Mùa xuân bao điều lạ
Tôi được gặp nhà thơ Định Hải từ mùa hè năm 1971. Lúc đó tôi mới 20 tuổi được in cuốn sách “Những tia nắng đầu tiên” ở NXB Kim Đồng. Cùng thời gian ấy Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ hai, NXB Kim Đồng giới thiệu tôi (cây bút trẻ cộng tác viên) và anh Định Hải trưởng phòng biên tập của NXB Kim Đồng đi dự hội nghị này.
Cùng thời gian ấy Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ hai, NXB Kim Đồng giới thiệu tôi (cây bút trẻ cộng tác viên) và anh Định Hải trưởng phòng biên tập của NXB Kim Đồng đi dự hội nghị này.
Đến hội nghị tôi choáng ngợp trước những nhà văn tên tuổi lừng lẫy mà mình mới chỉ được “gặp” trên sách báo. Anh Định Hải quen biết nhiều nên trò chuyện giao lưu rất rộng. Còn tôi, cả ngày ở hội trường nghe các bài phát biểu, chỉ biết ngồi im một chỗ trước rất nhiều ánh mắt nhìn mình.
Đến buổi chiều liên hoan ăn tiệc, tôi rời hội trường lẳng lặng bỏ về nhà. Thế rồi khi tôi đang ăn cơm với mẹ bỗng có tiếng gõ cửa. Anh Định Hải đến! Anh nhìn mâm cơm của hai mẹ con sơ sài rau dưa rồi nói: “Sao mà Liên dại thế. Bữa liên hoan rất ngon lại bỏ về ăn cơm rau với mẹ”. Mẹ tôi nói như người biết lỗi: “Cháu nó còn nhút nhát lắm. Thật là cháu có lỗi với các anh chị nhà xuất bản, các bác nhà văn”.
Anh Định Hải cười xòa: “Không có gì đâu. Thôi bây giờ xin phép bác cho cô Liên đi dự cuộc gặp mặt với các nhà văn ở trụ sở Hội nhà văn Việt Nam”. Khi ấy tôi vẫn rất ngần ngại. Thế rồi tôi linh cảm thấy anh Định Hải là một người có tâm trong sáng, tôi đã đi theo anh.
Tối đó anh Định Hải đi xe đạp đèo tôi đến trụ sở Hội Nhà văn ở 65 Nguyễn Du, Hà Nội). Anh dẫn tôi đi chào các nhà văn lớn Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông… và các nhà văn trẻ đang nổi danh Lê Lựu, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phan Thị Thanh Nhàn…
Đó là cuộc gặp mặt đầu tiên của tôi với văn giới nước nhà. Từ đó trở đi, đã bao nhiêu năm tháng, tôi đồng hành với anh Định Hải trong bao nhiêu chuyến đi và bao nhiêu hoạt động.Anh luôn ứng xử với tôi như người anh trai đối với em gái. Những năm đổi mới, tôi có xe máy đèo anh đi hội họp, giao lưu. Anh nói vui: “Ngày xưa anh đèo em bằng xe đạp vất vả hơn bây giờ em đèo anh bằng xe máy”. Năm ấy nhà thơ Định Hải đã 70 tuổi rồi.
Bao năm làm việc cùng với nhà thơ Định Hải tôi hiểu ông không phải là người ngây thơ mà là người từng trải có tâm hồn trẻ thơ. Phải chăng ông đã được huấn tập trong bầu không khí NXB Kim Đồng thuở đó? Vâng đúng vậy, và còn một lẽ sâu xa ông đã được thừa hưởng truyền thống gia đình, quê hương.
Nhà thơ Định Hải tên thật là Nguyễn Biểu, sinh ngày 6/6/1937 tại xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Bút danh “Định Hải” là tên quê hương của nhà thơ. Quê hương Định Hải đã là nơi hội tụ của nhiều nhà văn thời kháng chiến chống Pháp như ba anh em Vũ Cao, Vũ Ngọc Bình, Vũ Tú Nam, nhà thơ Minh Huệ… Ông anh ruột Nguyễn Bao đã lôi cuốn người em Nguyễn Biểu tập làm thơ từ thuở học trò trường huyện.
Từ một học trò có năng khiếu thơ, năm 1956 Nguyễn Biểu vào học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi ra trường công tác tại Bộ Giáo dục một thời gian, đến năm 1962 ông về làm việc tại NXB Kim Đồng. Thế rồi từ một Nguyễn Biểu làm thơ tình tứ dần dần trở thành Định Hải - nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi. Với những tập thơ “Chồng nụ chồng hoa” (1970); “Hươu cao cổ” (1975); “Em hát - đu quay” (1976); “Bài ca trái đất” (1983); “Bao nhiêu điều lạ” (1994)…
Định Hải cùng Võ Quảng, Phạm Hổ trở thành những vị thủ lĩnh của dòng thơ thiếu nhi nửa cuối thế kỷ XX. Bàn về làm thơ thiếu nhi, nhà thơ Định Hải đã nói: “Làm thơ cho thiếu nhi chỉ có thể thành công bằng con đường hóa thân thành các em. Ngoài ra, khi ta đứng ở cương vị người lớn để nói với các em, hoặc cảm nghĩ và làm thơ về các em thì đó không phải là thơ thiếu nhi”.
