Gánh nặng trên vai những đứa trẻ Indonesia giữa đại dịch

Mai Nguyễn (Theo CNA) 25/01/2022 14:10

Indonesia đang phải đối diện với một ‘thế hệ trẻ mất mát’ - khoảng 34.000 trẻ em đã trở thành mồ côi bởi đại dịch Covid-19. Nhiều trong số chúng đã bỏ học, những giấc mơ chỉ còn sự dang dở.

Những giấc mơ bỏ dở

Vào tháng 8/2021, Tasya Aprilia Agatha, 17 tuổi, đã mất cha vì đại dịch Covid-19. Điều này đã khiến cả gia đình cô phải vật lộn để tồn tại. Là một tài xế giao hàng và trụ cột gia đình duy nhất, cha Tasya từng chỉ kiếm đủ tiền sinh sống cho gia đình hàng tháng. Sau sự ra đi của cha, Tasya phải đã phải bước lên để tìm kiếm con đường sống cho gia đình.

Sáu ngày một tuần, cô thức dậy lúc 4h sáng để giúp mẹ trông coi một cửa hàng ăn tạm, bên cạnh đó vừa đi học vừa làm thêm trong một quán cà phê. Tasya chỉ ngủ khoảng 4 tiếng mỗi ngày.

Tasya Aprilia Agatha, cô bé 17 tuổi mất cha vì đại dịch Covid-19. Ảnh: CNA.

“Em đang làm việc vì em muốn giúp mẹ và tự trang trải học phí”, cô nói. “Em có thể sử dụng thu nhập của mình để thanh toán các chi phí của bản thân và sẽ không cần phải xin tiền mẹ nữa”.

Cô học sinh cuối cấp trung học ở thành phố Kediri phía Đông Java này luôn ước mơ được vào đại học và trở thành một nữ doanh nhân. Nhưng với lượng công việc hiện tại, điểm số của Tasya ở trường đã giảm xuống. Nhiều sinh viên khác ở Indonesia đã phải bỏ học giữa lúc đại dịch bùng phát.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 9/2021, khoảng 2% trẻ em từ 5 đến 18 tuổi đăng ký đi học đến tháng 3/2020 đã không còn đăng ký vào tháng 11/2020. Con số đó là khoảng 1,3 triệu học sinh. Lý do bỏ học nhiều nhất là do thiếu tiền đóng học phí.

Hai anh em Dona và Beni, 17 tuổi và 11 tuổi, mất mẹ vì đại dịch Covid-19 vào tháng 7/2021. Ảnh: CNA.

Khi việc học cũng là một thử thách lớn

Ngay cả đối với những học sinh còn đang đi học, thời gian dài giãn cách xã hội cũng đặt ra một thách thức lớn khi các lớp học phải chuyển sang chế độ trực tuyến. “Khi bọn em có câu hỏi, luôn rất khó để hỏi được, ngay cả khi chúng em cố gắng giải thích qua ứng dụng nhắn tin”, Tasya thở dài. “Tương tác trực tiếp tốt hơn nhiều”.

Giáo viên củaTasya, cô Yurni cũng đồng ý và nhấn mạnh rằng, hầu hết các phụ huynh - những người có mức thu nhập trung bình và thấp cũng không thể cung cấp được thứ mà học sinh cần nhất: Một mạng lưới Internet đầy đủ.

Các trường học ở Indonesia đều đóng cửa từ tháng 3/2020 và mới chỉ bắt đầu mở cửa trở lại trong những tháng gần đây. Ảnh: CNA.

“Đôi khi chúng tôi liên lạc với bọn trẻ, chúng nói rằng không thể tham gia lớp học trực tuyến. Khi hỏi lý do tại sao, nhiều học sinh đã nói rằng gia đình chúng đã hết hạn sử dụng Internet”, giáo viên thở dài.

Mặc dù nhiều trường học đã mở cửa trở lại, nhưng việc bắt kịp những kiến thức mà học sinh đã bỏ lỡ lại là một thách thức khác khó khăn hơn nhiều. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chỉ 30% trẻ em Indonesia đạt điểm tối thiểu về môn đọc trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế trước đại dịch. Báo cáo cũng ước tính rằng việc đóng cửa trường học do đại dịch có thể khiến điểm đọc của học sinh mất trung bình từ 25 đến 35 điểm.

Những vấn đề xã hội kéo theo

Một báo cáo khác của UNICEF ​​cũng lưu ý rằng tỷ lệ bỏ học gia tăng do đóng cửa trường học sẽ khiến trẻ em có nguy cơ tảo hôn và rơi vào các hoạt động bóc lột.

Bộ trưởng Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em, bà Bintang Puspayoga thừa nhận rằng, nạn tảo hôn và lao động trẻ em đang “gia tăng” do những “áp lực kinh tế” không thể tránh khỏi từ đại dịch.

Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần cùng nhau xây dựng một hệ thống hỗ trợ dưới hình thức một môi trường an toàn và thoải mái cho thế hệ trẻ”.

Bởi một khi bọn trẻ bỏ học, chúng đều không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia vào lực lượng lao động. Khi kiếm được tiền, một trong số chúng sẽ không muốn quay trở lại trường học nữa.

Ví dụ điển hình về trường hợp của Rizki, 10 tuổi: Cậu bé đã làm chú hề đường phố ở thành phố Depok phía Tây Java được một năm.

Rizki, cậu bé 10 tuổi làm chú hề đường phố ở thành phố Depok phía Tây Java. Ảnh: CNA.

Số tiền cậu kiếm được là khoảng 2 triệu rupiah (tương đương 141 USD) mỗi tháng. Khoản tiền này đã giúp Rizki trả tiền thuê nhà nơi cậu sống cùng anh trai 24 tuổi Iksan và vợ của anh, chị Endah.

Endah đã cố gắng thuyết phục Rizki đi học để có thể kiếm được một công việc tốt hơn trong tương lai. Nhưng khi được hỏi liệu cậu bé có muốn quay lại trường học hay không, Rizki lại quả quyết: “Không, em không muốn. Chúng ta rất cần tiền để trả tiền thuê nhà”.

Ước tính có khoảng 34.000 trẻ em Indonesia đã mất một hoặc cả cha lẫn mẹ vì đại dịch Covid-19. Để bảo vệ trẻ mồ côi, chính phủ Indonesia đã ban hành luật tìm người chăm sóc thay thế.

Theo Bintang, một nhóm văn phòng địa phương do Bộ Công bằng Xã hội đứng đầu đứng ra đảm bảo rằng sẽ tìm ra “những người chăm sóc thay thế phù hợp” cho những đứa trẻ. “Chúng tôi cần đảm bảo rằng bọn trẻ được bảo vệ và sau này sẽ không bị bỏ rơi thêm lần nữa”, cô nói. “Chúng tôi cũng phải đảm bảo rằng chúng sẽ không bị lợi dụng và buôn bán”.

Suparti đã chăm sóc những đứa cháu của cô như con ruột hàng ngày, kể từ khi mẹ của chúng, tức cháu gái của cô qua đời vì đại dịch. Ảnh: CNA.

Nhưng ngay cả khi tìm được người chăm sóc phù hợp, sự hỗ trợ về tài chính lại là một vấn đề cần thiết khác. Theo thị trưởng thành phố Kediri, ông Abdullah Abu Bakar cho biết khoảng 300 trẻ em trong thành phố đã mất cha mẹ giữa đại dịch.

Để giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi và những người chăm sóc chúng, chính quyền địa phương đang thực hiện một chương trình mang tên “Hy vọng cho gia đình”, sẽ được khởi động trong năm nay với sự giúp đỡ nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Indonesia cũng đang thực hiện một dự án tương tự. Tại tỉnh Tây Java, nhiều tổ chức phi chính phủ đã làm việc với văn phòng địa phương của Bộ Công bằng Xã hội để giúp đỡ những trẻ em mồ côi.

Hy vọng trong những cơn sóng tiếp theo

Đến thời điểm hiện tại, với gần một nửa dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, các trường hợp lây nhiễm đã giảm đáng kể từ tháng 7, thời điểm Indonesia đang chiến đấu với làn sóng Covid-19 thứ hai do biến thể Delta gây ra.

Số ca mắc hàng ngày của quốc gia này đã giảm xuống mức dưới 100 tại một thời điểm vào tháng 12, nhưng kể từ lúc đó, con số đã bắt đầu tăng trở lại với sự lây lan mạnh mẽ của siêu biến thể Omicron.

Giáo dục là khoản đầu tư tốt nhất cho thế hệ tương lai, đặc biệt là giữa thời điểm đại dịch hoành hành. Ảnh: CNA.

Tháng trước, Indonesia đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy số học sinh bỏ học thực sự đã giảm nhưng đại dịch Covid-19 lại một lần nữa khiến con số này tăng trở lại. Đảm bảo học sinh được đến trường đầy đủ là vấn đề quan trọng hàng đầu bởi khoản đầu tư tốt nhất là giáo dục cho thế hệ tương lai.

Mai Nguyễn (Theo CNA)