Khởi tự Xuân

NGUYỄN MINH HOA 01/02/2022 11:16

Cơ hồ vạn sự trong trời đất khởi tự duyên và tự lòng ta. Xuân linh nghiệm thường cho khởi sự đẹp và dồi dào hy vọng. Thế nên, khởi ấy luôn được nhắc nhớ mỗi khi Xuân trở lại với những cung bậc cảm xúc thật đặc biệt.

Hội Xuân - khởi những ước nguyện. Ảnh: Việt Khánh.

Các cụ xưa nói “Đầu xuôi, đuôi lọt”, phải có sự khởi đầu tốt mới mong hanh thông và xuôi chèo mát mái suốt chặng, con người mới có sự hứng khởi, lạc quan hướng tới đích. Cũng có khi lại là vạn sự khởi đầu nan, biết không phải để tránh mà để đối diện, ứng xử với thử thách sẽ đến trong lộ trình, để đem về những sàng khôn. Vậy nên, khởi luôn là dấu mốc quan trọng. Khởi bắt đầu khi kết thúc còn mới đây thôi. Hoặc đã đến lúc phải kết thúc dành chỗ cho khởi đầu mới. Người Việt coi trọng sự khởi, ngay cả trong lời nói “ăn cơm mới không muốn nói chuyện cũ”, thường là câu dẫn để nói về chuyện đã qua năm.

Tết Nguyên đán là lễ tiết khởi đầu cho một năm mới - tiết Xuân - mọi người thường cất đi hoặc xếp lại những điều không nên nhớ, không đáng nhớ, kẻo dông, rồi soạn sửa lòng mình đón nhận những điều tốt đẹp. Nói như thế cũng không có nghĩa từ khởi này quá khứ bị nhãng quên mà những khởi sự đã qua vẫn ấm áp trong từng câu chuyện kể.

Cả chặng dài mẹ tảo tần để khi tết đến Xuân về nhà có mâm cỗ cúng tươm tất, con cái có tấm áo mới khỏi tủi thân. Nhớ cha nói đi nói lại, xuân mới thêm tuổi phải biết việc mình làm, biết đúng sai mà liệu, mẹ cha không đi cùng mãi được. Lại có những tết, cái áo cũ chị mặc ngắn ngủn, phải cho em, mẹ bảo em mặc tạm tết này mà mắt ngấn nước. Năm ấy mất mùa nhà không đói bữa nào là may.

Rồi lại nhớ cái tết đầu tiên vắng bà. Cây hồng xiêm năm đó cũng buồn thiu, quả chỉ đủ bày mâm ngũ quả nhà mình. Bố bảo, năm nay nhà mình có bụi, ngũ quả cũng chỉ bày màu trầm thế này. Mùi hương đen thắp lên từ ngày 23 tháng Chạp vương vấn. Nếu còn bà, bà đã ngâm măng, chọn lá bánh chợ phiên này, bà bảo tết cứ gặp là mua cho đỡ vội.

Xuân ấy bà ở chốn xa, có về xem xướng mạ rồi trông giời lo vụ cấy nữa không? Dù đã lâu bà không còn gánh gồng đi cấy được nữa, nhưng sớm nào con cái trở dậy ra đồng bà cũng dậy cùng. Con cái đội mưa đi cấy bà cũng chẳng vào nằm thêm, lọ mọ dưới bếp đun nấu lo bữa sáng cho các cháu ăn đi học. Mọi sự đã thật là xa, bà chẳng được dự đám cưới anh hai cháu đích tôn của bà.

Tháng Chạp năm ấy xé cau đi hỏi vợ cho anh mà cả nhà nhắc bà mãi. Cả làng chẳng ai têm trầu cánh phượng khéo bằng bà, rồi bà sẽ phát biểu lúc nhận dâu. Việc này bà mong lắm, bà cứ bảo thêm người là thêm của. Tết năm đó có dâu mới trong nhà, mẹ lại kể từng chuyện xưa. Từ cái ngày mà bà tay bế anh, tay nấu bột, anh thì bé như cái dải khoai, bà cứ phải dong ăn suốt. Anh em thuộc làu chuyện cũ mà vẫn nghe không sót câu nào. Chị nhìn anh, biết phận dâu con trong nhà.

