Nhớ những ngày làm Báo Đại Đoàn Kết
Trong hành trình 80 năm lịch sử, Báo Đại Đoàn Kết đã ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc và đồng nghiệp với những trang báo mang đậm tính thời sự và bản sắc của tờ báo Mặt trận - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày ra số báo đầu tiên (25/1/1942 - 25/1/2022), chúng tôi đã tìm gặp và ghi lại những câu chuyện, kỷ niệm của những người đã từng gắn bó với báo Đại Đoàn Kết trên những chặng đường.
Ông Lê Truyền – Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Nguyên Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết: Nghị quyết đầu tiên về tờ Báo Đại Đoàn Kết
Gặp chúng tôi, ông Lê Truyền bồi hồi nhớ lại cũng quãng thời gian này tròn 20 năm trước. Khi ấy, tờ báo cũng đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra số báo đầu tiên, ông được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phân công kiêm nhiệm Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết - tờ báo của Mặt trận.
Ông kể, trong 6 tháng kiêm nhiệm đó, gần như toàn bộ thời gian tôi ở báo, làm việc trực tiếp ở 66 Bà Triệu. Nếu có công việc gì cần, tôi lại lên Mặt trận. Tôi dành thời gian để chăm lo công việc chung của báo, hoàn thành nhiệm vụ của một Tổng Biên tập, trong đó có việc sắp xếp lại đội ngũ, củng cố, kiện toàn Ban đại diện của báo ở TPHCM, Thanh Hóa… Đồng thời sắp xếp kinh phí bước đầu lo toan phương tiện cho anh em phóng viên làm việc, gồm máy tính trong các phòng tập trung bởi khi đó, điều kiện của báo vẫn còn rất khó khăn.
Sau nhiều trăn trở, tôi đã đề xuất, tham mưu để Đoàn Chủ tịch ra một Nghị quyết về nâng cao chất lượng và phát triển Báo Đại Đoàn Kết. Đây là lần đầu tiên Đoàn Chủ tịch có một Nghị quyết riêng về việc phát triển tờ Báo Đại Đoàn Kết với những ý chính gồm: Xác định Báo Đại Đoàn Kết là tờ báo của Mặt trận, là tiếng nói của nhân dân. Trong điều kiện mới phải tập trung để nâng cao chất lượng, cả về hình thức và nội dung. Trên cơ sở nâng cao chất lượng tờ báo, phấn đấu một số điểm: tăng kỳ và tăng số trang của mỗi tờ. Đây là mơ ước của nhiều anh em báo từ lâu để mỗi tờ báo chứa đựng được tất cả nội dung cần phản ánh, tiến tới ra báo hằng ngày. Đó là những bước đi vững chắc để có thể ra nhật báo.
Từ đó đặt ra vấn đề làm sao để tăng số phát hành. Chúng tôi đặt ra đường hướng phấn đấu làm sao đưa Báo Đại Đoàn Kết về đến ban Công tác Mặt trận ở các cộng đồng dân cư, lúc đó có khoảng trên 110.000 ban Công tác Mặt trận. Cả tòa soạn lúc đó, từ cán bộ phóng viên, biên tập viên của tờ báo cùng chung tay phấn đấu để thực hiện những yêu cầu mới đặt ra.
Nghị quyết của Mặt trận gắn liền với một yêu cầu nữa đó là làm sao xác định được trách nhiệm của các cấp mặt trận đối với tờ Báo Đại Đoàn Kết. Điều đó rất quan trọng để hỗ trợ cho tờ báo phát triển. Trước hết là các cấp mặt trận từ cơ sở đến cấp trên phải tuyên truyền, vận động cho tờ báo, động viên cán bộ, nhân dân đọc báo và làm theo báo, góp sức vào xây dựng tờ báo, góp ý một cách cụ thể, rõ ràng và tham gia vào việc tạo điều kiện để đưa tờ báo vào đến cơ sở và về đến cộng đồng dân cư.
