Kết  nối người Việt ở xa Tổ quốc

HỮU THÁI (thực hiện) 31/01/2022 00:18

Một ngày cuối năm, tôi bắt gặp những chia sẻ về Kênh Việt của nhà văn Kiều Bích Hương, hiện đang sống ở Vương quốc Bỉ. Tò mò vào nghe, rồi đọc thêm những chia sẻ về Kênh Việt của chị và về nhóm thực hiện dự án này, chợt thấy thật cảm động.

Nhà văn Kiều Bích Hương (bên trái) cùng bạn dự Tết Việt ở Brussels.

Giữa những biến động từ đại dịch Covid-19 gây ra, người Việt ở xa Tổ quốc cũng bị ảnh hưởng nhiều, nhưng họ đã vươn lên mạnh mẽ. Để rồi, lại thêm những chương trình chia sẻ về ẩm thực, văn chương Việt bằng chính thứ tiếng Việt thân thương. Tôi gọi đó là hành trình kết nối những trái tim ở xa Tổ quốc.

PV:Điều gì thôi thúc chị bắt tay thực hiện Kênh Việt?

Nhà văn KIỀU BÍCH HƯƠNG: Một năm trước tôi còn khá mơ hồ về podcast (chương trình âm thanh mà có thể nghe trên các ứng dụng). Nghe đài cũng ít, vài chục phút thời sự để biết thế giới đang xảy ra chuyện gì thôi. Còn vẫn thói quen cũ là đọc và viết.

Covid-19 ập đến, trẻ con ở nhà nhiều hơn, cơ hội “ngoài vùng phủ sóng” để tập trung đọc-viết của tôi ít đi. Tôi nhớ là khoảng tháng 2/2021 Helen Ngo- cô bạn trẻ từng đọc một số tác phẩm của tôi cũng đang tạm nghỉ ở nhà chờ việc mới nên hay gọi điện trò chuyện. Đôi lần cô gợi ý sao không chuyển các truyện ngắn, bài báo của tôi sang dạng podcast để có thêm người nghe, kéo dài đời sống tác phẩm “podcast bây giờ phổ biến lắm, dễ tiếp cận trên các nền tảng youtube, spotify, anchor”.

Nếu Helen bảo làm sách nói chắc tôi gạt phăng. Nhưng chuyển thể audio những tác phẩm thời lượng ngắn, vừa thời sự vừa suy ngẫm, cận nhân sinh và thấu nhân tình theo cách chọn lọc của mình, mỗi bài một giọng, thì lại là chuyện khác, có sự thú vị riêng. Chỉ cần bỏ ra vài chục phút thôi, vừa nấu nướng vừa dọn nhà, trẻ con chạy huỳnh huỵch xung quanh vẫn có thể nghe được.

Nhưng chọn thông tin gì, và đọc thế nào lại là câu hỏi lớn?

- Kinh nghiệm của tôi khi học nghề thư viện ở Bỉ cho thấy càng nhiều thông tin càng khó chọn tin. Nói thế để thấy thực tế chúng ta đang ở tình trạng thừa mà vẫn thiếu thông tin. Nếu có cơ hội vận dụng khả năng và kiến thức của mình tìm tin, sàng lọc và khai mở cho một cộng đồng người nghe nào đó, cũng là việc nên làm.

Nhìn ra cuộc sống của người Việt ở nước ngoài, tôi thấy cũng đang thiếu nội dung đọc gọn mà gợi này bên cạnh các kênh sách nói, podcast về tản văn, phát triển bản thân, thiền... đang nở rộ. Minh Thu - người bạn gốc Việt ở Bỉ của tôi nhiều lần kể “Chỉ leo lên xe em mới có thời gian nghe cái gì đó mình thích”, còn Ngân Trương sống ở Áo kể “Mình viết tự truyện chiến đấu với căn bệnh ung thư vú di căn, mong các con hiểu lòng mẹ đã trải qua những năm tháng khó khăn đau đớn và khát khao được sống bên các con như thế nào. Tiếc là các con mình không thể đọc được tiếng Việt, chỉ có thể nghe”...

Tôi chia sẻ dự án này với bạn bè đồng hương, hầu hết ủng hộ nhiệt tình, cảm thấy đủ duyên để bắt tay vào làm. Ngày đầu tiên phát sóng 1/5/2021, chúng tôi cho ra mắt liền 5 podcast đa dạng thể loại: truyện ngắn, ký, phê bình nghệ thuật, trò chuyện, tự truyện.

