Cánh đồng thơ Hoàng Vũ Thuật
Cá tính, kiệm lời, cả một đời cần mẫn sáng tạo và đổi mới, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã có nhiều đóng góp cho thơ ca nước nhà. Người con của đất Quảng Bình vừa vinh dự nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ 2, vì những cống hiến dành cho thơ ca.
1.Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật sinh năm 1945, quê ông ở Hồng Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình). Đó là vùng quê nằm giữa những núi cát khổng lồ chạy ra sát biển và phá Hạc Hải (vũng nước lợ quanh năm). Quê ông thanh bình, xanh tươi trù phú bốn mùa. Nơi đó có ngọn Đầu Mâu vút lên như mũi bút, đằng tây tiếp nối dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những người già trong làng kể lại, chiều chiều, mũi bút ấy chấm xuống nghiên mực Hạc Hải để viết lên trời mây những dòng chữ.
Song vùng đất ấy lại hứng trọn mùa gió Lào khắc nghiệt, sinh ra những cơn bão cát dữ dội. Đi trên cát trắng, nhiều lúc người dân phải trùm kín mắt để tránh cát châm vào mặt. Nhà thơ lại yêu và tự hào về sự khắc khổ ấy, như yêu gương mặt mẹ ông quanh năm lam lũ. Ông làm thơ và viết phê bình cũng bắt đầu từ đó. Từ những ngón chân níu vào cát bỏng và lấm bùn lầy.
Từ năm 1970, thơ của Hoàng Vũ Thuật đã nổi tiếng ở khắp miền Trung. Ông cùng nhóm bạn là Hải Kỳ, Mai Văn Hoan, Đỗ Hoàng và Văn Tăng gặp gỡ, sinh hoạt, cùng sáng tác, chia sẻ và cùng phát triển. Năm 1979, Hoàng Vũ Thuật cho ra mắt tập thơ đầu tiên: “Những bông hoa trên cát” (Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên ấn hành). Từ đó đến nay ông không ngừng sáng tạo, làm mới mình, đã cho ra mắt bạn đọc hơn 10 tập thơ.
Ông đoạt hai giải thưởng Thơ của Báo Văn nghệ năm 1981 và 1985; giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2000; hai lần đoạt giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư (1991-1995) và (1996-2000), Giải thưởng Thơ của Tổ chức Cứu trợ Thụy Điển và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cùng nhiều giải thưởng khác.
Hoàng Vũ Thuật vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ 2. Ông tâm sự: Tôi vui vì được giải thì ít, nhưng cái tôi yêu thích về cơ chế của giải thưởng thì nhiều. Đây là giải thưởng do các nhà văn, nghệ sĩ lập ra, do nhà văn Nguyễn Đình Chính làm Giám đốc điều hành để nhìn nhận hết giá trị sản phẩm văn nghệ nước nhà, tránh không bỏ sót. Nhà nước ta đã xem các giải thưởng đó như một điều tất yếu trong hoạt động văn học nghệ thuật.
Chúng ta đã biết Nguyễn Đình Thi là nhà văn hóa lớn. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhạc sĩ, họa sĩ kiệt xuất thời ông sống. Những tác phẩm như bài thơ “Đất nước”, bài hát “Người Hà Nội”, “Diệt phát xít”, tiểu thuyết “Vỡ bờ”, vỡ kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Con nai đen”… đã đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao tài năng. Thành ra, dù vui ít hay vui nhiều, thì đây là vinh dự lớn trong cuộc đời cầm bút của tôi.
2.Theo nhà thơ Ngô Đức Hành, văn chương là lĩnh vực sáng tạo trong tâm thế cô đơn. Ngô Đức Hành cảm nhận ở Hoàng Vũ Thuật có sự “lũy thừa” cô đơn. Hành trình của ông là tìm đến tận cùng của vẻ đẹp cô đơn, giải mã yếu tố mới, lạ của thi ca, theo một cách rất riêng. Không có dấu chân trên lối mòn, Hoàng Vũ Thuật đã có nhiều thành tựu trên hành trình này. “Chính vì điều đó, gần đây nhất, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cùng với nhà thơ Đỗ Nam Cao được nhận Giải thưởng Văn học “Thành tựu trọn đời”. Đó là sự vinh danh xứng đáng”, Ngô Đức Hành bày tỏ.
Còn nhà thơ Lê Xuân Đố cho rằng: “Cánh đồng thơ Hoàng Vũ Thuật được mùa, bội thu. Thơ ông đổi mới liên tục”. Hay nhà thơ Hoàng Đăng Khoa có nói đại ý, chỉ có tuổi tác già cỗi, chứ không hề có tâm hồn già cỗi. Vâng. Hoàng Vũ Thuật là người của vận động, tâm hồn luôn thường trực trăn trở với thơ. Ông làm mùa và mơ ước cánh đồng mình bội thu. Sản phẩm sáng tạo cũng vậy. Ông đã gieo những hạt giống tốt và cần mẫn chăm cho tác phẩm của mình để nhận được sự bội thu.