Tôi nhớ nghị quyết khi đó đã tạo ra một không khí rất mới ở tất cả các tỉnh thành phố đều chung tay tìm cách phát triển tờ báo, nhất là về mặt kinh phí để các ban Công tác Mặt trận mua được tờ Báo Đại Đoàn Kết. Trong những tháng sau khi Nghị quyết Đoàn Chủ tịch ban hành, hàng tháng bao giờ cũng có mục kiểm điểm ở tỉnh này, huyện này đưa được bao nhiêu báo về đến cộng đồng dân cư. Số lượng tăng dần lên, điều đó có ý nghĩa lắm bởi đó là đơn vị cuối cùng của tổ chức Mặt trận. Nếu đưa được báo về đến từng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư thì chúng ta có thêm bạn đọc, phát huy được theo hướng đưa công tác Mặt trận về cơ sở và cộng đồng dân cư một cách nhịp nhàng. Và phong trào này còn có ý nghĩa dài lâu bền bỉ và phát huy hiệu quả đến tận ngày nay.
Cùng với cán bộ phóng viên của tờ báo, chúng tôi lên kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân dịp tờ báo phát hành số đầu tiên tròn 60 năm. Ngoài những nội dung được thể hiện trên mặt báo, tôi còn tổ chức những hoạt động về nguồn để phát huy được truyền thống, cội nguồn của tờ báo để những thế hệ đi sau của báo đều nhớ lại quá trình trưởng thành, phát triển của tờ báo trong những điều kiện rất khác nhau. Điều đó cũng mang ý nghĩa giáo dục tốt cho phóng viên, nhân viên của tờ báo.
Bên cạnh đó, tôi cũng đặt ra mục tiêu xây dựng nội dung, cách làm việc của tờ báo sao cho khoa học, đảm bảo những yêu cầu đặt ra. Lúc đó, cơ quan báo còn nhiều khó khăn lắm nên cũng phải tìm các cách khác nhau để nâng cấp điều kiện làm việc, đi lại tác nghiệp…
Đến hôm nay, Nghị quyết của Hội nghị Đoàn Chủ tịch về việc phát triển Báo Đại Đoàn Kết theo tôi vẫn là một dấu ấn quan trọng trong hành trình 80 năm phát triển của tờ báo. Với riêng tôi, đó là những ngày tháng không thể nào quên.
Nhà báo Đăng Ngọc – Nguyên Phó tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết: Làm báo thời nào cũng phải dấn thân
Khi tôi đầu quân về Báo Đại Đoàn Kết năm 1985, ban đầu tờ báo mới phát hành một tháng 2 số nhưng được bạn đọc đánh giá cao bởi nội dung sắc sảo, đa dạng. Báo Đại Đoàn Kết thời kỳ đó nổi tiếng với những bài viết chống tham nhũng vào loại mạnh, làm công tác xã hội cũng bài bản và gây được tiếng vang.
Tôi nhớ một trong những vụ đình đám thời đó là vụ Đồng Tiến, phanh phui tệ cường hào mới ở nông thôn. Khi đó Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch phát động viết bài chống tiêu cực cường hào mới ở địa phương, về mất dân chủ ở nông thôn. Khi đó, tôi cùng một số anh em nữa đã trực tiếp đi về nông thôn thực hiện loạt bài, nằm bờ, nằm bụi để tiếp cận với người dân, vạch mặt bọn tham nhũng...
Thứ hai là khi đó Báo Đại Đoàn Kết chủ trương đấu tranh chống lại những luận điệu phản tuyên truyền, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Các mục khác về tôn giáo, văn hóa thể thao cũng rất có bản sắc… nên đề tài rất đa dạng, bài vở phong phú. Chống tiêu cực thì mạnh, thường là đi đầu nên công tác phát hành rất tốt.
Về mảng làm công tác xã hội của báo so với báo chí thời kỳ đó cũng được xếp vào hàng mạnh. Điển hình là cuộc bình chọn hàng tiêu dùng Việt Nam bạn đọc yêu thích khởi đầu là ở Báo Đại Đoàn Kết. Khi đó, tôi là Trưởng ban đại diện của báo ở phía Nam phụ trách tờ nguyệt san ở phía Nam, nay là tờ Tinh Hoa Việt, hồi đó chỉ có 1 số/tháng. Báo tổ chức cuộc bình chọn “Top ten hàng Việt Nam được ưa thích nhất” và in phiếu trên mỗi tờ báo. Bạn đọc thích thương hiệu nào thì cắt gửi về. Chúng tôi căn cứ vào danh sách người dùng liệt kê và bình chọn, gửi về tòa soạn để thống kê thương hiệu Việt nào được nhiều người yêu thích. Sau đó, báo tổ chức Hội chợ hàng tiêu dùng Việt Nam ở Nha Trang, Khánh Hòa, Hải Phòng, Huế…
Thứ ba là Liên hoan đại biểu con cháu hiếu thảo toàn quốc tổ chức ở cả miền Bắc và miền Nam được dư luận xã hội thời kỳ đó cực kỳ hoan nghênh. Rồi tổ chức Hội thi bơi người cao tuổi toàn quốc, Top ten ca nhạc... Mỗi sự kiện đều để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc và bạn bè, đồng nghiệp, góp phần đưa tên tuổi của Báo Đại Đoàn Kết vươn cao, vươn xa hơn nữa.
