Vì đất nước cần một trái tim
Với chỉ một câu hát, Trịnh Công Sơn thức tỉnh trong trái tim hàng triệu người Việt Nam khát vọng sống và cống hiến lớn lao. Với một trái tim yêu, ta có thể đi những chặng đường dài và gian nan mà không mệt mỏi, có thể tạo nên những giá trị sống mãi với thời gian. Chặng đường khẳng định giá trị Việt trên bản đồ thế giới của ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa - ATC cũng được thôi thúc bởi một trái tim yêu như thế.
“Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/ Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình/ Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/ Vì đất nước cần một trái tim”, lời bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” nhẹ nhàng, tha thiết nhưng lại mang một thông điệp mãnh liệt về cách sống và cống hiến cho đời. Trong hàng triệu những nhịp đập của trái tim Việt Nam, có những nhịp đập đã khơi dậy nguồn cảm hứng và lôi cuốn cả bạn bè thế giới đến với Việt Nam, cùng chung tay xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp. Đó chính là câu chuyện vô cùng đặc biệt của ông Nguyễn Văn Tưởng – một doanh nhân mang ước mơ đưa cái tên Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” - mà chúng ta có dịp chia sẻ trong dịp cuối năm này. Trong vai trò một người đồng hành với Liên minh Lãnh đạo thế giới (Club de Madrid), ông có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm về hành trình đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam. Cách yêu, cách sống của ông mở ra cho chúng ta nhiều suy ngẫm và lựa chọn.
PV:“Vì đất nước cần một trái tim” lời bài hát gợi lên cho ông cảm xúc gì, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị bước vào một năm mới 2022 đầy khó khăn, thử thách và cả những cơ hội?
80 năm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết là một hành trình gian khổ nhưng đầy vinh quang. Hành trình của Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết cũng giống như Trầm Hương, trải qua bao đau thương, vẫn lan toả cho đời những giá trị cao quý nhất.
Ông NGUYỄN VĂN TƯỞNG: - “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” và “Tự nguyện” là hai ca khúc tôi rất yêu và luôn nghĩ tới mỗi khi chiêm nghiệm về lẽ sống của đời mình. Đúng như lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tìm ra lẽ sống đôi khi đơn giản là mỗi ngày ta hãy chọn một niềm vui để tận hưởng, để trân trọng và để lòng mình lắng lại chiêm ngưỡng thế giới xung quanh. Khi ấy niềm yêu trong ta dành cho những điều thân thuộc, bình dị xung quanh dần lớn lên, đến khi ta có thể làm những điều phi thường để bảo vệ những điều thân thuộc, giản đơn ấy. Từng là một người lính bảo vệ Tổ quốc và bây giờ là một doanh nhân đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước, dù ở vai trò nào, tôi cũng luôn yêu việc mình được cống hiến cho Việt Nam tươi đẹp của tôi, của tất cả chúng ta.
Người Việt Nam chúng ta gọi quê hương mình bằng một từ rất hay - “Đất Nước”. Đất và nước - hai từ đơn chỉ những thành phần tất yếu của sự sống - vốn rất đỗi bình thường mà lại được chúng ta gọi tên thành quê hương một cách trân trọng, yêu thương như thế. Tình yêu nước, ở một góc độ nào đó, cũng bình dị như vậy đấy. Chính là yêu thương từ những điều nhỏ nhất, yêu cả những gian nan, vất vả và kiên cường suốt chiều dài lịch sử của mảnh đất hình chữ S này. Cách đây hơn 20 năm, khi lần đầu tiên đứng dưới tán rừng Trầm, tôi như được nghe Trầm kể lại câu chuyện của dân tộc mình, một dân tộc dẫu trải qua biết bao đau thương vẫn là một dân tộc ưa chuộng hòa bình.
Hành trình phụng sự Trầm Hương nói riêng và hành trình khẳng định giá trị Việt Nam trên trường quốc tế nói chung đã, đang và sẽ bước qua rất nhiều gian khó, thử thách. Không chỉ năm 2022 hay những năm đại dịch hoành hành thì khó khăn mới xuất hiện. Khoảng thời gian này chỉ thôi thúc chúng ta phải thay đổi, phải làm mới và thích nghi nhanh hơn mà thôi. Cho nên, đã từ lâu tôi không còn quá tập trung vào việc phân tích những khó khăn hay hoạch định phương pháp đương đầu mà tôi chú tâm vào việc nhìn ra cơ hội ở bất cứ hoàn cảnh nào. Ngay cả những tổn thương trên thân cây dó bầu cũng tạo thành cực phẩm Trầm Hương hàng đầu thế giới thì vì cớ gì ta không thể nhìn thấy cơ hội trong vô vàn những khó khăn.
