Trong sương sớm mùa xuân

Nguyễn Quang Hưng 08/02/2022 07:51

Tràn chảy bao nhiêu rực rỡ là ở đấy, ngày Tết. Những gì nén nín lại, chậm rãi, chờ đợi, giờ bung ra, sáng, mới, tươi tắn.

Minh họa: Nguyễn Minh.

…sang xuân mới, không gian, vạn vật, suy nghĩ, con người, những dòng trôi ý thức được trau chuốt lại, được trồng tỉa mới, được gây dựng thêm nhiều ước vọng.

Chẳng hẹn nhau mà những hoa thắm từ chợ sớm về, từ những xe đạp thồ len lỏi khắp các ngả cùng bừng lên với các màu tranh dân gian đã hiện diện trở lại nhiều hơn trên các tường nhà.

Với trang phục người mới, sạch, thơm tho. Và gương mặt người hoan hỷ. Ngẫm lại những chắt chiu nghèo khó để cả năm có bộ quần áo mới cho con trẻ khi xưa, với sự dành vải thời thiếu thốn mà may đo cho được để đón Tết sau này, với cả những hớn hở chưng diện khi đã đủ đầy ê hề vải vóc, những bộ cánh kiểu cách, lượt là bây giờ…, thấy cái niềm vui con người ta muốn diện mạo, hình thức mình được tương xứng mà cung đón tân xuân, thật cũng không xa nhau là mấy.

Đón những màu Tết, những vẻ người lịch thiệp ấy bước vào, không gian như cũng vừa uyển chuyển sang một độ sạch, trong, tinh mát. Giữa đường làng, trên mặt phố, đứng nhìn lên cây, nhìn lên cao, xanh như non, xanh như vươn ra, cứng cáp.

Nhớ thơ xưa Nguyễn Bính đã phác họa một bức tranh thực lên trang giấy: “Mùa xuân là cả một mùa xanh/ Giời ở trên cao lá ở cành/ Lúa ở đồng tôi và lúa ở/ Đồng nàng và lúa ở đồng anh/ Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh/ Tôi đợi người yêu đến tự tình/ Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/ Bắt đầu là cái thắt lưng xanh” (Mùa xuân xanh).

Nghĩ sang quang cảnh bất chợt đầu xuân bây giờ, mà thi nhân thế hệ mới ngẫu nhiên thu vào tầm mắt, thấy như có những gì vẫn vẹn nguyên, những gì như trở lại: “Có ai đó gọi mình/ khi ngọn chướng vừa về trước ngõ/ hoa âm thầm hương trong gió/ chuông đất reo tiếng trẻ bi bô/ Ai đó xòe tay hạt hoa khô/vừa gieo đất bỗng nở xòe/ câu cổ tích cù lao Ông Hổ/ gọi ta theo dòng vạn vật hữu linh/ Ai vẽ bức tranh/ khói rơm thơm sợi dây diều cánh gió/ ngọn chướng như người bạn nhỏ/ mỗi năm về tưới tuổi xanh (Ai đó gọi tên, Lê Quang Trạng).

Những liên tưởng cũ mới, xưa nay, xa sau, gọi những lớp thời gian và những thế hệ người gần gũi lại. Bao nhiêu điều chưa mất tan đi, còn đó mà cho ta tâm tư, suy xét ngọn nguồn, hiện tại và tư cách bản thân mình trong mênh mang dòng chảy không dừng. Ngày đầu xuân mới, khởi sự đầu năm.

Giờ này, ngày này bao năm xưa về trước bao nhiêu người nhiêu việc đã bắt đầu. Chính ta, trong những tháng năm qua, mỗi mùa xuân lại một khởi động mới. Trùng trùng ức vạn những khởi sinh. Đời người có những xuân sắc khởi đầu và có ngày bước dần đến tàn lụi của một kiếp nhân sinh, một thân phận.