Trong thời đại thông tin báo chí hiện nay, mỗi tờ báo trong đó có Báo Đại Đoàn Kết phải có những thay đổi kịp thời để bắt nhịp với xu thế mới. Nhưng tôi cho rằng báo giấy sẽ không bao giờ mất dù số lượng có giảm đi theo xu hướng chung.
Để chạy đua với thông tin, tôi tin rằng mỗi tờ báo sẽ chọn cho mình lối đi riêng. Riêng với Đại Đoàn Kết, tôi trăn trở tờ báo của Mặt trận nên đi vào những góc riêng sắc nhọn của mình để chinh phục bạn đọc. Như Báo Đại Đoàn Kết điện tử thời gian qua đã có những khởi sắc rõ rệt khi tổ chức được những buổi thảo luận, tọa đàm trực tuyến với các chủ đề nóng, thời sự thu hút được sự quan tâm của dư luận - điều đó rất tốt và giúp nâng cao vị thế của tờ báo khi thể hiện tiếng nói ở cấp vĩ mô hơn.
Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng thích những vấn đề dân sinh nên bên cạnh các bài chính luận, bài phản biện sắc sảo của Báo Đại Đoàn Kết, tôi cho rằng nên khai thác mạnh hơn mảng này để thu hút đông đảo mọi tầng lớp bạn đọc. Đặc biệt là những bài chống tiêu cực mang tính phát hiện, riêng có của Báo Đại Đoàn Kết. Có thể theo mô hình đã rất thành công trước đây đó là điều tra theo thư bạn đọc, cử phóng viên xuống tận địa bàn và bám trụ ở đó để tìm hiểu chi tiết sự việc, mắt thấy, tai nghe từ nhiều phía…
Nên tạo ra giọng điệu của riêng mình với phương châm kế thừa của Báo Đại Đoàn Kết từ thế hệ trước: nói thẳng nói thật, không né tránh.
Làm báo là phải dấn thân, đi vào cuộc sống, thời nào cũng thế.
Nhà báo Trần Bảo Hưng – Nguyên Trưởng ban Văn hóa – Nghệ thuật Báo Đại Đoàn Kết: Một thế hệ gạo cội của Báo Cứu Quốc
Nghỉ hưu rồi, nhưng nhớ về những thời điểm oanh liệt làm Báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Trần Bảo Hưng vẫn kể hàng loạt vụ việc từng gây tiếng vang như “Tiếng súng nổ trên cầu Chương Dương”, hay vụ Nghị định 238 của Hội đồng Bộ trưởng sai luật… Những bài báo đánh máy ở cơ quan, đưa sang nhà in, in vi tính lại và giữ bí mật đến tận phút cuối cùng mới đưa đi in để không bị lọt, lộ ra ngoài đã giúp Đại Đoàn Kết được đông đảo bạn đọc yêu mến.
Ông kể: “May mắn của tôi khi về công tác tại Báo Đại Đoàn Kết (từ năm 1984) là được nghe kể, tiếp xúc và làm việc với một thế hệ gạo cội của Báo Cứu Quốc (tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết): Xuân Thu, Lửa Mới, Hải Như (TPHCM), Nguyễn Tiêu, Hữu Tuấn, Thái Cương, Thái Duy (Hà Nội)…
Ông Xuân Thu với tác phẩm nổi tiếng “Bố con ông lão chăn bò trên núi Thắm” tôi từng được học thời phổ thông. Nhà thơ Hải Như nhỏ nhắn, sôi nổi và lịch lãm, rất quen thuộc với bạn đọc qua những bài thơ viết về Bác Hồ và TP Hải Phòng. Bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” (Thơ: Hải Như, Nhạc: Lương Vĩnh) đã trở thành “thành phố ca” của Hải Phòng.
Nhà báo Lửa Mới tôi chỉ được gặp một vài lần nhưng ấn tượng về ông khá sâu đậm. Ông là cây bút phóng sự đình đám nhất của Báo Cứu Quốc, với tính chính luận sắc bén và giàu trí tuệ.