Trong năm 2022 này, cam kết đồng hành của tôi và Liên minh Lãnh đạo Thế giới vẫn tiếp tục, thậm chí ngày càng mạnh mẽ để đem những sáng kiến và phương pháp mới từ thế giới ứng dụng vào việc hoạch định chiến lược phát triển cho Nha Trang - Khánh Hòa cũng như Việt Nam.
Liên minh Lãnh đạo Thế giới là nơi hội tụ những con người tài năng được nhân dân và nhiều chính phủ trên thế giới tín nhiệm. Họ đóng vai trò quản trị, dẫn dắt thế giới vượt qua nhiều thách thức cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Đó là những thế hệ lãnh đạo, cựu lãnh đạo của các nền kinh tế phát triển trong đó có Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - một người có nhân duyên đặc biệt với Việt Nam, mở ra giai đoạn phát triển thịnh vượng trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Liên minh Lãnh đạo Thế giới cũng là diễn đàn của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tầm ảnh hưởng tới định hình sự phát triển của thế giới như Giáo sư Thomas Patterson từ Trường Quản lý Nhà nước Kennedy, Đại học Harvard; Giáo sư Alex Sandy Pentland của Đại học MIT, một trong 7 nhà Khoa học Dữ liệu xuất sắc nhất thế giới và ông Vin Cerf - người được mệnh danh là cha đẻ Internet hiện đại. Với đội ngũ có kinh nghiệm về hoạch định, quản trị chiến lược phát triển vĩ mô cùng năng lực sáng tạo, phát minh vượt trội, Liên minh Lãnh đạo Thế giới sẽ là diễn đàn chắp cánh cho khát vọng khẳng định vị thế của Việt Nam.
Tại một diễn đàn uy tín, đẳng cấp thế giới như Liên minh Lãnh đạo Thế giới, Việt Nam chúng ta khẳng định mình và thu hút sự quan tâm của đối tác quốc tế bởi điều gì thưa ông?
- Câu chuyện của dân tộc Việt Nam tạo ra nguồn năng lượng, nguồn cảm hứng tuyệt vời cho bất cứ ai lắng nghe. Vì thế tại Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới, tôi tự hào lan toả những giá trị nhân văn tuyệt vời mà ông cha mình để lại, hoà vào giấc mơ hoà bình của loài người trên toàn thế giới thông qua câu chuyện Trầm Hương.
Am hiểu về hành trình lịch sử và phát triển của Việt Nam, họ bất ngờ và gần như ngỡ ngàng khi chứng kiến những nỗ lực của Việt Nam - thực sự rũ bỏ mọi đau thương của quá khứ và sẵn sàng để đón nhận những sứ mệnh mới. Và khi tôi giới thiệu về Trầm Hương, về việc tạo thành loại hương liệu vĩnh cửu mà mọi nền văn minh đều ngưỡng mộ, tôi thấy niềm xúc động trong mắt những người bạn quốc tế.
Trong giây phút đó, họ hiểu rằng từ trong đau thương và khói lửa của chiến tranh, dân tộc Việt Nam không nuôi hận thù mà ươm mầm cho sự sống, cho khát vọng hòa bình. Một dân tộc như vậy xứng đáng với khát vọng kết nối thế giới hướng tới một tương lai tốt đẹp cho toàn nhân loại.
Chính tại diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới, danh xưng “Việt Nam – Quốc gia Trầm Hương” chính thức được công bố, trở thành “mỏ neo” trong chiến lược khẳng định giá trị Việt Nam trên bản đồ thế giới của Trầm Hương Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung. Kể từ đây, nhắc đến Trầm Hương là nhắc đến Việt Nam – quê hương của loại Trầm Hương hàng đầu thế giới. Và nhắc đến Việt Nam cũng là nhắc đến xứ sở sở hữu sản vật tự nhiên đẳng cấp thế giới – Trầm Hương.
