Ghi nhận của PV, vào khoảng 10h ngày 25/1, tại khu vực cầu Hạc (phường Đông Thọ, TP Thanh Hoá), có rất đông người dân tập tại đây để thả cá chép xuống sông Hạc, đưa ông Táo về trời. Một cảnh tượng khá xấu mà PV chứng kiến đó là sau khi thả cá chép từ trên thành cầu xuống sông ở độ cao gần 10 m, người dân đã 'tranh thủ' thả luôn tro vàng mã xuống sông. Cả một khúc sông Hạc ngập trong trong đám tro màu đen. Mặc cho những lời khuyên bảo, nhiều người vẫn 'bất chấp' xả tro vàng mã xuống sông. Thả cá, xả tro xong, nhiều người vứt luôn rác ở dọc bờ sông Hạc. Bạn Trịnh Đình Minh (19 tuổi, người trong ảnh, trú phường Đông Thọ), dùng túi bóng to, nhặt rác ở triền đê suốt từ 7h sáng đến 11h trưa. "Năm nào cũng vậy, rác cứ ngập ngụa cả sông, thực sự rất khó thay đổi ý thức bảo vệ môi trường của mọi người anh ạ. Chẳng nói được mọi người nên tụi em xắn tay áo vào nhặt rác, rồi cho vào thùng. Thôi thì sạch được ít nào hay ít đấy", Minh chia sẻ. 3 năm trở lại đây, năm nào anh Nguyễn Tuấn Vương (40 tuổi, Bí thư Đoàn phường Đông Thọ) cũng phải thực hiện công việc vớt rác trên sông như thế này. Anh Vương mong rằng, qua các phương tiện thông tin truyền thông, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc hạn chế xả rác, tro, tàn hương xuống sông, hồ trong ngày ông Công ông Táo. Những chú cá chép đỏ được 'tắm' qua lớp tro đen đầu tiên trước khi tiếp nước. Mặc dù còn những hình ảnh xấu, nhưng việc thả cá chép, đưa ông Công, ông Táo về trời vẫn là một nét truyền thống quý báu của người dân Việt Nam. Từ 8h sáng, hàng trăm người dân TP Thanh Hoá đã di chuyển tới khu vực phía dưới chân cầu Hàm Rồng để thả cá chép, đưa ông Công, ông Táo về trời. Cũng như nhiều khu vực khác, nơi đây, người dân cũng xả tro vàng mã, tàn hương trực tiếp xuống sông. Phần lớn người dân vẫn đựng cá chép đỏ vào túi ni lông trước khi thả xuống sông. Số ít khác thì lựa chọn cho cá vào các bình, ca, xô, chậu đựng trước khi thả để tránh gây ô nhiễm môi trường. Sau khi thả cá, những người có ý thức đã bỏ rác vào các bao tải để ở vị trí thuận lợi. Chị Đỗ Thị Minh Phúc (26 tuổi, Bí thư chi Đoàn phường Hàm Rồng) chia sẻ: Năm nay, phường đã bố trí các bao tải ở vị trí đi lên, xuống triền đê sông Mã để người dân khi đi qua có thể tiện tay bỏ vào bì. Ngoài ra, phường còn liên tục tuyên truyền trên loa phát thanh để nhắc nhở người dân giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường trong quá trình thả cá. "Trong 3 năm nay, tình trạng túi nilong bị vứt ngổn ngang sau khi thả cá chép đã giảm. Hy vọng, trong những năm tới, người dân tiếp tục thực hiện tốt việc bỏ túi nilon đúng nơi quy định, từ đó, giúp ngày đưa ông Công, ông Táo về trời trở nên ý nghĩa và trong lành với môi trường hơn", chị Phúc nói. 'Thả cá, đừng thả túi nilon', và cũng đừng thả tro vàng mã, tàn hương xuống ao, hồ, sông, suối.
Đình Minh