Khi tôi về báo, ông Nguyễn Tiêu đang làm Quyền Tổng Biên tập. Ông đi đứng nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ. Cứ có cảm giác là ông không quát tháo với ai bao giờ. Làm việc với ông thật thích, không phải chỉ vì ông không nặng lời mà còn bởi ông tôn trọng tối đa cá tính sáng tạo của từng phóng viên. Ông rất ít chữa bài của phóng viên (nhất là câu chữ) nếu thấy không cần thiết. Ông nói một câu mà tôi nhớ mãi: Tớ không muốn động bút vào bài của các cậu. Các cậu còn trẻ, phải thận trọng, phải giữ lấy thân khi viết lách, khi làm việc. Có nghĩa là ông yêu cầu chúng tôi phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm với bài viết của mình.
Nhà báo Thái Cương khi tôi mới về báo đang làm Thư ký tòa soạn. Ông làm việc tận tâm, tận lực, làm việc ngoài giờ đối với ông là chuyện thường ngày. Ông đặc biệt yêu thích văn nghệ, nắm rất vững thời sự văn nghệ và có tư duy rất thoáng… Ông thường viết tiểu phẩm và thơ châm, ký tên Mai Lôi, xuất phát từ việc ông ở tập thể Quỳnh Lôi.
Nhà báo Hữu Tuấn là Phó Tổng Biên tập của báo. Khi làm thơ châm biếm, ông ký tên Lã Vọng, một bút danh quen thuộc trong làng thơ châm biếm Việt Nam. Có thời gian 6 - 7 năm ông sang làm chuyên gia, giúp bạn Campuchia xây dựng tờ báo Mặt trận. Chữ ông to, rõ nét, trái ngược với tôi, chữ vừa lít nhít vừa khó xem. Trong công việc, ông hết sức nguyên tắc, điều gì thấy đúng ông bảo vệ đến cùng “ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời”. Ông Hữu Tuấn còn là người rất đúng giờ trong sinh hoạt và chịu khó tập thể dục nên khi bước vào tuổi 90, sức khỏe ông có kém nhưng trí óc vẫn minh mẫn lắm.
Với nhà báo - nhà văn Thái Duy (tức Trần Đình Vân), tôi có thời gian được làm cùng ông nhiều nhất so với các bậc tiền bối nói trên nên kỷ niệm thì nhiều lắm. Bốn, năm mươi năm làm báo, ông chỉ duy nhất làm cho tờ báo Mặt trận: hết Báo Cứu quốc, Giải Phóng rồi Báo Đại Đoàn Kết… (trước đó ông từng làm báo ở Điện Biên Phủ) cho đến khi nghỉ hưu.
Sau năm 1954, ông và nhà văn Sao Mai bám trụ ở Hải Phòng. Ngày ngày ông đi khắp thành phố còn tạm chiếm săn tin, viết bài, rồi bí mật gửi về Hà Nội theo đường giao liên đặc biệt. Ông cũng là một trong những người đầu tiên của Báo Đại Đoàn Kết vào miền Nam chi viện cho Báo Giải Phóng.
“Sống như Anh” viết về anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi là loạt bài ông gửi ra để đăng feuilleton trên Báo Cứu Quốc. Nhưng lúc bấy giờ tất cả bài vở từ chiến trường gửi ra đều chuyển về Ủy ban Thống Nhất. Loạt bài này được chuyển đến nhà thơ Tố Hữu, phụ trách Ban Tuyên huấn, rồi sau đó được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc. Tên “Sống như Anh” là do Thủ tướng đặt…
Nhà báo Cẩm Thúy – Nguyên trưởng ban Chuyên đề Báo Đại Đoàn Kết: Có những ngày làm báo thật đặc biệt
Năm 2013 cả dân tộc chứng kiến một khoảnh khắc đặc biệt: Nước mắt rơi trên gò má những cụ già, những em bé, những tướng lĩnh, những cựu quân nhân, những người lao động bình thường nhất… nhưng không phải là những giọt nước mắt bi lụy. Đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp với riêng những người làm báo, đó là những ngày thật đặc biệt.
