chức 2 cuộc tọa đàm để có thêm góc nhìn đa chiều, mạnh mẽ, phân tích từng góc cạnh về góc khuất của CLB Tình Người. Sau cuộc tọa đàm “Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?” diễn ra vào 1/4/2021, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm trực tuyến "Trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín dị đoan". Tọa đàm có sự tham gia của Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện; ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội…
Buổi tọa đàm tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo và cảnh tỉnh những người là cán bộ, công chức, đang là thành viên của CLB. Họ đang bị lợi dụng, trở thành bia đỡ đạn, chỗ dựa để CLB lợi dụng trục lợi. Sau loạt bài được Báo Đại Đoàn Kết đăng tải, nhiều nạn nhân như được cảnh tỉnh, tự rời CLB…
Khi đó, Đại Đoàn Kết là tờ báo tiên trong cuộc chiến thông tin phơi bày những góc khuất của CLB Tình Người. Từ sức nóng của vấn đề, buổi tọa đàm đã thu hút hơn 100.000 lượt người tiếp cận.
Tuy nhiên, sức ép của những người tổ chức buổi tọa đàm này không hề nhỏ khi động chạm tới hoạt động trục lợi từ mê tín dị đoan và có nhiều người tham gia là cán bộ, đảng viên, công chức, thủ trưởng đơn vị…. Thậm chí một số khách mời đã bị gọi điện tác động khi nhận lời tham gia buổi tọa đàm.
Tuy nhiên, bằng quyết tâm của Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt cũng như những bằng chứng sắc bén, đầy đủ và sâu sắc của nhóm phóng viên điều tra, buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi, ghi nhận những ý kiến đánh giá xác đáng và thu hút lượng độc giả quan tâm lớn. Phát biểu tại buổi tọa đàm, Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt khẳng định: “Phải nói rằng chúng tôi có sức mạnh về sự công bố thông tin. Cái nào còn u minh, còn tối thì chúng tôi phải đưa ra ánh sáng. Sức mạnh báo chí là sức mạnh của ánh sáng”.
Tọa đàm trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín dị đoan là một trong 5 tọa đàm trực tuyến được Báo Đại Đoàn Kết tổ chức và tạo nên tiếng vang, dẫn dắt dư luận trên tinh thần xây dựng, nhìn thẳng vào sự thật. Đó cũng là một trong những cách làm báo trực diện, đa chiều và nhân văn.
Đi vào tâm "bão" dư luận
Người dân được làm những gì pháp luật không cấm; còn công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Riêng đối với đảng viên, Hội nghị Trung ương 5 khoá IX đã đề cập đến tư cách của đảng viên. Đảng viên phải là người lao động giỏi, công dân gương mẫu, chiến sỹ tiên phong đổi mới. Cho nên những đảng viên tham gia CLB Tình Người thì phải soi xét lại mình - GS Hoàng Chí Bảo
Tháng 9/2021, “sao kê", “từ thiện” là các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên không gian mạng. Khi đó nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra về tính minh bạch trong công tác làm từ thiện của các cá nhân, trong đó có nhiều người nổi tiếng như ca sĩ Thủy Tiên, nghệ sĩ Hoài Linh, Trấn Thành… Đón bắt nhu cầu thông tin của bạn đọc cũng như để làm rõ hơn hành lang pháp lý của việc cá nhân làm từ thiện, Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết quyết định tổ chức tọa đàm chủ đề “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?".
Báo đã mời các nhân vật như ca sĩ Thủy Tiên, MC Phan Anh, nghệ sĩ Thái Thùy Linh, cùng các chuyên gia như Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sĩ Luật học Lê Ngọc Khánh.
Khi thông tin của buổi tọa đàm được công bố, dư luận dậy sóng với cách làm và cách đặt vấn đề thẳng thắn mà Báo Đại Đoàn Kết đưa ra. Trong đó có cả việc Báo mời các nhân vật được dư luận đặc biệt quan tâm như ca sĩ Thủy Tiên. Cả những câu hỏi về tính hợp lý của buổi tọa đàm?
Khi đó, nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết lý giải, ở đâu có công chúng, có vấn đề công chúng quan tâm, ở đó có báo chí: Tên tọa đàm là “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?” là vấn đề đang được dư luận, báo chí quan tâm. Tọa đàm được tổ chức theo tôn chỉ của cơ quan báo chí, trên tinh thần: Ở đâu có bạn đọc, ở đâu có mối quan tâm của công chúng, ở đó báo chí có trách nhiệm phục vụ.
Thứ hai, câu chuyện “sao kê” tiền từ thiện đang là vấn đề đặt ra nóng hổi từ thực tiễn cuộc sống, và nhìn ở khía cạnh tích cực nó rất tốt để thúc đẩy chúng ta đến lúc phải đưa ra một giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng tốt hơn.