Được biết, phiên thảo luận trực tuyến “Xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa trở thành trung tâm sáng tạo trong Kỷ nguyên khai sáng toàn cầu” do Diễn đàn toàn cầu Boston, Liên minh Lãnh đạo thế giới tổ chức vào ngày 9/12 với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, đã mang đến một thông điệp quan trọng: Nha Trang - Khánh Hoà sẽ là một điểm đến mới của trí tuệ thế giới và xây dựng Nha Trang - Khánh Hoà là thành phố của sáng tạo. Với tư cách là một công dân của Khánh Hoà ông suy nghĩ gì về điều này?
- Đây là một tin vui, một niềm tự hào cho tất cả công dân Nha Trang – Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung. Cá nhân tôi, không quá bất ngờ bởi tôi đã nhìn thấy những tiềm năng có một không hai của thành phố biển này từ rất lâu. Lúc này, tôi chỉ đang chứng kiến những tiềm năng đó từng bước trở thành hiện thực mà thôi. Nha Trang - Khánh Hòa hội tụ đủ điều kiện để trở thành một trung tâm sáng tạo của thế giới.
Thứ nhất, Khánh Hoà sở hữu những thương hiệu đặc sắc về sản vật tự nhiên gắn liền với địa danh Khánh Hoà, đã khẳng định được giá trị và vị thế trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Trong đó, hai cái tên nổi bật nhất là Trầm Hương Khánh Hoà và Yến Sào Khánh Hoà. Những sản vật đặc thù được phát triển đúng hướng, trở thành sản phẩm có giá trị thương hiệu gắn với địa danh cụ thể - đó là chiến lược rất thành công của nhiều vùng kinh tế nổi danh trên thế giới và rất cần được phát huy tại Việt Nam.
Thứ hai, Nha Trang - Khánh Hoà có tiềm năng quy tụ và phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực. Nơi đây sở hữu cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á, đó là Viện Hải Dương Học thành phố Nha Trang. Ngoài ra, Viện Pasteur Nha Trang giữ vai trò tổ chức triển khai các hoạt động và chương trình, dự án thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Thứ ba, Nha Trang - Khánh Hoà là nơi giao thoa của hai dòng biển nóng – lạnh. Vì vậy, Khánh Hoà sở hữu vùng biển nhiệt đới điển hình và vùng núi với kiểu khí hậu ôn đới mát mẻ rất đặc biệt, thích hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng, nghiên cứu - sáng tạo.
Thứ tư, Nha Trang - Khánh Hòa có dấu ấn đặc sắc về văn hóa, lịch sử. Trong truyền thuyết, Nữ thần Ponagar ngự tại Nha Trang là vị thần uy nghiêm cùng núi non, trời biển suốt 1.300 năm với quyền năng tái tạo và sinh sôi. Người dân Nha Trang - Khánh Hòa tôn thờ Nữ thần Ponagar và trân trọng những giá trị tự nhiên, tinh thần như một món quà của đấng thần linh.
Bởi thế mà, người dân Khánh Hòa ôn hòa, bình đạm, luôn sẵn sàng cống hiến, chia sẻ với một tâm hồn vô tư, khoáng đạt, không vụ lợi khi cùng hướng tới một mục tiêu chính đáng. Những luồng tư tưởng mới, tri thức mới mang tính nhân văn chắc chắn sẽ luôn được đón nhận và lan tỏa trong một cộng đồng như vậy.
Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều đến sáng tạo và các phong trào sáng tạo, con người sáng tạo. Theo ông, chúng ta đang ở giai đoạn nào của kinh tế sáng tạo?
- Bây giờ nhìn bất kể lĩnh vực nào cũng đều có những xu thế sáng tạo. Nếu không có sự sáng tạo, con người không thể thăng hoa, cảm hứng không thể nở rộ, kinh tế không phát triển.
Nhưng nói về kinh tế sáng tạo, chúng ta mới chỉ ở bước đầu. Trên thế giới đã có những quốc gia tiến đến nền kinh tế sáng tạo thứ tư và thứ hạng này không liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà là cảm xúc kinh tế sáng tạo.