Nhưng không, tôi đã nghĩ, mỗi năm đến lại có mùa xuân mới sau những hạ, thu, đông trập trùng bao nhiêu nắng, mưa, bão, gió, bao nhiêu bụi bặm, những núi đồi, những mầm cây, và sông nước biển hồ. Trong một năm, chẳng phải ta đã hành trình qua rất nhiều tươi mới, vạm vỡ, bền bỉ, yếu đuối và nhọc nhằn đó sao, cả những khi quỵ ngã.

Để sang xuân mới, không gian, vạn vật, suy nghĩ, con người, những dòng trôi ý thức được trau chuốt lại, được trồng tỉa mới, được gây dựng thêm nhiều ước vọng. Vậy, không phải đến một khi nào ở nơi đâu kia, buồn thương mà người phải giã từ cõi sống. Mỗi năm, chúng ta đã được sống qua một kiếp rồi. Để mà mới lên, để mà lại làm, lại đi những con đường tươi nở.

Trong bầu khí quyển đượm đà, thân thiết ấy của đời sống và thời gian, tôi nghe đâu từ xa xa, gọi chân mình đi về phía những quê hương đồng bãi.

Rất lạ là một cảm giác đứng ngoài đường mương cỏ mới nghe về phía làng, nghe ra đằng cánh đồng trải xa đến rặng cây rất nhỏ đằng kia nơi đã thành một vệt xanh dài mờ mờ. Ngày Tết, tôi nghe vẳng từ phía cuối xóm dẫn ra đồng làng, tiếng người lao xao bát đũa. Không đến mức nghe được cả tiếng chạm chén, mà qua giọng cười nói nhỏ nhỏ hơi huyên náo một chút, biết là nhà người ta đang cỗ bàn chúc tụng đầu năm.

Tiếng người không rõ hẳn chén chú chén anh, mà hòa trong một chùm âm thanh chung vui vui, hớn hớn… Lắng nghe ấy, làm mình nao nao theo trong lúc này giữa đồng quê gió vi vút, im lặng cỏ, im lặng cây, thoai thoai dòng nước trong văn vắt. Đồng quê vắng quá, có ai nghe thấy tiếng mùa xuân hiện diện lúc này.

Từ trên lưng đê cao của sông Hồng lớn lao như một biểu tượng hoang sơ nguyên thủy, tôi ra bãi sông vùng Thụy Phương, tiếng nhạc xập xình lán trại ai đó vẳng lại gấp gáp. Mấy ngày đầu năm, để ý mà xem, nhiều nhà thích bật nhạc nhảy - nhạc sàn cho nó phấn khích, hứng khởi. Hình như cũng là điều người ta muốn nói, muốn kêu, muốn hét lên, mà thành lời của mình thì khó, nên mượn món nhạc tưng bừng, tơi bời này, bật ra cho nó thỏa.

Trong nhạc xốn xang văng vẳng ấy, những gốc đào không bán hết đứng im lìm. Gần nguyên một ruộng đào hồng rực, như cả một lớp ánh sáng mờ phủ lên những đốm hồng. Đào không bán hết chiều hai chín, ba mươi, không hiểu chủ vườn có đủ lãi không, mà lúc này, giá như ai được trông thấy, trong xuân đang dào dạt vùng sông nước, cả vùng hoa đơn độc như kiêu hãnh phô phang hết vẻ uy nghi của mình.

Không thể tất cả đều đón xuân với hoa đào, thược dược, đỗ quyên, cúc vàng… ngoài vườn ruộng, mà đã nên cái nếp truyền thống, mua về lo lọ bình đôn chậu mà cắm mà tưới mà sửa sang dáng dấp cho thắm tươi cửa nhà. Nhưng có ở giữa cỏ nước đồng xa mà gặp hoa tươi thắm, mới càng thấy được trọn hơn những tươi đẹp tự nhiên của hoa Tết đầu xuân.