Chúng tôi đã gọi quá trình gây dựng và phát triển Kênh Việt happiness station (gọi tắt Kênh Việt) là hành trình tặng nhau một niềm vui. Đã có khách mời đầu tiên, đã có sản phẩm podcast, các thiết kế của Helen Ngo tạo được sắc màu riêng, phát sóng cùng lúc trên nhiều nền tảng. Sau đó bắt đầu được chia sẻ, lan tỏa, càng vui hơn.

Hành trình tặng nhau một niềm vui có gặp những khó khăn, trở ngại gì không?

- Tôi chỉ quen với viết và biên tập câu chữ trên máy tính chứ kiến thức, kinh nghiệm biên tập âm thanh không có. Rất may các biên tập viên âm thanh và dàn dựng video của kênh xuất hiện đúng lúc. Nguyễn Hoàng Việt ở Cộng hòa Séc và Nguyễn Quang Hải ở Pháp đều là các chuyên gia công nghệ thông tin. Nhờ sự tham gia của họ tôi mới yên tâm kênh có thể chạy đường dài.

Bé Vũ Tuệ Minh (10 tuổi) đạt giải Nhất cuộc thi “Nói món Việt cùng con” với clip “Món Việt rất sáng tạo”.

Còn việc quyết định lựa chọn tiếng Việt khi thực hiện các podcast có phải là khó khăn tiếp theo? Thông qua sự lựa chọn này nhóm thực hiện Kênh Việt mong muốn điều gì?

- Tôi muốn nhấn mạnh cảm xúc bởi đó là điều chúng ta đang thiếu và đang mong tìm lại khi nói và đọc tiếng Việt ở nước ngoài. Còn nhớ cái Tết Việt đầu tiên xa nhà của tôi là năm 2002, khi ấy tôi theo đoàn phóng viên Đông Nam Á sang Nhật Bản dự chương trình trao đổi văn hóa theo lời mời của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Lúc ấy chưa có điện thoại thông minh hay các ứng dụng trò chuyện như bây giờ. Trong 11 ngày di chuyển qua 5 thành phố Tokyo – Kyoto – Nagoya - Hiroshima và Fukuoka ấy, chúng tôi chỉ giao tiếp tiếng Anh và theo lịch trình làm việc liên tục. Nghĩa là tôi hoàn toàn cắt đứt với tiếng Việt.

Một hôm trong sảnh chờ cuộc họp, tôi nghe tiếng Việt thân thương vang lên từ một nhóm tiếp viên hàng không. Cảm giác khi ấy thật xúc động, tôi hớn hở chạy ra bắt chuyện chỉ vì thèm được nói vài câu tiếng Việt.

Suốt 12 năm qua định cư tại Bỉ cũng vậy. Càng học thêm một ngôn ngữ khác càng cảm giác tiếng mẹ đẻ thân thương. Buổi tối, trước khi đi ngủ, nghe con nói “chúc mẹ ngủ ngon” hay “con yêu mẹ”, dù ngọng nghịu, vẫn thấy ngọt ngào hơn là thể hiện bằng ngôn ngữ khác.

Tôi hiểu là nhóm thực hiện Kênh Việt đang thực hiện hành trình kết nối những người Việt ở xa Tổ quốc. Có điều gì hay câu chuyện nào đó chị thấy xúc động, muốn sẻ chia?

- Là người làm báo viết chắc anh cũng chung cảm nghĩ như tôi, tìm được một nhân vật hay, có câu chuyện hay (và mới thì càng tốt) để viết quý như được vàng. Bây giờ, ta còn nghe được câu chuyện ấy từ chính giọng họ, nghe được cả tiếng cười, khoảng lặng nghẹn ngào, tiếng thở dài, giọng nói xước đi vì xúc động... Tôi nhận ra giá trị của âm thanh trong chuyển tải thông tin ngày càng mạnh mẽ hơn, hay nói cách khác, âm thanh và giọng điệu đang chinh phục sự quan tâm trong cách biểu hiện tác phẩm của tôi, mà trước đây chỉ là con chữ.