Cần rạch ròi rằng: Các cá nhân, nếu có dấu hiệu trục lợi từ thiện thì sẽ phải đối mặt với pháp luật. Và, dùng pháp luật để minh bạch, những tranh cãi/tranh chấp là điều tốt trong xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật. Từ thực trạng này, buổi tọa đàm nhìn nhận đề giải quyết vấn đề, và có thể đưa ra chính sách, hướng tới quản lý tốt hơn vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Thứ ba, thẳng thắn, khách quan và hướng đến lan tỏa thiện nguyện: Mục đích của chúng tôi là cung cấp một kênh thông tin, một tiếng nói chân thực, thắng thắn từ những người trong cuộc, thậm chí là những người đã và đang ở trong tâm bão dư luận.
Bên cạnh đó, khách mời còn có nguyên đại biểu Quốc hội, luật sư, những người dày dặn kinh nghiệm công tác và thực tiễn. Các vị khách mời trao đổi khách quan trên tinh thần cùng tìm ra giải pháp, không sa vào chuyện tranh cãi cá nhân.
Bày tỏ xúc động khi có độc giả gửi thư đến Báo Đại Đoàn Kết cám ơn báo vì đã giúp cá nhân họ thoát khỏi “nhà tù của mê tín dị đoan”, ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV đặt câu hỏi: Tại sao chỉ đến khi Báo Đại Đoàn Kết vào cuộc và tiếp đó giới truyền thông lên tiếng thì chính quyền địa phương mới lên tiếng?
Nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định, tọa đàm chỉ thực hiện mục đích hướng đến giảm thiểu sai sót, sai lầm của cá nhân để hướng đến công tác từ thiện được công khai, minh bạch đúng pháp luật, phát huy được tối đa sức mạnh của toàn dân để cùng chia sẻ với nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, cùng nhau vượt khó, phát triển.
Buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi và nhiệt thành. Với sự trao đi, đổi lại của các khách mời và chuyên gia để tìm hướng đi đúng cho hoạt động từ thiện cá nhân, để yêu thương nối dài những yêu thương chứ không phải những ồn ào, thị phi hay trách móc. Tọa đàm đã nêu ra từ thực tiễn sinh động, kể cả từ những bất cập, sai sót đã xảy ra, các khách mời giúp bạn đọc nhìn sâu hơn vấn đề này để điều chỉnh công tác từ thiện sắp tới được tốt hơn, để điều thiện được nuôi dưỡng và lan tỏa, tránh triệt để việc núp bóng, trục lợi từ thiện gây hệ lụy cho xã hội.
Tọa đàm "Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng" đã diễn ra thành công tốt đẹp với hơn 100.000 lượt bạn đọc tiếp cận trên cả báo điện tử, fanpage của Báo và kênh YouTube. Không chỉ vậy tọa đàm còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí và cả nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tik tok. Thông qua đó, thông điệp “tìm hướng đi đúng cho hoạt động từ thiện cá nhân, để yêu thương nối dài những yêu thương chứ không phải những ồn ào, thị phi hay trách móc” được lan tỏa.
Lan tỏa những thông điệp nhân văn
Trong năm 2021, Báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức 5 cuộc tọa đàm với các chủ đề: “Biệt dược” chữa lành bệnh ung thư; Thực hành tâm linh cách nào tránh u mê?; Trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín dị đoan; Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?; Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?
Tọa đàm trực tuyến không phải là hình thức mới nhưng với cách làm mới, đi trực diện vào vấn đề nóng của xã hội, Báo đã tạo ra cách làm sáng tạo khi sử dụng các nền tảng số hóa như báo điện tử, YouTube, Facebook và xuất bản cả trên các ấn phẩm nhật báo, chuyên đề Tinh hoa Việt. Nhờ cách làm tổng lực, toàn diện, nội dung các buổi tọa đàm đã có sức công phá lớn, mang tính định hướng, khai mở nhiều vấn đề được dư luận quan tâm.
Tính ra số người tiếp cận các cuộc tọa đàm trực tuyến mà Báo Đại Đoàn Kết thực hiện lên tới gần 500.000 lượt cùng hàng nghìn lượt bạn đọc quan tâm tương tác, bình luận. Nhiều bình luận trong đó có tính đóng góp, xây dựng và lan tỏa những thông tin tích cực, thẳng thắn chỉ ra những sai trái đang tồn tại và đóng góp những giải pháp mới.
Không chỉ đón nhận sự hưởng ứng của bạn đọc, những cuộc tọa đàm trực tuyến do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức còn nhận được sự tiếp sức, lan tỏa của các các cơ quan báo chí từ Trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, những thông điệp nhân văn, trực diện mà báo nêu lên được các nền tảng mạng xã hội từ Facebook, Zalo, YouTube, tới Tiktok truyền tải.
Có thể nói năm 2021, Báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức những buổi tọa đàm giàu hàm lượng thông tin, đa chiều và khai mở nhiều vấn đề được xã hội quan tâm như làm từ thiện, thực hành tâm linh, đón Tết… Tọa đàm trực tuyến sẽ tiếp tục là một trong những “đặc sản” được Báo Đại Đoàn Kết quan tâm, tổ chức và tìm tòi cách làm hay hơn, đặc sắc hơn để phục vụ bạn đọc, truyền tải thông tin tích cực, xây dựng.
Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:
1/Tập Đoàn Novaland
2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam
4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt
5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank
6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank
7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV
8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam
9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.
10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi