Oai linh của núi

NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG 03/02/2022 10:16

Núi, những ngọn núi, khi đối diện với chúng, con người thường phân làm hai cực, hoặc là sảng khoái, háo hức muốn chinh phục, hoặc ngợp lên vì ngại ngần, tìm cách thoái lui.

Minh họa: Phạm Hà Hải.

Tôi không rõ mình nằm ở cực nào, nhưng tôi biết mười mươi cái ý nghĩ núi không chỉ là núi thì nảy ra từ cái phiên gác đêm đầu tiên trong cuộc đời quân ngũ.

Hồi ấy đơn vị tôi đóng quân ở dưới chân dãy núi có tên là Núi Voi, vì từ xa trông nó có hình rất giống con voi. Ban ngày, dãy núi gần gụi dù ngạo nghễ trong cái lớp xanh rì của cây cối, nhưng đêm xuống thì nó đột nhiên sừng sững, xa lạ đến phát rợn. Chòi gác của chúng tôi nhìn lên bờ hông của voi, một vách núi thẳng đứng, phẳng đến mức cây không thể bám trên đó cho nên nó luôn phơi ra màu đá trắng pha hồng như vết thương chí tử bởi một đường gươm phạt.

Phiên gác đầu tiên trong đời quân ngũ của tôi, lại là đêm có trăng. Trăng rờ rỡ lênh láng như nước xối trên toàn bộ con voi khổng lồ. Trong sự cô tịch đến tê dại bởi ánh trăng, bỗng dưng tôi nghe thấy tiếng uôm uôm nhịp hai, nhịp ba rồi im bặt. Và rồi rõ ràng tôi nhận thấy dãy núi hình con voi rùng rùng chuyển động với những nhịp sóng ngầm ẩn tê dại lan tỏa tận đến vị trí tôi gác. Sáng hôm sau, tôi đem kể lại cho tiểu đội trưởng nghe thì anh ấy nháy mắt nói rằng cái tiếng uôm uôm, gào ào đó là tiếng hổ kêu cho đỡ buồn tình.

Theo kinh nghiệm của anh ấy, mỗi khi hổ cất tiếng, dù vui hay tức giận thì tất thảy, từ những chiếc mũ nấm vốn nhỏ bé, tự tại đến những cây cổ thụ xùm xòa kiêu mạn, cùng với tất cả các loài khác sống trên dãy Núi Voi đều cuồng cả lên. Hổ là linh hồn của núi, nó đánh nhịp buồn vui cho núi đấy, cậu để ý mà xem. Tiểu đội trưởng nhướn mày kết luận vậy rồi bỏ đi.

Những phiên gác sau, giữa đêm khuya giá lạnh, lạnh đến mức tuồng như đá cũng phải thu hẹp diện tích lại để giữ hơi ấm, một mình ôm súng ngồi nhìn lên ngọn núi bàng bạc, thi thoảng tôi lại nghe hổ cất tiếng, lần thì kêu thư thả, sảng khoái, lúc lại gầm vang nộ khí. Đúng như tiểu đội trưởng nói, mỗi lần hổ cất tiếng, không chỉ núi, mà tuồng như cả không gian đều như ngây ngấy sốt. Những đêm hổ không kêu, núi như mất hồn, cứ rỗng rễnh, vật vờ giữa mù sương.

Gần ba năm quân ngũ, tôi được sống trong cảnh ngày thuộc về con người, đêm thì hồng hoang của hổ.

Đêm trước hôm khi ra quân, chính xác là trở về đồng bằng, tôi dậy sớm ra ngồi cùng anh bạn trẻ đang phiên gác. Hai chúng tôi, một lính cũ, một lính mới, không ai nói gì, chỉ ngó lên dãy núi cho tới tận lúc sương mù cuồn cuộn dạt đi vì ánh dương bắt đầu vươn dậy. Tôi chờ được nghe tiếng hổ một lần nữa để tạm biệt nó, nhưng tuyệt không thấy. Chẳng hiểu oai linh của núi hôm ấy đã đi đâu.

Sau này, ở thành phố, mỗi khi ngồi uống rượu đến độ ngà ngà, anh bạn nhà văn thường gặng hỏi tôi về cảm giác của những phiên gác đêm một mình. Phần nhiều là tôi ấp úng. Không phải tôi ngại ngùng, hoặc giấu giếm điều gì, đơn giản là tôi không diễn đạt được cái mình cảm thấy lúc ấy. Ngôn ngữ không phải lúc nào cũng chứng tỏ quyền uy và khả năng diễn đạt tuyệt đối của nó.