Với quan niệm “hóa thân thành các em”, nhà thơ Định Hải không chỉ thành công trong sáng tác, mà ông còn là một nhà biên tập đưa nhiều tác giả thành đạt với thơ thiếu nhi. Trong số đó có sự chuyển mình của nữ sĩ Xuân Quỳnh từ một nhà thơ tình yêu trở thành tác giả tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” (1982). Trong các kỷ niệm biên tập thơ của nhà thơ Định Hải có một câu chuyện gắn với bài thơ “Hương rừng”.
Nhà thơ Định Hải đã kể rằng: Một buổi tối năm 1969 có anh bộ đội trẻ tìm đến tòa nhà 64 Bà Triệu - khi ấy là trụ sở NXB Kim Đồng. Tòa nhà 64 Bà Triệu ngoài hai tầng chính có một tầng hầm. Hồi đó một số gia đình cán bộ đã được phân phối căn hầm làm nhà ở. Căn hầm chật chội ẩm thấp đã từng là tổ ấm của nhà thơ Định Hải và còn là nơi đón tiếp các cộng tác viên ngoài giờ làm việc.
Anh bộ đội Hoàng Minh Chính tối đó đã tìm đến căn hầm gia đình nhà thơ Định Hải để gửi gắm một bản thảo. Anh đã giao cho nhà thơ Định Hải tập thơ chép tay “của tin còn một chút này” trước khi ra chiến trường. Sau cuộc gặp ngắn ngủi, anh bộ đội vội vã lên đường. Nhà thơ Định Hải đã đọc chọn và biên tập một số bài thơ trong tập bản thảo (trong đó có bài thơ “Hương rừng”) để cho ra đời tập thơ “Mặt trời xanh” (NXB Kim Đồng, 1971). Tập thơ có tên tác giả là Minh Chính. Từ khi tập thơ ra đời NXB Kim Đồng đã không thể liên lạc với tác giả bài thơ “Hương rừng”. Anh bộ đội Hoàng Minh Chính đã hi sinh ở chiến trường Quảng Trị vào năm 1970. Ngày nay hàng triệu trẻ em Việt Nam đã thuộc, đã hát những câu:
Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi...
Rất ít người được biết những câu thơ trong sáng của liệt sĩ Hoàng Minh Chính đã được nhà thơ Định Hải đưa lên trang sách Kim Đồng để rồi vào sách giáo khoa và được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành bài hát “Đi học”.
Tên tuổi nhà thơ Định Hải thường gắn với bài thơ “Bài ca trái đất” được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc thành bài hát “Trái đất này là của chúng mình”. Ngoài “Bài ca trái đất”, nhà thơ Định Hải còn có các bài thơ khác được phổ nhạc như bài “Bao nhiêu điều lạ” nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã phổ nhạc thành bài “Mùa xuân có bao điều lạ”.
Tôi nhớ một kỷ niệm ở thư viện Cung Thiếu nhi Hà Nội. Thuở ấy chị Xuân Trường thủ thư ở thư viện thường mời các nhà văn đến nói chuyện văn học và hướng dẫn các em tập sáng tác. Những ngày giáp Tết, chị Trường tổ chức một tiệc trà để cảm ơn các nhà văn và vui đọc thơ, ca hát. Năm ấy, cuộc liên hoan có nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Định Hải, nhà văn Hà Ân, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và tôi góp mặt.
Sau lời chúc tết của chị Trường, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha mang theo đàn guitar xin mở đầu. Vẻ mặt phấn khích, anh nói: “Tôi vừa mới phổ nhạc bài thơ của anh Định Hải. Xin hát để các anh chị, các bạn nghe thử”. Nói rồi anh cầm đàn dạo những hợp âm thánh thót. Tiếng hát trầm vang cất cao hòa với nhịp đàn dìu dặt lan tỏa trong căn phòng có hương trà thơm:
Én có gì lạ báo mùa xuân sang.
Và đất có gì lạ cánh mai vàng ươm
Pháo có gì lạ mà tiếng nổ vang.
Mùa xuân có gì lạ làm em rộn ràng...
Tôi bỗng xốn xang. Như chợt thấy ánh mắt trong sáng của một em bé nhìn lên bầu trời có cánh chim bay, nhìn xuống vườn cây thấy nụ mai vàng nở... rồi tự hỏi: “Có gì lạ? Sao mình rộn ràng... Tết có gì lạ?”. Kìa, ánh mắt nhà thơ Định Hải nhìn đi xa xôi như tự hỏi: “Bút có gì lạ? Viết bài xuân sang”.
Nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Hà Ân ngồi lặng đi, có lẽ các ông đang nghe tiếng mùa xuân đến... Rồi, tất cả vỗ tay theo tiếng đàn hát rộn rã: “Có bao nhiêu điều lạ, trong những ngày xuân sang...”. Bài hát dứt rồi mà mọi người vẫn còn xúc động. Mắt tôi nhòe ướt, tôi tự cảm thấy mình rất dở vì không biết nói gì, chỉ có nước mắt lăn trên má.
Đã bao nhiêu năm qua, giờ đây nhà thơ Định Hải sắp đón mùa xuân thứ 85 của đời mình. Ông từng viết: Tôi đã được hàng chục giải thưởng của nhiều cơ quan, nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất là đã được nhiều thế hệ trẻ Việt Nam rộn ràng cất cao tiếng hát: “Trái đất này là của chúng mình”.
Đối với riêng tôi, nhớ đến nhà thơ Định Hải lại nhớ bài thơ “Bao nhiêu điều lạ”, nhớ kỷ niệm nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha hát bài “Mùa xuân có bao điều lạ” ở Cung thiếu nhi Hà Nội mùa xuân ấy.