Ngày xuân khai bút. Ảnh: Thư Hoàng.

Cũng Xuân năm đó, anh kết hợp nghỉ phép nên chưa trở lại đơn vị, bố và anh đôn cây hồng xiêm ra cuối vườn để qua mùa mưa sẽ xây nhà gạch. Cây bị chột, mãi đến 3 mùa sau mới sai quả trở lại. Tết năm sau, nhà xây xong chưa lắp được cửa, chưa quét được vôi, bố mẹ bảo, cố để gian thờ tươm tất, rồi sang năm hoàn thiện dần cũng được. Cả năm bươn bải, cả nhà làm phát xay lấy thêm cám và trấu gột đàn lợn bột thì không gặp may, giá lợn rẻ, bán không được, đành để nuôi thêm.

Tết năm sau nữa nhà vẫn chưa hoàn thiện được. Anh chị cho cháu về, rét căm căm, phải đốt lửa giữa nhà để sưởi. Ấm mà vui, anh chị em giờ vẫn nhớ mãi nếp nhà mình, chất chứa những kỷ niệm.

Những năm bao cấp ấy, món hàng nào cũng hiếm, mua tờ lịch cũng khó, bố bảo cắt phần lịch đi, giữ phần ảnh hoa treo cho vui mắt. Cũng là dịp tết một năm khác chị mua được cái xoong nhôm to, hàng nhà máy về biếu mẹ, nồi măng sáng cả góc bếp...

Từ việc anh chị em háo hức chờ bà và bố mẹ “mở hàng” đồng tiền lấy may dần dà rồi anh chị em đã có lương, đem về biếu bố mẹ. Mẹ thu rồi lại cất cho cháu... Những Xuân cũ, chuyện xưa sao mà nhớ, nhớ đến cay cả mắt. Mỗi mùa, Xuân dịu dàng trở lại, như hoa như lá, như cái rét căm căm đặc trưng xứ Bắc cất giữ hộ bao người, bao nhà, để khi gọi là trở lại vẹn nguyên.

Qua Tết là hội Xuân - khởi những ước nguyện. Thường thì, tiễn cụ tại tư gia xong là tính đến hội làng. Xóm lễ thổ kì, làng dâng lễ thành hoàng, đền to, miếu lớn thì quy mô hội tổng. Những nghi thức cúng tế thấm mưa xuân. Ai cũng nín thở chờ tin từ hậu cung báo khởi sự việc làng trong năm mới qua những ứng báo. Đám rước ngài đi từ miếu về đình, người làng và cả khách thiên hạ cùng thành kính dâng bẩm những lời ước nguyện chung riêng. Không gian thiêng mang nguồn sinh khí đến với từng người, từng lá cây ngọn cỏ. Mọi sự thuận cả, báo hiệu một năm an lành dưới sự bảo trợ của ngài.

Khởi đầu ấy dạy cho con người ta những khái niệm đầu tiên về “việc làng” về trách nhiệm của mình với làng xã, quê cha đất tổ, để hiểu và biết tự hào về “làng mình”. Khởi ấy thấm dần, lớn dần thành tình yêu quê hương, xứ sở. Thế nên mới có lớp lớp người vì nghĩa lớn. Đi để gìn giữ những mùa xuân an lành, đi để thấy cuộc đời dài rộng, để thấy trên vai mình là Tổ quốc, đất mẹ.

