Văn hóa không phải di sản đóng khung

MINH HẢI (thực hiện) 03/02/2022 11:16

Xa Huế từ 3 tuổi, học trung học ở miền Nam trước năm 1975 và học tập, làm việc nhiều năm tại nước ngoài, nhưng điều thú vị là bà Tôn Nữ Thị Ninh - người được mệnh danh “Quý bà độc đáo” của ngoại giao Việt Nam, luôn được nhìn nhận như một phụ nữ Việt Nam chuẩn mực. Bà yêu văn hóa Việt và đặc biệt nhấn mạnh đến văn hóa như một nền tảng then chốt để xây dựng vị thế đất nước. Bà cho rằng Việt Nam nằm trong số những quốc gia mà văn hóa là bộ phận quan trọng trong ngoại giao.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh.

PV:Thưa bà, hiện nay khái niệm về một thế giới phẳng đã không ngừng lan tỏa trong cộng đồng. Bên cạnh đó là câu chuyện toàn cầu hóa. Có ý kiến cho rằng, điều đó khiến vấn đề văn hóa của các quốc gia sẽ phai nhạt dần. Là người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, bà nghĩ sao về điều này?

Bà TÔN NỮ THỊ NINH: Tôi quan sát thế giới chuyển động, chuyển biến qua những thập niên vừa rồi. Cái người ta cứ tưởng là toàn cầu hóa sẽ ngự trị khắp nơi, như vậy thế giới sẽ không còn biên giới, hay biên giới mềm, vô hình… và văn hóa của các quốc gia dân tộc sẽ ngày càng lu mờ nhưng thực tế không hẳn. Có thể thấy khắp nơi trên thế giới, như Mỹ và châu Âu là những nơi phát triển nhất, thì bản ngã và tính chất dân tộc, ý thức dân tộc trỗi dậy, đôi khi đó còn là những phản ứng tiêu cực.

Tôi nêu điều đó để chứng minh rằng, dù là giao lưu, tương tác qua internet đến đâu thì mỗi con người, mỗi cộng đồng, mỗi xã hội, mỗi quốc gia dân tộc vẫn khẳng định văn hóa của mình một cách mạnh mẽ. Với riêng lĩnh vực ngoại giao, tôi nghĩ Việt Nam nằm trong số những nước mà văn hóa là bộ phận quan trọng trong ngoại giao.

Bên cạnh đó, cần hiểu văn hóa không phải là di sản đóng khung để ngưỡng mộ. Văn hóa là tập hợp hữu hình và vô hình, là tài sản của cả dân tộc, cộng đồng các dân tộc và văn hóa luôn chuyển động với thời gian và thích nghi điều chỉnh với hoàn cảnh. Cho nên bàn về vấn đề này phải thấy rằng văn hóa vừa rắn, vừa là mở. Cái rắn đó chính là nền tảng, là cốt lõi, xuyên suốt; còn cái mở là hình thức, hình thái.

Như câu chuyện chiếc áo dài, tôi vẫn đùa: Cách tân đến đâu thì còn là áo dài, từ đâu thì không còn là áo dài. Khi bắt đầu áo dài mặc với váy ngắn thì tôi thấy không còn là áo dài nữa, thà mặc áo váy Âu vậy. Đó là cảm nhận của tôi. Hiện nay nhiều bạn trẻ phần nào bối rối trong việc chọn may áo dài, nên chăng có những gợi ý từ nhà thiết kế giúp các bạn có những lựa chọn tốt hơn, để chiếc áo dài trở thành một thế mạnh và vẫn giữ được vẻ đẹp tinh tế của tà áo dài Việt Nam.

Theo bà, hình ảnh trọn vẹn của văn hóa cần được hiểu ra sao?

- Tôi cũng cho rằng văn hóa là giá trị xuyên thấu trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, và mọi thành phần. Văn hóa không phải chỉ là hoạt động chuyên môn của một ngành mà là chiều kích trong mọi lĩnh vực, là vấn đề không phải của riêng một người hay nhóm người, mà nên là mối quan tâm của tất cả chúng ta.

Văn hóa càng giữ vai trò quan trọng khi nhắc đến doanh nhân và doanh nghiệp vì trong bối cảnh đổi mới kinh tế, doanh nhân, doanh nghiệp cũng là bộ mặt của đất nước. Chúng ta cần quan tâm làm thế nào để doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ mang “bề nổi” của sự giàu có, sung túc trên thị trường trong nước và quốc tế, mà còn phải “có văn hóa”. Đó mới là hình ảnh toàn vẹn.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh chụp ảnh kỷ niệm trong Giao lưu “Vai trò của phụ nữ trong chiến tranh và hòa bình” tại Italy.