Ví dụ, chiếc bánh chưng của Việt Nam - biểu hiện tinh hoa nhất của nền văn minh lúa nước, từ thời Lang Liêu đến nay, vẫn y nguyên, chúng ta chưa có cách làm cho chiếc bánh chưng đó có tính toàn cầu. Như vậy, chúng ta chưa hề có sự sáng tạo gì, ngay cả trong khâu vận chuyển, cách đóng gói, cách kể chuyện hay cách chuyển không gian của chiếc bánh chưng đó từ gian thờ của người Việt đến với nơi linh thiêng của các dân tộc khác trên thế giới. Trong khi đó, trên ban thờ của người Việt ngày nay đang ngập tràn những sản phẩm, sản vật của các nước khác. Nhìn vào đó, chúng ta đã thấy được rằng, chúng ta chỉ mới ở những bước đầu tiên của nền kinh tế sáng tạo.
Hay nhìn vào thị trường bất động sản, khi người Việt có điều kiện kinh tế hơn, họ hay nghĩ đến việc sở hữu thật nhiều nhà và xe giống như tư duy của người dân tại các nền kinh tế phát triển vào thế kỷ 19 và 20. Trong khi ngày nay, tư duy của thế giới đã thay đổi lên một đẳng cấp mới. Họ không sở hữu nhà mà sở hữu những kỳ nghỉ. Cụ thể, họ bỏ tiền ra “mua quyền hưởng thụ trong ngôi nhà” của một công ty bất động sản với nhiều chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới. Vậy là, họ có thể “về nhà” khi đặt chân tới bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Và như vậy, họ chỉ cần bỏ tiền ra một lần và có thể đi nghỉ dưỡng cả đời ở khắp nơi trên thế giới.
Vậy ở Việt Nam thì sao, thưa ông?
- Ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ đi ở khách sạn, chưa phải nhà của mình. Chúng ta mới chỉ chớm hình thành căn hộ du lịch và chưa có cơ chế để mô hình này phát triển. Tôi nói ra những điều này vì đây là môi trường cho kinh tế sáng tạo phát triển. Nhà nước cần tạo môi trường cho kinh tế sáng tạo phát triển nhưng chính con người Việt Nam cũng cần phải nâng tầm hưởng thụ và sáng tạo các sản phẩm xứng tầm với thời đại mới.
Qua hai ví dụ về bánh chưng và căn hộ du lịch, chúng ta phải có cái nhìn lớn hơn, từ khâu quy hoạch của nhà nước đến khâu sáng tạo, thiết kế, xây dựng của công ty cho đến dịch vụ mềm trong “ngôi nhà” để tạo thành một trải nghiệm hoàn chỉnh. Nền kinh tế sáng tạo sẽ là tổng hòa của những tầm nhìn lớn như vậy.
Nhưng làm thế nào để thúc đẩy kinh tế sáng tạo?
- Người Việt Nam rất sáng tạo nhưng để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để cổ vũ, giải phóng sức sáng tạo của mỗi người, sức sáng tạo của các lực lượng, từ đó giải phóng sức sáng tạo của các nguồn lực khác.
Chắc chắn một điều, đổi mới sáng tạo là động lực chính để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Quay trở lại với câu chuyện “Việt Nam - Quốc gia Trầm Hương”, theo ông, chúng ta phải làm gì, cần sáng tạo gì?
- Trầm Hương luôn hiện diện ở những nơi cao quý, những chốn thiêng liêng và vào những thời khắc đặc biệt. Chính vì vậy, Trầm Hương Khánh Hòa đã đồng hành cùng Liên minh lãnh đạo thế giới. Đó cũng là niềm tự hào của Việt Nam khi có một sản vật được thế giới ngưỡng mộ và tin yêu. Trầm Hương được kỳ vọng sẽ vượt ra khỏi không gian văn hoá mà trở thành một ngành kinh tế đem lại lợi ích cho người Việt, lan toả được giá trị Việt Nam ra thế giới.