Con đường từ đầu Đại Mỗ chỗ hết Hà Đông nối về phía thôn Dương Nội hồi trước khi lên phường, còn bảng lảng nét thôn dã, mấy thân xà cừ cổ thụ bàng bạc bề thế trên hun hút lối đồng. Ngày đầu năm bụi nước lắc rắc, long lanh mọng lên, đầm ướt những bụi đào thấp hai bên đường. Nước làm thân càng đen thẫm, màu hồng càng ngời lên trong bụi mưa buôn buốt huyền hoặc. Im lặng, đường đồng ẩm ướt hút trắng mờ về xa giữa những vạt đào còn lại.

Con đường dẫn về phía hai làng La Nội và Ỷ La có lễ hội Giã La nổi tiếng tái hiện màn truy đánh hổ. Nghe kể, xưa lắm, vùng đất này có nhiều loài lang thú và hổ ác hại vật, hại người. Dân lập mưu đánh bẫy, đuổi bắt, tiêu diệt đến ác thú cuối cùng là con hổ lang vàng mép.

Giao lao vất vả xưa được tái hiện thành hoạt cảnh dân đuổi theo một người mặc lốt hổ chạy trốn từ trong đình làng ra. Nấp xuống cái cống đá trước cổng đình, người đóng vai hổ trút bộ lốt ở đấy, chạy về, người làng xông vào giằng xé tan tành bộ lốt hổ. Mỗi người đều cố giành lấy một mảnh vải cho may mắn.

Nhiều khi tôi cứ ngẫm ngợi mà lấy làm lạ lẫm rằng cách nơi mình ở không bao xa, nơi ấy từng có hổ, có cuộc chiến mất còn giữa người với mãnh thú trong cuộc khai khẩn, canh tác trên đất hoang, mở làng lập xóm. Thì hàng bao trăm năm, hàng nghìn năm rồi còn gì nữa, khi những cộng đồng người ban đầu còn ít ỏi, di cư giữa những vùng miền trung du, đồng bằng, núi cao, rừng sâu, bãi bờ… để kiếm tìm đất sống.

Nơi mình ở đây biết đâu một thuở nào từng là đầm lầy, là lòng sông. Đất bùn theo dòng bồi đắp, những đời người gồng gánh cuốc cày mà nên bằng phẳng. Và những con đường mình đi hằng ngày đây, lối dọc rẽ ngang, qua những vùng cây mọc dại lúp xúp, chẳng phải từng có thuở nào hùm beo, voi ngựa qua lại, sinh tồn. Mới thấy công cuộc chống chọi, tìm cách sống, chế ngự và chiến thắng của người suốt nhiều thế kỷ không mệt mỏi, mà dẫu có mệt cũng không thể nào dừng, thật là nhọc nhằn, thật là vĩ đại.

Những Tết xuân sinh ra trong chuỗi thập niên, thế kỷ đằng đẵng ấy của các cộng đồng người. Để những ngày khởi sự năm mới tính theo nông lịch, người ta kính cẩn ngẫm điều ơn nhờ tạo hóa, đất trời, tiên tổ đã phù trợ cho no ấm, sinh sôi, cho thóc lúa, cho vật nuôi, cho vật dụng, cho những nếp sống chảy trôi nhịp nhàng, thông suốt. Người ta lắng lại sau tất bật năm trời, giữa sum vầy, thư thái mà có thời gian nghĩ về những lẽ huyền nhiệm, thiêng liêng bao lâu vẫn ở quanh mình, tỏa bóng xuống đời sống gia đình, dòng tộc, cộng đồng mình.

Và kính cẩn trước những thiêng liêng, chúng ta cũng thoáng qua một vài tỉnh táo, cảnh giác, để mà tránh, mà phòng những bất trắc rình rập, những rủi ro có thể xảy đến từ đời sống quanh mình. Dẫu không phải là sự hoang dã hung hiểm nghìn xưa. Thì cũng như quay vòng của non tươi, sung túc, bền lâu, những mầm hung hăng, dữ tợn và biến cố, cũng có khi nào quên ẩn náu để chờ cơn biến động bất ngờ.

Mùa xuân về, những bắt đầu, thời gian một năm, khép rồi lại mở, cho ta những suy nghiệm quý giá trên con đường từng năm chuyển kiếp của mình.

Nguyễn Quang Hưng