Chiều tối ngày 4/10/2013, tin Đại tướng từ trần đã lan truyền khắp nơi, trên các trang mạng xã hội và ở bên ngoài vỉa hè Hà Nội. Khoảng 8 giờ sáng ngày 5/10, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Quốc Khánh gọi điện để giao việc. Và vào thời khắc ấy, tuy chưa hình dung được không khí đặc biệt của tâm thế dân tộc những ngày sau đó, nhưng rất nhanh, bằng mẫn cảm của một người làm báo, tôi đã hiểu rằng mình chuẩn bị sống trong những ngày làm báo khác những ngày làm báo bình thường mà chắc một đời người làm nghề, với thế hệ sinh ra sau ngày thống nhất đất nước như tôi, cũng chỉ được trải nghiệm một lần.
Quả nhiên, rất nhanh sau đó, hình ảnh và bài viết về Đại tướng tràn ngập truyền thông trong và ngoài nước. Và cả nước, từ cụ già tới em bé, từ tướng lĩnh, cán bộ cấp cao đến những người bình thường nhất bày tỏ tình yêu và sự ngưỡng mộ đặc biệt với Đại tướng. Những cụm từ Đại tướng của nhân dân, Vị tướng huyền thoại… xuất hiện thường xuyên dường như cũng chưa đủ. Từng đoàn người nối dài, nối dài trên những con đường đẹp nhất của Thủ đô hướng tới ngôi nhà 30 Hoàng Diệu.
Đối với những người làm báo những ngày ấy, chẳng có gì quan trọng hơn sự kiện đặc biệt này và có lẽ, sự mẫn cảm quá mức của tôi đôi khi “chênh” với Ban Biên tập trong những cuộc giao ban buổi sáng về “thời lượng” tin bài về Đại tướng trong mỗi số báo ra hàng ngày. Nhưng cho đến giờ, nhìn lại, tôi vẫn cho rằng mình không thái quá, báo chí ở đâu nếu không phải là đứng giữa trung tâm của một sự kiện lớn nhường ấy, không đi từ chính trái tim mình tới trái tim bạn đọc?
Ngày 12/10, lãnh đạo Mặt trận và đại diện các đoàn thể, các tổ chức thành viên, các dân tộc, các tôn giáo, nhiều nhân sĩ trí thức có mặt từ hơn 6 giờ sáng ở 46 Tràng Thi để đi viếng Đại tướng. Đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam theo thứ tự là đoàn thứ tư. Ra khỏi Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, trong tâm trạng còn rất xúc động của mọi người đột nhiên Tổng Biên tập Đinh Đức Lập gọi tôi lại: “Chuẩn bị tinh thần đi công tác. Một chuyến công tác đặc biệt”.
Tôi dù có hơi bất ngờ cũng chỉ nghĩ chắc sẽ theo đoàn lãnh đạo Mặt trận đi đâu đó. Rồi tới buổi chiều, mới chính thức nhận được thông tin: Cơ quan cử tôi đi công tác Quảng Bình, theo chuyến chuyên cơ đặc biệt đưa thi hài Đại tướng về Vũng Chùa. Đại Đoàn Kết nằm trong số ít báo có được vinh dự đặc biệt này.
Nhớ lại những ngày làm báo ấy, bây giờ, trong tôi nguyên vẹn cảm giác rơi nước mắt khi nhìn gương mặt đầy xúc động của nhà báo Thái Duy chống gậy vào 30 Hoàng Diệu viếng Đại tướng. Và ông, bình thường rất không thích được phỏng vấn thì vào những ngày đám tang Đại tướng, đã đồng ý cho tôi thực hiện một bài trò chuyện để nói được hết cảm xúc trong lòng ông: “Đời tôi, sau đám tang Bác Hồ, không ngờ ở tuổi gần 90, lại được chứng kiến giây phút: Cả dân tộc đoàn kết muôn người như một. Một người nằm xuống làm bừng thức cả một dân tộc”.
Trong tôi nguyên vẹn cảm xúc khi suốt dọc đường từ Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông ra sân bay Nội Bài, từng đoàn bộ đội, sinh viên, học sinh và nhân dân đứng xếp hàng vĩnh biệt Đại tướng những hàng dài như vô tận.
Trong tôi, nguyên vẹn cảm xúc buổi trưa ấy rất nắng ở sân bay Đồng Hới, cán bộ, tướng lĩnh quân đội, nhân viên sân bay đứng xếp hàng và bật khóc khi nhìn thấy thi hài Đại tướng.
2013 - đã có những ngày làm báo rất khác! Và tôi có một chuyến công tác đặc biệt của đời mình!
Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:
1/Tập Đoàn Novaland
2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam
4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt
5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank
6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank
7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV
8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam
9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.
10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi