Soi chiếu mỹ thuật Việt

Việt Quỳnh (thực hiện) 31/01/2022 21:16

TS Trần Hậu Yên Thế hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nghệ sĩ thị giác, nhà nghiên cứu mỹ thuật. Từ năm 1999 đến 2021, anh có hơn mười công trình nghiên cứu, như “Dịch đồ - Cách tiếp cận từ thị giác”, “Song xưa phố cũ và ghi chép bên lề”, “Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa”, “Mỹ thuật Thăng Long”... 

TS Trần Hậu Yên Thế.

Trước thềm năm mới 2022 là cuốn “Mỹ thuật Việt, soi từ phía khác” (NXB Mỹ thuật).

Theo TS Trần Hậu Yên Thế, lịch sử mỹ thuật Việt, ngay từ ban đầu, được ghi chép lại qua con mắt của những người xa lạ. “Có thể là một sứ giả Trung Hoa, một thương nhân, nhà hàng hải, thầy tu hay học giả phương Tây”. Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: “Đó luôn là những nhận xét, nhận định từ “tầm nhìn tha nhân” (vision de l`autre)- dùng chữ của Nguyễn Thừa Hỷ. Những người đến từ phương xa, rất khác biệt về tập tục, lối sống, quan niệm cùng đức tin, tất có sự khác biệt trong bình luận, nhận xét về mỹ thuật của người Việt.

Vì thế, trong cuốn sách này, tôi sử dụng một lượng tư liệu lớn sách tham khảo nước ngoài để soi chiếu lại các tác phẩm mỹ thuật Việt. Những tư liệu từ bên ngoài, không phải không có những định kiến, những ngộ nhận sai lầm. Nhưng nó đôi khi, nó như gáo nước lạnh làm chúng ta bừng tỉnh, thoát ra khỏi những lối mòn tư duy, những tín điều trong giới học thuật quan phương.

Chẳng hạn như con nghê ở ngai vàng dùng để các hoàng đế đặt chân lên. Đúng là trong quyển sách L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam), viên đại úy Ch.Gosselin đã gọi sai là con rồng. Nhưng cách chú ý tới những tiểu tiết như vậy chỉ có thể là con mắt của kẻ lạ, rất có giá trị. Hiện tại, ngai vàng triều Nguyễn ở điện Thái Hòa được trưng bày và giới thiệu không có đôi nghê này, mặc dù qua những tư liệu tranh vẽ ảnh chụp các vị vua Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại đều thấy có. Tôi dám chắc trong hồ sơ của bảo vật đã bỏ qua chi tiết đôi nghê trên ngai vàng triều Nguyễn. Hầu hết các bài giới thiệu, phim tài liệu về Ngai vàng ở điện Thái Hòa đều bỏ qua hiện vật này.

Vì ngai vàng triều Nguyễn là Bảo vật quốc gia, chúng ta không được phép chấp nhận sự khuyết thiếu này. Với nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, rất cần và rất nên nhìn bằng cả con mắt thân quen và con mắt xa lạ. Đôi khi, vì quá thân thuộc, nên chúng ta đã không để ý tới một hiện tượng, một hành vi, một vật thể nào đó…

Đằng sau các bài viết về những bảo vật quan trọng của mỹ thuật Việt, cuốn sách “Mỹ thuật Việt, soi từ phía khác” mang bóng dáng của tư duy triết học của tác giả khi đặt lại vấn đề: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu.

Việt Quỳnh (thực hiện)