Hiện thực Ca Lê Thắng
Tôi không có vinh hạnh được là bạn đồng niên với Ca Lê Thắng. Các ông là thế hệ đàn anh của chúng tôi ở trường mỹ thuật Yết Kiêu. Thế nhưng may mắn, chúng tôi lại là bạn đồng môn. Người trước kẻ sau chỉ trong 5 năm học đại học chính qui.
Khi tôi vào trường mỹ thuật Yết Kiêu, ông Thắng đã là sinh viên năm 4 đại học. Nếu tính thời gian thì các ông đã có mặt ở trường Yết Kiêu hơn chục năm rồi. Các ông học hệ 7 năm sơ trung cấp. Ra trường được giữ lại dạy trung cấp mỹ thuật. Sau đó tiếp tục được giữ lại học tiếp hệ đại học. Chuyện ấy bây giờ nhắc lại chắc chẳng ai hiểu nổi. Giờ thì phải có bằng ít nhất là thạc sĩ thì mới được dạy dỗ thiên hạ. Lúc ấy không cần. Mà nếu cần thì cũng không có.
Lứa các ông thật sự là những tài năng hiếm thấy. Hình như cho đến tận bây giờ Trường Đại học Mỹ thuật đã đào tạo đến hơn 60 khóa sau ngày hòa bình cũng chưa bao giờ có được đội ngũ hùng hậu như thời các ông với những tên tuổi họa sĩ sáng giá Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Đặng Thu Hương, Lý Trực Sơn, Lò An Quang…
Như thế để thấy rằng cái ngành đào tạo đặc thù năng khiếu này không cần đến bằng cấp. Nhiều người Việt lúc ấy được cử ra nước ngoài học tập ở những trường nghệ thuật danh tiếng thế giới, khi về cũng chưa có ai so sánh được với thế hệ các ông học trong nước.
Ông Ca Lê Thắng là học sinh miền Nam. Sinh viên nghe nói thế chứ cũng thật sự không biết ông sinh ra, lớn lên ở đâu. Lúc ấy chuyện lí lịch trích ngang của các ông cũng hình như là một bí mật thì phải. Ông nói giọng Hà Nội. Còn biết thêm cả những giọng thổ âm vùng miền phía Bắc. Thỉnh thoảng pha trò cười bằng giọng Sơn Tây rất chính xác.
Những năm 1970 ở Hà Nội có rất nhiều con em miền Nam tập kết làm cán bộ Đoàn. Bạn gái tôi Mai Hồng Hoa năm lớp 7 ở trường Trưng Vương còn là Bí thư Đoàn trường. Bạn ấy sau học cùng tôi 3 năm cấp 3 ở Trường phổ thông công nghiệp Hoàn Kiếm. Là con của cán bộ miền Nam Tập kết.
Ông Thắng cũng thế. Khi tôi vào trường mỹ thuật Yết Kiêu thì ông cũng đang là cán bộ đoàn. Lúc ấy chẳng biết lí tưởng các ông thế nào nhưng có một điều chắc chắn. Cán bộ đoàn trường phải là những tay học giỏi cự phách. Lứa các ông đương nhiên là thế. Nhiều lúc lớp đàn em chúng tôi thấy rằng các ông còn giỏi hơn một số các thày đang dạy họ. Nhưng chẳng ai dám nói ra. Cái nghĩa sư phụ lúc ấy nó là như vậy. Rất may ngôi trường mĩ thuật lúc ấy còn rất nhiều những người thầy có cư xử rất bậc thầy. Vài thầy lúc ấy cũng thừa nhận chính mình không thể so với học trò được.
Ông Thắng khi học ở trường cũng là một học sinh “cá biệt”. Dĩ nhiên không có danh hiệu nào như thế trong các trường đại học. Nhưng lứa các ông hầu như được đặc cách công nhận như vậy. Các ông có thể tìm tòi, sáng tạo tự do trong bài tập của mình. Các thầy chỉ nhận xét độ hay dở của tác phẩm mà không có ai nhắc nhở các ông về vấn đề tay nghề. Thực ra đến lúc ấy các ông cũng đã quá thành thạo về tay nghề. Và không phải người thầy nào cũng có thể so sánh tay nghề với các ông được.
Bẵng đi vài chục năm cơm áo. Ca Lê Thắng trở về miền Nam ngay sau ngày thống nhất đất nước. Ông tham gia tiếp quản và giảng dạy ở Trường mỹ thuật Gia Định một thời gian khá dài. Tiếp đó ông chuyển sang làm lãnh đạo Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là khoảng thời gian mà anh em bạn bè của ông đánh giá là một mất mát rất lớn.
Công việc sự vụ hầu như chiếm hết thời gian sáng tác của ông. Ta chỉ còn thấy ông xuất hiện lẻ tẻ ở những triển lãm trong nước với những tác phẩm có phần dò dẫm thị hiếu. Vẫn là một Ca Lê Thắng đầy chất hàn lâm đấy nhưng sáng tác của ông trong thời kì này không ghi được những dấu ấn đậm nét như thuở học trò nữa.
Rất nhiều người học vẽ trong đó có tôi luôn thường trực trong đầu một câu hỏi nghề nghiệp. Đó là học nghề vẽ thì bao nhiêu là đủ? Học hành giỏi giang đến như thế hệ Ca Lê Thắng mà sau này không có ai thực sự nổi bật. Các ông rất ít khi nhận được những giải thưởng chuyên ngành. Giải cao cỡ toàn quốc lại càng hiếm.
Các ông cũng hầu như chưa thể gọi là sống được bằng tranh. Nhiều anh em họa sĩ thường phủ nhận những bận bịu của công việc hành chính. Họ cho rằng đã là họa sĩ thì có thể vẽ bất cứ lúc nào. Nhưng nó là có thật. Các họa sĩ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái cũng chỉ thật sự nổi bật khi đã rời xa những hoạt động hành chính. Họ chú tâm vào sáng tác. Cộng với tay nghề điêu luyện đã được đào tạo mới có thể trở thành danh họa như chúng ta thấy hôm nay.
Bằng triển lãm “Mùa nước nổi” vừa tổ chức gần đây tại Hà Nội, ta mới được gặp lại một Ca Lê Thắng họa sĩ tài hoa ngày nào. Đó là một diện mạo hoàn toàn mới. Ông đã bỏ qua tất cả những thành công thuở thiếu thời. Quyết liệt tự đổi mới mình để trở thành một Ca Lê Thắng hôm nay.
Tất nhiên, ở khía cạnh nghề nghiệp, các đồng nghiệp cỡ chúng tôi vẫn nhận ra những thao tác cực kì bài bản kinh điển trong loạt tranh mới này. Ông Thắng được đào tạo ra để vẽ theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng như toàn thế sinh viên Mỹ thuật thời ấy. Các ông đã có những thành công nhất định. Hầu hết các ông đều có tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật từ khi còn rất trẻ. Điều đó là đương nhiên. Bởi vì cái bảo tàng ấy vốn sinh ra là để sưu tập tranh theo định hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Nhìn vào phòng tranh có chủ đề chung là “Mùa nước nổi” của Ca Lê Thắng rất nhiều khán giả kể cả đồng nghiệp hầu như đều vội vã kết luận nó là một phòng tranh trừu tượng. Sự thực không phải như vậy. Nó hoàn toàn là tranh hiện thực. Một hiện thực Ca Lê Thắng. Cái sáng tạo bất ngờ nhất ở Ca Lê Thắng lần này là đã kết hợp rất nhiều thủ pháp hiện đại của nghệ thuật trừu tượng cho một đề tài hiện thực mười mươi.
Những người chưa từng biết về mùa nước nổi ở Nam bộ hay là những người đã từng trải đều thấy bùng lên một cảm xúc nôn nao khó tả về một miền quê sông nước. Cái bao la hùng vĩ khoáng hoạt là ấn tượng đầu tiên dẫn dắt ta vào với những ảo ảnh lục bình lau lách nổi trôi miên man bất tận. Những mây trời trĩu nặng và những mặt nước cồn cào trù phú. Những cơn gió đồng dào dạt lùa trong tóc nghe như có tiếng cá quẫy đâu đó rất gần…
Cái hiện thực phong phú ấy được diễn tả bằng một khả năng tay nghề bậc thầy. Chỉ có những bậc thầy mới dám để cho ngọn bút của mình tung hoành thoải mái đến thế khi miêu tả cái tĩnh lặng hoang vắng của thiên nhiên. Một sự tĩnh lặng mang đầy âm hưởng của nhạc, của thơ. Với bảng hòa sắc có thể nói là kiệm màu đến mức cao nhất, cái ấn tượng mà nó đem lại cho người xem là hết sức bất ngờ. Người xem sẽ nhanh chóng quên đi những xanh đỏ tím vàng để hòa mình vào trong sắc thái nâu trầm, đen, trắng day dứt khôn nguôi.
Ở Hà Nội hầu như không có tuần lễ nào là không có một triển lãm khai mạc. Thường thì dân nhà nghề chỉ xem qua cái giấy mời là đã đủ hình dung ra toàn bộ triển lãm. Hầu hết những triển lãm này là một bắt đầu chưa định hình hoặc kéo dài của một định dạng đã thành quen thuộc. Triển lãm “Mùa nước nổi” của Ca Lê Thắng gần như là một hồi chuông thức tỉnh các đồng nghiệp đang còn say mê với thành tựu của mình. Nghệ thuật hình như rất cần những biến cố như vậy.
Hà Nội 12/2021