Có những khởi chứa chan nước mắt, ngày tòng quân con ra trận chưa biết nhớ, chưa biết rằng mẹ khóc bởi con mình vào chốn mũi tên hòn đạn. Mùa Xuân ấy mãi xanh non, con mẹ về với đất khi tóc còn xanh, yêu đương chưa một lần. Chẳng có kết thúc nào hết, cõi xa xanh có những người trẻ mãi, theo ngọn gió về làng, tìm lối ngõ nhà mình, thấy nhà xây mới, thấy mẹ vẫn ngóng trông.

Người chưa một lần yêu ấy nhớ. Nhớ đêm hát hội, trái tim run run mách bảo, định nói với người ấy một lời, nhưng rồi lại thôi. Tự nhủ lòng mình rằng, hết chiến tranh khi trở về sẽ nói - nhất định nói. Không bao giờ lời yêu ấy được trao nhận, không có bắt đầu nên đem theo mãi mãi...

Mùa Xuân cho người biết yêu. Yêu mà thẹn, bối rối suốt từ mùa hoa bưởi sang mùa hoa xoan. Hẹn qua vụ tháng 5 sẽ sang sông đặt cơi trầu dạm ngõ, mà thấy lâu quá! Người yêu nhau phải chờ trông đếm ngày và mong ngóng vô cùng. Người mê cái thắt lưng hoa lý ôm trọn vòng eo, mê sợi tóc vương trên gáy buổi rước kiệu hoa mà yêu, người lại thấy mến những vụng về, chân thật, thế rồi nên vợ, nên chồng.

Dăm mùa bận bịu khắp bên làng, bên bãi mà vẫn con bế con bồng, khi sang sông, lúc xuống chợ. Thấm thoắt đã mấy chục năm gắn bó, nhà đã xây lại 2 lần, vòm bể nước mưa đã rêu bám xanh om. Bao người cứ bảo nhà xây mới chẳng giữ bể cũ làm gì vì không còn hợp. Nhưng bể ấy xây để đón cô dâu mới, để mùa mưa năm đó hứng nước mưa lo làm cỗ cưới, bạc tóc rồi vẫn múc nước mưa bể ấy đun nước gội đầu, chẳng ai bỏ bể nước ấy đi đâu.

Hoa mộc thơm ngọt suốt cả mùa Xuân, trong mưa bụi hương hoa không bay xa, vườn chùa lộc cây vui như trảy hội. Người đến chùa vãng cảnh khởi tâm từ. Rằng ta đã đến với cuộc đời, sau những ấm êm cha sinh mẹ dưỡng không ít oan trái trên đường phải gặp.

Sau những phép thử đầy nước mắt, ta bắt gặp và tìm sự hóa giải. Có trong lời kinh sách, trong cả tiếng kim mộc chuông mõ đều đều, trong lời cha, trong giọt nước mắt của mẹ, trong những hôm qua... Khởi tự tâm ta, khởi tự mùa Xuân này, ta chắt chiu như ong gom nhụy hoa làm mật, ta giữ lấy như người vụng về chụm tay giữ nước - Thật kiên nhẫn, chi chút. Qua tuần trăng, qua tháng, qua mùa, lòng ta dịu lại. Để rồi quả ngọt trong lòng tay, ta biết ơn sự khởi quý báu này.

Người chọn ngày Xuân khai bút, ước mong tâm thanh, chữ đẹp. Có những trang sách đầu tiên khởi tự Xuân và thật lâu sau, thêm mấy mùa Xuân nữa mới tất, là một chặng đời, là số phận của người viết, của chính đứa con tinh thần này.

Có bài thơ khởi tự Xuân, còn dang dở mãi, bởi phận người, bởi lẽ yêu... ngỡ chẳng bao giờ hoàn thiện được, lưng chừng thật lâu. Ai ngờ, một ngày có người vắt vào thơ ấy dải yếm. Là nàng thơ tìm thấy, hay giời định nàng giăng mắc vào thơ này.

Thế nên, giời đất vào Xuân, tri âm, tri kỷ còn mãi tìm nhau, có khi chỉ để nói có một lời đầu tiên: lời Yêu.

NGUYỄN MINH HOA