Hoàng Vũ Thuật từng nói, hầu như tất cả những sản phẩm sáng tạo của ông đều xuất phát từ một chuyện buồn, một niềm cô đơn, vật vã. Tôi hỏi lại: “Tại sao vui tột đỉnh, hoặc trong hân hoan vui vẻ, lại chẳng sinh ra những áng thơ hay?”. Hoàng Vũ Thuật trả lời: “Tùy theo tâm trạng của từng người. Niềm vui, hân hoan cũng tạo ra vẻ đẹp chứ sao? Thử hỏi nếu không biết nỗi buồn, không chìm trong nước mắt, sao thấu hiểu giá trị niềm vui.
Nhưng suốt đời chìm trong niềm vui, chắc chắn anh sẽ không hiểu sự khổ đau. Người xưa đã nói, ý nghĩ của kẻ sống trong cung điện khác với ý nghĩ kẻ sống trong túp lều tranh. Cô đơn, buồn đau là bệ phóng của sự sáng tạo, vì thế nó hơn niềm vui là điều chắc chắn. Tôi từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn khác “cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp”.
3.Làm thơ, mỗi người có một không gian nhận thức của mình, chẳng ai giống ai, chẳng ai nhận xét ai được. Bài thơ ra đời, quyền phán xét thuộc về độc giả. Dù ở thế hệ nào, thơ phải bật ra từ cảm xúc thông qua hình tượng ngôn ngữ người viết lựa chọn. Thơ không có chuyện như “cảm hứng tập thể” sản xuất ra đồng loạt. Nhiều người nói, nước ta là vương quốc thơ.
Hoàng Vũ Thuật không nhất trí với suy nghĩ này. Ông nói: “Tình trạng “người người làm thơ, nhà làm thơ”, là có thực. Ngày trước ra ngõ gặp anh hùng. Bây giờ ra ngõ gặp nhà thơ. Công chúng vất vả sàng lọc. Nhiều nhà xuất bản lấy số lượng cấp giấy phép cho tiêu chí doanh thu, hơn là chất lượng. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng môi trường phát hành, dẫn đến tình trạng người được tặng không hứng thú gì khi nhận sản phẩm người sáng tác.
Nhưng ai cũng có quyền làm thơ. Cái cơ bản vẫn là nhận thức người viết, làm sao để công chúng đọc sản phẩm đích thực? Thực ra hai chữ “cách tân” không hàm nghĩa làm mới. Từ cổ tới kim, thơ hay chẳng phải mới đó ư? Ta đã có Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát. Ta đã có Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương… Vậy ta không thể lặp lại họ để sinh ra một thế hệ như họ. Như vậy mới thực sự là cách tân”.
Hoàng Vũ Thuật là người rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Ông bảo mình sẵn sàng làm thây ma cho thế hệ trẻ đào huyệt vùi chôn, nếu bản thân không được các bạn yêu mến. Nghĩa là khi anh không vượt qua chính mình thì anh không còn là anh nữa. Không ai khác, thế hệ trẻ là người viết tiếp trang văn học nước nhà. Ông mong các bạn trẻ là người thay thế hệ ông gánh vác sự mệnh văn học.
Ông cũng đồng tình như nhận xét của một số nhà lý luận phê bình chục năm qua thơ trẻ không còn sắc nét. “Trong phạm vi không cho phép tôi chưa thể nói hết vấn đề này. Sự bế tắc ấy có nguyên nhân của nó. Thơ không nằm ngoài môi trường sáng tạo. Tự do sáng tạo chắp cho thơ đôi cánh bay lên. Những thói quen lệ thuộc, như kiểu “gà công nghiệp” đã làm môi trường ít nhiều vẩn đục. Môi trường ấy là hơi thở, thân phận, da thịt xã hội. Môi trường lành mạnh, chắc chắn có một cơ thể lành mạnh”.
Tôi hiểu, người làm thơ phải chuẩn bị cho mình đủ nhiên liệu cho cỗ máy sáng tạo. Nghĩa là tình yêu, vốn sống, kinh nghiệm phải đầy đủ và sẵn sàng. Hiện tượng vội vã cho ra lò sản phẩm trong giới cầm bút là có thật. Và, để giải quyết vấn đề này họ nhờ tới những thủ pháp mang tính kỷ thuật chế tác hơn là sự rung động của trái tim.
Theo Hoàng Vũ Thuật, lao động nghệ thuật là thứ lao động cá nhân đặc biệt nhất. Mỗi người là chủ thể của sáng tạo. Cây bút trẻ là hiện thân của tương lai văn học. Thế hệ trẻ sẽ làm cho vườn hoa dân tộc ngày một nở rộ, có nhiều bông hoa đẹp, hương thơm bay xa.
“Chúng ta chỉ có thể nói với các bạn trẻ mực đấy, bút đấy, giấy trắng đấy, anh hãy làm đi. Chuẩn bị cho họ, chính là ta phải làm cho ta trong sạch, đúng đắn hơn nữa. Xã hội lúc này khá phức tạp. Bầu không khí ta đang sống chưa lành mạnh. Hơn gì hết, thế hệ trẻ cần một điểm tựa để đủ tin cậy. Có như thế ta mới là bệ phóng cho nhà văn, cây bút trẻ đi xa. Gốc có vững, cây mới tươi tốt”, nhà thơ nhấn mạnh.