Bà được biết đến nhiều nhất ở cương vị một nhà ngoại giao với sự trí tuệ, mềm mỏng và cứng rắn khi cần thiết. Nhưng trước khi đến với ngoại giao, bà cũng được biết đến là một giáo viên dạy Anh văn. Vậy con đường đến với ngoại giao của bà như thế nào?

- Con đường dẫn tôi đến với ngoại giao có lẽ cũng là cơ duyên. Còn nhớ lúc tôi học ở Paris (Pháp) năm 1964. Paris những năm 60 của thế kỷ trước là một môi trường rất quốc tế. Đó là thời trên thế giới tuổi trẻ, thanh niên xuống đường để ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc. Thành thử, tôi được học đại học trong môi trường tư duy quốc tế rất rộng mở, phong trào sinh viên và trí thức yêu nước ở Paris cũng rất sôi nổi để phản đối chiến tranh, khôi phục hòa bình và thống nhất đất nước. Tư duy chính trị của tôi đã hình thành từ rất sớm chứ không phải bắt đầu từ cuối những năm 1970.

Về lối rẽ sang con đường làm ngoại giao, lúc đó tôi đang là Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ của Đại học Sư phạm Sài Gòn, yên ổn với vai trò một giảng viên, bỗng nhiên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Xuân Thủy dịp vào TPHCM gọi tôi đến nói chuyện và đề nghị tôi ra Hà Nội làm công tác ngoại giao. Một con đường mới mở ra trước mắt, tôi rất phân vân.

Ông Xuân Thủy thời điểm đó có chia sẻ sự phân vân của tôi về chuyện đi hay ở thế này: Thật sự cô làm giáo dục cũng là đóng góp thôi, nhưng không có cô thì sẽ có những người khác đóng góp tốt. Còn ngoài Hà Nội vào thời điểm này số người có kinh nghiệm sống và hiểu biết về xã hội và văn hóa phương Tây ít lắm, người sống trực tiếp ở châu Âu như cô càng ít. Rồi ông giải thích, cái mà mình đang cần là người hiểu được tư duy, lối sống, kiểu cách của những người phương Tây.

Những lập luận của ông Xuân Thủy đã thuyết phục tôi. Như vậy, tôi ra Hà Nội từ tháng 11/1979. Tôi nghĩ tôi hợp với con đường ngoại giao không chỉ thuận lợi về vấn đề ngoại ngữ mà về thực sự tôi đã rất quan tâm tới những vấn đề quốc tế từ thời sinh viên. Và tôi cũng may mắn có chút kỹ năng giao tiếp, rồi đối thoại, đặc biệt là tranh luận và đàm phán. Bên cạnh đó cách nhìn, tầm nhìn cũng phù hợp. Con đường đến với ngoại giao với tôi là như vậy.

Thưa bà, bước ngoặt ngoại giao là một cơ hội với bà. Đến nay trong các diễn đàn, bà vẫn đưa ra lời khuyên có cơ hội hay thì mình phải sẵn sàng dấn thân?

- Nói về bước ngoặt làm ngoại giao, thực sự là tôi đấu tranh tâm lý dữ dội lắm, có cả sự ngăn cản từ phía một số bạn bè. Năm 1979, miền Bắc còn nhiều khó khăn. Tôi hoàn toàn tay trắng nhưng tư duy của tôi lúc ấy có cơ hội hay thì mình phải sẵn sàng dấn thân, phải mạo hiểm một chút. Tôi cũng thấy rằng ở đâu mình đóng góp được, tạo được đổi thay dù nho nhỏ đi nữa và tạo được dấu ấn thì mình tới đó. Đó chính là lý do tôi ra Hà Nội.

Nơi tôi tham gia đầu tiên là Ban Đối ngoại với công việc phiên dịch cho cán bộ cấp cao Nhà nước, rồi chuyển qua Bộ Ngoại giao chuyên về ngoại giao đa phương và làm Đại sứ của Việt Nam tại Bỉ và bên cạnh EU. Cuối cùng, tôi đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại phụ trách quan hệ Việt Nam – Bắc Mỹ và Tây Âu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Hiện tại tôi vẫn đang bận rộn với hoạt động đối ngoại nhân dân và công việc thiện nguyện trong vai trò Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM.

Bà đánh giá như thế nào về sự hội nhập của Việt Nam hiện nay?

- Tôi cho rằng hai vế thách thức và cơ hội luôn đi với nhau, như vậy tuổi trẻ cần phải biết ta và biết người. Đôi khi tuổi trẻ hăng hái hội nhập, để biết bản thân, để có thể mạnh dạn hơn. Phải biết mình có giá trị gì, sức mạnh gì, khả năng gì, sức hút gì thì khi ra trận mới phát huy được sức mạnh.

Trong hội nhập, tôi muốn nhắc đến khái niệm “luật chơi”. Thế giới có những luật chơi do các nước lớn hơn, mạnh hơn từ quá khứ đến ngày nay họ góp phần tạo nên và ta phải tuân thủ. Thế thì cần đặt ra bài toán kép. Cho mọi người và đặc biệt đối với tuổi trẻ. Thứ nhất mình phải biết luật chơi thế nào để tuân thủ, để không bị thổi còi việt vị. Như đá bóng, phải biết luật để khỏi bị phạt. Và biết tận dụng luật chơi.

Vế thứ hai, từng bước trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để một ngày nào đó ta góp phần xây dựng luật chơi. Về ngoại giao ta tham gia lần thứ hai ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phải nói giữa lần thứ nhất và lần thứ hai, rõ ràng lần thứ hai ta tự tin, mạnh dạn, chủ động hơn và có những đề xuất. Việt Nam tham gia các tổ chức đa phương và qua quá trình đó, các nước cũng phải thừa nhận Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực của những tổ chức Việt Nam tham gia.

Như lần thứ hai vừa rồi, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã chứng minh vị thế của mình, không những vậy mình còn chủ động đề xuất. Cái đó tôi gọi là tham gia xây dựng luật chơi, góp phần hiến kế cho chương trình nghị sự ở cấp rất cao là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hay ở ASEAN, từng bước Việt Nam chủ động đóng góp. Thí dụ Việt Nam đã có sáng kiến trong Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM+). Nhờ đó một số nước không nằm trong khu vực vẫn được tham gia. Điều đó nói lên rằng chúng ta đã trưởng thành, đang chuyển từ học và tuân thủ luật chơi, sang vận dụng luật chơi ngày càng nhuần nhuyễn, chủ động và có khả năng đề xuất và được hưởng ứng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm Việt Nam rất khan hiếm vaccine, nhưng đến giờ phút này chúng ta đã thuộc nhóm các quốc gia có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Về chiến lược ngoại giao vaccine, bà đánh giá như thế nào?

- Về vấn đề vaccine triển khai cho người dân, tôi nghĩ lúc đầu hơi chậm. Nhưng đến khi chính quyền đã nhận thức được vai trò của vaccine trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đã có chiến lược ngoại giao vaccine tổng lực. Qua quan sát, tôi thấy sự hưởng ứng đáp lại của các nước rất thuận lợi.

Cái này rất khác với việc xin viện trợ thời đầu hậu chiến tranh (1975-1980). Lúc đó ta vô cùng khó khăn về kinh tế, người ta nhìn Việt Nam với con mắt nói chung chưa hẳn là thuận lợi. Lần này, sở dĩ đến giờ phút này chúng ta thuộc nhóm quốc gia có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới cũng là nhờ một phần đáng kể vào chiến dịch ngoại giao vaccine thành công. Điều đó cho thấy vị thế của Việt Nam đã thay đổi.

Bà sinh ra ở Huế. Xa Huế từ năm 3 tuổi nhưng bà vẫn giữ được chất giọng đậm Huế khiến người nghe như bị cuốn theo. Trong mắt của bà bản sắc văn hóa Huế được gìn giữ như thế nào trước sự va đập của thời cuộc? Nếu có một điều ước cho Huế, bà mong muốn điều gì?

- Phải thú thật, tôi sinh ra ở Huế nhưng hơi mất gốc. Lúc 3 tuổi tôi đã vào Sài Gòn, rồi sang Pháp, sau đó về Sài Gòn, rồi ra Hà Nội. Tôi không rõ chất Huế của tôi đâu, nhưng nghĩ về Huế, yêu Huế là đương nhiên rồi. Trên bản đồ Việt Nam, những gì gắn với lịch sử, với xưa cũ của triều đình vẫn còn lại ở Huế. Còn ở Hà Nội chỉ chủ yếu còn những công trình kiến trúc. Ở Huế không chỉ còn những công trình kiến trúc mà còn lại một vài nhân vật, những vật thể của cuộc sống cung đình… Phải nói rằng nếu muốn quay trở lại thời gian để xem cách sống của triều đình ra sao thì người ta phải quay lại Huế thôi.

Huế là nơi ở lại thì khó, đi thì nhớ. Thứ hai, tôi có mong muốn Huế sẽ trở thành một trung tâm đại học của Việt Nam. Cùng với văn hóa Huế, Huế sẽ trở thành trung tâm giáo dục học thuật. Tôi thấy nơi đây rất hợp để cảm nhận một môi trường giáo dục, khoa học và văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà bà Điềm Phùng Thị về Huế hiến tặng những tác phẩm cuối cùng của bà, người ta đã xây dựng bảo tàng của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tại Huế.

Rồi họa sĩ Lê Bá Đảng ở Pháp về cũng có phòng trưng bày tranh ở Huế. Giờ Huế có không gian Lê Bá Đảng hiện đại, có hơi thở của phong cách không gian tối giản của các nước phát triển, nhưng cũng đậm chất thiền. Ý tôi muốn nói, cũng như mong muốn Huế kết hợp được hai vế truyền thống và hiện đại. Hiện đại theo kiểu tinh tú, trong đó có chiều kích giáo dục, một không gian kết hợp giáo dục và văn hóa.

Có một chi tiết tại các buổi chiêu đãi, bà thường chỉ cầm một ly rượu và tranh thủ trò chuyện với mọi người rồi sau đó về nhà mới dùng bữa. Vậy theo bà một phụ nữ bận rộn thì phải sắp xếp việc gia đình như thế nào cho hợp lý? Bà quan niệm như thế nào về gia đình, nhất là các gia đình trẻ hiện nay vợ - chồng phải có lối ứng xử như thế nào để “giữ lửa”?

- Thông thường khi được hỏi đến chuyện một nhà ngoại giao luôn bận rộn, cần dung hòa cuộc sống gia đình như thế nào. Tôi thường đùa với các bạn trẻ, nhớ chọn đối tượng sao cho trúng chứ đừng trật. Trúng ở đây được hiểu như thế nào? Yêu nhau là chưa đủ phải tôn trọng nhau.

Thứ hai là phải uyển chuyển thích nghi chứ không nên cứng nhắc. Nói cách khác là không có một mẫu áp dụng cho tất cả các cặp, mỗi cặp sẽ có một thế cân bằng uyển chuyển phù hợp cho cặp đó. Tôi lập gia đình muộn nên tôi không gặp những vấn đề của tuổi trẻ bồng bột.

Ngay từ đầu đôi bên cần phải thỏa thuận nhẹ nhàng, có thể không lời, một phương thức chung sống, trong đó giá trị tôn trọng nhau rất nổi trội. Đồng thời yêu thương nhau cũng là một trong những yếu tố cần để giữ hạnh phúc gia đình. Bởi lúc khó khăn, nếu yêu thương nhau người ta có thể làm nên những điều kỳ diệu.

Với người phụ nữ luôn bận rộn công việc, tôi cho rằng cần phải cảnh giác với bản thân. Sở dĩ tôi dùng từ “cảnh giác với bản thân”, là bởi dù có trăm công nghìn việc, nhưng bước chân về đến nhà thì bản thân người phụ nữ phải biết tạo bầu không khí vui vẻ trong tổ ấm của mình. Nói cách khác người phụ nữ cần có nghệ thuật trong xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bà Tôn Nữ Thị Ninh sinh ra tại Huế và theo gia đình sang Pháp từ nhỏ. Sau đó, bà cùng gia đình trở về Sài Gòn, học trung học tại Trường Marie Curie trước khi quay lại châu Âu và học ở Đại học Paris (Pháp) và Đại học Cambridge (Anh).

Từ thời còn ở Pháp, bà đã tham gia hoạt động với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với vai trò là người trợ giúp vòng ngoài cho Phái đoàn đàm phán của Việt Nam tại Paris trong những năm 1968-1972 và một số lần đảm nhiệm phiên dịch tiếng Anh trong các cuộc tiếp xúc không chính thức cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình.

Bà từng dạy Anh văn và văn học Anh ở Đại học Sorbonne. Đến khi về nước năm 1972, bà làm Phó trưởng phân khoa của khoa Anh ngữ (Đại học Sư phạm Sài Gòn). Bà từng là Đại sứ của Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg kiêm Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Bà cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hiện bà là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM.

MINH HẢI (thực hiện)