Từ giá trị đó Kênh Việt tập trung vào chuyên mục “Chuyện mình xứ người”, tức là bên cạnh các podcast đọc thông thường thì có cả những khách mời tham gia trò chuyện nữa. Sự kết nối thông qua chuyên mục này cũng trở nên mạnh và rõ nét hơn. Một trong những khách mời điển hình cho câu chuyện đại đoàn kết của những người Việt xa Tổ quốc là Trần Quỳnh Hoa ở CH Séc. Nhờ bạn bè bên Séc kết nối, tôi tìm ra Trần Quỳnh Hoa. Cô là một trong những người tiên phong lập Nhóm Phiên dịch y tế khoảng tháng 3/2020 khi Séc vào đỉnh dịch Covid-19 lần hai.

Anh nghe podcast “Tiếng gọi nơi cách li” trên Kênh Việt sẽ hiểu vì sao tôi nhấn mạnh giá trị của sự kết nối đồng hương trong những ngày tháng dịch dã như thế này. Còn gì quý giá hơn tiếng nói của đồng hương cất lên kịp thời và bên mình khi mà ngay cả những người thân nhất cũng không thể ở bên? Quỳnh Hoa chia sẻ rằng ai khó thở, không trụ được ở nhà chỉ cần bấm điện thoại, các phiên dịch tự nguyện sẽ giúp gọi xe cứu thương. Nối máy và mở loa là những người dịch tình nguyện có thể nghe bệnh nhân nói rồi truyền đạt cho bác sĩ, nghe hướng dẫn của bác sĩ dịch lại cho bệnh nhân.

Kênh Việt chọn những tác phẩm văn học của nhiều nhà văn nổi tiếng trong nước để đọc. Chị có thể chia sẻ chuyện bếp núc khi phải tìm kiếm các giọng đọc khác nhau cho những tác phẩm khác nhau?

- Mừng là chỉ sau nửa năm phát sóng, Kênh Việt đã sở hữu được khoảng 20 giọng đọc khắp thế giới, trong đó có cả người nước ngoài yêu tiếng Việt. Gần đây có người làm kinh doanh còn liên hệ với chúng tôi để tìm giọng đọc nam miền Nam phù hợp cho họ quay quảng cáo. Tiếc là hiện chúng tôi đang thiếu chất giọng này.

Kể thế để anh hiểu một trong những đặc trưng của Kênh Việt là đa giọng điệu. Mỗi người một giọng và bạn khai thác giọng điệu đó thế nào, cho nội dung nào, là một thứ nhạy bén của người biên tập. Khi kênh còn chưa chính thức phát sóng tôi đã xin phép nhà văn Hồ Anh Thái cho sử dụng một số truyện ngắn, tiểu luận của anh để chuyển audio.

Từ các giọng đọc sẵn có, tôi thấy chỉ cô Đỗ Huyên, một giáo viên sư phạm về hưu mới có thể cảm và đọc được đúng tinh thần “Đồng tay Mỹ”, “Công dân quốc tế”, hai truyện tôi tâm đắc rút ra từ tập “Người bên này trời bên ấy” phù hợp tâm trạng xa xứ. Không những đọc tốt, cô Huyên còn ngâm rất hay hai câu “Tình hoài vọng kể sao kể xiết/Thân một nơi, lòng để một nơi” mà Hồ Anh Thái trích từ chèo Lưu Bình - Dương Lễ. Podcast phát sóng, tôi có gửi anh Thái nghe, tin nhắn của anh khiến cả tôi và cô Đỗ Huyên đều mừng “Cũng được đấy.”

Gần đây, còn thấy Kênh Việt chia sẻ những món ăn ngon với sự tham gia của nhiều thanh thiếu nhi. Chị có thể chia sẻ thêm làm sao để chỉ trong một thời gian ngắn có thể thu hút như vậy?

- Phát sóng được khoảng 4 tháng, chúng tôi thấy cần phải làm nội dung cho sâu hơn, phải đưa mình ra ngoài “vùng phủ sóng an toàn”. Tức là đến lúc cần đổi mới. Ngay từ đầu tôi đã mong muốn làm cả podcast cho khán/thính giả nhỏ tuổi, tức là trẻ em gốc Việt ở nước ngoài. Những truyện ngắn đề tài thiếu nhi đã có rồi, tác giả cho phép sử dụng rồi, nhưng không dễ tìm được thanh thiếu niên gốc Việt có thể đọc lưu loát, chưa nói đến đọc diễn cảm. Hơn nữa, chỉ nghe mà không có tương tác, trẻ con sẽ nản.