Thú thực là tôi cũng chẳng hiểu sao thời ấy mình vẫn có thể gánh được sự cô đơn nặng nghìn tấn với nhịp thở của đều đều, khi mà sóng điện từ của các vì sao khuya lớp lớp dội vào cơ thể. Cũng chẳng hiểu cái gì giữ cho thần trí tôi lúc ấy có thể chứa nổi tiếng uôm uôm uy nghi, ma mị kia mà không bị tan tành như tiếng vỡ bát đĩa thời thơ bé đểnh đoảng chúng ta gây ra. Con người còn là con người khi trong nó vẫn ẩn chứa những đỉnh cao hoặc vực thẳm mà chính bản thân nó không thể khám phá hết.

Thế gian cần những đỉnh núi để cất giấu bí mật của sự sống, còn những đỉnh núi phải có hổ để khỏi bị phạm thiêng, vấy bẩn. Núi là cầu nối giữa trần gian với thiên cung, giữa phàm nhân với thánh thần. Vì thế, lên núi là nỗi say mê, đau đáu nhất của con người, cũng là nỗi sợ hãi tột cùng của con người.

Khi đã hiểu tường tận chính mình thì hẳn chúng ta sẽ vô cùng tẻ nhạt. Những ngọn núi cũng vậy, nếu không có tiếng hổ gầm, không có những bước êm nhung oai vệ của hổ thì núi chỉ đơn giản là một hình thái địa chất. Chính tiếng hổ trầm gầm tưởng chừng đe dọa, nhưng hóa ra lại gia cố cho tâm trí đang lung lay chao đảo của tôi được vững lại, cũng giống như nó làm cho các ngọn núi trở nên linh thiêng, sống động. Chỉ cần một tiếng gầm thôi, thiên nhiên trở lại hồng hoang đúng nghĩa.

Hổ là kẻ trấn ngự đường lên các đỉnh núi vì thế việc người ta chinh phục núi không chỉ là để thỏa mãn chiều cao, mà trong vô thức, chính là để thỏa cái tâm lí vượt qua được sự kiểm soát, canh giữ của các vị chúa sơn lâm. Khi bạn đến được đỉnh núi, bạn có cái oai linh của hổ, dù chỉ trong thoáng chốc. Hãy tin điều ấy là thật, cũng như nên tin rằng những ngọn núi thực sự là chiến địa để bước vào một thế giới khác.

Có nhiều kẻ bị thảy xuống đáy vực từ trên các đỉnh núi, cũng có những con người được mở đón và ngự trị trên đó. Vượt qua nanh vuốt của hổ, người ta sẽ chứng kiến những ván cờ kỳ ảo nhất, bí hiểm nhất đang được đánh trên núi. Vượt qua tiếng gầm rợn gáy của hổ, người ta sẽ nghe được những bài hát khó hiểu nhất, mê dụ nhất ở trên núi.

Chẳng phải nhờ hổ mà các đỉnh núi luôn thanh sạch để cho những thông điệp vô ngôn tỏa xuống thung lũng hoặc đồng bằng hay sao. Thế gian cần những đỉnh núi để cất giấu bí mật của sự sống, còn những đỉnh núi phải có hổ để khỏi bị phạm thiêng, vấy bẩn. Núi là cầu nối giữa trần gian với thiên cung, giữa phàm nhân với thánh thần.

Vì thế, lên núi là nỗi say mê, đau đáu nhất của con người, cũng là nỗi sợ hãi tột cùng của con người. Chỗ không nhìn tới, không chạm tới phần lớn đều khiến chúng ta phấp phỏng. Không ai biết những gì sẽ diễn ra trên đỉnh núi khi nó vượt tầm mắt chúng ta và vượt cả những tầng mây. Liệu có một đấng bậc nào đó hạ xuống thư thả đùa vui cùng những con hổ với màu lông óng vàng pha những nét vằn lượn tinh xảo trên ấy chăng?

Liệu có gì rướn lên với lời trần tình về nhân gian ngày càng vắng bóng những oai linh đĩnh đạc mà thêm đầy rẫy những nhộn nhạo, cầy cáo chăng? Chẳng ai dám xác quyết cả. Cũng như chẳng ai dám đảm bảo rằng trong mỗi chúng ta không sẵn có những ngọn núi, chúng bị cơm áo gạo tiền thường ngày làm khuất lấp đi, cho tới một lúc nào đó chợt lộ ra cùng với tiếng gầm đầy mãnh lực bí ẩn.

Những ngọn núi, chúng không chỉ là granit, là vôi, là hoa cương nữa, chúng thành biểu tượng, thành ẩn dụ, thành nỗi hoài nhớ và khát vọng của chúng ta khi trên ấy còn tiếng hổ cất lên.

Tôi vẫn nhớ về những phiên gác đêm của tuổi trẻ trai ở vùng biên ải kia, nhớ khôn nguôi. Đôi lúc tôi chạnh nghĩ, thời này những ngọn núi ngày một thấp bé, trơ trọi đi bởi đã vắng dần bóng dáng uyển chuyển, sóng sánh của những vị chúa sơn lâm.

NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG