Câu ca nối nhịp yêu thương
Tết ở xứ người, khung cảnh xã hội vẫn vận hành như thường lệ khiến cho nỗi nhớ quê hương lại trào dâng trong lòng người xa xứ. Lúc ấy, một câu dân ca, có thể là một làn điệu quan họ, một câu ví dặm, hay một câu vọng cổ... lại càng trở nên xúc động hơn, thậm chí sẽ khiến cho nhiều người trào nước mắt. Nhưng đó là nước mắt của sự ấm áp đưa họ về miền ký ức của quê hương.
Tết Nguyên đán của người Việt thường diễn ra vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch. Ở phần lớn các nước trên thế giới, nhất là các nước phương Tây, đó là khoảng thời gian nhịp sống trở lại bình thường, sau kỳ nghỉ lễ Noel. Nếu Tết không diễn ra vào cuối tuần thì bà con kiều bào muốn đón Tết, phải xin nghỉ một ngày. Người Việt ở Đông Âu thường kinh doanh trong các trung tâm thương mại, chợ của người Việt.
Có người nghỉ chợ đón Tết, nhưng cũng không ít người thậm chí dậy sớm ngày mồng 1, thắp hương cúng tổ tiên xong, lại ra chợ dọn hàng. Trong cái lạnh tê tái ở trời Âu, Tết Nguyên đán là đem lại niềm vui, nhưng cũng là lúc nỗi buồn dâng lên trong lòng, khi những khung cảnh chúc Tết, gia đình họ hàng quây quần, đầm ấm bên nồi bánh chưng, bên mâm cỗ Tết cứ ngập tràn... Lúc ấy, những câu hát dân ca, bỗng nhiên làm quê hương như gần lại bên mình.
Chị Nguyễn Thu Hương, một người kinh doanh ở Trung tâm thương mại Sapa (Cộng hoà Séc) chia sẻ: “Bình thường mình không hay nghe hát dân ca. Mình thích nhạc hiện đại hơn. Nhưng Tết đến, xuân về thì lạ lắm. Thế nào mình cũng mở mấy bài hát quan họ, dù mình không phải người Bắc Ninh, Bắc Giang. Nghe những làn điệu dân ca quan họ là thấy không khí hội hè, thấy mình như được “về quê” ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nơi mình sinh ra. Câu hát cất lên là thấy xúc động. Dịp Tết, mình mở dân ca ngay khi ở chợ. Nhiều khách nước ngoài đến cũng rất thích”.
Tết Nguyên đán là dịp các tổ chức Hội đoàn của người Việt hay tổ chức các buổi sum họp. Dù ở Tây Âu như Pháp, Đức, hay các nước Đông Âu như Ba Lan, Ukraina, Hungary..., Ban Tổ chức cũng thường rất khéo chọn lựa các làn điệu dân ca, với sự góp mặt của đại diện cả ba miền. Nhất là hát chèo, hát quan họ của vùng Bắc Bộ, những câu ví dặm miền Trung hay các bài vọng cổ của vùng đất phương Nam. Điều ấy bắt nguồn từ việc cộng đồng người Việt đến từ nhiều tỉnh, thành, nhiều vùng miền khác nhau. Một chương trình như thế sẽ giúp bà con ai cũng “tìm thấy” quê mình.
Từ tình yêu dân ca, ở nhiều quốc gia, các câu lạc bộ (CLB) dân ca đã ra đời. Một trong những CLB tập hợp cộng đồng đông đảo là Hội yêu Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Đức và châu Âu. Người sáng lập Hội là nhạc sĩ Hoàng Thị Dư.
Nhạc sĩ Hoàng Thị Dư sinh ra và lớn lên tại một làng quê của cái nôi hát chèo, xã Đông Sơn (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), chị học Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam và công tác tại Đoàn nghệ thuật Công an Nhân dân trước khi sang Đức rồi định cư tại đây. Chị thành lập Hội yêu Nghệ thuật truyền thống Việt Nam để thể hiện tình yêu, để phục vụ cộng đồng và lan tỏa tình yêu đến mọi người. Ngoài sinh hoạt trực tiếp, Hội còn có Fanpage, với hơn 2.000 thành viên, chủ yếu đến là người Việt sinh sống, làm việc ở châu Âu.