Khoảng tháng 9/2021, Nguyễn Thanh Hằng, thạc sĩ sử học và là dịch giả tại Pháp tham gia xây dựng nội dung cho Kênh Việt đề nghị nên tổ chức một cuộc thi. Khó nhưng nếu mình làm tâm huyết, bài bản và nội dung có ý nghĩa sẽ tạo dựng được giá trị tinh thần cho một kênh radio còn non trẻ. Như chạm duyên lành, lúc nghe lại khâu cuối để cho phát sóng podcast “Gọi món ăn Việt bằng tên gốc” của Tiến sĩ Lương Hà (Pháp), tôi đề xuất với nhóm sản xuất về một cuộc thi dành cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài nói tiếng Việt về chủ đề ẩm thực Việt Nam.

Và như anh biết, giữa tháng 10/2021 chúng tôi chính thức phát động cuộc thi “Nói món Việt cùng con” dành cho trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài thì trung tuần tháng 11 chúng tôi đã chọn được 19 tác phẩm vào chung khảo của các thí sinh từ châu Âu, châu Á và Australia. Trước Giáng sinh, Kênh Việt đã tìm được chủ nhân của các giải thưởng. Điều thú vị, cô bé Vũ Tuệ Minh (10 tuổi, sống tại Đức) giành giải Nhất cuộc thi này là thí sinh không phải do bố mẹ vận động thi mà con tự lên kênh tìm hiểu thông tin và dự thi.

Kênh Việt đã lên “kịch bản” cho chương trình Tết Nguyên đán Nhâm Dần?

- Tết Dương lịch 2022 chúng tôi đã làm một podcast tổng hợp tôn vinh những giọng đọc, khách mời vốn chỉ nghe qua giọng thì này xuất hiện trực tiếp trên video, rất ấm áp và sôi động. Còn podcast đặc biệt cho Tết Nhâm Dần chúng tôi đang giao vào tay các bạn nhỏ gốc Việt ở Anh và Australia. Các cháu sẽ thể hiện nội dung về Tết Việt như thế nào, mời khán, thính giả đón xem vào 29/1/2022, tức 27 Tết, đúng lịch phát sóng thứ Bảy hàng tuần của kênh.

Trong quan sát của chị, những hình thức tương tự như Kênh Việt đã xuất hiện ở đâu? Và sẽ mở ra những “sân chơi” kết nối trái tim những người Việt xa Tổ quốc?

- Podcast đang ở giai đoạn trăm hoa đua nở. Cá nhân tôi cũng đang thích nghe nhiều podcast nội dung về văn học, giáo dục, nghệ thuật. Nhưng tôi không thể nghe hết và biết hết. Căn bản Kênh Việt vẫn đang quá trình khẳng định danh tính. 2022 là năm cần tiến hành nhiều thay đổi về nội dung sao cho có cái suy ngẫm sâu mà vẫn kịp thời sự thì càng tốt. Trước hết là hình thành các chuyên mục với tên gọi đúng ý nghĩa về người Việt xa xứ và dành cho người Việt xa xứ. Dĩ nhiên có những thứ không thay đổi, đó là nói tiếng Việt, đa dạng giọng đọc và khuyến khích trẻ em gốc Việt gắn bó hơn với tiếng mẹ đẻ.

Xin cảm ơn nhà văn Kiều Bích Hương!

  • Nhà văn Kiều Bích Hương sinh năm 1976, là thành viên sáng lập Kênh Việt happiness station, tác giả các đầu sách “Vợ Đông chồng Tây”, “Đàn bà yêu thành phố”, “Đây đất nước con, kia tổ quốc mẹ”.
  • Kênh Việt happiness station, trụ sở tại Bỉ, chính thức phát sóng từ 1/5/2021 với những thông điệp về giá trị của sự tử tế, sáng tạo, đổi mới; truyền cảm hứng sống đẹp cũng như tinh thần cống hiến của người Việt ở nước ngoài. Các tác phẩm podcast của Kênh Việt gửi gắm tình yêu và mong muốn giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chương trình được thực hiện bởi nhóm cộng tác viên yêu tiếng Việt trên toàn thế giới.

HỮU THÁI (thực hiện)