Tôi cho rằng, trước tiên, chúng ta cần sáng tạo trong cách hiểu, hình dung và kể câu chuyện về Trầm Hương để tất cả người dân Việt Nam có thể nhìn nhận đúng giá trị của Trầm. Người Việt biết đến Trầm Hương là thứ rất cao quý, đắt tiền, nhưng chưa nhận định được vị trí, tầm ảnh hưởng về văn hóa của Trầm trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của họ. Thử tưởng tượng một mùa Xuân thiếu hương Trầm, những nếp nhà Việt Nam liệu có còn hương vị của mùa xuân? Nén hương Trầm trên ban thờ gia tiên ngày 30, mùng 1 là niềm thương nỗi nhớ của bao nhiêu người Việt, thế nhưng chúng ta lại hiểu rất ít về loại hương thơm kỳ diệu ấy.
Bên cạnh đó, việc hình thành một vùng nguyên liệu chuẩn mực cho Trầm Hương cũng cần được chú trọng. Hiện nay chúng ta có thể trồng và phát triển được Trầm, nhất là từ Hà Tĩnh đến Phú Quốc, vì vậy, cần có cơ chế, chính sách để quy hoạch những vùng này thành vùng nguyên liệu chất lượng cao, làm nền tảng cho cả ngành kinh tế Trầm Hương.
Theo ông, những sản vật nào đang hội tụ đầy đủ cơ hội để có thể cùng Trầm Hương tạo ra một nền kinh tế, lan toả tới thế giới?
- Chúng ta có một số sản vật sau đây có thể đồng hành cùng Trầm Hương để lan tỏa đến với thế giới, đó là Yến Sào và Sâm Ngọc Linh.
Tôi có một niềm tin chắc chắc rằng những sản vật này sẽ trở thành mũi nhọn, là biểu trưng, là ngọn cờ của Việt Nam ra với thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một câu chuyện Việt Nam trên trường quốc tế. Hệ sinh thái của ba sản vật này sẽ tạo ra nền kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp Việt Nam vô cùng vĩ đại.
Hiện nay, hầu như các sản phẩm trên thế giới đều bị tác động bởi công nghệ biến đổi gen. Nhiều nước đã cấm những sản phẩm biến đổi gen do những hệ lụy mà nó mang lại cho tự nhiên và cho con người. Việt Nam đang quay trở lại mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ thay vì vô cơ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học để chúng ta có chất lượng thực phẩm từ nông nghiệp tốt hơn, đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng, không sinh ra những loại bệnh cho cơ thể con người. Do đó, những sản vật hình thành từ tự nhiên sẽ ngày càng được săn lùng và ưa chuộng. Đây là cơ hội lớn cho chúng ta.
Tại sao lại là Trầm Hương, Yến Sào và Sâm Ngọc Linh, thưa ông?
- Thứ nhất, người dân các thị trường lớn trên thế giới ngày càng “sành” ăn, họ không cần ăn nhiều mà ăn tinh. Thiên nhiên hun đúc vào ba sản vật này rất nhiều chất vi lượng đặc biệt, có tác dụng cung cấp các chất hữu cơ có lợi cho cơ thể, làm cho cơ thể cảm thấy minh mẫn hơn, khỏe mạnh hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tật, hưởng thụ cuộc sống.
Để thành công, các doanh nhân phải biết kể câu chuyện của mình. Đây là lúc chất xám và sức sáng tạo phát huy tác dụng. Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề ngày càng cao, sức sáng tạo ngày càng mạnh mẽ và sẵn sàng tiếp thu cái mới. Đây là tiền đề để chúng ta nâng cao giá trị của sản phẩm mang đặc thù Việt Nam, chiếm lĩnh những thị trường lớn.
Câu chuyện cuối năm mở ra những cơ hội mới, đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn ngay từ bây giờ. Nhà nước cần có cơ chế, kế hoạch phát triển cụ thể. Đặc biệt, đất nước cần trái tim nhiệt huyết của những doanh nhân có tài, có đức và tư duy toàn cầu để đưa dân tộc Việt Nam vươn đến ước mơ khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Người Việt Nam chúng ta gọi quê hương mình bằng một từ rất hay – “Đất Nước”. Đất và nước – hai từ đơn chỉ những thành phần tất yếu của sự sống – vốn rất đỗi bình thường mà lại được chúng ta gọi tên thành quê hương một cách trân trọng, yêu thương như thế. Tình yêu nước, ở một góc độ nào đó, cũng bình dị như vậy đấy. Chính là yêu thương từ những điều nhỏ nhất, yêu cả những gian nan, vất vả và kiên cường suốt chiều dài lịch sử của mảnh đất hình chữ S này.