Chị Hoàng Thị Dư chia sẻ: “Tình yêu và nỗi nhớ quê hương trong những năm tháng xa xứ đã đánh thức trong tôi những làn điệu chèo truyền thống. Khi những tiếng hát vang vọng, khi những làn điệu chèo được đánh thức thì cũng chính nó cùng với tình yêu quê hương là động lực bùng cháy trong tôi khát vọng sáng tác, khát vọng chia sẻ. Ban đầu tôi nghĩ những bài hát của mình chỉ là để giải tỏa những khát khao và niềm đam mê. Chỉ là tâm sự những nỗi niềm riêng tư. Nhưng thật bất ngờ khi nhận được sự đồng cảm và cổ vũ lớn của khán thính giả và bạn yêu chèo. Điều đó cũng nói lên sức sống mãnh liệt của dân ca dù ở nơi nào, trong hoàn cảnh nào và thời gian nào”.
Năm 2021 đánh dấu một sự kiện quan trọng về dân ca trong đời sống kiều bào, khi Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức cuộc thi hát dân ca dành cho người Việt Nam ở nước ngoài. Sức sống của nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài được thể hiện khi Ban Tổ chức đã nhận hết sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Chỉ vài tháng sau khi phát động, hàng trăm bản ghi âm, và rất nhiều video clip mà kiều bào trên khắp thế giới gửi về. Trong đó, có những video được làm hết sức công phu. Không chỉ từ những nước có đông đảo cộng đồng người Việt như: Liên bang Nga, Đức, Pháp… các thí sinh còn đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ ít người Việt cư trú như: New Zealand, Cyprus… Nhiều tác phẩm dự thi thể hiện sự kỳ công luyện tập cùng với những hình ảnh đẹp. Một điều ngạc nhiên không kém, là các thí sinh đã thể hiện tài năng ở nhiều loại hình dân ca khác nhau. Lại có những người đã lên ông, lên bà cũng thể hiện nỗi hoài nhớ quê hương trong khúc dân ca. Đó là câu chuyện của bác Hoàng Thị Thật (76 tuổi), bác Ngô Văn Quang (71 tuổi) ở Thái Lan, bác Đoàn Hải Bến tại CHLB Đức…
Có lẽ là người Việt Nam, không mấy ai không biết bài thơ của Nguyễn Duy “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, và cũng không mấy ai không từng nghe bài thơ này được thể hiện qua những điệu ngâm, điệu chèo. Từng câu, từng chữ đều là nỗi khắc khoải của một người con nhớ về người mẹ đã khuất.
Đó là: “Mẹ ta không có yếm đào/ Nón mê thay nón quai thao đội đầu/ Rối ren tay bí tay bầu/ Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa”. Đó là những ước vọng được trở lại cái ngày xưa ấy: “Bao giờ cho tới mùa thu/ Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm/ Bao giờ cho tới tháng năm/ Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao”. Nhưng khi giọng ca Vũ Quang Nam (CH Liên bang Đức) cất lên, nhiều người đã rơm rớm nước mắt. Vũ Quang Nam bảo, anh không phải ca sĩ, chỉ là người đam mê ca hát, đặc biệt là những bài hát dân ca. Song, điều khiến giọng ca của anh trở nên truyền cảm, xúc động, bởi những ca từ trong bài khiến người ta không chỉ hình dung về một người mẹ cụ thể, mà còn nghĩ đến người Mẹ quê hương.
Vũ Quang Nam là một người xa Tổ quốc. Và tình yêu, nỗi nhớ quê nhà được anh gửi vào câu hát. Những ca từ đầy cảm xúc được truyền đi dưới làn điệu hát văn thân thuộc, càng trở nên thấm vào lòng người. Một clip được dàn dựng hết sức đơn giản ở phòng thu, kéo dài đến mười phút, nhưng nghe hết, người ta vẫn cảm thấy còn chưa đủ…
Câu chuyện giọng ca của Vũ Quang Nam có thể bắt gặp trong nhiều bài thi khác. Chưa hẳn đã hay. Nhưng không ai có thể phủ nhận những tình cảm, những yêu thương qua lời hát.
Ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban Đối ngoại VOV5, đại diện Ban Tổ chức cho biết: “Bên cạnh những cô bác, anh chị đã có những năm tháng sống ở Việt Nam trước khi sang nước ngoài định cư, thì có những tác phẩm đã được các cháu bé thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt thể hiện. Qua các tác phẩm dự thi cho thấy các cháu tham gia với không khí vui vẻ, hào hứng. Bằng chất giọng đôi khi còn ngọng nghịu, nhưng các bé đã cố gắng hát đúng những làn điệu dân ca của quê hương mình”.
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Năm xưa, nhà trí thức Phạm Quỳnh đã nói câu ấy. Điều này cũng đúng với những câu dân ca. Dù ở phương trời nào, vẫn còn những câu dân ca, thì ở đó, vẫn luôn có tâm hồn Việt, văn hóa Việt. Và tâm hồn ấy, văn hóa ấy, vẫn đang được truyền thừa qua những thế hệ.